Cẩn trọng với chứng trầm cảm sau khi chia tay và cách vượt qua
Chia tay chưa bao giờ là một điều đơn giản, dễ dàng. Cảm giác ấm áp, thân quen bên cạnh người thương có thể hạ gục chúng ta bất cứ lúc nào, nhất là vào những ngày đầu xa nhau. Tình yêu tan vỡ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần, trong đó có chứng trầm cảm sau khi chia tay.
Dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm sau khi chia tay
Buồn bã, sợ hãi, bất an, thất vọng, giận dữ… là những cung bậc cảm xúc phổ biến sau khi ai đó chia tay người yêu hoặc rời xa bạn đời. Nếu là một người tích cực, lạc quan, bạn sẽ dần dần ổn định tinh thần và vượt qua biến cố.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đối mặt thành công với nỗi mất mát này. Chứng trầm cảm sau khi chia tay vốn không còn xa lạ đối với chúng ta. Sau khi chuyện tình chấm dứt, nhiều người chìm sâu trong cảm giác tiêu cực, đau đớn, cô đơn, chán chường và không thể tìm thấy lối thoát.
Thậm chí, những suy nghĩ bi quan, bế tắc có thể khiến họ nảy sinh ý định làm tổn thương bản thân, tấn công người yêu hoặc tự kết liễu đời mình.
Nếu những dấu hiệu tiêu cực dưới đây không cải thiện sau một tuần mà trở nên tồi tệ hơn theo thời gian thì rất có thể, bạn đang mắc chứng trầm cảm sau khi chia tay:
- Cảm thấy buồn bã, trống rỗng, vô vọng, tự ti, kém cỏi, xấu hổ, đáng thương
- Không thể chấp nhận chuyện hai người đã chia tay, luôn hy vọng rằng đây không phải là sự thật
- Chán nản, không tìm thấy hứng thú trong cuộc sống
- Tự cô lập bản thân
- Suy nghĩ bi quan, tiêu cực, ám ảnh về quá khứ đã qua, tự cho rằng bản thân hoàn toàn đơn độc, lạc lối
- Rối loạn ăn uống (chán ăn, ăn không ngon) dẫn đến suy nhược cơ thể
- Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc)
- Thiếu tập trung
- Nhạy cảm, dễ rơi nước mắt
- Mất niềm tin vào tình yêu, sợ hãi các mối quan hệ tình cảm
- Tự làm tổn thương bản thân, thậm chí suy nghĩ đến cái chết và cố gắng tự tử
Nếu trước đây, bệnh nhân từng bị rối loạn tâm lý hoặc trầm cảm, chứng trầm cảm sau khi chia tay có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả khó lường. Những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề này bao gồm: mất việc, chuyển nhà, sự thay đổi nội tiết tố, cái chết của người thân…
Cách ngăn ngừa và vượt qua chứng trầm cảm sau khi chia tay
Nếu không được điều trị kịp thời, vấn đề này có thể thôi thúc người bệnh tìm đến rượu bia, thuốc lá và các chất gây nghiện để xoa dịu nỗi đau hiện tại. Bên cạnh đó, trầm cảm sau khi chia tay còn đi kèm tình trạng nhức đầu, đau khớp, đau dạ dày, căng thẳng mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ nhiễm trùng và mắc phải các bệnh lý khác.
Để chủ động phòng tránh và vượt qua chứng trầm cảm sau khi chia tay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về tác động tiêu cực của chứng bệnh này đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Dưới đây là một số bí quyết hữu ích giúp bạn mạnh mẽ đối mặt với cú sốc thất tình đến từ các chuyên gia tâm lý uy tín.
1. Can đảm đối mặt với nỗi đau
Độc giả hãy chấp nhận rằng nỗi đau đớn, thất vọng, hụt hẫng, chông chênh sau khi tình yêu kết thúc là câu chuyện hết sức bình thường. Mọi người đều từng bị bỏ rơi hoặc từ chối ít nhất một lần trong đời. Ai cũng buộc phải trải qua những cung bậc cảm xúc thăng trầm, cay đắng, xót xa của tình yêu.
Vì vậy, thay vì cố gắng chôn giấu tổn thương và giả vờ bản thân mạnh mẽ, bạn hãy cứ khóc lóc một trận thỏa lòng, hét lên thật to hoặc đập vỡ một vật nào đó trong tầm với để giải tỏa năng lượng tiêu cực trào dâng trong lòng.
Bên cạnh đó, độc giả cũng có thể viết ra những cảm xúc, suy nghĩ hiện tại vào cuốn nhật ký thân thương, từ đó dễ dàng chấp nhận những tổn thương và nỗi đau mà bản thân đang phải chịu đựng. Sau này, khi đọc lại những dòng từng viết, chắc chắn bạn sẽ mỉm cười sảng khoái khi nhận thấy sự trưởng thành, mạnh mẽ của chính mình ở hiện tại.
