Rối loạn định dạng giới tính: Cách phân loại và điều trị
Rối loạn định dạng giới tính còn được biết đến với tên gọi bức bối giới và phiền muộn giới tính. Thuật ngữ này đề cập đến những người có bản dạng giới trái ngược với giới tính sinh học. Khao khát mạnh mẽ được chuyển giới để loại bỏ bộ phận sinh dục và những đặc điểm trên cơ thể.
Rối loạn định dạng giới tính là gì?
Giới tính, xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới là những thuật ngữ vô cùng nhạy cảm. Hiện nay, những định kiến về giới đã được tháo bỏ. Người đồng tính, song tính có thể thoải mái hơn trong việc bộc lộ cá tính thật.
Bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục đôi khi không đồng nhất. Tuy nhiên, điều này được xem là bình thường. Một người có giới tính sinh học nam hoàn toàn có thể nghĩ mình là nữ và cảm thấy bị hấp dẫn bởi người cùng giới.
Xoay quanh giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới có rất nhiều vấn đề. Trong đó, rối loạn định dạng giới tính hiện vẫn đang gây tranh cãi lớn – đặc biệt là với những người trong cộng đồng LGBT.
Rối loạn định dạng giới tính (Gender Identity Disorder) được xác định là rối loạn tâm thần mà người bệnh cho rằng bản thân có giới tính đối lập với giới tính sinh học. Đồng thời có xu hướng chối bỏ cơ thể và khao khát được phẫu thuật chuyển giới. Cách định nghĩa này gây ra tranh cãi lớn vì đây là mong muốn tự nhiên của những người chuyển giới – Transgender.
Sự khác biệt của rối loạn định dạng giới tính với mong muốn chuyển giới thông thường là chứng bệnh này gây ra cho bệnh nhân sự đau khổ, phiền muộn. Bệnh nhân tỏ ra chán ghét, không thoải mái với cơ thể của mình. Nhiều trường hợp còn có các hành vi hủy hoại, gây tổn thương cơ thể (đặc biệt là vùng kín).
Trong khi đó, người có mong muốn chuyển giới vì họ muốn được sống thật với bản thân. Muốn hoàn thiện cả về tâm hồn và ngoại hình. Họ khao khát chuyển giới nhưng không vì thế mà chán ghét cơ thể và không có những hành động cực đoan tự hủy hoại chính mình. Hiểu rõ điều này sẽ giúp những người chuyển giới (Transgender) giảm sự nhạy cảm và tránh những nhầm lẫn không đáng có về chứng rối loạn định dạng giới tính.
Rối loạn định dạng giới tính là tên gọi cũ. Năm 2013, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5) đã bỏ cụm từ “rối loạn” để tránh gây ác cảm với những người có khao khát chuyển giới. Thuật ngữ này còn được biết với những cái tên như bức bối giới, phiền muộn giới tính (Gender Dysphoria).
Đặc trưng của rối loạn định dạng giới tính là cảm giác khó chịu, bức bối với giới tính sinh học. Sự phiền muộn do sự không thống nhất giữa giới tính sinh học và bản dạng giới khiến người bệnh đau khổ kéo dài. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay nghiêm trọng hơn là tự sát.
Nguồn gốc của rối loạn định dạng giới tính
Các vấn đề liên quan đến giới tính được nghiên cứu nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Magnus Hirschfeld – Bác sĩ và Nhà tình dục học người Đức là người đầu tiên đề cập đến sự khác biệt giữa hấp dẫn đồng giới và chuyển đổi giới tính. Thực sự, có rất nhiều người bị hấp dẫn với người đồng giới nhưng không có khao khát muốn chuyển giới. Họ yêu thích cơ thể mình và cảm thấy thỏa mãn khi quan hệ đồng giới.
Vấn đề này tiếp tục được nghiên cứu vào năm 1949 bởi Nhà tình dục học David Oliver Cauldwell. Việc nghiên cứu được tiếp tục và ngày càng được đào sâu khi rất nhiều người khao khát chuyển giới, chối bỏ giới tính sinh học của mình.
