Hội chứng sương mù não: Triệu chứng và Cách khắc phục
Hội chứng sương mù não là một dạng rối loạn chức năng nhận thức với các biểu hiện điển hình là mất tập trung, hay quên, mơ hồ, mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp.. Thống kê cho thấy, tỷ lệ cao người mắc triệu chứng thần kinh này sau khi mắc covid 19 kèm theo một số vấn đề khác về thể chất. Tình trạng sương mù não có thể kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe nên cần được khắc phục sớm.
Hội chứng sương mù não là gì?
Sương mù não không phải là một bệnh lý thực thể mà là một thuật ngữ y tế dùng để mô tả trạng thái rối loạn về mặt nhận thức, tác động xấu về mặt tinh thần. Các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng này chính là tình trạng lơ mơ, suy giảm trí nhớ, chậm chạp về suy nghĩ lẫn hành vi. Ngoài các vấn đề về tinh thần, người bệnh cũng có các triệu chứng suy giảm về thể chất như mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng..
Trước đây, hội chứng sương mù não sương mù não thường do các yếu tố như mang thai, đa xơ cứng, rối loạn chức năng thần kinh, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị trong thời gian dài.. Tuy nhiên kể từ thời điểm đại dịch Covid 19 xuất hiện, tỷ lệ số người mắc hội chứng này tăng cao đáng kể kèm theo các biểu hiện như hụt hơi, nhanh mệt, mơ màng nên rất thường bị cho là di chứng từ covid, ít ai cho rằng đây là các dấu hiệu của rối loạn thần kinh. Do đó hầu hết các trường hợp đều phát hiện khá muộn.
Các thống kê cũng cho thấy có khoảng 20 – 30% bệnh nhân mắc hội chứng sương mù não chủ yếu là người lớn tuổi (50 trở lên). Tuy nhiên tỷ lệ người trẻ mắc hội chứng này cũng đã tăng lên đáng kể, không chỉ bởi covid mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. tình trạng này kéo dài gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, sức khỏe, đời sống tinh thần của mỗi cá nhân nên cần sớm tìm hướng khắc phục.
Biểu hiện hội chứng sương mù não
Một số bệnh nhân mô tả họ thường cảm thấy rơi vào tình trạng “nhớ nhớ quên quên”, không thể tập trung vào làm bất cứ việc gì, luôn lơ đãng, lẫn lộn, cảm tưởng như tách biệt với xung quanh giống như có một màn sương mù dày đặc bao quanh não khiến hệ thống thần kinh trở nên mơ hồ, chậm chạp, không nhận diện rõ mọi thứ. Họ tính làm việc này nhưng đột nhiên khựng lại, không biết bản thân đang có ý định gì.
Tất cả những triệu chứng này cứ diễn ra thường xuyên khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn, bản thân họ cũng mệt mỏi bất lực với chính mình. Cụ thể hơn, những biểu hiện điển hình của hội chứng sương mù não bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ: đây chính là một trong những dấu hiệu điển hình nhất. Hoạt động của não bộ dường như bị cản trở bởi “một lớp sương mù dày đặc” khiến khả năng xử lý, ghi nhớ thông tin yếu kém. Người bệnh có thể quên mất ý định chuẩn bị thực hiện, lời nói, vị trí đồ đạc, lịch hẹn, nói trước quên sau.. Đặc biệt nếu là học sinh hay người làm các công việc cần ghi nhớ nhanh nhạy sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
- Suy nghĩ chậm chạp: khả năng xử lý thông tin của người mắc hội chứng sương mù trở nên chậm chạp, kém linh hoạt hơn rất nhiều. Hệ thần kinh bị rối loạn khiến những người này có xu hướng phản ứng chậm chạp hơn bình thường, luôn bị ngắt quãng, dường như luôn có một khoảng trống vô hình trước một lời nói, hành động nào đó cần họ tương tác lại.
- Khó tập trung: người mắc hội chứng sương mù não cũng thường trong trạng thái khó tập trung, thường xuyên lơ đãng, không thể chú ý vào một sự vật, câu chuyện, đôi lúc họ còn cảm thấy như bản thân đang bị tách biệt hoàn toàn với các sự việc đang diễn ra do không thể bắt kịp các diễn biến. Cũng chính bởi kém tập trung nên hầu như không thể họ hầu như không thể ghi nhớ, xử lý các sự việc nhanh nhạy.
- Rối loạn cảm xúc: nhạy cảm, dễ buồn bã, dễ kích động, dễ xúc động, thay đổi cảm xúc, tâm trạng nhanh chóng cũng là các biểu hiện thường gặp ở người bị hội chứng sương mù não. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà có thể tác động xấu đến cả các mối quan hệ xung quanh bởi sự nhạy cảm quá mức.
