Suy nhược thần kinh và trầm cảm có liên quan đến nhau?
Trong thời đại mà căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, suy nhược thần kinh và trầm cảm trở thành vấn đề sức khỏe tâm lý phổ biến. Nhiều người không nhận ra rằng cảm giác mệt mỏi đang có không đơn giản là do áp lực hàng ngày. Thay vào đó, chúng có thể là dấu hiệu của suy nhược thần kinh mà nếu không được xử lý sẽ biến thành trầm cảm.
Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh, hay còn gọi là kiệt quệ thần kinh, là một hội chứng xảy ra khi vỏ não và các trung khu dưới vỏ bị rối loạn chức năng do làm việc quá mức. Tình trạng này thường gặp ở những người phải đối mặt với căng thẳng kéo dài, lo âu quá mức, và mâu thuẫn trong cuộc sống.
Khi tế bào não bị quá tải, nó không thể phục hồi và tái tạo hiệu quả, dẫn đến nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Những người trong độ tuổi lao động từ 18 – 45 tuổi thường dễ bị suy nhược thần kinh, nhất là nhóm người làm việc trí óc.
Triệu chứng của suy nhược thần kinh bao gồm:
- Mất ngủ thường xuyên
- Mệt mỏi, đau đầu kéo dài
- Khó thở, khó chịu ở ngực
- Chóng mặt, dễ ngất xỉu
- Tim đập nhanh, mồ hôi ra nhiều
- Dễ cáu giận, khó kiểm soát cảm xúc
- Lo âu, lo lắng nhiều
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Người mắc phải rối loạn này thường cảm thấy mất hy vọng, thiếu động lực và không còn hứng thú với những hoạt động mà trước đây yêu thích. Nó xuất hiện sau những biến cố lớn trong cuộc sống hoặc cũng có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng.
Những triệu chứng của trầm cảm rất đa dạng và thường xuất hiện một cách lặp đi lặp lại:
- Có cảm giác mệt mỏi và mất năng lượng kéo dài
- Rối loạn giấc ngủ với chứng mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá mức
- Giảm khả năng tập trung và thiếu quyết đoán
- Tâm trạng chán nản gần như mỗi ngày
- Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày
- Có cảm giác tự ti, vô dụng, có mặc cảm tội lỗi
- Có suy nghĩ đến cái chết hoặc ý định tự tử
Suy nhược thần kinh có thể gây ra trầm cảm
Suy nhược thần kinh và trầm cảm là hai chứng bệnh có liên quan chặt chẽ, đặc biệt khi suy nhược thần kinh không được can thiệp kịp thời. Khi tinh thần liên tục bị áp lực, năng lượng sẽ cạn kiệt gây ra cảm giác mệt mỏi và mất hứng thú với cuộc sống. Từ đó, suy nhược thần kinh dễ dàng biến thành trầm cảm, khiến tình trạng tâm lý càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một trong những triệu chứng phổ biến của suy nhược thần kinh là rối loạn giấc ngủ gồm khó ngủ, mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu. Việc thiếu ngủ làm tăng cảm giác mệt mỏi, buồn bã và đây là điều kiện lý tưởng để trầm cảm phát triển.
Suy giảm chức năng nhận thức cũng là một hậu quả nghiêm trọng của suy nhược thần kinh. Khi gặp khó khăn để tập trung, giảm khả năng ghi nhớ, ra quyết định thì người bệnh sẽ mất khả năng đối phó với stress. Sự bất lực trong việc xử lý các vấn đề cuộc sống khiến bệnh nhân dễ rơi vào trầm cảm, làm cho mọi thứ trở nên bế tắc hơn.
Cả suy nhược thần kinh và trầm cảm đều có liên quan đến sự mất cân bằng hóa học trong não, đặc biệt là các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine. Khi những chất này không được điều chỉnh hợp lý, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất hứng thú với cuộc sống và dần rơi vào trầm cảm. Sự mất cân bằng này càng kéo dài, nguy cơ trầm cảm càng cao, làm cho tình trạng tâm lý thêm nghiêm trọng.
Cách điều trị trầm cảm do suy nhược thần kinh
Trầm cảm do suy nhược thần kinh xuất phát từ sự mệt mỏi, căng thẳng kéo dài và rối loạn chức năng thần kinh. Đây là lý do tại sao nhiều người sau một thời gian dài căng thẳng liên tục rơi vào trạng thái này. Việc điều trị trầm cảm do suy nhược thần kinh cần có sự kết hợp giữa nhiều biện pháp sau đây:
1. Sử dụng thuốc
Trong quá trình điều trị trầm cảm do suy nhược thần kinh, thuốc là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến nhằm cân bằng lại các chất hóa học trong não và giảm bớt triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng sai cách gây hại cho sức khỏe tổng thể.