Mãi cho đến năm 1980, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 3 (DSM-3) mới đề cập đến “rối loạn định dạng giới tính” lần đầu tiên. Tổ chức Y thế giới cũng đã đề cập đến chứng bệnh này trong ICD-10 vào năm 1990.
Hiện nay, những tranh cãi về rối loạn định dạng giới tính vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên như đã đề cập, rối loạn định dạng giới tính đề cập đến sự đau khổ dai dẳng do giới tính gây ra. Người bệnh khao khát chuyển giới và có bản dạng giới không đồng nhất với giới tính sinh học. Sự phiền muộn kéo dài dai dẳng khiến bệnh nhân cảm thấy ghê tởm và có các hành vi hủy hoại bộ phận sinh dục.
Nhận biết rối loạn định dạng giới tính
Rối loạn định dạng giới tính đã được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) phân loại là rối loạn tâm thần vào năm 1980. Bảng phân loại Quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe (ICD) và Thống kê các chứng rối loạn tâm thần của Hội chẩn đoán y khoa Hoa Kỳ (DSM) cũng đã công nhận chứng bệnh này, kèm theo đó là phác đồ điều trị cụ thể.
Rối loạn định dạng giới tính có thể được chẩn đoán ở cả người lớn và trẻ em. Biểu hiện ở từng bệnh nhân đôi khi có sự khác biệt nhưng nhìn chung đều là hành vi chối bỏ giới tính sinh học đi kèm với sự phiền muộn, đau khổ dai dẳng.
Biểu hiện của rối loạn định dạng giới tính ở trẻ em:
- Cảm thấy khó chịu, ghê tởm bộ phận sinh dục.
- Thể hiện mong muốn, khao khát trở thành người có giới tính ngược lại với giới tính sinh học.
- Luôn cảm thấy cô đơn, có xu hướng sống khép kín và từ chối chơi với bạn bè.
- Trẻ bày tỏ khao khát được đối xử như người khác giới.
- Trẻ có thể từ chối mặc quần áo phù hợp với giới tính sinh học và mong muốn được mặc những trang phục của người khác giới.
- Dằn vặt, có cảm giác phiền muộn, bức bối về giới tính sinh học của bản thân.
- Lo sợ sự phát triển của cơ quan sinh dục, vùng ngực, mông,…
- Do thể hiện giới không giống với giới tính sinh học nên nhiều trẻ bị cô lập, bị tẩy chay và bạo lực.
Ở người trưởng thành, rối loạn định dạng giới tính có những biểu hiện như sau:
- Sự đau khổ, dằn vặt về giới tính sinh học trở nên sâu sắc hơn
- Khao khát mạnh mẽ về việc được chuyển giới, trở thành người có giới tính ngược lại với giới tính sinh học
- Có những hành vi hủy hoại gây tổn thương bộ phận sinh dục
- Cách ăn mặc và thể hiện giới trái ngược với giới tính sinh học.
- Từ lời nói, hành vi, cách ăn mặc giống như người khác giới.
- Một số người có biểu hiện lo âu, ít tương tác xã hội vì sự phiền muộn do giới tính gây ra.
Những vấn đề xoay quanh rối loạn định dạng giới tính còn rất nhiều tranh cãi. Hiện tại, tiêu chuẩn và cách phân loại rối loạn này được cập nhật liên tục. Dù đã có nhiều thay đổi nhưng khi nhắc đến rối loạn định dạng giới tính, vẫn có rất nhiều người cảm thấy không thoải mái.
Phân loại rối loạn định dạng giới tính
Có rất nhiều cách phân loại rối loạn định dạng giới tính. Mới nhất hiện nay là Bảng phân loại Quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe (ICD) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát hành. Trong phiên bản thứ 11, chứng bệnh được phân loại thành 3 dạng:
- HA60: Không thỏa mãn về giới tính ở tuổi thiếu niên/ trưởng thành. Thay thế cho F64.0 (Transsexualism)
- HA61: Không thỏa mãn giới tính ở thời thơ ấu. Thay thế cho F64.2 (Gender identity disorder of childhood)
- HA6Z: Không thỏa mãn giới tính không xác định được thời điểm. Thay thế cho F64.9 (Gender identity disorder, unspecified)
ICD-11 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và sẽ được sử dụng để chẩn đoán, phân biệt rối loạn định dạng giới tính cho đến khi có phiên bản mới hơn.
