Tệ nạn xã hội trong học đường: Thực trạng và giải pháp
Tệ nạn xã hội trong học đường ngày càng biến tướng và trở nên nghiêm trọng trong những năm trở lại đây. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nếu không được giải quyết triệt để thì sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho thế hệ mai sau.
Thực trạng tệ nạn xã hội trong học đường hiện nay
Tệ nạn xã hội trong học đường là những hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa, đi ngược với chuẩn mực xã hội và đạo đức, để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân, gia đình mà còn là cả toàn xã hội . Tệ nạn xã hội khiến con người có những tư tưởng sai lệch, có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức con người. Có một sự thật đáng buồn là tệ nạn xã hội học đường ngày càng nghiêm trọng, và số lượng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng cao.
Tệ nạn xã hội học đường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, và sức khỏe tâm thần của các bạn học sinh. Hiện nay nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, việc tìm kiếm thông tin và liên lạc giữa người với người đã trở nên dễ dàng hơn. Nhưng cũng vì thế, các bạn học sinh cũng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những đường dây tệ nạn đầy tinh vi và khó nắm bắt. Nhiều bạn hồn nhiên tiếp tay cho kẻ xấu làm hại bạn bè và những người xung quanh.
Hiện nay chưa có thống kê cụ thể về tình trạng tệ nạn xã hội học đường, vì tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, và có nhiều trường hợp chưa thể tìm ra. Tuy nhiên, một số thống kê được ghi nhận tại các nước và những tổ chức thế giới cho chúng ta thấy rõ một thực trạng rằng: tệ nạn xã hội trong học đường đang ngày càng lan rộng, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những mầm non tương lai của đất nước
- Tình trạng nghiện hút trong học đường đang tăng cao, và độ tuổi nghiện ngày càng nhỏ. Theo số liệu của Cục phòng chống tệ nạn xã hội vào năm 2017, có đến 8% số người nghiện ma túy là học sinh-sinh viên, có những trường hợp còn rất nhỏ tuổi. Nghiện ma túy sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, quá trình quá triển nhân cách, và hủy hoại tương ai của các bạn trẻ.
- Game online đang là một trong những hình thức giải trí vô cùng hấp dẫn, được yêu thích , và thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Số người chơi game vô cùng đông đảo, nhưng không phải ai cũng có thể chơi game một cách lành mạnh, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, kết quả học tập, và không biến tình trạng chơi game thành tệ nạn xã hội. Vào năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố có 10-15% trẻ em, thanh thiếu niên nghiện game online, trong đó phần lớn là trẻ dưới 15%.
- Tình trạng trẻ vị thành niên bỏ học đi bán dâm, hoặc bị buộc phải đi bán dâm vì nhiều lý do đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối của xã hội. Trong số 87.000 trường hợp bán dâm được ghi nhận vào năm 2018, có hơn 50% là trẻ vị thành niên. Tình trạng mua bán dâm với trẻ vị thành niên không những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, và con đường tương lai của các em.
- Cờ bạc đang len lỏi một cách nhanh chóng, và trở thành một tệ nạn xã hội trong học đường đáng quan ngại. Cờ bạc hiện nay không dễ nắm bắt và công khai như ngày xưa, mà dần chuyển sang hình thức online. Vấn nạn nghiện cờ bạc, hay nghiện cờ bạc online đã, và đang là nguyên nhân khiến nhiều em học sinh bỏ học, thành tích học tập sa sút, lừa dối cha mẹ hoặc vay nặng lãi để có tiền đánh bạc.
- Theo thống kê của Bộ Giáo dục, 8% học sinh được ghi nhận là có hành vi gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, con số này không thể hiện đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc, bởi vì còn rất nhiều trường hợp gian lận trót lọt không bị phát hiện. Do đó con số chính xác sẽ cao hơn rất nhiều.
