Bệnh rối loạn tích trữ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Rối loạn tích trữ là căn bệnh kỳ lạ, đặc trưng bởi xu hướng “tích trữ” quá mức những vật dụng không có giá trị, thậm chí là rác rưởi. Rối loạn này có tính chất mãn tính, khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và rõ rệt hơn sau năm 30 tuổi. Dùng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể giúp ích trong việc điều chỉnh hành vi tích trữ đồ đạc quá mức.
Rối loạn tích trữ là gì?
Ngoài các rối loạn tâm lý thường gặp, có rất nhiều hội chứng nghe tưởng chừng như rất vô lý như hội chứng Capgras (chứng bệnh không nhận ra những người thân quen), hội chứng ám ảnh tình yêu, hội chứng sợ bị người khác nhìn và rối loạn tích trữ.
Rối loạn tích trữ (Hoarding Disorder) là rối loạn tâm thần không quá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng gặp khó khăn dai dẳng trong việc vứt bỏ những vật dụng thừa thãi. Ngay cả với những vật dụng không có giá trị kỷ niệm và vật chất, người bệnh vẫn “tích trữ” trong nhà và gần như không thể vứt bỏ được.
Người bị rối loạn tích trữ tin rằng sẽ cần đến những vật dụng này vào một thời điểm nào đó. Chỉ riêng ý nghĩ phải vứt bỏ đồ đạc cũng gây ra tâm trạng bứt rứt, căng thẳng và thậm chí là đau khổ. Ngày qua ngày, số lượng đồ đạc trong nhà tăng lên khiến không gian chật kín, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, gia tăng tai nạn và các vấn đề sức khỏe liên quan đến vệ sinh kém.
Nghe thì tưởng chừng vô hại nhưng rối loạn tích trữ thật sự là vấn đề lớn cần phải được thăm khám và điều trị kịp thời. Đây là rối loạn có tính chất mãn tính và việc điều trị vô cùng khó khăn. Đa phần bệnh nhân không nhận ra sự bất tiện từ việc “tích trữ” đồ đạc, vật dụng không cần thiết. Một số ít nhận ra sự bất thường nhưng không muốn nhận sự hỗ trợ vì cảm thấy tội lỗi và xấu hổ.
Các triệu chứng của rối loạn tích trữ có thể có mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Dù ở mức độ nào, điều trị là điều cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng tránh các sự cố, tai nạn do không gian sống bị thu hẹp.
Thống kê cho thấy, rối loạn tích trữ có thể khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và trở nên rõ rệt hơn sau năm 30 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh ở nam – nữ không có sự chênh lệch. Rất ít trường hợp bệnh có thể tự thuyên giảm, vì vậy những người xung quanh cần hỗ trợ bệnh nhân trong việc thăm khám và điều trị.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tích trữ
Mức độ của rối loạn tích trữ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Chứng bệnh này tiến triển mãn tính và rất ít khi có sự dao động về mức độ (tức là khi không can thiệp, triệu chứng hiếm khi thuyên giảm và cũng ít khi trở nên nghiêm trọng hơn).
Rối loạn tích trữ không quá phổ biến nên chưa được đề cập nhiều. Để bệnh nhân được thăm khám và điều trị sớm, có thể nhận diện chứng bệnh này thông qua những dấu hiệu sau:
- Nhu cầu rất lớn về việc cất giữ đồ đạc, bệnh nhân giữ lại tất cả mọi đồ vật- ngay cả với những vật dụng không thể sử dụng, không có giá trị vật chất lẫn tinh thần. Người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể giữ lại những vật dụng như tờ quảng cáo, túi nilon, quần áo cũ kỹ không thể sử dụng,…
- Mua sắm quá mức những vật dụng không cần thiết. Một số bệnh nhân còn có xu hướng lấy những vật dụng tìm thấy trên đường mang về nhà vì nghĩ rằng sẽ có lúc cần đến.
- Ý nghĩ về việc phải vứt bỏ đồ đạc gây ra sự căng thẳng, đau khổ nhất định cho người bệnh. Do sự căng thẳng, bức bối thôi thúc nên bệnh nhân gần như không thể bỏ đi các đồ vật thừa thãi. Cứ như vậy, đồ đạc trong nhà ngày càng nhiều chiếm hết diện tích và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
- Việc tích trữ đồ đạc diễn ra trong một thời gian dài khiến cho không gian bị chật kín. Không gian sống lộn xộn, các phòng gần như không thể sử dụng được và công năng duy nhất của nhà ở đó là lưu trữ đồ vật.
