Hành vi tự sát tuổi học đường: Hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh
Cách đây không lâu, vụ việc một bạn nữ sinh lớp 10 tại Nghệ An có hành vi tự sát, nghi vấn là do bị bạo lực học đường, lại một lần nữa đưa vấn đề tự sát tuổi học đường ra trước công chúng. Những vụ việc các em học sinh có hành vi tự tử, nhiều em ra đi khi độ tuổi còn quá trẻ, là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự bỏ bê, thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội đến sức khỏe tinh thần của các em.
Thực trạng tự sát tuổi học đường ở nước ta
Việc các em học sinh tìm đến cái chết, do trầm cảm và cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống đã xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng đáng buồn thay, đây không phải là những trường hợp hiếm, mà ngày càng lan rộng và có chiều hướng mất kiểm soát. Thông qua báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông, ta có thể thấy rõ độ tuổi tự sát tuổi học đường ngày càng trẻ hóa.
Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) tại Việt Nam vào năm 2022 đã thực hiện một thống kê về suy nghĩ tự sát trong cộng đồng. Kết quả cuộc điều tra cho thấy, thành phần thanh thiếu niên, người trẻ tuổi (từ 15 đến 24 tuổi) là nhóm đối tượng có ý nghĩ tự sát, hoặc từng có hành vi tự sát, cao nhất so với những đối tượng khác. Đặc biệt, tỉ lệ các bạn nữ nhiều gấp đôi các bạn nam.
Những đối tượng thực hiện khảo sát đều cho thấy những bất ổn nhất định về mặt tâm lý, đa phần có dấu hiệu trầm cảm. Trầm cảm tuổi học đường đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Theo những thống kê gần đây được thực hiện tại Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên có biểu hiện trầm cảm là hơn 26%, trong đó gần 6% đã từng cố gắng tự tử nhưng không thành.
Tình trạng tự sát tuổi học đường không phải là một hành động đột ngột, mà là kết quả của một quá trình dài. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em rơi vào trầm cảm như: áp lực học tập quá lớn, kỳ vọng của phụ huynh, thất vọng vì thành tích không được như kỳ vọng, bạo lực học đường, tâm sinh lý tuổi mới lớn,… Những yếu tố này khiến các em rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi trong thời gian dài mà không được giải tỏa.
Những nguồn năng lượng tiêu cực tích tụ lâu ngày khiến các em ngày càng lầm lì, ít nói, thu mình vào thế giới riêng, sợ hãi đối mặt với gia đình, thầy cô hay bạn bè, mất tập trung khiến kết quả học tập giảm sút, có xu hướng tổn thương bản thân bằng cách rạch tay, và cuối cùng là tự sát để giải thoát bản thân khỏi đau khổ. Sự thay đổi của trẻ thường có những dấu hiệu rất rõ ràng, nhưng không phải ai cũng nhận ra.
Cách đây không lâu, chắc hẳn chưa ai quên được vụ việc một bạn học sinh cấp 3 tại Hà Nội học bài đến 2-3 giờ sáng, rồi đột nhiên bước ra ban công và nhảy lầu tử tử trước mặt cha mình. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, cậu chỉ bài tỏ bản thân quá mệt mỏi, rằng việc làm của cậu không liên quan đến bất cứ ai, và xin lỗi cha mẹ về hành động của bản thân. Cách đó không lâu, một học sinh nữa cũng tử tử vì áp lực học tập.
Thông qua những lá thư tuyệt mệnh, những trang nhật ký dang dở thấm đầy nước mắt của các em, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đa phần những trường hợp tự tử là do trầm cảm và các vấn đề tâm lý. Sự thật này khiến các bậc phụ huynh buộc phải đối mặt với một vấn đề, liệu mọi người có đang quá bỏ bê những vấn đề tâm lý của người trẻ, và thiết khuyết sự chia sẻ, lắng nghe để cải thiện sức khỏe tinh thần cho con trong giai đoạn mới lớn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tự sát tuổi học đường
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng tự sát tuổi học đường là trầm cảm. Giai đoạn từ 15 tuổi trở đi, trẻ bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý. Đây là giai đoạn trẻ rất dễ bị tổn thương, cũng như lầm đường lạc lối nếu cha mẹ không có biện pháp giáo dục đúng đắn. Việc không quan tâm, chăm sóc, cùng sự thiếu tinh tế của phụ huynh trong vấn đề nuôi dạy con khiến trẻ lo sợ, không muốn hoặc không thể chia sẻ những khó khăn gặp phải.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến những cảm xúc tiêu cực trong trẻ ngày càng lớn dần, khiến trẻ càm thấy bi quan, tuyệt vọng, rời vào trầm cảm tuổi học đường. Cuối cùng, các bạn chọn cách tự sát để giải thoát, để lại đau đớn khôn nguôi cho gia đình, bạn bè và xã hội. Bên cạnh sự thiếu quan tâm của cha mẹ, cũng còn nhiều lý do làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở tuổi học đường như:
- Cơ chế di truyền: Những trẻ sinh ra trong gia đình có người thân mắc hội chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách, hay những vấn đề tâm lý tương tự có tỷ lệ trầm cảm và có khuynh hướng tự sát cao hơn bình thường. Hiện chưa có kết luận cụ thể về những gen ảnh hưởng đến tính trạng đi truyền này, như trầm cảm được cho là chịu ảnh hưởng của nhiều gen với cơ chế di truyền phức tạp. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh cũng góp phần khiến tình trạng trầm cảm nặng nề hơn.