Ngoài ICD, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5) cũng có đề cập đến chứng bệnh này. Tuy nhiên thay vì gọi là rối loạn định dạng giới tính, DSM sử dụng thuật ngữ phiền muộn giới tính. DSM khẳng định phiền muộn giới không phải là rối loạn tâm thần để tránh gây ra sự ác cảm cho những người có mong muốn chuyển giới.
Ngoài cách phân loại trên, rối loạn định dạng giới tính còn được phân loại theo biển hiện:
- Top Dysphoria (Bức bối ở vùng trên): Top Dysphoria đề cập đến sự khó chịu dai dẳng của một người về vùng trên cơ thể (thường là vai và vùng ngực). Nam giới thường sẽ cảm thấy vai quá to, thô, vòng 1 nhỏ, thiếu quyến rũ và khao khát có được vòng ngực hấp dẫn như nữ giới thực sự. Ngược lại, nữ giới sẽ cảm thấy bức bối khi vai quá nhỏ, vòng ngực lớn.
- Bottom Dysphoria (Bức bối ở vùng dưới): Bottom Dysphoria đề cập đến sự khó chịu của một người với vùng dưới của cơ thể (thường cơ quan sinh dục). Họ có xu hướng chối bỏ, thậm chí ghê tởm bộ phận sinh dục. Từ đó nảy sinh khao khát muốn chuyển giới để thống nhất bản dạng giới và giới tính sinh học.
- Social Dysphoria (Bức bối xã hội): Social Dysphoria đề cập đến trạng thái phiền muộn, khó chịu của một người với tiêu chuẩn giới tính được xã hội/ văn hóa quy định. Người chuyển giới nam hoàn toàn có thể từ chối mặc trang phục nam giới, thay đổi cái tên đầy nam tính hay phải nói năng giống như nam giới. Nhìn chung, sự khó chịu này bắt nguồn từ những quy chuẩn về giới tính đã được hình thành từ rất lâu.
Nguyên nhân gây rối loạn định dạng giới tính
Dựa vào những tiêu chí chẩn đoán hiện tại, ước tính có khoảng 0.005 – 0.014% nam giới và 0.002 – 0.003% nữ giới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn định dạng giới tính. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Thống kê cho thấy, khoảng 75% trường hợp rối loạn định dạng giới tính sẽ trở thành người đồng tính khi đến tuổi trưởng thành.
Đến nay, nguyên nhân gây ra rối loạn định dạng giới tính vẫn chưa được biết rõ. Qua một số nghiên cứu đã được thực hiện, rối loạn định dạng giới tính được xác định có liên quan đến những yếu tố sau:
- Yếu tố di truyền: Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2002 ở cặp song sinh cho thấy, di truyền là một trong những yếu tố góp phần gây ra rối loạn định dạng giới tính. Có khoảng 62% trường hợp có liên quan đến di truyền.
- Rối loạn hormone: Hormone ảnh hưởng đến ngoại hình và xu hướng tính dục của một người. Ở nữ giới, nếu hormone testosterone quá cao, nhiều khả năng sẽ gia tăng ham muốn với người đồng giới và ngược lại với nam giới. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giả thuyết và chưa có đủ bằng chứng để khẳng định bất cứ điều gì.
- Ảnh hưởng từ môi trường: Các chuyên gia tâm lý cho rằng, rối loạn định dạng giới tính hình thành một phần do tác động từ môi trường. Trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức về giới tính. Do đó, nếu sống trong môi trường không thuận lợi, gia đình giáo dục không đúng cách, nguy cơ mắc phải rối loạn định dạng giới tính sẽ tăng lên đáng kể.