- Các triệu chứng do rối loạn tích trữ gây ra làm suy giảm đáng kể hiệu suất công việc, các mối quan hệ xã hội,… Đa phần người mắc chứng bệnh này đều xấu hổ vì sự bừa bộn của mình. Họ thường từ chối mời bạn bè, người thân, thậm chí là thợ sửa chữa vào nhà.
- Các vật dụng, đồ đạc tích trữ quá nhiều sẽ khiến người bệnh dễ bị tai nạn do không gian sống không an toàn. Các sự cố có thể gặp phải như té ngã, hỏa hoạn, hệ thống nước bị tắc nghẽn,…
- Người mắc chứng rối loạn tích trữ có xu hướng cầu toàn quá mức, hay trì hoãn, trốn tránh và thiếu quyết đoán. Bệnh nhân thường lên kế hoạch rõ ràng cho các dự định để giảm thiểu tối đa sai sót.
- Nếu chung sống với người khác, bệnh nhân thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn với người thân. Khi những người xung quanh yêu cầu vứt bỏ bớt đồ đạc, người bệnh có thể phản ứng gay gắt, thậm chí là gây hấn.
- Vì đồ đạc quá nhiều nên gần như không thể sắp xếp một cách gọn gàng. Người bệnh dễ làm mất những đồ dùng, tài liệu quan trọng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến công việc và các mối quan hệ.
- Có cảm giác an toàn khi xung quanh là đầy đủ những vật dụng mà bệnh nhân tích trữ được.
- Người mắc chứng rối loạn tích trữ gần như không muốn lãng phí bất cứ thứ gì. Từ đồ ăn, giấy báo, ống hút cho đến những đồ đạc linh tinh không thể sử dụng đều được giữ lại.
- Ngoài tích trữ đồ đạc, một số người có xu hướng tích trữ động vật. Họ nhận nuôi bất cứ chó, mèo hoang nhưng lại không biết cách chăm sóc và quản lý sinh sản dẫn đến số lượng thú cưng tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm con vật.
Việc tích trữ đồ đạc nghe tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy. Vấn đề lớn nhất có thể nhận thấy là môi trường sống không an toàn, dễ phát sinh cháy nổ, hỏa hoạn, té ngã. Thú cưng không được chăm sóc đầy đủ dẫn đến bệnh tật, sinh sản quá mức, điều kiện sống mất vệ sinh,…
Rối loạn tích trữ thường bắt đầu từ giai đoạn thanh thiếu niên và trở nên rõ rệt hơn theo tuổi tác. Theo thống kê, những vật phẩm người bệnh thường tích trữ bao gồm quần áo, tạp chí, sách, thùng chứa, hóa đơn, tờ rơi,…
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tích trữ
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn tích trữ. Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng, sự bất thường của não bộ và di truyền là những yếu tố góp phần gây ra chứng bệnh này.
Những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tích trữ:
- Đặc điểm tính cách: Điểm chung của người bị rối loạn tích trữ là thiếu quyết đoán. Tính cách này khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định vứt bỏ các đồ vật không còn sử dụng được. Người có tính tiết kiệm quá mức cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn tích trữ có liên quan đến tiền sử gia đình. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể nếu gia đình có người mắc chứng bệnh này hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần có triệu chứng tương tự.
- Tổn thương tâm lý: Các triệu chứng của rối loạn tích trữ có thể bùng phát sau khi phải đối mặt với những sự kiện gây ra căng thẳng thần kinh như ly hôn, mất người thân, mất tài sản sau một vụ hỏa hoạn, phá sản,…
- Có sẵn các vấn đề sức khỏe tâm thần: Bệnh rối loạn tích trữ hiếm khi khởi phát đơn độc mà thường đi kèm với những rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Môi trường sống không thuận lợi: Các chuyên gia nhận thấy, môi trường sống không thuận lợi là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố được ghi nhận bao gồm lớn lên trong môi trường bừa bộn, không được dạy cách sắp xếp gọn gàng các đồ vật. Tuổi thơ thiếu thốn, nghèo khó, sống cô độc, chưa lập gia đình cũng là đặc điểm thường thấy ở bệnh nhân rối loạn tích trữ.
Phần lớn các đồ đạc, vật dụng được bệnh nhân tích trữ đều không có giá trị sử dụng – thậm chí những người xung quanh xem đó là rác rưởi. Tuy nhiên, người bệnh lại có tình cảm gắn bó rất chặt chẽ với tất cả những món đồ có được. Vì vậy, ý nghĩ sẽ phải vứt bỏ đồ đạc gây ra cảm giác căng thẳng, đau khổ cho bệnh nhân.
