Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 16: “Vượt qua nỗi sợ phán xét”
Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 16 do Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Master Coach Nguyễn Minh Duyên chia sẻ diễn ra vào ngày 05/11/2022 đã mang lại nhiều bài học mới, bổ ích và thiết thực với chủ đề “Vượt qua nỗi sợ phán xét”.
Bạn đang có nỗi sợ phán xét gì?
Trong quá trình đồng hành với các khách hàng thì chuyên gia nhận ra rằng mọi người luôn mang trong mình nỗi sợ bị người khác phán xét, đánh giá. Với câu hỏi lớn mà Master Coach Nguyễn Minh Duyên đưa ra từ đầu chương trình “Bạn đang có nỗi sợ phán xét gì?”, các khách hàng đã được chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Trải nghiệm cuộc sống của mỗi người là khác nhau nhưng có những nỗi sợ tiêu biểu được nhắc tới trong chương trình như: Mặc cảm ngoại hình; phán xét bản thân không đủ giỏi, nổi bật như người khác; sợ bị coi thường; sợ người khác nghĩ mình không phải người tử tế; mình chưa phải người mẹ tốt; không dám phát biểu trước đám đông…
Qua những ý kiến trực tiếp cùng đánh giá sau quá trình trị liệu thực tế cho nhiều khách hàng, chuyên gia Minh Duyên đã tổng kết lại thành 5 biểu hiện chính của nỗi sợ phán xét, là:
- Luôn cố tỏ ra hoàn hảo trong mắt người khác: Lúc nào cũng phải thể hiện rằng mình tốt nhất nên mọi hành động của chúng ta đều rất cẩn trọng, chỉn chu 100%.
- Cáu gắt, mất kiểm soát khi bị nhắc nhở: Chúng ta trở nên nhạy cảm với những lời góp ý, nhắc nhở của những người xung quanh. Dù ý của họ tốt nhưng tự mình thấy như đang bị soi, bị chọc ngoáy
- Luôn muốn làm hài lòng người khác: Chúng ta là hoa hậu thân thiện với cả thế giới, trừ bản thân mình. Gật đầu, nói “Đồng ý” mọi lúc mọi nơi – đó có phải là bạn không?
- Không dám bộc lộ cảm xúc, không dám nói lên chính kiến: Điều đó dẫn tới những cơ hội vụt qua, chúng ta bỏ lỡ rồi nuối tiếc.
- Xu hướng phán xét chính mình và người khác. Và bản thân luôn là đối tượng đầu tiên của hành vi này.
Nguyên nhân dẫn tới nỗi sợ phán xét
Dưới góc nhìn khoa học tâm lý về nỗi sợ phán xét, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Nguyễn Minh Duyên đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới các biểu hiện trên.
Nguyên nhân thứ nhất – Tổn thương đứa trẻ nội tâm
Giai đoạn từ 0 đến 21 tuổi là thời gian để chúng ta học hỏi, hình thành nên hệ tư duy, hệ niềm tin của riêng mình. Nếu như thời thơ ấu có những trải nghiệm tiêu cực thì chúng sẽ hằn sâu vào tâm trí, đeo bám chúng ta trong suốt quá trình trưởng thành sau này. Mỗi khi gặp vấn đề tương tự thì cảm xúc ấy có cơ hội trồi lên, làm ta khó kiểm soát được cảm xúc, tạo nên các thói quen xấu và hành vi không đúng đắn.
Nhu cầu không được đáp ứng là nguyên nhân cốt lõi. Giống như khi ném một viên đá xuống nước thì từ chỗ viên đá rơi xuống sẽ khuếch tán ra xung quanh, tạo nên những vòng tròn đồng tâm. Cứ mỗi lần ta làm sai, bị nhắc nhở là đứa trẻ bên trong được bồi đắp thêm nỗi sợ hãi, vơi đi tình yêu thương bản thân, rơi vào “hố đen” phán xét.
Nguyên nhân thứ hai – Thiếu tự tin, không dám hành động
Chúng ta thường có xu hướng dè chừng, khó chịu khi thấy ai đó thành công hơn mình mà thiếu đi sự khách quan để thừa nhận rằng họ thành công vì trước tiên, họ dám hành động.
Trong chương trình trị liệu nhóm số 16, chuyên gia Minh Duyên phân tích về 3 kiểu người phổ biến từ khía cạnh “tự tin và hành động”. Hãy đoán xem mình thuộc kiểu người nào nhé:
- Người có nhiều suy nghĩ và cảm xúc: khó ra quyết định, mất nhiều thời gian để suy xét là đặc trưng của nhóm người này. Họ dành quá nhiều thời gian để đo lường kết quả, để lo lắng về những rủi ro có thể gặp phải, không dám nói ra ý kiến của bản thân một cách dứt khoát nên thường để lỡ cơ hội trong cuộc sống, luôn nằm trong vùng “an toàn” của bản thân.