Các loại thuốc có thể được kê đơn bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm giúp điều chỉnh tâm trạng và cải thiện sức khỏe tinh thần
- Thuốc an thần nhẹ như Benzodiazepine giúp giảm lo âu và hỗ trợ giấc ngủ
- Thuốc giảm đau để khắc phục những triệu chứng đau nhức kéo dài
- Các loại vitamin như B1, B6 hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một phương pháp quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm có liên quan suy nhược thần kinh. Nó giúp người bệnh tháo gỡ những khúc mắc tâm lý và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Các chuyên gia tâm lý sẽ trực tiếp trò chuyện, hỗ trợ tinh thần và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện phương pháp giảm căng thẳng. Thông qua đó, người bệnh có thể dần phục hồi và từ từ vượt qua áp lực đã ảnh hưởng đến tinh thần.
Các liệu pháp tâm lý khác nhau đều có tác dụng tích cực trong điều trị trầm cảm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) giúp bệnh nhân nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực để có được khả năng phó với căng thẳng.
- Với liệu pháp tâm động, bệnh nhân giải quyết các vấn đề chưa được tháo gỡ từ quá khứ để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
- Liệu pháp nhóm tạo ra môi trường hỗ trợ để mọi bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự đồng cảm từ hoàn cảnh tương tự.
3. Liệu pháp bổ sung
Trong quá trình điều trị suy nhược thần kinh và trầm cảm, ngoài các liệu pháp y khoa truyền thống, việc kết hợp thêm các liệu pháp bổ sung có thể giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sự cân bằng tinh thần và giảm căng thẳng như sau:
- Châm cứu là kỹ thuật truyền thống sử dụng kim để kích thích các điểm huyệt, giúp giảm căng thẳng và tạo sự cân bằng cho cơ thể.
- Liệu pháp xoa bóp giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu và làm dịu tinh thần.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin D, vitamin B và magie để hỗ trợ cải thiện tâm trạng và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Dầu thơm với các loại tinh dầu tự nhiên như oải hương, cam bergamot giúp giảm căng thẳng và tạo ra cảm giác thư giãn dễ chịu.
Cách khắc phục suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh là một tình trạng khiến cả tâm trí và cơ thể mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, qua việc áp dụng nhiều biện pháp khắc phục phù hợp thì bệnh nhân hoàn toàn lấy lại được sự cân bằng để cải thiện sức khỏe tổng thể.
1. Cải thiện lối sống lành mạnh
Suy nhược thần kinh không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe thể chất. Để khắc phục tình trạng này, một trong những yếu tố quan trọng nhất là thay đổi lối sống.
- Tập thể dục thường xuyên cứ mỗi 30 phút/ngày
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm từ 7 – 8 tiếng thật chất lượng
- Chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá
- Sắp xếp nhà cửa và nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ để tạo không gian sống thoải mái
- Tham gia vào các hoạt động xã hội, dành thời gian cho bạn bè và người thân
- Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như vẽ tranh, làm vườn, đi dạo
- Tránh xa những người hoặc môi trường khiến bản thân cảm thấy áp lực
- Nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng bằng cách ngắt kết nối với công việc và dành thời gian cho bản thân
2. Chia sẻ với bạn bè, người thân
Chia sẻ với bạn bè và người thân là một trong những cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng và áp lực. Người bệnh sẽ thấy nhẹ lòng hơn và nhận được những lời khuyên, sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh nếu biết chia sẻ một cách chân thành. Việc này giúp giảm bớt những cảm xúc bị dồn nén để bệnh nhân không phải đối diện một mình nữa.
Kết nối với những người thân yêu cũng mang lại sự an ủi và cảm giác an toàn. Hãy dành thời gian trò chuyện, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với họ. Những người thân thiết thường sẽ lắng nghe và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân để bạn có thêm góc nhìn mới và giảm bớt tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của mình.
3. Sử dụng phương pháp thư giãn
Việc tìm kiếm phương pháp thư giãn hiệu quả không chỉ giúp bản thân bớt căng thẳng mà còn tạo ra sự cân bằng cho tâm trạng. Những phương pháp này còn là hành trình nhỏ giúp bạn trở về với chính mình.
- Nghe nhạc êm dịu, tạo không gian tĩnh lặng cho tâm trí
- Ngồi thiền định mỗi ngày để tập trung tâm trí, giảm lo âu và cải thiện sự chú ý
- Dành thời gian ra ngoài thiên nhiên như đi dạo, leo núi, tắm biển
- Đọc sách khám phá thế giới mới và cải thiện kiến thức
- Yoga kết hợp giữa bài tập thể chất và hơi thở giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần
Suy nhược thần kinh và trầm cảm đều là những vấn đề đáng lo ngại, nhưng cũng có thể điều trị và quản lý hiệu quả. Thông qua tìm hiểu và chia sẻ những trải nghiệm của mình, chúng ta có thể tạo ra một cộng đồng luôn hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị suy nhược thần kinh nên uống thuốc gì tốt?
- Bị suy nhược thần kinh nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất
- Cách chữa bệnh suy nhược thần kinh bằng cây thuốc nam
Nguồn tham khảo:
- hongngochospital.vn, maihuong.gov.vn, vinmec.com,….
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!