- Gia đình không hạnh phúc: Gia đình cơm không lành canh không ngọt, cha mẹ bất hòa thường xuyên cãi nhau, phụ huynh nghiện rượu, nghiện cờ bạc và trút giận lên con cái bằng bạo lực là những biểu hiện thường gặp của một gia đình không hạnh phúc. Trẻ lớn lên trong môi trường độc hại sẽ luôn sống trong lo sợ, căng thẳng, mệt mỏi và dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Gia đình không hạnh phúc là một trong những nguyên nhân gây ra những trường hợp trầm cảm nặng, khiến nhiều bạn trẻ từ bỏ cuộc sống khi còn rất trẻ.
- Thiếu sự quan tâm: Nhiều phụ huynh có tình hình tài chính dư dả, sẵn sàng cung cấp cho con điều kiện vật chất tốt nhất, nhưng lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi và làm bạn cùng con. Đa phần những phụ huynh này là người thành đạt, có địa vị xã hội nên họ dồn toàn bộ sự quan tâm vào sự nghiệp, bỏ bê con cái cho người giúp việc hay ông bà chăm sóc. Những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương từ cha mẹ, không nhận được sự công nhận và dạy dỗ đúng đắn cũng khiến các em tổn thương và dễ phát triển thành các vấn đề tâm lý như trầm cảm.
- Áp lực học tập quá lớn: Nhắc những nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm học đường, thì không thể không nhắc đến áp lực học tập, điều mà tất cả các em học sinh đều phải trải qua trong suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Có những em bản tính mạnh mẽ, biết cách giảm bớt áp lực để cuộc sống thoải mái và vui vẻ hơn, trong khi vẫn đảm bảo thành tích tốt. Trái lại, có những em không thể chịu nổi áp lực học tập quá nặng nề ngày qua ngày, cũng như không chịu được sự ép buộc của phụ huynh nên sinh ra tình trạng tự sát tuổi học đường.
- Kỳ vọng của gia đình: Một số bạn ngay từ khi còn bé đã phải gánh trên vai kỳ vọng của cha mẹ và cả gia đình. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc gia đình có nhiều người tài giỏi, học thức cao, gia đình giàu có danh giá, tiếp nối ước mơ dang dỡ của phụ huynh, hay cay đắng hơn khi trẻ chỉ là một “chiến tích” để cha mẹ đi khoe khoang với người khác. Trẻ bị ép học ngày học đêm, phải thi vào trường chuyên lớp chọn, phải đứng đầu lớp, phải hơn con nhà bà A bà B,… Trẻ vừa bị ép học những thứ không thích, vừa không có thời gian dành cho bản thân dẫn đến trầm cảm và nghĩ quẩn.
- Tính cách tự thân: Những bạn có tính cách quá mạnh mẽ, hoặc quá yếu đuối đều có thể trở thành nạn nhân của trầm cảm. Một số bạn học sinh có tính cách hiếu thắng, lòng tự tôn cao, khó chấp nhận thất bại sẽ trở nên suy sụp, hụt hẫng, tuyệt vọng, đả kích tinh thần nặng nề nếu không đạt được mục tiêu hay thua sút người khác trong quá trình cạnh tranh. Những bạn nhút nhát, yếu đuối, tự ti thì dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường, bị bạn bè bắt nạt, cô lập dẫn đến trầm cảm.
