Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không?
Trầm cảm lâu năm có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả tính mạng của người bệnh. Tuy vậy lại có nhiều người chọn cách im lặng và sống chung với căn bệnh này đến suốt đời. Điều này cũng làm cho nhiều bệnh nhân đặt ra câu hỏi “Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không?”.
Sơ lược về bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến, đây được xem như một chứng rối loạn tâm lý, tâm thần. Những đối tượng bị bệnh trầm cảm thường có cảm giác u buồn, chán nản, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực, không còn hứng thú, đam mê với những hoạt động xảy ra xung quanh, dần mất sự tập trung, không thể hoàn thành bất kì việc gì, kể cả những việc đơn giản nhất.
Trầm cảm có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng này, từ trẻ sơ sinh cho đến những người cao tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê cho biết rằng, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới sẽ cao gấp 2 lần so với những nam giới, tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh cũng cao hơn các thanh thiếu niên. Tùy vào độ tuổi và nguyên nhân dẫn đến trầm cảm mà những bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh khác nhau.
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thay đổi cuộc sống của bệnh nhân mà còn có thể cướp đi cả tính mạng của họ. Tuy nhiên, nếu có thể kịp thời phát hiện được căn bệnh này và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cho bệnh tình được kiểm soát tốt hơn, các triệu chứng bệnh cũng dần thuyên giảm.
Ngược lại, cũng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không tìm ra được phương pháp điều trị thích hợp, liên tục thất bại trong quá trình chữa bệnh khiến cho họ dần mất niềm tin và chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác này trong nhiều năm. Trầm cảm lâu năm sẽ khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái suy kiệt về cả thể chất lẫn tinh thần, tỉ lệ tự sát cũng sẽ tăng cao hơn với mức bình thường.
Trầm cảm lâu năm có nguy hiểm không?
Trầm cảm lâu năm tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, nó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, cuộc sống và khủng khiếp hơn là cả tính mạng của người bệnh.
Một số hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với những người bị trầm cảm lâu năm như:
- Khả năng tập trung kém: Khi rơi vào tình trạng trầm cảm lâu năm sẽ khiến cho người bệnh khó có thể tập trung vào bất cứ việc gì. Hầu hết những hoạt động hàng ngày của họ đều cần đến sự trợ giúp của người khác. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập, công việc, sinh hoạt mỗi ngày của bệnh nhân.
- Suy giảm miễn dịch: Các triệu chứng của trầm cảm nếu kéo dài trong nhiều năm sẽ khiến cho hormone gây stress được kích thích sản sinh nhiều hơn và dần tồn tại lâu dài bên trong cơ thể con người. Hiện tượng này có thể làm suy yếu dần sức khỏe của hệ thống miễn dịch từ đó khiến cho bệnh nhân dễ đối mặt với các bệnh lý khác. Ngoài ra, khả năng hồi phục bệnh của những đối tượng trầm cảm lâu năm cũng sẽ lâu hơn so với những người bình thường.
- Mất ngủ kéo dài: Khi chấp nhận sống chung với căn bệnh trầm cảm, những cảm xúc buồn bã, chán nản, lo âu, suy nghĩ tiêu cực cứ liên tục xuất hiện làm cho tinh thần bị rối loạn. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đối với giấc ngủ của bệnh nhân, hầu hết những người bệnh trầm cảm luôn cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên gặp ác mộng. Ngoài ra, khi mất ngủ kéo dài sẽ kéo theo một số hậu quả nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, mệt mỏi, căng thẳng về thể chất, ảnh hưởng cân nặng, cơ thể mất nước,….
- Tự làm hại bản thân: Những đối tượng bị trầm cảm lâu năm sẽ luôn muốn đối phó lại các cơn căng thẳng, lo lắng, buồn rầu, tức giận,…Cách mà họ thường làm đó chính là tự gây ra thương tích cho chính bản thân. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
- Nghiện rượu bia, ma túy: Rượu, bia, ma túy,…là những chất kích thích, gây nghiện có thể giúp cho con người thoát khỏi nỗi sợ hãi của thực tại, giảm bớt áp lực, căng thẳng. Do đó, nhiều người bệnh trầm cảm lâu năm luôn muốn tìm đến những chất này để cải thiện các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, đây chính là một kẻ sát nhân nguy hiểm có thể cướp đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào.
- Tự sát: Tự sát là một trong những hành vi nguy hiểm mà người bệnh trầm cảm lâu năm có thể luôn nghĩ đến. Họ luôn có suy nghĩ về cái chết và muốn tự giải thoát bản thân mình bằng cách tự sát. Nhiều người còn xem cái chết là một hình phạt thích đáng dành cho những tội lỗi của bản thân, đồng thời cái chết sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, nhẹ lòng hơn.
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không?
