Các thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực phổ biến và lưu ý khi dùng
Rối loạn lưỡng cực là dạng rối loạn tâm thần bao gồm hai giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xuất hiện luân phiên trên cùng bệnh nhân và xen kẽ các giai đoạn bình phục hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên sử dụng loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực gì và cần lưu ý những tác dụng phụ nào?
Thông tin tổng quan về chứng rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) hay rối loạn hưng – trầm cảm, tình trạng thay đổi tâm trạng thường xuyên từ trạng thái trầm cảm sang hưng cảm và ngược lại. Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, mất hết niềm vui và hứng thú trong đa số hoạt động cuộc sống. Tuy nhiên, sau đó, họ lại trở nên phấn khích, hăng hái và tràn đầy năng lượng.
Sự chuyển biến tâm trạng phức tạp này có thể diễn ra vài lần trong năm hoặc xuất hiện nhiều lần trong ngày. Trong một số trường hợp, các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm của chứng bệnh sẽ khởi phát cùng lúc. Với xu hướng phát triển mạn tính, rối loạn lưỡng cực thường được kiểm soát tốt bằng phương pháp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý.
Căn bệnh này được chia thành nhiều phân nhóm khác nhau. Mỗi dạng bệnh sẽ đi kèm những biểu hiện đặc trưng khác nhau, cụ thể:
- Rối loạn lưỡng cực I: Tâm trạng thay đổi mang tính lưỡng cực, gây ra nhiều khó khăn trong học tập, công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Những cơn hưng cảm có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm và tồi tệ.
- Rối loạn lưỡng cực II: Không nghiêm trọng bằng dạng I, rối loạn lưỡng cực dạng II thường xuất hiện với dấu hiệu khó chịu, thay đổi thói quen và hoạt động hàng ngày, hưng cảm nhẹ… Đặc biệt, giai đoạn trầm cảm của dạng II thường kéo dài rõ rệt so với giai đoạn hưng cảm nhẹ.
- Rối loạn tâm thần chu kỳ (cyclothymia): Là dạng nhẹ của chứng rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần chu kỳ bao gồm nhiều giai đoạn trầm cảm và hưng cảm nhẹ với tần suất và mức độ không đáng kể so với những dạng bệnh khác.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh lý ở mỗi người rất khác nhau. Hơn nữa, các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm có thể khởi phát cùng lúc, tạo nên những cơn sóng cảm xúc hỗn hợp.
Biểu hiện giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực bao gồm: hưng phấn, kiêu ngạo, hấp tấp, hành động hung hăng, dễ bị kích động, tăng cường hoạt động thể chất, giảm nhu cầu ngủ, chi tiêu phóng khoáng, hay bị phân tâm, bất cẩn, thường xuyên vắng mặt ở công ty hoặc trường học, suy giảm năng suất lao động – học tập, tăng ham muốn tình dục, sử dụng ma túy, rượu bia…
Biểu hiện giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực gồm có: lo lắng, khó chịu, buồn bã, khó ngủ, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, ít ăn hoặc thèm ăn, mệt mỏi, khó tập trung, mất hứng thú, đau nhức mạn tính, thường xuyên vắng mặt ở cơ quan và trường học, suy giảm năng suất lao động – học tập…
Các nhóm thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và một số lưu ý
Có nhiều nhóm/loại thuốc khác nhau được bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong quá trình chữa bệnh rối loạn lưỡng cực. Bệnh nhân có thể phải thử qua hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tìm được sự lựa chọn tốt nhất. Những nhóm thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực dưới đây có thể điều hòa cảm xúc, ổn định tâm trạng và cải thiện triệu chứng lo âu, trầm cảm.
Nhóm thuốc lithium
Lithium (lithobid và một số loại thuốc khác) có khả năng điều chỉnh tâm trạng và hạn chế những cơn hưng cảm, trầm cảm bất ngờ của chứng rối loạn lưỡng cực. Nhóm thuốc này đã được sử dụng trong nhiều năm qua.
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ liên tục bởi lithium có thể dẫn đến nhiều vấn đề về thận và tuyến giáp. Các tác dụng phụ của nhóm thuốc này gồm có: khô miệng, bồn chồn, rối loạn tiêu hóa…
Nhóm thuốc chống co giật
Nhóm thuốc chống co giật (lamotrigine (lamictal), divalproex (depakote), axit valproic (stavzor, depakene)) có tác dụng ổn định tâm trạng.
