Rối loạn khí sắc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Rối loạn khí sắc là một tình trạng bệnh đặc trưng bởi chứng rối loạn trầm cảm đơn thuần đan xen với các triệu chứng rối loạn hưng cảm hoặc rối loạn khí sắc chu kì ở mức độ cao. Các tình trạng này có xu hướng xuất hiện trong thời gian dài gây nên những cản trở về sức khỏe, chức năng sống, khiến cho người bệnh khó thích ứng với môi trường bên ngoài.
Rối loạn khí sắc là gì?
Trong tâm thần học, đôi khi sử dụng thuật ngữ cảm xúc và khí sắc với những ý nghĩa gần tương đồng nhau. Tuy nhiên đây là hai trạng thái có sự khác biệt nhất định. Cảm xúc là một trạng thái biểu hiện tạm thời và ngắn ngủi như giận dữ, vui, buồn, hờn dỗi,…Ngược lại, khí sắc lại là tâm trạng, tính khí thể hiện cho một trạng thái tình cảm kéo dài bền vững và có cường độ mạnh mẽ hơn.
Khí sắc của con người được xem như một trương lực tình cảm, chúng sẽ bắt đầu dao động từ mức khí sắc cao như hưng phấn, vui vẻ, phấn khích cho đến những mức thấp hơn như buồn bã, chán nản, ủ rũ. Khí sắc chính là phản ứng của cảm xúc được thể hiện cụ thể trên 3 phương diện có thứ tự như sau: Phản ứng thực tại sống theo hướng dễ chịu hoặc khó chịu – ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm nhận, hành động – tác động lên năng lực của bộ máy cơ thể.
Do đó, có thể hiểu rối loạn khí sắc là một trạng thái bệnh lý biểu hiện bằng các rối loạn trầm cảm đơn thuần xen kẽ với những rối loạn khí sắc chu kỳ biểu hiện ở mức độ cao kéo dài trong một thời gian hoặc các rối loạn hưng cảm hoặc những rối loạn hành vi, tác phong một cách rõ rệt. Những hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, làm cho họ dần mất khả năng hoạt động và khó có thể thích ứng được với môi trường xung quanh.
Biểu hiện đặc trưng của tình trạng rối loạn khí sắc đó là trạng thái vui trước quá mức được gọi là hưng cảm và buồn bã, ủ rũ thái quá được gọi là trầm cảm. Do đó, trầm cảm và hưng cảm được xem là hai hội chứng đặc trưng của rối loạn khí sắc. Tuy nhiên về mặt lâm sàng thì rối loạn trầm cảm sẽ chiếm đa số bởi tình trạng này diễn biến phức tạp và quá trình điều trị cũng khó hơn nhiều so với rối loạn hưng cảm.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn khí sắc
Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần khác, rối loạn khí sắc vấn chữa thể xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra bệnh. Trong một số nghiên cứu cho thấy rằng, căn bệnh này có thể xuất phát từ các yếu tố sau đây:
- Di truyền: Các chuyên gia cho biết rằng, nếu những người thân trong gia đình có người từng mắc chứng bệnh rối loạn khí sắc thì khả năng cao những thành viên còn lại cũng sẽ dễ mắc bệnh.
- Môi trường: Những chấn thương, căng thẳng, stress kéo dài cũng là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng rối loạn khí sắc.
- Những quá trình sinh hóa cơ thể: Khi các chất hóa học trong bộ não bị tác động và thay đổi sẽ làm gia tăng khả năng mắc bệnh.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn khí sắc
Rối loạn khí sắc được chia thành các loại sau đây:
- F30: Giai đoạn hưng cảm.
- F31: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
- F32: Giai đoạn trầm cảm.
- F33: Rối loạn trầm cảm tái diễn.
- F34: Các trạng thái rối loạn khí sắc dai dẳng.
- F38: Các rối loạn khí sắc khác.
- F39: Rối loạn khí sắc không biệt định.