Trên đây chỉ là một số tệ nạn xã hội thường thấy. Thực tế còn rất nhiều những vấn đề khác như bạo lực học đường, nạn sử dụng chất kích thích, đua xe, trộm cắp,… đang đe dọa và làm bẩn môi trường học đường, nơi đáng lẽ phải tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập và phát triển nhân cách. Vậy, yếu tố nào khiến tệ nạn xã hội trong học đường ngày càng lan rộng, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh thiếu niên đến vậy?
Nguyên nhân hình thành tệ nạn xã hội trong học đường
Tình trạng tệ nạn xã hội học đường chủ yếu xảy ra ở học sinh cấp 2 và cấp 3. Đây là giai đoạn các em bước vào độ tuổi dậy thì, do đó nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ và cảm nhận của các em sẽ có nhiều thay đổi. Các em dễ trở nên sa ngã, sai lệch nhận thức, và nổi loạn vì chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường. Sau đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành tệ nạn xã hội ở các em học sinh:
- Thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn: Việc tăng giảm nội tiết tố một cách bất thường là nguyên nhân khiến các bạn học sinh trong độ tuổi dậy thì trở nên cáu gắt, mệt mỏi, dễ nổi loạn, và bắt đầu có những hiểu biết, nhận thức rõ ràng hơn về giới tính. Nếu trẻ không được giáo dục đúng đắn, và có nhận thức vể sự thay đổi của bản thân thì rất dễ lạc lối và sa ngã vào con đường sai lầm. Ngoài ra, trẻ bước vào giai đoạn dậy thì sẽ bắt đầu có suy nghĩ rằng bản thân đã là người lớn. Và có những hành động chứng mình “mình đã lớn” bất chấp hậu quả.
- Môi trường sống không lành mạnh: Không phải tất cả những đứa trẻ lớn lên trong môi trường xấu đều trở thành người xấu và ngược lại. Nhưng không thể phủ nhận môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhân cách cho trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường độc hại, hàng ngày tiếp xúc với cờ bạc, hút chích, mại dâm, hay nhìn thấy những hình ảnh bạo lực lâu dần sẽ xem những điều này là đương nhiên. Trẻ khi lớn lên có tỷ lệ cao phạm phải những tệ nạn xã hội trong học đường.
- Gia đình thiếu quan tâm chăm sóc: Một trong những nguyên nhân đẩy trẻ đến con đường nghiện internet, nghiện game online, cờ bạc, hút chích, hay bạo lực học đường là do thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Nhiều phụ huynh chỉ lo đến việc kiếm tiền, đảm bảo điều kiện vật chất cho trẻ và ép buộc trẻ học tập, mà không quan tâm đến đời sống tinh thần. Trẻ cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, mệt mỏi, không có động lực cố gắng, và thường xuyên có những hành động nổi loạn để thu hút sự chú ý từ người lớn. Suy nghĩ tiêu cực này của trẻ rất dễ bị bạn bè và người xấu lợi dụng dẫn đến tệ nạn xã hội.
- Tiếp xúc với mạng xã hội không đúng cách: Không gian mạng chưa bao giờ là nơi an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc. Các em còn quá nhỏ, và thiếu sự chín chắn trong suy nghĩ để nhận biết đúng sai. Thông tin trên mạng rất hỗn tạp, không có nguồn cụ thể, và không thể xác định mức độ chính xác. Nghiện mạng xã hội khiến các em dễ bị lôi kéo vào những trang web đánh bạc, cho vay nặng lãi, hoăc chứa những thông tin sai lệch về sức khỏe và các vấn đề xã hội. Ngoài ra, những trang web đen, web bẩn sẽ khiến trẻ lệch lạc tâm lý, có suy nghĩ sai lầm về vấn đề giới tính và quan hệ tình dục, làm tiền đề cho những hành vi đồi trụy và mất nhân tính về sau.
