Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em: Những thông tin cần biết
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em với các đặc trưng bởi xuất hiện một cách đột ngột, ở một giai đoạn ngắn nhưng mang tính chất nghiêm trọng khiến con trở nên run rẩy, căng thẳng, thở dốc, đau tức ngực. Tình trạng này nếu kéo dài và xảy ra với tần suất liên tục có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, cuộc sống, quá trình phát triển toàn diện của trẻ nên cần có hướng can thiệp càng sớm càng tốt.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em là gì?
Việc trẻ em có cảm giác sợ hãi là một điều bình thường, đặc biệt khi con nhìn thấy những gì đó quá mới lạ mà con chưa nhìn thấy bao giờ. Tuy nhiên thường nỗi sợ của con chỉ dừng ở mức la hét, khóc lóc, chỉ cần vật thể, tình huống khiến con sợ hãi biến mất thì con cũng vượt qua được cảm giác này. Không chỉ trẻ em mà ngay cả thanh thiếu niên hay người thành khi đứng trước nỗi sợ thường cũng phản ứng như thế.
Rối loạn hoảng sợ của trẻ em là trạng thái trẻ ở trong một nỗi sợ nhưng lại có xu hướng bùng phát một cách đột ngột, có tính chất kích phát, đôi khi không ở trong một nguyên nhân hay tình huống nào cụ thể. Cơn hoảng sợ thường kéo dài trong thời gian ngắn, thường chỉ 5- 10 phút nhưng có tác động nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, hành vi của trẻ. Đây là một dạng thuộc nhóm rối loạn lo âu có thể gặp ở mọi đối tượng.
Thống kê cho thấy có khoảng 1,6% dân số, bao gồm cả trẻ em được chẩn đoán có đủ tiêu chuẩn mắc rối loạn hoảng sợ, trong đó 1/5 trẻ em cũng được chẩn đoán ở mức độ lâm sàng. Nỗi hoảng sợ đột ngột dường như làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư duy, khiến họ dường như trở nên “đông cứng” trong trạng thái căng thẳng.
Nỗi hoảng sợ vốn dĩ luôn là những điều ai cũng muốn tránh xa vì nó không hề mang đến những cảm xúc thú vị hay tích cực. Rối loạn hoảng sợ diễn ra với tần suất tăng dần ( trung bình ít nhất 1 tuần/ 1 lần) dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực với chất lượng cuộc sống, tinh thần, thể chất cùng rất nhiều khía cạnh khác trong đời sống của từng người.
Biểu hiện của rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Các trạng thái của rối loạn hoảng sợ ở trẻ em thường được biểu hiện rất rõ ràng, mạnh mẽ, có thể nhìn thấy được. Ở trẻ nhỏ, các biểu hiện được cho là có tính kịch phát và phản ứng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với người lớn vì con vẫn chưa học được cách đối mặt với những trạng thái cảm xúc đột ngột.
Cụ thể, một số biểu hiện của rối loạn hoảng sợ ở trẻ em như sau
- Nỗi hoảng sợ xuất hiện đột ngột được biểu hiện rõ ràng thông qua biểu cảm, hành vi có thể nhìn thấy một cách rõ rệt
- Trẻ thường có các phản ứng như la hét, kích động, bỏ chạy, cơ thể ra nhiều mồ hôi
- Chân tay run rẩy, bủn rủn, mất thăng bằng, choáng váng, chóng mặt, đứng không vững, cơn hoảng loạn tột độ thậm chí có thể khiến trẻ ngất xỉu
- Cơ thể thay đột nhiệt độ một cách bất thường, trở nên nóng bừng hay lạnh cóng toàn thân
- Tim đập nhanh, cảm thấy khó thở và thở dốc, toàn thân run rẩy khó kiểm soát
- Cơn hoảng sợ thường khá ngắn, chỉ diễn ra trong 5- 20 phút nhưng đôi lúc trạng thái căng thẳng cũng kéo dài cả tiếng đồng hồ với mức độ giảm dần
- Rối loạn hoảng sợ thường có xu hướng tái phát nhiều lần, trung bình 1 tuần/ 1 lần hoặc cũng có thể tăng với tần suất cao hơn, tùy từng đối tượng
- Cơn hoảng sợ có thể bùng phát một cách đột ngột ở bất cứ đâu, kể cả khi một mình hay đến trường hay đến những nơi công cộng mà không cần có bất cứ tình huống nào tác động cụ thể
- Trẻ có xu hướng sợ phải rời xa cha mẹ, sợ đến những nơi đông người, luôn bám cha mẹ quá mức
- Có xu hướng nhạy cảm và dễ giật mình quá mức với cả các tình huống bình thường
- Càng về sau nỗi sợ càng tăng lên, đặc biệt nếu ở trong các tình huống có thể gây hoảng sợ, chẳng hạn như bóng tối, nơi đông người, trong các khoảng kín…
Rối loạn hoảng sợ cũng có xu hướng đi kèm một vài vấn đề khác, chẳng hạn chứng sợ khoảng rộng, rối loạn lo âu chia ly hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế..
Nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Hiện nay các nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định chính xác đâu là nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ ở trẻ em mà chỉ có thể đưa ra một vài yếu tố được cho là có liên quan, gây kích hoạt nỗi sợ phi lý trong tâm trí mỗi người. Đây cũng là nguyên nhân khiến hiện nay chưa đưa ra được các yếu tố đề phòng nguy cơ này một cách quá rõ ràng.
Cụ thể, một số yếu tố được cho là có liên quan đến rối loạn hoảng sợ ở trẻ em bao gồm:
- Yếu tố di truyền: nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nguy cơ mắc chứng rối loạn này là khoảng 2. 3%, tuy nhiên nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc chứng này thì tỷ lệ này lên tới 24.7%. Dù vậy các nghiên cứu vẫn chưa thể tìm thấy các gen được cho là có liên quan đến rối loạn hoảng sợ ở trẻ em một cách rõ ràng.
- Sự bất thường ở não bộ: Thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu đã giúp các nhà nghiên cứu tìm thấy có sự suy giảm đáng kể các thụ cảm thể benzodiazepine tại vùng thùy trước trán và vùng hồi hải mã. Mặt khác nồng độ GABA ở vùng chẩm của những đối tượng này cũng thấp hơn so với người bình thường 22%.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em và những hệ lụy
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em không phải tình trạng diễn ra thường xuyên nhưng có thể gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, tinh thần , sức khỏe cùng rất nhiều mặt trong đời sống của mỗi người. Một người khi luôn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi, lo lắng nào đó thì chắc chắn không thể có một cuộc sống thoải mái. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em có thể gây ra rất nhiều các hệ lụy tiêu cực sau
- Suy giảm chất lượng đời sống, học tập do luôn có cảm giác phải đối diện với nỗi hoảng sợ vô hình
- Trở nên nhạy cảm hơn và có thể hình thành nỗi ám ảnh với những nơi có bóng tối, khoảng hẹp, nơi quá đông người khiến trẻ hầu như không dám ra ngoài, đặc biệt nếu không có cha mẹ
- Không thể tập trung dẫn tới suy giảm khả năng học tập một cách đáng kể
- Tinh thần tiêu cực, dễ có các hành vi bốc đồng kích thích
- Khó kết nối với xung quanh, khó tương tác với bạn bè và những người xung quanh
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em nếu không sớm điều trị có thể kéo dài đến giai đoạn trưởng thành dẫn tới người đó rất khó hòa nhập vào cuộc sống, khó khăn trong cả học tập, công việc cùng rất nhiều khía cạnh khác. Thậm chí sự căng thẳng, lo âu diễn ra thường xuyên còn làm tăng cao nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí là có thể có các hành vi tự hại bản thân hay tự sát để vượt qua nỗi ám ảnh phi lý của bản thân.
Có thể bạn quan tâm: Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Làm sao để chữa trị?
Hướng điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Mặc dù chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ ở trẻ em tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra một vài biện pháp để kiểm soát được những cơn hoảng sợ phi lý này. Các bác sĩ cũng cho biết hầu hết bệnh nhân đều có tiên lượng khá tốt nếu đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị, khả năng tái phát thường cũng không quá cao.
Điều trị bằng thuốc
Hầu hết mục tiêu của việc sử dụng các loại thuốc là để xoa dịu các cảm xúc lo lắng, bốc đồng, sợ hãi quá mức của trẻ chứ không thể loại bỏ hoàn toàn được những cơn hoảng sợ đến bất ngờ. Việc này điều chỉnh tinh thần, cuộc sống của trẻ ở mức độ ổn định hơn trong các hoạt động khác bên ngoài, gia tăng sự tập trung, học tập hay vui chơi.
Một số nhóm thuốc chính được chỉ định cho rối loạn hoảng sợ ở trẻ em như
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepine: được cho là mang lại đáp ứng tốt nhất cho trạng thái lo âu, hoảng sợ cực độ của bệnh nhân. Thuốc mang tính chất an thần, xoa dịu thần kinh, tuy nhiên thường chỉ định yêu cầu sử dụng ngắn hạn do thường gây ra rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là có nguy cơ gây nghiện và ảnh hưởng đến hệ thần kinh nếu phải sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt với trẻ nhỏ.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: chẳng hạn Imipramine, Desipramine, Doxepin,…cũng được chỉ định khá phổ biến để hạn chế các cơn hoảng sợ kịch phát trong rối loạn hoảng sợ ở trẻ em.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): cũng được sử dụng khá phổ biến vì ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với các dạng thông thường.