- Người có hành động nhưng luôn đi kèm với cảm xúc lên xuống thất thường: Hành động dựa trên cảm xúc nên những người này có xu hướng bốc đồng, hành động bộp chộp và thiếu đi sự chín chắn và dễ bị lôi kéo
- Người có hành động và suy nghĩ thấu đáo: Họ dám nói và dám thực hiện nhưng mang lại cảm giác sống rất lý trí, ít quan tâm tới đời sống tâm tư của người khác.
Cả ba yếu tố “cảm xúc – hành động – suy nghĩ” nếu được cân bằng thì sẽ tạo được nền tảng tâm trí vững chắc như chiếc kiềng ba chân. Thiếu đi một yếu tố cũng làm chúng ta chông chênh nhưng có thể thấy rằng những người thuộc nhóm đầu tiên sẽ dễ bị tác động và nảy sinh những tâm lý tiêu cực, nỗi sợ phán xét hơn hai nhóm còn lại.
Nguyên nhân thứ ba – “Lỗi” trong tự nhận thức bản thân
Mỗi chúng đều có bản sắc riêng giống như mỗi loài hoa có mùi hương, màu sắc khác nhau. Chỉ cần bạn nhớ được rằng “gieo hạt gì sẽ gặt quả đó”, ai cũng có một hành trình riêng trong cuộc sống này thì dù thành công hay thất bại, đó vẫn là một cột mốc do mình tạo ra, mình có trách nhiệm với kết quả đó và đón nhận nó.
Sự buồn bã, chán nản chối bỏ chính mình sẽ ngăn bạn khai phá ra các tiềm năng của bản thân, luôn sống trong trạng thái phán xét, trách móc.
Chìa khóa giúp vượt qua nỗi sợ phán xét là gì?
Có 3 “chìa khóa” được chuyên gia Minh Duyên chia sẻ để giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ phán xét, trở thành một phiên bản tuyệt vời hơn:
- Thế giới quan đúng đắn: Qua câu chuyện về cây bút trong mắt con người và loài vật, chuyên gia đã đặt ra vấn đề về “Tính không” của sự vật. Mỗi sự vật luôn là chính nó. Chính ta – ở phía bên ngoài với trải nghiệm cá nhân, góc nhìn của riêng mình đã gán cho nó thêm các sắc thái cảm xúc, tính cách ngoại hình… Tôn trọng bản thân, mọi người như vốn là chính là chìa khóa đầu tiên để xóa đi các phán xét.
- Chữa lành những sang chấn tâm lý: Như đã chia sẻ ở phía trên, những tổn thương đứa trẻ nội tâm trong quá trình trưởng thành là nguyên nhân sâu xa của các biểu hiện bất ổn về tâm lý. Ôm ấp vỗ về và chữa lành sẽ giúp nội tâm không còn mâu thuẫn, trái tim cởi mở đón nhận sự hỗ trợ khi bạn chưa đủ nội lực để vượt qua tiêu cực.
Ngay cả sự thiếu tự tin, sự thất bại cũng xứng đáng được bao dung, yêu thương. Yêu thương và biết ơn là phương thuốc chữa lành cho tất cả. Có những lúc chúng ta hoang mang, sợ hãi nhưng đó chỉ là bóng đêm thôi, rồi chúng ta sẽ vượt qua được bạn nhé!
- Hành động bắn – ngắm – bắn: Nếu cứ đứng yên ở vạch xuất phát sẽ chỉ hình dung ra nhiều nỗi sợ, rủi ro càng làm chùn bước. Nhưng khi can đảm hành động một cách sự tự tin thì khó khăn xuất hiện cũng sẽ chỉ càng làm ta thêm bền chí hơn. Hành động – điều chỉnh – tiếp tục tiến về phía trước là công thức “bất bại” để chúng ta luôn bình tĩnh, dù cho nỗi sợ phán xét có xuất hiện thì ta vẫn có thể bước qua.
Ngày hôm nay ai đó có thể đang mang trong mình một khó khăn về tâm lý nhưng chỉ cần không đóng khung tư duy và niềm tin thì sẽ có sự chuyển hóa. Chỉ khi chúng ta còn niềm tin với bản thân, đối xử bằng tình yêu thương và lòng biết ơn và có phương pháp đúng đắn thì kết quả sẽ như ý. Chuyên gia Minh Duyên – Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam rất mong rằng sau chương trình trị liệu nhóm số 16 tại hà Nội, các khách hàng tham dự đã có thêm cho mình những viên gạch chắc chắn để xây dựng con đường đi trên hành trình lấy lại sự tự tin của bản thân và vượt qua nỗi sợ phán xét.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!