Mặc dù được nghiên cứu nhiều nhưng nguyên nhân gây ra rối loạn định dạng giới tính ít khi được đề cập. Lý do có thể là vì nhiều người phản đối rối loạn này là bệnh lý nên không có nguyên nhân. Khao khát được chuyển giới là mong muốn hết sức bình thường của những người muốn hợp nhất bản dạng giới và giới tính sinh học.
Rối loạn định dạng giới tính và những hệ lụy đối với tâm lý, sức khỏe
Hiện nay, những tranh cãi về rối loạn định dạng giới tính vẫn chưa dừng lại. DSM-5 đã thừa nhận rối loạn này không phải là vấn đề tâm thần mà chỉ là sự bức bối, phiền muộn do không đồng nhất giới tính sinh học và bản dạng giới. Tuy nhiên, APA và ICD không thừa nhận điều này và vẫn xếp rối loạn định dạng giới tính vào các rối loạn tâm thần chính thức.
Phải thừa nhận rằng, hiện nay những định kiến về giới tính đã được gỡ bỏ và cởi mở hơn rất nhiều. Mọi người có thể tự do yêu đương, kết hôn theo xu hướng tính dục. Ngoài ra, phẫu thuật chuyển giới cũng đã được chấp nhận. Rất nhiều người quyết định chuyển giới để có thể hợp nhất xu hướng tính dục, bản dạng giới và giới tính sinh dục. Chuyển giới mang đến cơ hội được là chính mình và giải tỏa được sự bức bối, phiền muộn do giới tính gây ra.
Rối loạn định dạng giới tính ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Khao khát được sống với giới tính khác trái ngược với giới tính sinh học khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái phiền muộn, căng thẳng dai dẳng. Hơn nữa, sự khác biệt trong cách thể hiện giới cũng khiến người bệnh dễ bị cô lập, tẩy chay, thậm chí bị miệt thị và bạo lực.
Dù quan điểm về giới tính đã cởi mở hơn nhưng rõ ràng người thuộc cộng đồng LGBT nói chung và người có khao khát chuyển giới nói riêng vẫn đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn. Biến chứng mà bệnh nhân mắc chứng rối loạn định dạng giới tính có thể phải đối mặt là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống,…
Nhiều người tìm đến bia rượu để giải tỏa căng thẳng và sự phiền muộn do giới tính gây ra. Tuy nhiên, thói quen thiếu lành mạnh chỉ khiến cho tinh thần trở nên bất ổn. Bệnh nhân gia tăng các hành vi hủy hoại và thậm chí là tự sát.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính có xu hướng tự sát cao. Hành vi tự sát có thể là kết quả của trầm cảm kéo dài, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu bia và nghiện chất.
Chẩn đoán rối loạn định dạng giới tính
Rối loạn định dạng giới tính sẽ được chẩn đoán thông qua các tiêu chí được đề cập trong ICD và DSM. Biểu hiện đặc trưng nhất của rối loạn này là trạng thái phiền muộn, bức bối nảy sinh do sự không hợp nhất giữa giới tính sinh học và bản dạng giới.
Các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 6 tháng và phải gây ra sự đau khổ nhất định cho bệnh nhân. Đồng thời trạng thái phiền muộn phải gây suy giảm đáng kể các hoạt động như công việc, hoạt động xã hội, mối quan hệ,…
Những tiêu chí này giúp phân biệt rối loạn định dạng giới tính với khao khát chuyển giới thông thường. Người có ý định chuyển giới chỉ khao khát việc trở thành người có giới tính khác. Họ không bị dằn vặt hay đau khổ vì giới tính sinh học của mình. Và đồng thời không có cảm giác ghê tởm hay thực hiện những hành vi tự hủy hoại cơ quan sinh dục.
Rối loạn định dạng giới tính có thật sự cần điều trị?
Xoay quanh rối loạn định dạng giới tính vẫn đang gây ra những tranh cãi. Nhiều người cho rằng, khao khát chuyển đổi giới tính không phải là bệnh và không cần điều trị. Sự bức bối, đau khổ sẽ nhanh chóng được giải quyết sau khi phẫu thuật chuyển giới.