- Thường xuyên mệt mỏi: luôn trong trạng thái tụt giảm năng lượng, không có chút sức lực nào dù không làm việc nhiều, luôn cảm thấy uể oải cũng là dấu hiệu điển hình của hội chứng sương mù não, đặc biệt gặp phổ biến ở những người từng mắc covid 19.
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy các triệu chứng này đã và đang gặp ở rất nhiều người, thậm chí ngay ở chính bản thân tuy nhiên rất thường bị bỏ qua. Càng để các biểu hiện này kéo dài sẽ càng gây ra những tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của từng cá nhân nên cần tìm hướng khắc phục càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây hội chứng sương mù não
Cơ chế gây hội chứng sương mù não cũng khá phức tạp do liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Hiểu rõ về nguyên nhân gây ra hội chứng này sẽ giúp việc điều trị được xây dựng đúng cách, hiệu quả nhanh chóng hơn.
Di chứng của Covid 19
Như đã nói, hiện nay tỷ lệ cao hội chứng sương mù não là do di chứng từ covid 19 nên cần hiểu được mối liên kết giữa hai tình trạng này. Theo các chuyên gia, khi mắc covid 19, virus sẽ tấn công vào các tế bào thần kinh dẫn tới tình trạng viêm khu trú trong não và tạo ra các Cytokine (tạo ra bởi hệ thống miễn dịch nhằm chống lại các virus xâm nhập cơ thể. Cytokine có khả năng vượt qua hàng rào máu não để tác động kích hoạt đại thực bào trong mô não (microglia) dẫn tới gia tăng các nhiều kháng thể và cả tự kháng thể làm cho hệ thần kinh suy giảm hoạt động mạnh mẽ.
Các virus Covid 19 sẽ thông qua các thụ thể ACE-2 để xâm nhập vào mạch máu não và làm cho các tế bào nội mô mạch máu tổn thương. Sự tấn công kéo dài sẽ làm hình thành các cục máu đông li ti tại lòng động mạch và làm giảm lưu lượng máu lên não. Đây chính là nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn máu não, rối loạn thần kinh thực vật và làm trầm trọng hơn mức độ rối loạn nhận thức.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra tình trạng rối loạn chuyển hóa ở não những bệnh nhân đã từng mắc covid 19 sẽ khiến cho lưu lượng máu đến não bị cản trở, đồng thời lượng oxy đưa đến não cũng bị hạn chế. Tình trạng này gây ra rối loạn chức năng khớp nối thần kinh, làm gián đoạn các liên kết giữa tế bào thần kinh não và có liên quan trực tiếp đến cơ chế của hội chứng sương mù não.
Ở cơ thể bình thường, hệ thống thần kinh tự chủ ( dưới sự hỗ trợ của hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm) sẽ chủ động gửi tín hiệu từ não đến các cơ quan khác như tim, ruột, dạ dày để điều chỉnh hoạt động. Tuy nhiên những bệnh nhân sau COVID, hệ thống này đã suy yếu, hoạt động không ổn định nên không thể điều chỉnh cơ thể thích ứng linh hoạt như trước kia.
Một yếu tố cuối cùng khiến covid 19 làm tăng cao nguy cơ hội chứng sương mù não chính là do các di chứng mà virus gây ra trên cơ thể, tinh thần, tâm lý.. Chẳng hạn như sự căng thẳng, lo âu, cảnh giác về bệnh tật, lây nhiễm.. Hay một số bệnh nhân covid cũng bị tổn thương các cơ quan khác, chẳng hạn như rối loạn thị lực cũng khiến họ hệ thống não bộ mệt mỏi, hoạt động chậm chạp, suy giảm trí nhớ, luôn có cảm giác choáng ngợp với xung quanh.
Các nguyên nhân khác
Hội chứng sương mù não do covid 19 mới chỉ là vấn đề được đặt ra trong khoảng 3 năm gần đây, kể từ thời điểm đại dịch bùng nổ. Trước đó tỉ lệ người mắc hội chứng này không quá cao nhưng các chuyên gia vẫn có thể xác định được nhiều yếu tố liên quan đến hội chứng này.
Cụ thể, các nguyên nhân khác gây hội chứng sương mù não bao gồm:
- Mang thai: một vài phụ nữ mang thai cho biết họ cảm thấy trí nhớ suy giảm, suy nghĩ chậm chạp, mất tập trung nhiều hơn. Vài nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân có thể do các chất được tiết ra trong cơ thể khi mang thai để bảo vệ và nuôi dưỡng thai kỳ an toàn hơn.
- Bệnh đa xơ cứng: thống kê cho thấy khoảng 50% các bệnh nhân đa xơ cứng đều gặp vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung, kỹ năng thiết lập kế hoạch hoặc các vấn đề về ngôn ngữ. Nguyên nhân là do căn bệnh này có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và thay đổi cách thức não bộ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể giống như các biểu hiện của hội chứng sương mù não.