1. Giai đoạn hưng cảm – F30
Đây là giai đoạn khí sắc gia tăng ở mức độ khiến cho bệnh nhân khó có thể thích ứng với những hoàn cảnh xung quanh. Người bệnh sẽ gia tăng năng lượng một cách đột ngột với những biểu hiện bởi tình trạng nói nhiều, nói nhanh liên tục, giảm tập trung.
- Hưng cảm nhẹ – F30.0
Khí sắc tăng nhẹ và kéo dài dai dẳng trong khoảng nhiều ngày liên tiếp.
Cơ thể gia tăng năng lượng một cách đột ngột, các hoạt động cơ thể cũng được nâng cao, thường người bệnh sẽ có cảm giác thoải mái. Đôi lúc tăng nhu cầu ham muốn tình dục và không muốn nghỉ ngơi, khả năng chú ý cũng giảm dần.
Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không làm cản trở đến việc giao tiếp xã hội hay ảnh hưởng quá nhiều đến công việc.
- Hưng cảm không có triệu chứng loạn thần – F30.1
Khí sắc bắt đầu gia tăng và không tương ứng với hoàn cảnh hiện tại, có thể chuyển từ trạng thái vui vẻ sang kích động và khó có thể kiểm soát được.
Năng lượng tăng nhanh sẽ làm cho người bệnh gặp phải các biểu hiện quá mức như nói nhanh, nói nhiều, nhu cầu ngủ giảm mạnh, khó có thể kiểm chế bản thân, giảm tập trung, suy giảm trí nhớ nhanh chóng, tự cao thái quá. Một số trường hợp còn quá lạc quan, khoa trương, khuếch đại và bắt đầu thực hiện các hành vi vượt quá thực tế như tiêu tiền thái quá, công kích, đùa quá mức, si tình, xen vào công việc của người khác.
Tình trạng hưng cảm không có triệu chứng của loạn thần thường sẽ kéo dài ít nhất 1 tuần và sẽ gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn đến các công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
- Hưng cảm có triệu chứng loạn thần – F30.2
Những người rối loạn khí sắc ở giai đoạn hưng cảm có triệu chứng của loạn thần thường sẽ xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, tự cao, tôn giáo. Họ rất hay ngờ vực, cảm thấy bản thân đang bị người khác đe dọa, có ý đồ xấu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn thường xuyên kích động, cáu kỉnh, hung hăng, không chú ý đến việc ăn uống, vệ sinh cá nhân hàng ngày. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.
2. Giai đoạn rối loạn trầm cảm
Các triệu chứng ở giai đoạn trầm cảm sẽ xuất hiện ít nhất 2 tuần. Người bệnh thường sẽ bị giảm khí sắc một cách quá mức không tương ứng với hoàn cảnh xung quanh. Đôi lúc bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng lạm dụng bia rượu, các chất gây nghiện hoặc xuất hiện những nỗi ám ảnh, sợ hãi.
Các triệu chứng của giai đoạn rối loạn trầm cảm như sau:
- Khí sắc trầm buồn, chán nản, tuyệt vọng.
- Không còn hứng thú, quan tâm đến những hoạt động, sự việc xảy ra xung quanh.
- Năng lượng bị suy giảm đáng kể, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Giảm tập trung, khó có thể hoàn thành công việc được giao.
- Lòng tự trọng, tự tin bị suy giảm, luôn cảm thấy có lỗi.
- Họ luôn cảm thấy bản thân vô dụng, không xứng đang hoặc tự đổ lỗi cho chính mình.
- Giấc ngủ bị rối loạn, có thể mất ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc ngủ quá nhiều.
- Thay đổi thói quen ăn uống, nhiều đối tượng sẽ chán ăn, bỏ bữa nhưng cũng có một số trường hợp ăn không kiểm soát.
- Có suy nghĩ về cái chết và thực hiện những hành vi tự sát.