- Trầm cảm do mạng xã hội: Việc kiểm soát những nội dung trên mạng xã hội vẫn còn nhiều lỏng lẻo, thế nên các bạn học sinh rất dễ dàng tiếp xúc với những thông tin và video độc hại. Những thông tin sai lệch, mang tính tiêu cực, những lời chửi rủa, bôi nhọ, bịa đặt và bạo lực mạng xã hội trogn các hội nhóm trên Facebook đều mang đến những ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của trẻ. Nguy hiểm nhất là việc mang xã hội đầy rẫy những nguy hiểm không thể lường trước. Các bạn học sinh có thể trở thành nạn nhân của những kể biến thái chuyên lợi dụng và lừa gạt trẻ vị thành niên. Chúng sẽ cho các bạn xem những video độc hại về treo cổ, tự sát để trẻ học theo.
- Bạo lực học đường: Bạo lực học đường chưa bao giờ là vấn đề hết hot khi nói về những mặt tối của học đường. Không riêng gì ở Việt Nam mà ở khắp mọi nơi thế giới, hàng năm số lượng các em học sinh tự tử vì bị bạn bè, hay các anh chị lớn hơn bắt nạt là nhiều không kể xiết. Những hình thức bắt nạt có thể kể đến như: trấn lột tiền bạc, đánh đập, sỉ nhục, dè bỉu, ép chụp ảnh nhạy cảm, châm chọc và nhục mạ trên mạng xã hội, quấy rối tình dục,… Những hành động này gây ra vết thương tinh thần nặng nề và dẫn nạn nhân đến hành vi tự sát tuổi học đường.
Đây chỉ là những nguyên nhân phổ biến nhất trong hàng trăm, hàng nghìn yếu tố tác động đến hành vi tự sát ở trẻ. Mỗi trẻ sẽ có những lý do khác nhau để buông bỏ cuộc sống khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhiều trường hợp chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn hành vi dại dột của trẻ nếu gia đình và những người xung quanh chịu khó quan sát, quan tâm và lắng nghe những khó khăn, mệt mỏi, và nỗi sợ hãi trẻ đang chịu đựng.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đang có bất ổn về mặt tâm lý
Nhiều phụ huynh thất thần, đau khổ và cảm thấy hoảng hốt, không biết vì sao con mình lại chọn cách tự sát khi bình thường trẻ không có dấu hiệu gì bất thường, luôn là con ngoan trò giỏi trong mắt cha mẹ và thầy cô. Thực tế, những biểu hiện bất thưởng ở trẻ đã xuất hiện từ rất sớm, ngoại trừ một số trường hợp không quá rõ ràng. Do đó nếu phụ huynh không đủ quan tâm đến con thì không thể nhận ra được.
- Trẻ trở nên lầm lì, ít nói, ít giao tiếp với mọi người hơn. Trẻ có thể lấy lý do là bận học bài, bận làm bài nên thường nhốt mình trong phòng, ít tâm sự với cha mẹ, ít đi chơi với bạn bè.
- Trẻ có những lời nói kỳ lạ, hoặc cố gắng làm vui lòng cha mẹ bằng những hành động chưa từng làm trước đây. Trẻ thường xuyên lơ đãng đề cập đến cái chết và những điều tiêu cực. Nhiều phụ huynh xem đó chỉ là những lời nói đùa vô hại nên ít quan tâm đến lời nói và việc làm của con. Đến khi trẻ tự sát thì cha mẹ hối hận cũng đã muộn màng.
- Trẻ có thái độ cự tuyệt việc đến trường, có biểu hiện sợ hãi, chán ghét. Trong trường hợp này trẻ thường là nạn nhân của nạn bạo lực học đường nhưng không dám nói thật với cha mẹ, dẫn đến việc tình hình bị bắt nạy ngày càng tồi tệ hơn. Tình trạng bị bắt nạt lâu ngày có thể dẫn đến hành vi tự sát tuổi học đường.
- Kết quả học tập giảm sút. Trẻ không tập trung trong quá trình học tập khiến thành tích đi xuống, trong khi trước đây luôn là con ngoan trò giỏi. Một số phụ huynh thấy vậy liền la mắng và ép trẻ học nhiều hơn, trong khi học không nhận ra con mình đang có những bất ổn nhất định về tâm lý.
- Trẻ thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, chán nản, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Trẻ không còn hào hứng tham gia các hoạt động bản thân từng rất thích, dần trở nên xa cách mọi người.
- Khẩu vị và thói quen ăn uống thay đổi bất thường khiến trẻ trở nên ốm yếu và xanh xao. Đa phần những trường hợp trẻ có ý định tự sát thường sụt cân, không màng đến việc ăn uống, sức khỏe suy giảm.