- Sự cứng nhắc trong giáo dục: Phụ huynh ngày nay cần thay đổi suy nghĩ trong vấn đề dạy con. Thời đại thay đổi, xã hội thay đổi, tư tưởng thay đổi, do đó việc giáo dục con cái cũng cần thay đổi. Cha mẹ ngày nay không thể áp dụng cách “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, buộc trẻ theo khuôn phép của thời đại cũ, hoặc dạy trẻ bằng roi vọt, và tiêm vào đầu trẻ những suy nghĩ cổ hủ. Thay vào đó, cha mẹ cần cập nhật thông tin và xu hướng thời đại để dạy con đúng cách hơn. Nếu quá nghiêm khắc và dạy dỗ sai cách, trẻ sẽ so sánh bản thân với bạn bè xung quanh, từ đó cảm thấy bất mãn với cha mẹ. Sự rạn nứt tình cảm gia đình có thể khiến trẻ rơi vào tệ nạn xã hội.
Nguyên nhân khiến các em sa vào tệ nạn xã hội học đường sẽ khác nhau ở từng đối tượng. Nhưng đa phần các em bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó việc thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn và thiếu sự quan tâm từ gia đình là những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Những tệ nạn xã hội trong học đường ngày càng nguy hiểm, tinh vi, và lan rộng một cách mất kiểm soát, đe dọa tương lai của cả một thế hệ.
Những tệ nạn xã hội trong học đường phổ biến hiện nay
Sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều hình thức tệ nạn xã hội học đường mới xuất hiện. Những tệ nạn cũ cũng ngày càng tinh vi, lan rộng, và khó kiểm soát hơn trong môi trường học đường. Nhiều bạn lợi dụng sự thiếu kiến thức của cha mẹ trong vấn đề công nghệ để thỏa mãn thú vui, và che giấu những hành vi sai trái của bản thân. Nhiều bậc phụ huynh đến lúc sự việc vỡ lỡ mới biết con cái lén lút làm gì sau lưng bản thân.
1. Bạo lực học đường
Bạo lực học đường là vấn đề gây nhức nhối ở nhiều nền giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của học sinh. Kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến và văn minh như Mỹ, Anh, Pháp,… thì vấn đề bạo lực học đường, và cả nạn phân biệt chủng tộc trong môi trường học đường vẫn diễn ra hàng ngày. Tệ nạn này đẩy nhiều thanh thiếu niên vào tình trạng trầm cảm và tự sát.
Những nạn nhân của bạo lực học đường thường là những bạn trẻ hiền lành, nhút nhát, tự ti, ít giao lưu với bạn bè xung quanh, hoặc có thành tích tốt, được lòng thầy cô,… Còn những bạn thực hiện hành vi bạo lực thường là những bạn có môi trường sống độc hại, gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, không quan tâm đến con cái, hoặc quá yêu thương chiều chuộng con khiến trẻ không nhận thức được đúng sai.
Những đối tượng bị bạo lực học đường không chỉ trải qua nỗi đau về thể xác vì thường xuyên bị đánh đập, mà còn chịu tổn thương tinh thần khi liên tục bị hạ nhục, cười cợt và cô lập giữa đám đông. Những đối tượng tham gia cô lập một cách gián tiếp có thể không tổn hại thể chất, hoặc dùng từ ngữ nặng nề để miệt thị, hạ nhục nhân cách nạn nhân. Nhưng lại áp dụng hình thức bạo hành lạnh, tức là không tiếp xúc và xem nạn nhân không tồn tại.
Ngoài ra, hình thức bạo hành qua mạng, đem những hình ảnh và chuyện xấu hổ của bạn học tung lên mạng để tất cả mọi người tham gia bàn tán, chế giễu cũng là một hình thức đang ngày càng lan rộng. Sự âm u và độc hại từ những bình luận ác ý trên mạng là nguyên nhân khiến nhiều bạn học sinh đau khổ, tuyệt vọng, xấu hổ, trầm cảm đến mức tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Trong khi những kẻ bắt nạt lại vui vẻ trước nỗi đau bản thân gây ra cho người khác.