Cách điều trị rối loạn khí sắc
Tùy thuộc vào tính chất của các rối loạn khác nhau mà các bác sĩ mới có phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, việc điều trị rối loạn khí sắc chủ yếu sẽ sử dụng các loại hóa được để có thể điều chỉnh được những triệu chứng riêng lẻ của từng giai đoạn, hiện vẫn chưa có thuốc dự phòng cho bệnh lý này.
Để có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cần phải tùy vào thuộc vào rất nhiều yếu tố như trạng thái bệnh lý, trình độ chuyên môn của mỗi cơ sở, trang bị kỹ thuật, thuốc men,…Cũng chính vì thế mà hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị rối loạn khí sắc một cách cụ thể.
Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, các chuyên gia vẫn có thể tổng quan về những cách xử lý và khắc phục căn bệnh này.
1. Sử dụng thuốc điều trị
1.1 Giai đoạn rối loạn hưng cảm
Thông thường đối với người bệnh rối loạn khí sắc giai đoạn rối loạn hưng cảm sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc an thần hoặc những thuốc bình thần để kiểm soát bệnh hiệu quả. Theo một số tài liệu chuyên khoa thì việc chống lại các triệu chứng rối loạn hưng cảm thường sẽ được dùng aminazin với liều 200 – 800mg/ngày (chia thành nhiều lần uống) hoặc triphtazin (stelazin) 40 – 60mg/ngày.
Bên cạnh đó, những trường hợp bệnh có kèm với những triệu chứng hoang tưởng, kích động mạnh thì có thể được chỉ định dùng haloperidol 10-30mg/ngày. Bệnh nhân rối loạn thực vật còn được chỉ định dùng các thuốc bình thần để hỗ trợ cải thiện.
Lưu ý:
- Khi bệnh nhân bắt đầu thuyên giảm các triệu chứng thì cần từ từ giảm liều lượng xuống, không nên cắt thuốc đột ngột sẽ làm cho các triệu chứng rối loạn hưng cảm tái diễn nghiêm trọng hơn.
- Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng hỗn hợp thì cần cắt thuốc để có thể phòng tránh tình trạng chuyển giao giai đoạn rối loạn trầm cảm.
- Trong quá trình sử dụng các loại thuốc chống loạn thần cần phải chú ý bù nước, nâng đỡ thể trạng, chống bội nhiễm hô hấp, điện giải, vệ sinh răng miệng, cơ thể để hạn chế tình trạng kiệt quệ về sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Nên đề phòng các hành vi gây tổn thương, thương tích cho những người xung quanh. Đồng thời, chú ý để phòng ngừa tình trạng loạn dâm, cưỡng dâm do xuất hiện các cơn rối loạn hưng cảm.
1.2 Giai đoạn rối loạn trầm cảm
Hiện nay các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng, không 3 vòng, không IMAO được sử dụng rất nhiều trong các trường hợp bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, phương pháp dùng thuốc để điều trị trong giai đoạn này cần phải được sự quan sát và chỉ định cụ thể của các chuyên gia. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và giúp triệu chứng trầm cảm thuyên giảm nhanh chóng.
Việc điều trị rối loạn trầm cảm bằng thuốc sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tăng dần, khi thuốc đạt hiệu quả sẽ duy trì sử dụng trong thời gian nhất định và dần gia giảm đến liều lượng tối thiểu, thuốc có thể duy trì trong thời gian dài hoặc cắt hẳn. Trong quá trình sử dụng bạn cần hết sức thận trọng và có kế hoạch theo dõi cụ thể bởi thuốc chống trầm cảm chính là con dao hai lưỡi, nó có thể khiến cho tình trạng bệnh chuyển biến thành rối loạn hưng cảm nhẹ hoặc rối loạn hưng cảm thực sự.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hay còn được hiểu là liệu pháp trò chuyện trực tiếp giữa chuyên gia và người bệnh. Đây cũng là một trong các phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn khí sắc hiệu quả và an toàn. Bằng biện pháp này sẽ giúp người bệnh cân bằng được cảm xúc, trạng thái tâm lý ổn định hơn.