Rối loạn tích trữ – Căn bệnh gây ra nhiều phiền toái
Tích trữ đồ đạc, vật dụng nghe có vẻ vô hại nhưng gây ra rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đồ đạc tích trữ ngày càng nhiều khiến các phòng đều không thể sử dụng. Bệnh nhân khó có thể đi lại trong nhà, dễ làm mất các đồ đạc quan trọng, gây phiền toái trong việc vệ sinh cá nhân.
Không gian sống rất mất vệ sinh do đồ đạc quá nhiều và người bệnh không biết cách sắp xếp gọn gàng. Hành vi tích trữ đồ đạc còn khiến bệnh nhân gặp vấn đề với những người cùng chung sống. Đa phần những người xung quanh đều không chịu được thói quen này và quyết định sống riêng.
Người mắc chứng rối loạn tích trữ có xu hướng sống một mình. Thứ nhất là vì những phiền toái gây ra cho những người xung quanh. Thứ hai là vì bệnh nhân cảm thấy xấu hổ vì sự bừa bộn của bản thân và không muốn để gia đình, bạn bè nhìn thấy.
Mối nguy lớn nhất của rối loạn tích trữ là làm gia tăng sự cố, tai nạn. Các sự cố có thể xảy ra bao gồm:
- Dễ phát sinh hỏa hoạn do đồ đạc bừa bộn, không được sắp xếp gọn gàng
- Trường hợp xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về người và của là rất lớn do đồ đạc chặn hết tất cả lối thoát hiểm.
- Dễ té ngã do khó khăn khi đi lại.
- Đồ đạc không được sắp xếp ngăn nắp có thể đổ lên người gây thương tích.
- Tích trữ đồ đạc khiến cho không gian sống mất vệ sinh. Nhà có nhiều gián, chuột, các loài gặm nhấm,… mang theo nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn tích trữ cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tính cách kỳ lạ sẽ khiến người bệnh bị cô lập, khó khăn khi kết hôn và duy trì các mối quan hệ. Những phiền toái do chứng bệnh này gây ra cũng khiến cho công việc, các mối quan hệ gặp phải nhiều vấn đề.
Nếu không được hỗ trợ, bệnh nhân rối loạn tích trữ sẽ phải đối mặt với các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu lan tỏa,… Người bệnh có xu hướng tìm đến bia rượu, chất gây nghiện để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.
Phân biệt rối loạn tích trữ và sở thích sưu tầm
Rối loạn tích trữ đôi khi bị nhầm lẫn với sở thích sưu tầm thông thường. Một số người có sự yêu thích đặc biệt với lĩnh vật hoặc vật dụng nào đó. Họ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và săn lùng những vật dụng với mục đích sưu tầm. Vật dụng sưu tầm có thể có giá trị vật chất hoặc đôi khi chỉ mang giá trị tinh thần.
Sự khác biệt giữa rối loạn tích trữ và thói quen sưu tầm là đồ sưu tầm sẽ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Hơn nữa, những món đồ sưu tầm thường có những đặc điểm chung (chủng loại, nguồn gốc, màu sắc,…).
Ngược lại, bệnh nhân rối loạn tích trữ không có chọn lọc trong việc giữ lại các đồ đạc. Người bệnh tích trữ tất cả các vật dụng và không bao giờ vứt bỏ một thứ gì đó. Dù đó là thứ đã không còn có thể sử dụng và cũng không mang bất cứ giá trị lưu niệm nào.
Sự “tích trữ” ngày qua ngày khiến cho đồ đạc chật kín hết không gian sống. Nhiều trường hợp người bệnh không thể đi lại bình thường do đồ đạc quá nhiều. Không gian sống mất vệ sinh, nồng nặc mùi hôi gây ra nhiều phiền toái cho chính người bệnh và những người xung quanh.
Chẩn đoán rối loạn tích trữ
Một số bệnh nhân có thể nhận ra sự bất thường trong hành vi tích trữ đồ đạc của mình nhưng cũng có nhiều trường hợp hoàn toàn không nhận ra. Rất ít người chủ động thăm khám về rối loạn tích trữ mà thường vô tình phát hiện bệnh khi mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn lo âu.
Chẩn đoán rối loạn tích trữ chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân phải có hành vi tích trữ đồ đạc trong thời gian dài, có thói quen mua những vật dụng không thực sự cần thiết. Tranh cãi gay gắt với những người xung quanh về việc tất cả vật dụng sẽ được sử dụng ở một thời điểm nào đó.
Để đưa ra chẩn đoán chính thức, bác sĩ có thể yêu cầu cung cấp video clip và hình ảnh về không gian sống. Trò chuyện với những người cùng chung sống để xác thực hành vi tích trữ và mua sắm những vật dụng không thật sự cần thiết.
Rối loạn tích trữ đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức trong DSM-5. Sau khi khai thác các dữ liệu, bác sĩ sẽ dùng tiêu chí để đưa ra chẩn đoán xác định.