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không? Theo nhận định của các chuyên gia thì tình trạng trầm cảm lâu năm có thể điều trị được. Tuy nhiên, để quá trình chữa bệnh mang lại kết quả tốt nhất, đòi hỏi bệnh nhân phải thực sự kiên trì và cố gắng áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường những tình trạng bệnh trầm cảm nhẹ (trầm cảm cấp độ 1) có thể áp dụng các phương pháp chữa bệnh ngay tại nhà để kiểm soát và khắc phục những triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nặng hoặc đã kéo dài trong nhiều năm thì cần áp dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau mới có thể giúp tình trạng bệnh thuyên giảm. Trên thực tế, hầu hết những đối tượng bệnh trầm cảm lâu năm đều xuất phát từ việc thất bại trong việc tìm kiếm những phương pháp chữa bệnh, từ đó họ có xu hướng buông xuôi, chọn cách chấp nhận sống chung với căn bệnh này.
Theo các chuyên gia về tâm thần học thì tình trạng trầm cảm lâu năm cần phải có thời gian điều trị lâu dài, người bệnh cần tuân thủ đúng theo yêu cầu và hướng dẫn của các chuyên gia để dần cải thiện được các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình cũng phải đồng hành và thường xuyên nhắc nhở để bệnh nhân có thêm động lực chiến đấu với căn bệnh quái ác này.
Phương pháp chữa bệnh trầm cảm lâu năm hiệu quả
Y học hiện đại ngày nay đã tìm ra rất nhiều các phương pháp có thể hỗ trợ điều trị căn bệnh trầm cảm. Đối với những trường hợp người bệnh trầm cảm lâu năm cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để có thể kiểm soát tốt được tình trạng bệnh, đồng thời giúp cho sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân được ổn định tốt hơn.
1. Sử dụng thuốc điều trị
Trong điều trị trầm cảm thì việc sử dụng thuốc chống trầm cảm là một trong các phương pháp được áp dụng nhiều nhất. Mặc dù các loại thuốc này không thể điều trị được dứt điểm căn bệnh trầm cảm nhưng có các tác dụng kiểm soát và làm giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ tâm lý sẽ tiến hành kê đơn thuốc phù hợp.
Những tình trạng bệnh trầm cảm lâu năm, các triệu chứng kéo dài dai dẳng có thể cải thiện được sau một khoảng thời gian sử dụng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, hầu hết những loại thuốc này đều có gây ra một số tác dụng phụ. Do đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định của chuyên gia.
Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn áp dụng cho những trường hợp trầm cảm lâu năm như:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: imipramine (Tofranil), nortriptyline (Pamelor), amitriptyline, doxepin và desipramine (Norpramin).
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs): duloxetine (Cymbalta), venlafaxine (Effexor XR), desvenlafaxine (Pristiq, Khedezla) và levomilnacipran (Fetzima).
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): fluoxetine (Prozac), paroxetin (Paxil, Pexeva), sertraline (Zoloft), citalopram (Celexa) và escitalopram (Lexapro).
- Các chất ức chế oxy hóa monoamine (MAOIs): tranylcypromin (PARNATE), phenelzine (Nardil) và isocarboxazid (Marplan).
- Các thuốc chống trầm cảm không điển hình: Trazodone, mirtazapine (Remeron), vortioxetine (Trintellix), vilazodone (Viibryd) và bupropion (Wellbutrin, Aplenzin, Forfivo XL).
Một số lưu ý khi áp sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị trầm cảm lâu năm:
- Cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài bởi các loại thuốc chống trầm cảm có thể mang lại kết quả sau khoảng vài tuần sử dụng.
- Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ (liều dùng, lượng thuốc, giờ uống thuốc,…).
- Quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể khi dùng thuốc. Vì trong các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất ngủ, buồn nôn, khô miệng,…Tuy nhiên, các biểu hiện này có thể tự biến mất khi cơ thể quen dần với thuốc.
- Nếu sử dụng thuốc trong khoảng từ 4 đến 6 tuần mà không có bất kì cải thiện nào. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi liều lượng hoặc áp dụng loại thuốc khác.
- Không uống rượu bia, sử dụng các chất gây nghiện trong quá trình dùng thuốc.
- Bảo quản thuốc đúng nơi quy định.
2. Liệu pháp trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý hay còn gọi là tâm lý trị liệu, đây là một trong các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả dành cho những đối tượng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…Nếu chỉ áp dụng riêng thuốc chống trầm cảm thì không thể nào điều trị được dứt điểm tình trạng trầm cảm lâu năm, Do đó, thông thường các bác sĩ sẽ kết hợp cả phương pháp dùng thuốc và trị liệu tâm lý để có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
Tùy vào mức độ và tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên trị liệu tâm lý luôn là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết những đối tượng bệnh trầm cảm. Với biện pháp này, các bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật tâm lý thông qua hình thức giao tiếp để có thể cải thiện tinh thần, sức khỏe tháo gỡ các vấn đề về hành vi, cảm xúc của người bệnh.