Các chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh tìm ra được nguyên nhân gây nên những căng thẳng, biến đối về khí sắc. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ học được các kỹ năng cân bằng và quản lý căng thẳng hiệu quả, từ đó có thể thích ứng tốt với cuộc sống xung quanh.
Tùy vào tình trạng sức khỏe và biểu hiện bệnh của mỗi người mà các chuyên gia tâm lý có thể áp dụng các liệu pháp như trị liệu nhóm, cá nhân hoặc gia đình. Người bệnh cũng cần tin tưởng và chia sẻ thoải mái với chuyên gia để quá trình điều trị được diễn ra thuận lợi hơn.
3. Liệu pháp sốc điện
Đây cũng là một trong các phương pháp có thể được áp dụng cho người bệnh rối loạn khí sắc. Đặc biệt là những trường hợp bệnh kháng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu không hiệu quả hoặc bệnh chuyển biến sang giai đoạn nghiêm trọng.
Liệu pháp sốc điện sẽ được áp dụng cho những đối tượng bị rối loạn khí sắc giai đoạn rối loạn hưng cảm nặng. Quá trình điều trị có thể kéo dài khoảng 4 đến 6 lần, có thể tiến hành mỗi ngày 1 lần hoặc cách ngày 1 lần.
Còn trong giai đoạn rối loạn trầm cảm, liệu pháp sốc điện sẽ được áp dụng kết hợp để điều trị các trạng thái trầm cảm hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm nặng, từ chối việc ăn uống hoặc có những hành vi muốn tự sát.
4. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị trên, chuyên gia tâm lý cũng khuyến khích người bệnh rối loạn khí sắc áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà và nhanh chóng thay đổi lối sống lành mạnh để bệnh tình được thuyên giảm tốt hơn.
Một số cách để bạn có thể hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà như:
- Thường xuyên vận động và tập luyện các bài tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và giúp ổn định tinh thần tốt hơn. Mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 30 phút để tập luyện cũng sẽ giúp đầu óc được minh mẫn và sảng khoái hơn.
- Cải thiện giấc ngủ là điều rất quan trọng đối với quá trình điều trị rối loạn khí sắc. Bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, tập trung giấc ngủ vào ban đêm và nên ngủ trước 23 giờ mỗi ngày. Nếu rơi vào trạng thái khó ngủ bạn có thể tìm đến những giải pháp từ thiên nhiên như uống trà thảo mộc, ngâm chân với nước ấm,…
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày của bạn cũng là cách hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe tinh thần và cả thể chất. Bạn nên chú ý dung nạp nhiều rau xanh, hoa củ quả tươi và những thực phẩm dinh dưỡng, hạn chế các món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp,…
- Tuyệt đối không được sử dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện trong quá trình điều trị bệnh.
- Học các bài học hít thở, thư giãn để kiểm soát các trạng thái tâm lý một cách tốt nhất. Lời khuyên cho bạn là nên rèn luyện các bài tập yoga, thiền, thái cực quyền để cơ thể được thả lỏng và thoải mái hơn.
- Tìm sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè xung quanh để có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bản thân. Bạn nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự với những người xung quanh hoặc tham gia vào các nhóm cộng đồng để tâm sự và chia sẻ nhiều hơn.
- Viết nhật ký là một trong những thói quen mà các chuyên gia khuyên người bệnh nên thực hiện. Cũng bởi khi được viết ra những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân lên trang giấy sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, khi đọc lại những điều đã viết bạn cũng nhận ra được những thay đổi bất thường của bạn thân, từ đó có hướng giải quyết và khắc phục chúng tốt hơn.
Rối loạn khí sắc cũng là một bệnh lý khá phổ biến và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Vì thế khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn cần nhanh chóng tìm đến gặp chuyên gia để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Bị rối loạn lưỡng cực nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
- Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và những tác dụng phụ nên lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!