- Tác dụng của các loại thuốc kéo dài: một số bệnh nhân sau thời gian dài sử dụng một số loại thuốc (kê đơn hay không kê đơn) hay hóa chất (tự nhiên và nhân tạo) đều có thể gặp rất nhiều tác dụng phụ như hội chứng sương mù não. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẫn cảm với các thành phần của thuốc và cần điều chỉnh lại liều lượng.
- Bệnh nhân ung thư: người điều trị ung thư bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị hoặc các loại thuốc cực mạnh thường gặp các phản ứng phụ như mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, trí nhớ suy giảm… Ngoài ra trong trường hợp khối u di căn lên não bộ cũng sẽ xảy ra các triệu chứng như hội chứng sương mù não.
- Phụ nữ thời kỳ mãn kinh: cơ thể của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh thường gặp rất nhiều bất thường như mệt mỏi, dễ cáu gắt, tăng nhịp tim, dễ bốc hỏa (đổ mồ hôi, tăng nhiệt độ cơ thể), điều này làm xáo trộn sinh hoạt thường ngày, dễ gây mất tập trung và suy giảm trí nhớ.
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính: cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán nản kéo dài cũng khiến cho người bệnh có xu hướng kém tập trung, khó ghi nhớ, hay quên, luôn trong trạng thái bối rối và mơ hồ.
- Trầm cảm: các nghiên cứu vẫn chưa thể xác định rõ trầm cảm gây ra sương mù não hay ngược lại, tuy nhiên các triệu chứng điển hình của hai hội chứng này có độ tương đồng khá cao.
- Rối loạn giấc ngủ: não bộ cần đảm bảo được nạp năng lượng thông qua giấc ngủ hằng ngày. Tuy nhiên ngủ quá nhiều, ngủ quá ít, ngủ không đúng cách đều có thể làm hình thành các nhận thức bất thường. Hay với những người có thời gian ngủ không ổn định, sử dụng các thiết bị công nghệ, người mắc chứng ngủ ủ rũ, ngưng thở khi ngủ cũng cần thông báo với bác sĩ để tìm hướng điều trị càng sớm càng tốt.
- Bệnh lupus ban đỏ: đây cũng là một căn bệnh mãn tính, chưa thể điều trị hoàn toàn và có đến hơn 50% bệnh nhân đều có các triệu chứng về trí nhớ, lú lẫn và không thể tập trung.
Chẩn đoán hội chứng sương mù não
Nhìn chung, hội chứng sương mù não không phải là một bệnh lý thực thể, không tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất của người bệnh. Tuy nhiên nếu tình trạng mệt mỏi, uể oải, kém tập trung, lơ đãng kéo dài sẽ gây ra rất nhiều tác động đến tinh thần, công việc và mọi khía cạnh khác trong cuộc sống hằng ngày. Mức độ sương mù não càng tăng, người bệnh trở nên mệt mỏi, tiêu cực, nặng nề hơn.
Tuy nhiên việc chẩn đoán và phát hiện sớm hội chứng sương mù não cũng không hề dễ dàng, đa số đều tự cho rằng tình trạng này là do dị chứng của covid 19, do tuổi tác, do sức khỏe suy yếu. Bác sĩ cần thực hiện đầy đủ các chẩn đoán y khoa để xác định chính xác các nguyên nhân gây sương mù não, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin về tiền sử bệnh lý, đánh giá các triệu chứng sau khám lâm sàng. Ngoài ra các bài test để đánh giá mức độ suy giảm nhận thức, trí nhớ, thực hiện các xét nghiệm MRI não, xét nghiệm máu cũng được chỉ định để phòng tránh nguy cơ nhầm lẫn với các bệnh lý có triệu chứng tương đồng, chẳng hạn như các bệnh thoái hóa não.
Người bệnh khi phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường về trí nhớ, khả năng tập trung, giấc ngủ, không thể biểu đạt được suy nghĩ, cảm xúc .. nên trực tiếp đến các chuyên khoa thần kinh, tâm lý, tâm thần để khám và thực hiện các chẩn đoán chuyên môn.
Hướng điều trị hội chứng sương mù não
Tùy theo nguyên nhân gây hội chứng sương mù não mà hướng điều trị có thể được xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, các bác sĩ đều khuyến khích người bệnh cần điều chỉnh lối sống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, chế độ ăn uống kết hợp với tăng cường vận động và giao tiếp đều sẽ mang đến những cải thiện tích cực.