Các phương pháp điều trị rối loạn tích trữ
Bệnh nhân rối loạn tích trữ rất hiếm khi chủ động thăm khám và điều trị. Nếu nghi ngờ người thân/ bạn bè mắc chứng bệnh này, hãy cố gắng thuyết phục họ đến gặp bác sĩ.
Người bệnh có thể từ chối vì họ tin rằng bản thân không cần được giúp đỡ. Để tránh những mâu thuẫn không đáng có, nên trấn an việc thăm khám sẽ giúp bệnh nhân sắp xếp đồ đạc ngăn nắp hơn. Đồng thời nên nhấn mạnh rằng sẽ không có ai tự tiện vứt bỏ đồ đạc mà chưa thông qua ý kiến của họ.
Điều trị rối loạn tích trữ còn nhiều hạn chế nhưng nếu can thiệp sớm và tích cực, các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, gia đình phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền để có thể dọn dẹp, loại bỏ tất cả những vật dụng không cần thiết.
1. Sử dụng thuốc
Bệnh nhân rối loạn tích trữ có tình cảm gắn bó sâu sắc với đồ vật. Khi những người xung quanh tự ý vứt bỏ đồ đạc, người bệnh sẽ có phản ứng tức giận, thất vọng và nhanh chóng “tích trữ” vật dụng để có cảm giác an toàn, thoải mái.
Để tránh gây ra cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân, bác sĩ khuyến khích nên dùng thuốc trước khi dọn dẹp, vứt bỏ những vật dụng không thể sử dụng. Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng lo âu, đau khổ, căng thẳng,… và các rối loạn tâm thần đi kèm.
Hiện FDA Hoa Kỳ chưa phê duyệt bất cứ loại thuốc nào trong điều trị rối loạn tích trữ. Dù vậy, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) có thể được cân nhắc sử dụng. Thuốc có hiệu quả trong việc giảm cảm giác phiền muộn, đau khổ, thất vọng và giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tâm trạng cho người bệnh.
2. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Tính đến nay, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) vẫn là phương pháp hiệu quả nhất đối với chứng rối loạn tích trữ. CBT sẽ giúp nhà trị liệu tìm hiểu điều gì góp phần hình thành sự bừa bộn và hành vi “tích trữ” đồ đạc. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu cũng có thể đánh giá suy nghĩ, cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của người bệnh.
Mục tiêu của tâm lý trị liệu nói chung và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) nói riêng là giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ. Từ đó giảm hành vi tích trữ và mua sắm những vật dụng không thực sự cần thiết. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách chống lại sự thôi thúc về việc tích trữ, mua sắm các vật dụng.
Như đã đề cập, đa phần người bị rối loạn tích trữ đều có tính cách thiếu quyết đoán. Vì vậy, nhà trị liệu cũng sẽ tập trung cải thiện đặc điểm tính cách, giúp bệnh nhân đưa ra quyết định một cách mạnh mẽ hơn. Như vậy, người bệnh có thể dễ dàng vứt bỏ những vật dụng không thể sử dụng được.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Khi hành vi tích trữ đồ đạc được cải thiện, cảm xúc cũng sẽ có những chuyển biến tích cực. Song song với quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội để giảm bớt sự cô độc. Các hoạt động này cũng sẽ giúp bệnh nhân tăng tính quyết đoán, nghị lực hơn.
Điều trị rối loạn tích trữ mất rất nhiều thời gian và cần sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Nếu cần thiết, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền để loại bỏ đồ đạc thừa thãi, không thể sử dụng ra khỏi không gian sống. Rối loạn tích trữ có thể tái phát trở lại. Vì thế, bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ và gia đình cần giúp đỡ người bệnh duy trì các thói quen lành mạnh.
Rối loạn tích trữ nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại là căn bệnh tương đối phổ biến. Hiện có khoảng 2% dân số đang phải đối mặt với chứng bệnh này. Nếu nghi ngờ người thân/ bạn bè mắc bệnh, nên khuyến khích họ thăm khám sớm để được hỗ trợ kịp thời.
Kết thúc điều trị, bệnh nhân có thể chưa thể dọn dẹp hết đồ đạc nhưng họ có thể hiểu hơn vấn đề mà mình đang gặp phải. Những người xung quanh cần hỗ trợ để đảm bảo người bệnh được sống trong không gian an toàn và vệ sinh.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo: Dấu hiệu và những ảnh hưởng
- Hội chứng Capgras có liên quan đến tình trạng sa sút trí tuệ
- Hội chứng sợ biển (Thalassophobia): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng Lithromantic là gì? Nhận biết và chữa trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!