Bạo lực lạnh hay bạo lực thể xác đều gây ra tổn thương tâm lý nặng nề khó để xóa nhòa. Tệ nạn xã hội trong học đường này khiến các em hoc sinh không dám đến trường, không thể tập trung vào việc học, từ đó khiến kết quả học tập giảm sút. Thầy cô và gia đình không phát giác việc các em bị bắt nạt, mà lại chỉ trích các em học kém, tạo áp lực buộc các bạn cố gắng nhiều hơn. Kết quả là nhiều bạn kết thúc sinh mệnh khi tuổi đời còn quá trẻ.
2. Nghiện game online, nghiện mạng xã hội
Mạng xã hội và game online gần như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các bạn trẻ hiện nay. Những hình thức giải trí này giúp các em cập nhật thông tin, giữ liên lạc với người thân và bạn bè, cũng như thư giãn sau những giờ phút học tập căng thẳng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng mạng xã hội và chơi game một cách hợp lý, các bạn học sinh sẽ nhanh chóng chuyển sang nghiện game online, nghiện mạng xã hội.
Việc nghiện game, nghiện mạng xã hội khiến các em bỏ bê việc học, dành toàn bộ sự chú ý vào các trò chơi, vào cuộc sống ảo mà không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Đã từng có trường hợp một bạn chơi game liên tục nhiều ngày, cuối cùng đột quỵ tại chỗ vì kiệt sức. Nghiện game đã được WHO công nhận là một chứng rối loạn tâm thần chính thức, vì chúng khiến con người mê muội, kéo theo những biểu hiện nghiêm trọng của trầm cảm.
Game online và mạng xã hội vốn dĩ không độc hại, nếu các bạn trẻ nhận thức được những ưu điểm và khuyết điểm của hình thức giải trí này, từ đó kiểm soát bản thân để không phụ thuộc và lạm dụng quá nhiều. Nghiện game và mạng xã hội không chỉ khiến các bạn trẻ bỏ bê việc học, mà tệ nạn xã hội trong học đường này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Nhiều bạn còn tham gia vào những hội nhóm độc hại, hoặc có hành vi trộm tiền cha mẹ nạp game.
3. Cờ bạc, rượu bia và ma túy
Cờ bạc, rượu bia và ma túy là ba trong số bốn tệ nạn xã hội thường gặp và bị mọi người lên án. Tuy nhiên, những thói hư tật xấu này lại có sức sống mãnh liệt, và ngày càng xâm nhập, lan rộng trong học đường, biến những bạn học sinh còn đang trong độ tuổi cắp sách đến trường thành nô lệ của chúng. Những thói hư này khiến con người suy đồi đạo đức, lệch lạc tư duy và dẫn đến những tệ nạn khác như vay nặng lãi, trộm cắp, cướp giật, mại dâm,…
Các bạn học sinh trong độ tuổi dậy thì thường có tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, làm những điều người lớn được làm nhằm thể hiện bản thân đã trưởng thành. Tâm lý này rất dễ bị người xấu khích bác, lợi dụng, dụ dỗ các bạn sa vào cờ bạc, may túy và rượu bia. Ban đầu, các bạn chỉ tham gia với suy nghĩ “thử cho biết”, nhưng rồi dần dần nghiện lúc nào không hay. Những tệ nạn này phá hủy nhân cách và lý trí, đẩy các bạn vào những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tham gia cờ bạc, nghiện cá độ online, say rượu đánh người, hay tụ tập hút thuốc, sử dụng thuốc lắc, hút chích ma túy ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã thực hiện nhiều phóng sự về vấn đề này, với mục đích cảnh báo gia đình và toàn xã hội về tình trạng lan rộng của những tệ nạn này trong môi trường học đường.
