Thang đánh giá độ trầm cảm ở người già (GDS)
Thang đánh giá độ trầm cảm ở người già (GDS) tuy không thể thay thế hoàn toàn cho quá trình chẩn đoán nhưng nó góp phần giúp bạn có thể đánh giá về mức độ nguy cơ của bản thân. Việc kịp thời phát hiện các triệu chứng của trầm cảm ở người già sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt được nhiều hiệu quả hơn.
Tìm hiểu về chứng trầm cảm ở người già
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, nó có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là người già cao tuổi (sau 65 tuổi). Tuy nhiên, các biểu hiện của trầm cảm ở người già lại khó có thể nhận biết và phân biệt rõ ràng bởi nó khá giống với những triệu chứng thường thấy do tác động của tuổi tác gây ra.
Nhìn chung, người lớn tuổi khi mắc phải chứng bệnh này cũng trở nên buồn bã, chán nản, ủ rũ, dễ xúc động, khóc lóc không rõ nguyên do. Đồng thời, họ cũng cảm thấy không còn hứng thú với bất kỳ điều gì xảy ra xung quanh cuộc sống, cảm thấy tất cả đều vô vị.
Trầm cảm khiến cho họ hình thành các suy nghĩ tiêu cực, bi quan, thậm chí có trường hợp còn liên tục nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Họ sẽ dần thu mình, sống tách biệt với mọi người, lâu dần gặp phải khó khăn trong việc giao tiếp, mất dần định hướng về thời gian.
Tuy nhiên, không phải bất cứ người già nào cũng có khả năng phát triển trầm cảm. Tình trạng này còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như chất lượng cuộc sống, tính cách, biến cố.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng trầm cảm nếu:
- Họ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, không có việc gì để làm.
- Gặp phải khó khăn về mặt tài chính, không thể đảm bảo được cuộc sống cá nhân và gia đình.
- Không được quan tâm, chăm sóc tốt hoặc có cảm giác thừa thãi trong chính căn nhà của mình.
- Người có tính cách nhạy cảm, hay suy nghĩ tiêu cực cũng dễ khởi phát chứng trầm cảm khi về già.
- Gặp phải các biến cố như sự ra đi đột ngột của người thân, gia đình phá sản, thiên tai, tai nạn,…
Tỷ lệ người già mắc bệnh trầm cảm hiện đang gia tăng đáng kể và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu có thể kịp thời phát hiện các triệu chứng của bệnh và có biện pháp can thiệp sớm thì trầm cảm hoàn toàn có thể được kiểm soát và cải thiện tốt.
Thang đánh giá độ trầm cảm ở người già (GDS)
Trầm cảm ở người già khó nhận biết và chẩn đoán hơn so với bình thường. Đồng thời, quá trình điều trị cũng cần nhiều thời gian và có sự kết hợp của nhiều liệu pháp can thiệp phù hợp mới có thể giúp người bệnh phục hồi tốt sức khỏe, ổn định được cuộc sống.
Hiệu quả của quá trình điều trị cần phải tùy thuộc vào thời gian phát hiện và can thiệp bệnh. Nếu có thể sớm nhận biết trầm cảm ở giai đoạn sớm thì người bệnh sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện sức khỏe, nâng cao tốt nhận thức và đẩy lùi bệnh tật nhanh chóng.
Tuy nhiên, các biểu hiện của trầm cảm ở người già thường hay bị nhầm lẫn với các dấu hiệu lão hóa của tuổi tác. Chính vì thế, để có thể đánh giá và nhận biết tốt về các dấu hiệu cảnh báo bệnh, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng thang đánh giá trầm cảm ở người già (GDS).
GDS là tên viết tắt của Geriatric Depression Scale, đây là bảng đánh giá trầm cảm phù hợp với những người già từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù không thể thay thế cho các chẩn đoán của chuyên gia nhưng nó cũng có thể giúp bạn đánh giá tốt về nguy cơ mắc bệnh, từ đó kịp thời tiến hành thăm khám và can thiệp hiệu quả.