Bác sĩ tâm thần người Mỹ Paul R. McHugh – Trưởng khoa tâm thần của Bệnh viện Johns Hopkins cho rằng, rối loạn định dạng giới tính cần được điều trị để tránh trở thành người đồng tính luyến ái và chuyển giới. Quan điểm này nhận về nhiều tranh cãi và phản đối mạnh mẽ từ những người thuộc cộng đồng LGBT.
Ông cho rằng, rối loạn định dạng giới tính là rối loạn tâm thần cần được chẩn đoán và điều trị. Việc chuyển đổi giới tính theo bác sĩ là không thể thực hiện được về mặt sinh học. Can thiệp phẫu thuật chuyển giới là hành động tàn phá cơ thể làm giảm tuổi thọ và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Bác sĩ Tâm thần Paul R. McHugh tin rằng, bệnh nhân rối loạn định dạng giới tính cần phải được điều trị tâm thần. Phẫu thuật chuyển giới không phải là cách vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Những tranh cãi xoay quanh rối loạn định dạng giới tính ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, khách quan mà nói, điều trị hay không là lựa chọn của mỗi người. Một số người quyết định điều trị để giải quyết sự phiền muộn, đau khổ dai dẳng. Số còn lại can thiệp phẫu thuật chuyển giới để hợp nhất giới tính sinh học và bản dạng giới.
Cách điều trị rối loạn định dạng giới tính
Bệnh nhân hoàn toàn có thể lựa chọn điều trị rối loạn định dạng giới tính hay không. Trong trường hợp có các vấn đề sức khỏe tâm thần đi kèm (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu,…), điều trị là cần thiết để phòng ngừa hành vi tự sát.
Ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, rối loạn định dạng giới tính thường được yêu cầu điều trị để tránh các hành vi lệch lạc giới tính. Ở người trưởng thành, khi nhận thức và nhân cách đã hoàn thiện, người bệnh sẽ tự đưa ra lựa chọn theo mong muốn của bản thân.
Hiện tại, liệu pháp tâm lý là phương pháp được ưu tiên đối với rối loạn định dạng giới tính. Các chuyên gia tin rằng, trị liệu tâm lý sẽ giúp loại bỏ cảm giác phiền muộn, bức bối. Bệnh nhân học được cách chấp nhận giới tính cơ thể và không còn mong muốn phẫu thuật chuyển giới.
Các phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị rối loạn định dạng giới tính:
1. Trị liệu tâm lý
Từ năm 1970 cho đến nay, tâm lý trị liệu vẫn là phương pháp chính trong điều trị rối loạn định dạng giới tính. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ, giảm sự phiền muộn do không hợp nhất bản dạng giới và giới tính sinh học.
Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn tập trung giúp bệnh nhân thích nghi với những áp lực, rào cản trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp làm giảm tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu và hạn chế lối sống thiếu lành mạnh (nghiện rượu, sử dụng chất kích thích).
Ngoài trị liệu cá nhân, bệnh nhân cũng có thể được trị liệu theo cặp và trị liệu gia đình để những người xung quanh có thể thấu hiểu tâm lý của người bệnh. Đặc biệt với trẻ nhỏ, gia đình sẽ được tham vấn tâm lý để hiểu hơn về tâm lý và suy nghĩ của trẻ. Qua đó hỗ trợ trong việc định hướng những lệch lạc trong suy nghĩ, giúp trẻ nhận ra bản dạng giới thực sự của mình là gì.
Ngày nay, tâm lý trị liệu không còn chú trọng về việc điều chỉnh suy nghĩ về bản dạng giới. Thay vào đó, chuyên gia sẽ tập trung vào việc giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, giảm sự đau khổ và phiền muộn do giới tính gây ra. Trị liệu tâm lý cũng giúp bệnh nhân học cách thể hiện giới tính một cách thoải mái và cởi mở hơn với những người xung quanh.