Tuy nhiên các nhóm thuốc này hầu như chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, với liều tấn công ở giai đoạn 6 tháng đầu và giảm dần liều trong những tháng tiếp theo khi điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em. Hầu hết thuốc đều kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không tốt, có nguy cơ bị phụ thuộc vào thuốc, thậm chí tăng khả năng tự sát nếu lạm dụng quá mức. Gia đình cần theo sát trẻ khi dùng thuốc, đảm bảo tuân thủ đúng loại, đúng liều lượng để tránh các hệ lụy không mong muốn khác xuất hiện.
Trị liệu tâm lý
Mặc dù rối loạn hoảng sợ ở trẻ em có thể không xuất phát từ những tác động tâm lý, tuy nhiên trị liệu tâm lý vẫn có thể mang đến nhiều cải thiện khả quan và tích cực. Mục đích của phương pháp này chính là giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, cân bằng tâm lý cá nhân, gia tăng các kỹ năng cần thiết để hòa nhập được với môi trường xung quanh, tránh các trạng thái hay hành vi bốc đồng.
Các liệu pháp tâm lý phổ biến thường được chỉ định dùng cho rối loạn hoảng sợ ở trẻ em như
- Liệu pháp động thái tâm lý
- Liệu pháp hành vi
- Liệu pháp nhận thức
Nhà trị liệu sẽ là người làm việc, trị liệu trực tiếp cho trẻ thông qua việc trò chuyện song song. Trẻ được yêu cầu nói rõ về cảm xúc, diễn tả nỗi hoảng loạn của bản thân thông qua đó nhà trị liệu có thể nắm bắt chính xác gốc rễ từng vấn đề. Các biện pháp hướng dẫn kiểm soát cảm xúc, chẳng hạn thông qua liệu pháp hơi thở có thể mang đến những cải thiện tích cực cho bệnh nhân.
Trị liệu tâm lý trên bệnh nhân rối loạn hoảng sợ còn giúp trẻ có niềm tin vào chính bản thân mình, dần hòa hợp với các hoạt động đời sống một cách độc lập mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào gia đình. Điều này rất cần thiết và rất có ích cho con trong quá nhiều phát triển toàn diện về năng lực, thể chất, nhân cách.. đặc biệt trong những giai đoạn đầu đời.
Chăm sóc và hỗ trợ tại nhà
Gia đình cũng cần trực tiếp tham gia vào quá trình chăm sóc và hỗ trợ trẻ vượt qua những cơn hoảng loạn. Không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể có mặt ngay khi cơn hoảng loạn xuất hiện, vì thế cần giúp con học cách vượt qua những giai đoạn này một cách độc lập và an toàn hơn.
Một số vấn đề phụ huynh cần chú ý để chăm sóc, giúp trẻ sớm vượt qua cơn rối loạn hoảng sợ ở bản thân như
- Dành thời gian trò chuyện, chia sẻ, khuyến khích con nói ra nỗi căng thẳng và lo lắng của bản thân
- Để trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng việc không tránh mắng, nói quá nhiều về sự hoảng loạn của con, thay vào đó có thể nhờ con, khuyến khích cho cùng làm phụ những công việc nhà để con có cảm giác mình cũng là người có ích
- Khuyến khích và xây dựng chế độ sinh hoạt, học tập lành mạnh cho con, chẳng hạn đi ngủ đúng giờ, ăn uống có khoa học
- Cùng trẻ luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, vừa tốt cho thể chất vừa tốt cho tinh thần của trẻ. Thiền hay yoga rất tốt cho điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em, đặc biệt trong việc kiểm soát cơn hoảng sợ xuất hiện một cách đột ngột
- Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như các bạn bè khác để con vượt qua dần nỗi sợ và thư giãn hơn
- Điều chỉnh lại việc học tập để nâng cao kết quả theo đúng năng lực của bản thân sau khi đã vượt qua trạng thái hoảng loạn
- Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ và các chuyên gia để có hướng chăm sóc và hỗ trợ trẻ tại nhà một cách có hiệu quả
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em có thể gây ra các tác động lớn đến sự phát triển về mọi mặt, đặc biệt là khía cạnh tinh thần của con nên gia đình cần nhanh chóng có hướng điều trị. Một mối sống khoa học, tích cực, ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn có thể giúp trẻ sớm vượt qua trạng thái này một cách hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu bị suy nhược cơ thể nặng và cách cải thiện
- Bệnh rối loạn tích trữ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Rối loạn định dạng giới tính là gì? Cách phân loại và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!