Các tệ nạn xã hội trong học đường gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, kéo tụt kết quả học tập, tàn phá tâm trí, và làm vặn vẹo nhân cách của các em. Những bạn dính vào cờ bạc và ma túy sẽ làm mọi cách, kể cả lừa gạt cha mẹ, trộm cắp, cưỡng bức, mua bán dâm,… để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Hiện nay, việc hướng dẫn và giúp các em nhận thức về sự độc hại của những tệ nạn này vẫn chưa được chặt chẽ, và không có tác dụng thực tế.
4. Tệ nạn trộm cắp
Cờ bạc, ma túy, rượu bia, nghiện game online, cùng với tâm lý đua đòi, muốn bằng bạn bằng bè của các bạn học sinh là yếu tố thúc đẩy hành vi trộm cắp. Các bạn ban đầu sẽ lén lấy trộm đồ của bạn bè, trộm tiền của cha mẹ, sau đó dần dần chuyển sang trộm cắp tại các cửa hàng. Trộm cắp nhằm phục vụ cho những thú vui phù phiếm, nhằm lên mặt với bạn bè là vấn đề không hề mới lạ với những bạn học sinh.
Ban đầu, các em sẽ chỉ trộm những món đồ nho nhỏ, không đáng giá tiền. Nhưng khi trộm cắp đã quen tay, và nhu cầu sử dụng tiền cũng tăng lên, các em sẽ chuyển sang trộm những món có giá trị lớn hơn. Trộm cắp là một trong những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội bị lên án nặng nề. Những người có tiền án trộm cắp sẽ đánh mất lòng tin và để lại ấn tượng rất xấu trong lòng những người xung quanh. Vết nhơ này có thể ảnh hưởng mãi mãi đến cuộc đời các em.
5. Gian lận trong thi cử
Học trò ai mà không gian lận vài lần trong đời. Đó là sự thật, nhưng không phải là lý do bao biện cho tình trạng gian lận trong thi cử. Gian lận trong thi cử là tệ nạn phổ biển nhất, nhưng cũng thường được xem nhẹ nhất. Gian lận làm ảnh hưởng đến tính công bằng, tính cạnh tranh trong các cuộc thi. Tệ nạn này khiến các em quen với thói lười biếng, luôn có suy nghĩ dùng thủ đoạn để đạt đến mục đích.
Suy nghĩ này vô cùng độc hại và ảnh hưởng lâu dài đến quá trình phát triển nhân cách. Các em sẽ quen thói ỷ lại, không còn động lực học tập, không có mục tiêu học tập để cố gắng. Hậu quả là các bạn sẽ chểnh mảng việc học, thiếu hụt kiến thức căn bản, và gặp khó khăn trong quá trình học lên cao. Đặc biệt nếu gặp những đề thi đòi hỏi khả năng vận dụng, tổng hợp kiến thức và khả năng ứng biến thì gian lận hoàn toàn vô dụng.
Việc gian lận trong thi cử còn gây ảnh hưởng rất lớn về sau. Những bạn quen với việc gian lận sẽ bắt đầu gian lận trong công việc và cuộc sống. Các bạn sẽ hướng đến việc đạt được mục tiêu mà bất chấp quá trình, sử dụng mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu. Suy nghĩ tiêu cực này làm ảnh hưởng đến tính công bằng của xã hội, thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người vô tội xung quanh.
6. Quan hệ tình dục sớm, phá thai và mại dâm
Giáo dục giới tính nhiều năm nay vẫn bị xem nhẹ, và được xếp vào những vấn đề nhạy cảm khó nói trước mặt học sinh. Cần nhớ là với sự phát triển hiện nay, các bạn học sinh tiếp xúc rất sớm và rất nhiều với những vấn đề giới tính. Nhà trường và gia đình không thể kiểm soát vấn đề này, vì thế cách tốt nhất là thẳng thắn, hướng dẫn các bạn tìm hiểu những luồng thông tinh chính thống, tránh việc các bạn bị lệch lạc tư duy và nhận thức trong vấn đề tình dục.