- Trẻ có hành vi tự tổn thương bản thân như rạch tay, rạch chân, nhổ tóc,… Trẻ sẽ che giấu những vết thương này bằng cách mặc đồ dài tay. Vì thế nếu phụ huynh bỗng thấy trẻ thay đổi cách ăn mặc, có hành động cố gắng che giấu những phần cơ thể như cổ tay, cánh tay thì cần chú ý nhiều hơn để ngăn chặn hành vi tự tổn hại ở trẻ
- Một số trẻ có hành vi phản kháng, nổi loạn với mục đích phát tiết những nguồn năng lượng tiêu cực, những ấm ức và tổn thương mà bản thân đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, những người xung quanh lại không hiểu cho những khó khăn mà trẻ đang phải đối mặt. Thay vào đó, người lớn lại la mắng, đánh giá trẻ là hư đốn, ăn chơi khiến tinh thần các bạn bị tổn thương nặng nề.
- Mối quan hệ bạn bè của trẻ có thể gặp nhiều vấn đề. Trẻ không đề cập đến những chuyện vui vè khi đi học mà trở nên lầm lì, ít nói, không có cảm giác vui vẻ như bình thường. Khi chạ mẹ gặng hỏi trẻ cũng không dám nói thật.
- Tính cách của trẻ có sự thay đổi lớn, từ một người vui vẻ, hay nói hay cười trở nên lầm lì, thích ở một mình, dễ nóng giận và kích động hơn trong mọi tình huống. Trẻ khó khống chế cảm xúc, thường gắt gỏng, giận dữ vì những lý do không đáng.
- Trẻ thường xuyên cảm thấy đau đầu, đau nhức cơ thể, có những triệu chứng mệt mỏi, ngủ ngày nhiều nhưng khó ngủ vào ban đêm, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa,…
Những dấu hiệu này thường bị phụ huynh coi nhẹ, hoặc đánh giá trẻ là “hư đốn”, “hỗn láo”, “nổi loạn”, “đổi tính đổi nết” mà không quan tâm đến những lý do hình thành những bất thường kể trên. Đương nhiên, cha mẹ không hoàn toàn là người chịu mọi trách nhiệm cho việc trẻ tìm đến cái chết. Nhưng là người gần gũi và có trách nhiệm chăm sóc, quan tâm đến trẻ, cha mẹ cần dành những sự quan tâm nhất định đến sức khỏe tinh thần của con.
Tìm hiểu thêm: Diễn biến tâm lý người tự sát
Tác hại nếu để tình trạng tự sát học đường tiếp diễn
Tình trạng tự sát tuổi học đường vẫn là đề tài nóng bỏng trong những năm trở lại đây. Lý do là vì đối tượng tự tử ngày càng đông đảo và trẻ hóa, từ sinh viên đại học đến các em học sinh cấp 3 và cấp 2. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn và giải quyết một cách triệt để có thể biến thành một tiền lệ xấu, một hiệu ứng lan tràn ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của những bạn học sinh khác.
Phụ huynh thường có suy nghĩ “Ở tuổi con, bố mẹ ABC ZYZ” và áp đặt những tiêu chuẩn của bản thân và thời đại cũ lên giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng ở mỗi giai đoạn khác nhau, tiêu chuẩn và suy nghĩ của con người cũng khác nhau, thế nên việc áp đặt tự tưởng là sai lầm và vô căn cứ. Việc cố giữ lối suy nghĩ cổ hũ, không thấu hiểu lẫn nhau chỉ đẩy mối quan hệ hai bên càng thêm xa nhau.
Vấn đề nguy hiểm nhất của tình trạng tự sát tuổi học đường là nó có thể biến thành một trào lưu, dẫn dụ những bạn học sinh khác theo con đường tiêu cực này. Tiếp xúc quá nhiều với những tin tức về các vụ tự tử, không được bố mẹ quan tâm đúng mực, cùng với sự nông nổi của tuổi thiếu niên, một số bạn chọn cách tự tử để giải thoát khỏi đau khổ. Một số trường hợp khác, các bạn tự tử là để “trả thù” cha mẹ, “trả thù” những kẻ bắt nạt mình.
Sự thay đổi của thời đại kéo theo nhiều áp lực về học hành, bằng cấp, công việc, tình trạng tài chính, và những hiểm họa ẩn giấu trên không gian mạng. Các em học sinh được tiếp xúc với thế giới mạng từ quá sớm, dẫn đến suy nghĩ và hành vi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Khi thời gian lên mạng, chat chít và tham gia mạng xã hội còn nhiều hơn thời gian nói chuyện với cha mẹ thì việc các em bị ảnh hưởng bởi tin tức tiêu cực là điều dễ hiểu.
Tự sát tuổi học đường: Phụ huynh nên làm gì?