2. Trị liệu hormone
Trị liệu hormone là một trong những phương pháp được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn định dạng giới tính. Tùy theo mong muốn, người bệnh có thể lựa chọn tiêm hormone nam/ nữ để thay đổi những bộ phận chưa hài lòng.
Liệu pháp hormone giúp cải thiện những đặc điểm gây ra sự phiền muộn chẳng hạn như lông, ngực, giọng nói,… Tuy nhiên, liệu pháp này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Bởi sự thay đổi của hormone làm phá vỡ sự cân bằng của nội tiết tố trong cơ thể, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất.
3. Phẫu thuật chuyển giới
Giải pháp cuối cùng cho bệnh nhân rối loạn định dạng giới tính là phẫu thuật chuyển giới. Đây là cuộc đại phẫu tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể dẫn đến tử vong. Phẫu thuật bao gồm tạo hình ngực, đặc điểm khuôn mặt, hình dáng cơ thể, cơ quan sinh dục trong và ngoài.
Vì mức độ nguy hiểm của phẫu thuật chuyển giới mà phương pháp này chỉ được cân nhắc trong những trường hợp sau:
- Phiền muộn về giới tính kéo dài dai dẳng gây ra sự đau khổ, khó chịu trong một thời gian dài.
- Đủ tuổi và cam kết chịu trách nhiệm nếu có bất trắc xảy ra.
- Sức khỏe thể chất và tâm thần ổn định. Nếu có các vấn đề sức khỏe tâm thần, cần phải kiểm soát tốt trước khi can thiệp phẫu thuật.
4. Các phương pháp hỗ trợ
Ngoài các phương pháp chính trên, bệnh nhân rối loạn định dạng giới tính cũng sẽ được hỗ trợ bằng các phương pháp như:
- Trị liệu giọng nói: Được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân có được giọng nói như ý, thể hiện đúng bản dạng giới của bản thân. Thay vì trị liệu hormon và phẫu thuật chuyển giới, phương pháp này có thể điều chỉnh giọng nói giúp người bệnh giảm bớt sự phiền muộn và quan trọng hơn là an toàn, không tác dụng phụ.
- Triệt lông: Nhiều người cảm thấy khó chịu khi lông ở vùng mặt, ngực, tay và chân quá nhiều. Giải pháp tối ưu là can thiệp triệt lông để thay đổi những đặc điểm ngoại hình gây ra sự phiền muộn, khó chịu.
- Phẫu thuật cắt bỏ/ độn ngực: Nhiều người thừa nhận khuyết điểm ở vòng ngực là nguyên nhân gây ra sự đau khổ, bức bối kéo dài. Tùy theo nhu cầu, bệnh nhân có thể can thiệp nâng ngực hoặc cắt bỏ. Phương pháp này thường được thực hiện cho bệnh nhân thuộc nhóm bức bối vùng trên (Top Dysphoria).
- Trang bị kỹ năng trang điểm, phối đồ: Kỹ năng trang điểm, phối đồ hỗ trợ đáng kể trong việc giảm sự bức bối và phiền muộn do rối loạn định dạng giới tính gây ra. Với những kỹ năng này, bệnh nhân có thể thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân và tự điều chỉnh được những đặc điểm cơ thể gây ra sự khó chịu.
Rối loạn định dạng giới tính gây ra không ít phiền muộn, đau khổ cho bệnh nhân. Nếu được hỗ trợ và thấu hiểu, bệnh nhân có thể thoải mái thể hiện bản dạng giới mà không phải lo ngại về định kiến xã hội. Hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng sẽ giúp ích trong việc ngăn ngừa trầm cảm, hành vi tự tử ở người đang đối mặt với tình trạng bức bối giới.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng ám ảnh tình yêu (Adele): Biểu hiện & Hướng điều trị
- 10 Bệnh Tâm Lý Thường Dễ Nhầm Lẫn Là Tính Cách
- Đặc Điểm Tính Cách, Tâm Lý Trẻ Khi Lớn Lên Trong Gia Đình Độc Hại
- Tính Cách Tâm Lý Con Gái Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Cần Quan Tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!