Công dụng của phương pháp điều trị này là:
- Giúp giảm bớt các áp lực, căng thẳng.
- Hỗ trợ giúp cho người bệnh nhìn nhận vấn đề theo một hướng mới hơn.
- Giúp cho bệnh nhân dễ dàng chấp nhận sự thật hơn.
- Học cách chia sẻ, tâm sự tình trạng của bản thân đối với những người xung quanh.
- Cân bằng tinh thần và tâm lý của bệnh nhân.
- Hỗ trợ người bệnh dễ dàng ứng phó đối với những tác dụng phụ mà thuốc điều trị có thể gây ra.
Tuy nhiên, làm thế nào để tìm được chuyên gia điều trị tâm lý chuyên khoa luôn là câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người bệnh. Người bệnh cần tìm hiểu các đơn vị chuyên về lĩnh vực này để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
3. Hỗ trợ điều trị trầm cảm lâu năm tại nhà
Bên cạnh kết hợp việc điều trị trầm cảm lâu năm bằng thuốc và phương pháp tâm lý trị liệu thì người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà để hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
Một số biện pháp giúp điều trị trầm cảm tại nhà như:
- Tập thể dục: Những đối tượng mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng lười vận động, điều này sẽ làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, phương pháp hỗ trợ tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Mỗi ngày nên dành ra khoảng 30 phút để chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga, thiền,…Tốt nhất bạn nên ra ngoài hít thở không khí trong lành vào buổi sáng. Điều này sẽ giúp bạn tăng sự tự tin, cải thiện sức khỏe, giảm bớt các chứng lo âu, buồn chán.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bữa ăn hàng ngày cũng đóng vai trò cực kì quan trọng đối với quá trình cải thiện bệnh trầm cảm. Một chế độ ăn “nghèo nàn” sẽ khiến cho chất dẫn truyền thần kinh hoạt động kém đi, kết nối các tế bào cũng bị hạn chế. Người bệnh nên chú ý bổ sung nhiều rau xanh, ăn các thực phẩm tươi sống, có nhiều chất dinh dưỡng. Hạn chế các thực phẩm béo, món ăn cay nóng, nhiều muối,…
- Chú ý đến giấc ngủ: Theo các chuyên gia cho biết, chất lượng giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với tâm lý của con người. Do đó, người bệnh trầm cảm nên quan tâm đến giấc ngủ hàng ngày. Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng và ngủ trước 23 giờ. Nếu rơi vào trạng thái khó ngủ, bạn nên áp dụng các biện pháp cải thiện tự nhiên, tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần.
- Tham gia vào các hoạt động cộng đồng: Hiện nay có rất nhiều câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện, các hoạt động cộng động, trang mạng xã hội,…Bạn nên tham gia vào các hoạt động này để cải thiện mối quan hệ xã hội, đồng thời có thể giúp tinh thần thoải mái, dễ chia sẻ hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể chọn cách nuôi thú cưng để làm bạn.
- Làm mới bản thân: Lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý dành cho những đối tượng bị trầm cảm lâu năm đó chính là tự làm mới bản thân. Bạn có thể chọn cho mình một hoạt động yêu thích để thực hiện như đọc sách, nấu ăn, nghe nhạc, bơi lội,….Tốt nhất là nên lên kế hoạch cho từng ngày để tránh tình trạng bị động, không muốn làm việc gì cả.
- Học cách điều chỉnh cảm xúc: Những người trầm cảm thường dễ bị rơi vào trạng thái vô định, cảm thấy chán nản và tiêu cực. Do đó, học cách để có thể kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề ở một góc độ tích cực hơn cũng là cách để cân bằng tâm trạng. Một gợi ý để thực hiện điều này đó chính là ghi chép. Bạn có thể tự ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, hoạt động hàng ngày của mình để nhận thấy những tiêu cực của bản thân. Từ đó có thể rút ra được giải pháp để điều chỉnh những điều đó.
- Nhờ đến sự hỗ trợ của người thân, bạn bè: Những người thân xung quanh là một chất xúc tác để giúp cho bạn có thêm động lực để chiến đấu với căn bệnh này. Tốt nhất bạn nên chia sẻ vấn đề của mình với họ để nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, đồng cảm, đặc biệt họ có thể giúp đỡ và đồng hành cùng quá trình điều trị của bạn.
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không? Câu trả lời là Có. Tuy nhiên người bệnh cần phải kiên trì áp dụng đúng theo phác đồ chữa bệnh của các bác sĩ chuyên khoa. Hy vọng qua những thông tin của bài viết này, các bệnh nhân trầm cảm lâu năm có thể áp dụng các biện pháp chữa bệnh nhanh chóng để cải thiện các triệu chứng của bệnh, ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm ảnh hưởng đến bản thân.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!