Sự mù mờ trong việc quan hệ tình dục an toàn, thiếu hiểu biết về những hậu quả của quan hệ tình dục sớm, khả năng kiềm chế cảm xúc kém, cùng với tâm lý muốn nếm thử cảm giác làm “người lớn” khiến nhiều bạn học sinh sa vào tình dục khi còn rất nhỏ. Khi này, cả cơ thể nam và nữ đều chưa phát triển hoàn thiện để tiếp nhận việc quan hệ, việc quan hệ quá sớm có thể khiến cơ quan sinh sản bị tổn thương, và kéo theo nhiều rắc rối khác.
Quan hệ tình dục sớm và không an toàn là nguyên nhân khiến nhiều bạn học sinh mắc bệnh phụ khoa, nam khoa, HIV/AIDS, và nhiều bệnh lây qua đừng tình dục khác. Hậu quả nghiêm trọng nhất là tình trạng có thai ngoài ý muốn. Những cô cậu học sinh phải làm cha, làm mẹ trong khi tuổi đời còn quá nhỏ, chưa hoàn tất việc học, chưa có sự nghiệp vững chãi. Điều này khiến tương lai các bạn dở dang, và thường dẫn đến bạo lực gia đình hay ly hôn do chưa chín chắn trong chuyện tình cảm.
Ngoài ra, quan hệ tình dục không an toàn làm tăng tỷ lệ nạo phá thai. Các bạn học sinh khi phát hiện bản thân mang thai thường cảm thấy sợ hãi, không dám nói thật với gia đình, vì thế tìm đến những cơ sở nạo phá thai chui để giải quyết. Nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung. Nếu làm ở những cơ sở chui không có giấy phép, các bạn trẻ sẽ đối mặt với vấn đề nhiễm trùng, mất máu đến chết, để lại sẹo và vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ.
Bên cạnh quan hệ tình dục, vấn đề mua bán dâm với đối tượng là trẻ vị thành niên cũng gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Một số bạn trẻ bị lừa gạt, uy hiếp phải bán dâm vì nhẹ dạ, cả tin người lạ. Nhiều bạn trẻ lại chủ động bán dâm vì số tiền lớn mà dịch vụ này mang đến. Một số bạn còn chấp nhận làm người tình cho đại gia, những người giàu có để có tiền tiêu xài. Mua bán dâm, đặc biệt là với trẻ vị thành niên, là vấn đề nghiêm trọng không ngừng bị xã hội lên án.
Hậu quả của những tệ nạn xã hội trong học đường
Hậu quả mà những tệ nạn xã hội trong học đường mang đến có thể phá hủy nhân cách và cả tương lai của các bạn học sinh, khiến các bạn rơi vào vòng lao lý. Các bạn sẽ bị lệch lạc suy nghĩ, kết quả học tập giảm sút, có hành vi vi phạm phát luật, tăng nguy cơ tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần, mắc các chứng rối loạn tâm thần, và có khả năng mắc nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như:
- Tăng tỷ lệ bỏ học do kết quả học tập kém, không có hứng thú và động lực học tập. Nhiều trường hợp các em bị đuổi học do gian lận thi cử, tham gia các đường dây cá độ, cờ bạc và hút chích ma túy.
- Dành nhiều thời gian chơi game online, cờ bạc, hay nghiện mạng xã hội làm sức khỏe xuống dốc, có nguy cơ đột quỵ hoặc mắc trầm cảm.
- Tham gia vào những đường dây mại dâm, buôn người, có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội.
- Những chấn thương tâm lý, tổn hại thể chất do quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai tuổi vị thành niên sẽ hủy hoại cuộc đời, và để lại những di chứng năng nề cho các em học sinh.
- Nạn nhân của bạo lực học đường chịu quá nhiều tổn thương vể thể xác và tinh thần, bị hành hạ, bị lăng nhục, thế nên các em thường tìm đến cái chết để giải thoát. Tự sát do bị bạo lực học đường, tự sát tuổi học đường đang có chiều hướng tăng cao trong những năm gần đây.