Thang đánh giá trầm cảm ở người già sẽ có tổng cộng 30 câu hỏi đơn giản tìm hiểu về các cảm nhận của người tham gia trong khoảng thời gian ngắn trước đó. Người tham gia lần lượt trả lời từng câu với 2 đáp án “Đúng” hoặc “Không đúng”.
Bộ câu hỏi GDS như sau:
1. Tôi thường cảm thấy buồn chán, u sầu.
2. Về cơ bản, tôi đang cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
3. Tôi cảm thấy tương lai nhiều hy vọng.
4. Hiện nay, tôi không hào hứng và đã từ bỏ nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn.
5. Tôi cảm thấy thoải mái ở hầu hết thời gian.
6. Phần lớn thời gian trong ngày tôi đều cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ.
7. Trong đầu tôi liên tục xuất hiện các ý nghĩ không thể loại bỏ và nó làm tôi cảm thấy phiền muộn.
8. Tôi thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an, bồn chồn.
9. Tôi hay có cảm giác bản thân không thể tự lo liệu mọi việc.
10. Tôi nghĩ rằng cuộc sống hiện tại đang rất tuyệt vời và hoàn hảo.
11. Tôi thường xuyên lo nghĩ quá nhiều về những chuyện đã qua.
12. Tôi liên tục cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thất vọng.
13. Tôi cảm thấy bản thân tràn đầy năng lượng và sinh lực.
14. Tôi cho rằng tất cả mọi người đều đang sống tốt hơn tôi.
15. Tôi thường cảm thấy muốn khóc bất cứ lúc nào.
16. Tôi cảm thấy bản thân thật vô dụng, dư thừa.
17. Tôi khó tập trung, giảm sự chú ý.
18. Tôi dễ dàng đưa ra các lựa chọn, quyết định.
19. Tôi thường thấy bối rối, lo lắng trước hầu hết mọi việc, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất.
20. Tôi vẫn có trí óc minh mẫn như trước đây.
21. Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc bắt đầu những dự định, kế hoạch mới.
22. Tôi nhận thấy cuộc sống rất thú vị và đầy màu sắc.
23. Tôi cảm thấy bản thân gặp nhiều vấn đề về trí nhớ hơn so với những người bạn cùng độ tuổi.
24. Tôi cảm thấy không hứng thú với những chỗ đông người, nhộn nhịp.
25. Tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái khi thức dậy vào mỗi buổi sáng.
26. Tôi nghĩ rằng tình trạng hiện tại của mình vô cùng tuyệt vọng.
27. Tôi cảm thấy thoải mái và thích ở nhà hơn so với việc ra ngoài và làm điều gì đó.
28. Tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình thật vô vị và trống rỗng.
29. Tôi luôn có cảm giác lo sợ về một điều tồi tệ và kinh khủng sẽ đến với bản thân.
30. Tôi thường cảm thấy lo lắng, bất an về tương lai.
Với mỗi câu trả lời “Đúng” bạn sẽ tính 1 điểm và “Không đúng” sẽ không tính điểm. Sau khi trả lời đầy đủ 30 câu hỏi trên, bạn có thể đánh giá mức độ trầm cảm qua các điểm số sau:
- Tổng điểm từ 0 đến 9: Bạn đang ở trạng thái bình thường, không đáng lo ngại.
- Tổng điểm từ 10 đến 19: Bạn đang có dấu hiệu của trầm cảm nhẹ.
- Tổng điểm từ 20 đến 30 điểm: Bạn đang có dấu hiệu của trầm cảm nặng và cần tiến hành thăm khám nhanh để kịp thời can thiệp.
Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ biết thêm về thang đánh giá trầm cảm ở người già (GDS) để có thể tự đánh giá về mức độ mắc bệnh ngay tại nhà. Tuy nhiên, tốt nhất bạn cũng nên tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các cơ sở chuyên khoa, bệnh viện uy tín để được hỗ trợ tư vấn, can thiệp phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Trầm cảm ở người cao tuổi: Nguyên nhân và hướng điều trị
- 6 Bài tập yoga chữa bệnh trầm cảm tại nhà bạn nên thử
- Bệnh trầm cảm có lây không? Có di truyền không?
- Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!