Hội chứng sương mù não hoàn toàn có thể được khắc phục mà không cần dùng thuốc, hoặc nếu có đó có thể là một số loại thuốc bổ não, bổ thần kinh. Tuy nhiên trong trường hợp có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như trầm cảm, lupus ban đỏ.. bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu dùng thuốc để duy trì cơ thể ở mức độ ổn định, ngăn chặn nguy cơ các triệu chứng trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, để cải thiện hội chứng sương mù não cần thực hiện những biện pháp sau đây:
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày theo đúng đồng hồ sinh học của giấc ngủ, ăn đúng bữa, vận động hằng ngày sẽ giúp ích cho việc phục hồi dần các hoạt động của hệ thần kinh não bộ.
- Chế độ dinh dưỡng: các chuyên gia khuyến khích chế độ dưỡng chất giàu axit béo omega-3 có thể giúp não hoạt động trơn tru, cải thiện trí nhớ và các hoạt động của hệ thần kinh ổn định hơn. Do đó nên ưu tiên các loại hạt, dầu cá, cá béo, các loại rau xanh để bổ sung dưỡng chất này hiệu quả. Đồng thời cũng cần hạn chế các chất cafein, chất tạo ngọt nhân tạo, chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều calo do có thể gây hại trực tiếp đến hệ thống thần kinh. Với các bệnh nhân lupus cũng cần duy trì chế độ dinh dưỡng thích hợp để tránh nguy cơ các triệu chứng bùng phát lại.
- Tăng cường chất lượng giấc ngủ: ngoài việc ngủ đúng giấc, đủ 8 tiếng mỗi ngày, để nâng cao chất lượng giấc ngủ bạn còn cần hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, chất giàu cafein trước giờ ngủ. Với những người bị mất ngủ kéo dài có thể tập thiền, vận động, xông hơi với tinh dầu, tắm nước ấm để điều chỉnh giấc ngủ về trạng thái tự nhiên thay vì sử dụng các loại thuốc hỗ trợ.
- Luyện tập hít thở: hít thở đúng cách sẽ giúp đưa oxy vào não bộ, từ đó điều chỉnh được lượng não lên não và ổn định các tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan khác. Do đó người mắc hội chứng sương mù não được khuyến khích luyện tập hít thở đúng cách để cải thiện các triệu chứng hiệu quả.
- Duy trì thói quen vận động: xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày không thể tốt cho thể chất mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe tinh thần và não bộ. Vận động hằng ngày có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ, tăng cường lượng máu lên não, phục hồi thể lực, đặc biệt với những người đã từng mắc covid hoặc đang bị trầm cảm rất cần vận động thường xuyên.
- Giao tiếp nhiều hơn: các chuyên gia cũng cho biết, việc tăng cường trò chuyện và giao tiếp với những người xung quanh, chia sẻ cùng gia đình, gặp gỡ những người có năng lượng tích cực đều giúp ích cho những người mắc hội chứng sương mù não.
- Tránh xa căng thẳng: càng stress mức độ sương mù não sẽ càng tăng lên khiến người bệnh chậm chạp, mơ hồ, mất tập trung hơn. Do đó mỗi cá nhân đều học cách suy nghĩ tích cực, ổn định cảm xúc, để cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc, tham gia các hoạt động yêu thích cũng là cách giúp cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả.
- Thuốc: tùy nguyên nhân gây hội chứng sương mù não, một số loại thuốc có thể được chỉ định như thuốc chống trầm cảm ( nếu nguyên nhân do trầm cảm); thuốc chống viêm; thuốc ức chế hệ miễn dịch.. Ngoài ra các nhóm thuốc giúp tăng cường tuần hoàn máu não, thuốc bổ não cũng có thể giúp ích ích rất nhiều để phục hồi sức khỏe não bộ.
- Trò chuyện với chuyên gia tâm lý: gặp gỡ nhà trị liệu tâm lý cũng có thể mang đến hiệu quả trong việc điều chỉnh cảm xúc, luyện tập trí nhớ, cải thiện giấc ngủ và tinh thần.
Nếu xác định đúng nguyên nhân gây hội chứng sương mù não và thực hiện đúng các biện pháp trên, các triệu chứng sẽ dần được khắc phục sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần tiếp tục duy trì thói quen sống lành mạnh, vận động hằng ngày để tránh nguy cơ tái phát các biểu hiện sương mù não.
Hội chứng sương mù não có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến các khía cạnh trong hoạt động, công việc, đời sống hằng ngày của người bệnh. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hoạt động phòng tránh covid 19, mỗi người vẫn cần học thói quen tự nâng cao sức khỏe bản thân, luyện tập suy nghĩ tích cực để phòng tránh nguy cơ mắc rất nhiều các bệnh lý khác.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia): Nguyên nhân và Cách khắc phục
- Hội chứng sợ kim tiêm (Belonephobia): Hậu quả và Cách điều trị
- Hội chứng xác sống biết đi (Cotard): Nguyên nhân và Cách chữa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!