- Nhiều bạn trẻ buộc phải trở thành cha mẹ, hoặc mẹ đơn thân khi còn quá nhỏ, chưa có đủ nhận thức và khả năng chăm sóc một đứa con, trong khi chính bản thân các bạn vẫn là những đứa trẻ chưa lớn khôn. Nhiều bạn sau khi sinh con bị trầm cảm, xấu hổ vì sợ bạn bè chê cười nên bỏ học, dở dang tương lai.
- Những bạn trẻ quen thói trộm cắp, bắt nạt người yếu thế, hay thường xuyên rượu chè hút chích lớn lên có nguy cơ cao trở thành tội phạm, thực hiện các hành vi vi phạm phát luạt nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội trong học đường có thể phá hủy hoàn toàn nhân cách và tương lai của một người.
- Trẻ có những hành vi nổi loạn như bỏ nhà ra đi, trộm cắp tài sản, chửi bới cha mẹ. Nhiều bạn trẻ bị tha hóa và vặn vẹo nhân cách, không biết phân biệt đúng sai, vô ơn phụ nghĩa với cha mẹ và cả những người từng quan tâm, giúp đỡ và yêu thương bản thân.
- Những trẻ nghiện game online, nghiện ma tuy hay chất kích thích rất dễ mắc chứng tối loạn tâm thần, hoang tưởng, thay đổi tính tình và nhân cách. Nhiều kẻ trở thành những tên giết người máu lạnh dù còn rất nho tuổi.
Hậu quả mà các tệ nạn xã hội trong học đường mang đến cho các em học sinh là không thể đong đếm được. Do đó gia đình, nhà trường và cả xã hội cần chung tay góp sức để giúp các em không cảm thấy cô đơn và lạc lối giữa những khó khăn và cạm bẫy của cuộc đời. Phòng tránh tệ nạn xã hội trong học đường là một điều cấp thiết, và cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Phòng tránh tệ nạn xã hội trong học đường
Phòng tránh tệ nạn xã hội trong học đường là một quá trình dài, khó khăn và cần nhiều sự kiên nhẫn. Trách nhiễm hỗ trợ các bạn học sinh không là trách nhiệm của riêng ai, mà là của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mỗi đối tượng sẽ có những yêu cầu và nhiệm vụ riêng. Vì thế sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ giúp quá trình diễn ra suôn sẻ và đạt thành công, hiệu quả hơn.
1. Vai trò của cha mẹ
Cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, và giúp trẻ trở thành một con người tốt, một công dân tốt trong tương lai. Phụ huynh cần bầu bạn, quan tâm và lắng nghe những khó khăn, suy nghĩ của trẻ, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Vật chất không thể thay thế tinh thần, vì thế đừng bỏ trẻ lại trong căn nhà trống trải, và tự nhủ chỉ cần cung cấp điều kiện sinh hoạt tốt cho trẻ là hoàn thành trách nhiệm.
Nếu không có cha mẹ hướng dẫn, trẻ sẽ không biết cái gì đúng, cái gì sai, việc gì có thể làm, việc gì không thể làm. Khi tâm trí, nhân cách, đạo đức và nhận thức của trẻ đã vặn vẹo, và phát triển chệch hướng ngay từ nhỏ, cha mẹ không thể uốn nắn lại khi trẻ trưởng thành. Chỉ có làm bạn với con ngay từ nhỏ, uốn nắn con ngay từ nhỏ thì lớn lên trẻ mới tránh được những tệ nạn xã hội trong học đường.
Giáo dục trẻ thế nào cho đúng cách là một vấn đề không hề đơn giản. Cha mẹ không được quá nghiêm khắc, hoặc dùng đòn roi thường xuyên, vì hình thức này chỉ khiến trẻ tổn thương nặng nề về thể xác và tinh thần, ngày càng xa cách gia đình. Cha mẹ cũng không thể quá nuông chiều, để trẻ muốn gì được đó, vì sẽ hình thành tâm lý coi bản thân là cái rốn của vũ trụ, khiến trẻ cho rằng ai cũng phải phục tùng mình.