Sự ra đi của các bạn học sinh không chỉ để lại nỗi đau đớn, xót xa cho gia đình, bạn bè, thầy cô và xã hội, mà còn khiến đất nước mất đi những nhân tài mai sau. Do đó, để ngăn chặn không cho tình trạng tự sát tuổi học đường tiếp diễn, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội cần có những biện pháp thiết thực nhằm chăm lo cho sức khỏe tinh thần của các em, giúp các bạn học sinh giảm căng thẳng và lo âu.
Cha mẹ cần trở thành những người bạn thật sự và cùng trẻ đồng hành, vượt qua những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống. Việc đứng trên cương vị là những người bạn, những người thấu hiểu và chia sẻ, đặt mình trên cương vị của trẻ để nhìn nhận vấn đề là điều hết sức quan trọng. Cha mẹ có thể nếu ra những trải nghiệm cá nhân, nhưng hãy bằng cách một cách tinh tế, nhẹ nhàng để trẻ thấy được sự chân thành và tôn trọng cần có.
Áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con trẻ luôn gây ra tình trạng phản tác dụng. Đặc biệt, việc can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của trẻ bằng những phương pháp thô bạo như kiểm tra tin nhắn điện thoại, tin nhắn mạng xã hội, lắp đặt camera theo dõi, hoặc kiểm soát mọi hành động của trẻ một cách gắt gao sẽ khiến trẻ ám ảnh và uất ức. Hãy tôn trọng không gian riêng tư của trẻ, cho trẻ cảm giác an toàn và bình yên trong gia đình.
Cha mẹ dù bận rộn thì cũng nên dành thời gian quan tâm, hỏi han đến trải nghiệm hàng ngày của con. Tốt nhất hãy tập cho trẻ việc chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, hay khó khăn trong quá trình học tập. Có như vậy, cha mẹ mới nắm bắt được những vấn đề khó khăn trẻ đang đối mặt và có biện pháp giải quyết. Hãy tập cho trẻ chia sẻ một cách tự nguyện, chứ không phải ép buộc. Đôi khi, trẻ cũng cần có những bí mật riêng.
Nếu trẻ khó khăn trong học tập, bị điểm kém thì việc đầu tiên cha mẹ cần làm là nói chuyện với giáo viên và tâm sự với trẻ để tìm ra nguyên nhân. Việc la mắng hay “đánh đòn phủ đầu” chỉ khiến trẻ ngày càng lo sợ và không dám nói thật. Sự tinh tế trong cách tâm sự, biết cách cổ vũ trẻ cố gắng một cách vừa phải, khuyến khích trẻ tự do khám phá, cho trẻ không gian để phát triển khỏe mạnh có thể giúp hạn chế nạn tự sát tuổi học đường.
Phụ huynh không nện tạo áp lực phải đứng nhất, phải học giỏi vượt trội, toàn diện trong mọi môn học để rồi ép trẻ học hành quá mức. Trẻ cần thời gian vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Ngoài ra, việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, siêng năng tập luyện thể dục thể thao đều đặn cũng có tác dụng tốt cho sự phát triển của trẻ về lâu dài.
Nếu phụ huynh phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần, những biểu hiện lạ, hoặc có hành vi tự tổn thương bản thân thì cần cố gắng tâm sự với trẻ để tìm hiểu lý do. Cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý, để được những chuyên viên có chuyên môn giúp đỡ. Các chuyên gia tâm lý sẽ có cách nói chuyện, làm dịu tâm trạng, và đưa ra những phương pháp phù hợp giúp trẻ cảm thấy khá hơn.
Ngoài phương pháp tư vấn tâm lý, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thuốc chống trầm cảm hay thuốc an thần trong một số tình huống nhất định. Việc sử dụng thuốc giúp các bạn học sinh bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc tốt hơn, và dần thoát khỏi ảnh hưởng của những suy nghĩ tiêu cực.
Hành vi tự sát tuổi học đường ngày càng nghiêm trọng, và đang có chiều hướng lan rộng là hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh về tác hại của việc bỏ bê con cái. Học sinh ngày nay có sự phát triển nhanh chóng về nhận thức, và chịu những áp lực khác biệt so với thế hệ đi trước. Vì thế, các em rất cần sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ, và những góp ý chân thành không phán xét từ những người gần gũi với các em nhất, đó chính là gia đình và cha mẹ.
Có thể bạn quan tâm
- Trang bị 6 cách phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả cho trẻ
- Mục Tiêu Tư Vấn Học Đường Cho Học Sinh Tiểu Học Và THCS
- Các dấu hiệu nhận biết sớm rối loạn tâm thần tuổi học đường
- Áp lực thi vào lớp 10 chuyên khiến nhiều học sinh quên ăn, quên ngủ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!