Thuốc asenapine (saphris) giúp kiểm soát giai đoạn hỗn hợp vô cùng hiệu quả. Mỗi loại thuốc đơn lẻ sẽ đi kèm nhiều tác dụng phụ khác nhau, phổ biến nhất là buồn ngủ, chóng mặt, tăng cân… Hiếm khi, một số loại thuốc thuộc nhóm này dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng như: rối loạn máu, phát ban da, vấn đề về gan…
Nhóm thuốc chống loạn thần
Nhóm thuốc chống loạn thần (quetiapine (seroquel), risperidone (risperdal), olanzapine (zyprexa), aripiprazole (abilify)) thường được cân nhắc sử dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với nhóm thuốc chống co giật. Loại thuốc chống loạn thần duy nhất được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép trong quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực là quetiapine.
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ kê đơn vài loại thuốc phù hợp khác. Các tác dụng phụ mà người bệnh thường gặp phải phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại thuốc, gồm có: run rẩy, tăng cân, mờ mắt, buồn ngủ, tim đập nhanh. Thậm chí, nhóm thuốc này có thể làm suy giảm trí nhớ và dẫn đến những cử động không tự nguyện trên khuôn mặt và cơ thể.
Nhóm thuốc chống trầm cảm
Tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn những loại thuốc chống trầm cảm an toàn, phù hợp.
Đối với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thuốc chống trầm cảm có thể kích thích giai đoạn hưng cảm khởi phát. Thế nhưng, tình trạng này sẽ giảm thiểu đáng kể nếu độc giả kết hợp nhóm thuốc chống trầm cảm với nhóm thuốc điều chỉnh tâm trạng.
Những tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc chống trầm cảm gồm có suy giảm ham muốn tình dục và một số vấn đề về cực khoái.
Các loại thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ (trong đó có thuốc ức chế MAO và tricyclics) thường gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó, công tác điều trị rối loạn lưỡng cực bằng những loại thuốc này cần được chuyên gia giám sát cẩn thận.
Nhóm thuốc symbyax
Nhóm thuốc symbyax có thể được dùng chung với thuốc chống loạn thần olanzapine và thuốc chống trầm cảm fluoxetine. Sự kết hợp này góp phần điều hòa tâm trạng và đẩy lùi triệu chứng trầm cảm.
Nhóm thuốc symbyax đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận điều trị rối loạn lưỡng cực. Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm: buồn ngủ, tăng cân, thèm ăn, vấn đề về tình dục…
Nhóm thuốc benzodiazepine
Benzodiazepin là nhóm thuốc an thần gây nghiện có thể phòng chống rối loạn lo âu, kiểm soát triệu chứng bồn chồn và cải thiện giấc ngủ. Nhóm thuốc này bao gồm alprazolam (niravam, xanax), chlordiazepoxide (librium), diazepam (valium), lorazepam (ativan), clonazepam (KLONOPIN)…
Các loại thuốc benzodiazepine thường đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn như: mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, buồn ngủ, giảm khả năng kết hợp các cơ…
Nhìn chung, để tìm được loại thuốc an toàn, phù hợp nhất, bệnh nhân buộc phải dùng thử nhiều loại thuốc khác nhau trong vòng vài tháng hoặc lâu hơn. Để hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn, bạn cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị cũng như sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, tần suất và liều lượng.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, một số loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Do đó, để phòng tránh rủi ro, những chị em đang điều trị rối loạn lưỡng cực nên sử dụng thêm thuốc ngừa thai.
Nếu có kế hoạch sinh con, hãy trao đổi cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, vì một số loại thuốc chữa bệnh có thể đi từ nguồn sữa mẹ vào cơ thể em bé nên bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nuôi con bằng sữa mẹ.
Tóm lại, thông thường, bệnh nhân cần sử dụng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực trong một khoảng thời gian lâu dài. Do đó, để tăng cường hiệu quả chữa bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn cần uống thuốc và kiêng cữ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hay bỏ dở liệu trình.
Hãy tìm hiểu cẩn thận về tác dụng phụ của thuốc trước khi sử dụng, đồng thời thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu phát hiện các biểu hiện bất thường trên cơ thể.
Có thể bạn quan tâm
- Nhận biết các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực
- [Giải đáp]: Làm gì khi mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
- Nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu và lưu ý khi dùng
- Tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu cần lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!