Thay vào đó, hãy tôn trọng trẻ và xem trẻ như một người lớn. Những bạn học sinh cấp 2 và cấp 3 đã có những nhận thức nhất định về vấn đề đúng sai, những điều nên làm và không nên làm. Cha mẹ cần đối thoại một cách tự nhiên với con, giúp con giải đáp thắc mắc, và cho trẻ những lời khuyên để bảo vệ bản thân. Điều này có thể giúp trẻ không biến thành hung thủ, hay nạn nhân của tệ nạn xã hội trong học đường.
2. Vai trò của nhà trường
Nhà trường là nơi cung cấp tri thức, dạy trẻ những điều hay, góp phần định hình nhân cách và suy nghĩ của trẻ. Môi trường học đường cũng là nơi thường xảy ra những tệ nạn như bạo lực, gian lận, hoặc những hoạt động ngầm vượt khỏi tầm kiểm soát của thầy cô. Do đó nhà trường cần siết chặt hơn nữa những biện pháp quản lý, và giáo dục học sinh về những tác hại của các tệ nạn xã hội trong học đường.
Thầy cô cần chú ý nhiều hơn về những bất thường ở học sinh, lắng nghe những khó khăn, đồng hành cùng các em để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu những tệ nạn học đường phát sinh. Nhà trường cũng cần có những buổi nói chuyện, tuyên truyền cho các em những tri thức đúng đắn về các tệ nạn xã hội, giới tính và tình dục. Những hành động này có thể hạn chế sự lan rộng của các vấn nạn học đường.
Khi phát hiện bất cứ điều bất thường nào, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Mục đích là để mở rộng điều tra, dùng cách triệt tiêu những đường dây tệ nạn xã hội trong học đường như cờ bạc, bạo lực học đường, hút chích,… nhằm trả lại môi trường trong sạch và lành mạnh cho các bạn học sinh an tâm học hành.
3. Vai trò của xã hội
Xây dựng xã hội văn minh, lịch sự, hạn chế những tệ nạn xã hội lan tràn cũng là cách giúp các bạn học sinh tránh được ảnh hưởng của các tệ nạn học đường. Ngoài ra, những trung tâm tư vấn tâm lý với những chuyên gia có kinh nghiệm cũng góp phần giúp các em thay đổi tư duy và nhận thức, thoát khỏi ám ảnh, tổn thương do những tệ nạn học đường mang đến, cho các em cơ hội thay đổi và làm lại cuộc đời.
Môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và nhận thức của các bạn trẻ. Vì thế nếu người lớn có ý thức, không hành động sai trái trước mặt các bạn học sinh, thì những ảnh hưởng tiêu cực mà các bạn phải tiếp nhận cũng giảm đi. Một môi trường sống lành mạnh, không văng tục chửi thề, không có những hình ảnh xấu xí của các tệ nạn xã hội sẽ giúp các bạn có suy nghĩ tích cực và lành mạnh hơn.
Các ban ngành cũng nên có nhiều chiến dịch tuyên truyền, phối hợp với nhà trường tổ chức những buổi nói chuyện theo cách tiếp cận thân thiện về những vấn nạn như bạo lực học đường, ma túy, gian lận thi cử, tình dục không an toàn,… nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức. Những kiến thức này cũng cần được phổ cập trên mạng xã hội, nơi các bạn trẻ thường xuyên tiếp xúc và chịu ảnh hưởng.
Có thể bạn quan tâm
- Trang bị 6 cách phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả cho trẻ
- Tham Vấn Tâm Lý Học Đường Là Gì? Quan Trọng Như Thế Nào?
- Vấn nạn nghiện cờ bạc: Nguyên nhân, hệ lụy và cách cai nghiện
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!