Hãy luôn tự động viên bản thân với những câu khẳng định mang thông điệp tích cực như: “Mình sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi buồn.”, “Mình xứng đáng được trân trọng và yêu thương!”, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Cố lên nào tôi ơi!”…
Độc giả cần tin tưởng vào chính mình, nhận thức đúng đắn giá trị cốt lõi của bản thân và thường xuyên nghĩ về những ưu điểm cá nhân tuyệt vời. Bạn là chàng trai/cô gái độc đáo nhất thế gian và không ai có thể thay thế. Do đó, hãy loại bỏ ngay cảm giác tự ti, mặc cảm hỗn loạn trong đầu. Hít thở một hơi thật sâu, ngẩng cao đầu và mạnh mẽ vượt qua nỗi đau này nhé!
2. Thoải mái khóc lóc
Sau cuộc tình chấm dứt, hãy cho phép bản thân sống thật với chính mình bằng cách buồn bã và khóc lóc. Việc giải tỏa cảm xúc qua những giọt nước mắt giúp chúng ta xoa dịu cơn đau, cải thiện giấc ngủ, ổn định tâm trạng và vượt qua nỗi buồn.
Phái mạnh hoàn toàn có thể khóc thật to sau khi chia tay. Nếu ngại, hãy đi đến một địa điểm vắng người để hét lên cho nguôi ngoai cơn giận. Nếu là phụ nữ, bạn có thể nghe nhạc, xem phim để tìm kiếm sự đồng cảm trong những điệu nhạc, thước phim. Những chương trình truyền hình hài hước, vui nhộn cũng có thể là liều thuốc tinh thần hữu hiệu dành cho bạn lúc này.
Đặc biệt, khi mới chia tay, bạn không cần thúc ép bản thân phải lãng quên người cũ ngay lập tức. Bởi điều đó chỉ càng khiến bạn thêm nhớ nhung và đau khổ vì họ. Hãy cứ thành thật với những suy nghĩ và cảm xúc hiện tại, sau đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn.
3. Chấp nhận thực tế rằng bạn không thể thay đổi mọi chuyện
Quyết định chia tay có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, bao gồm: yêu xa, tình yêu phai nhạt, bất đồng quan điểm, không cùng chí hướng, xuất hiện người thứ ba…
Do đó, thay vì dằn vặt bản thân về một tình yêu không thể hàn gắn, độc giả cần chấp nhận thực tế rằng bạn không thể cải thiện tình hình hay kiểm soát mọi thứ. Nếu cứ khăng khăng tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao, bạn đang vô tình đẩy mình vào nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng. Đây chính là nguồn cơn của chứng trầm cảm sau khi chia tay.
4. Đánh lạc hướng chính mình
Khi trở về trạng thái độc thân, chúng ta sẽ cảm thấy trống trải, cô đơn và buồn chán. Vì vậy, bạn nên cố gắng chuyển hướng chú ý của bản thân bằng cách lấp đầy cuộc sống thường ngày với nhiều hoạt động thú vị như: hẹn hò hội bạn thân, ăn uống cùng đồng nghiệp, đi du lịch, shopping…
Thật ra, những niềm vui giản dị đời thường vẫn luôn hiện hữu xung quanh. Vậy nên đừng để bản thân quá rảnh rỗi để nghĩ đến những chuyện đã qua nhé!
5. Buông bỏ quá khứ và điều chỉnh dự định tương lai
Trong khoảng thời gian còn mặn nồng, chắc chắn bạn và người ấy đã cùng nhau lên kế hoạch tương lai chi tiết cho cả hai. Bởi vậy, sau khi chia tay, bạn cần dứt khoát từ bỏ quá khứ để bình tâm thay đổi dự định của mình.
Đây chính là lúc người đọc đầu tư toàn bộ thời gian, tiền bạc của bản thân cho sức khỏe, sự nghiệp và những sở thích, đam mê của mình. Cuộc sống luôn chảy trôi về phía trước. Đừng để bản thân cứ mãi giậm chân tại chỗ vì những điều dang dở đã qua.
6. Chia sẻ nỗi niềm với những người thân thương
Đây là một trong những giải pháp hàng đầu giúp bạn tiếp thu góc nhìn khách quan và nhanh chóng tìm lại trạng thái cân bằng cảm xúc. Khi tâm sự cởi mở với gia đình, bạn bè, bạn có thể thoải mái trải lòng về những nỗi đau chất chứa trong tim, từ đó giải tỏa mọi bức bối, muộn phiền sau khi chia tay.
Lưu ý, bạn chỉ nên chia sẻ với những người thân thiết, sâu sắc và đáng tin cậy bởi nếu thổ lộ với kẻ tò mò, hay tọc mạch, thiếu tinh tế, không đồng cảm, bạn sẽ càng tổn thương nặng nề.
Xem thêm: Cách vượt qua nỗi buồn tình cảm (nỗi đau hậu chia tay)
7. Sống tự tin, mạnh mẽ và yêu thương bản thân
Nếu không trở nên mạnh mẽ thì không ai có thể mạnh mẽ thay bạn cả. Đây chính là câu nói thẳng thắn khiến nhiều bệnh nhân trầm cảm sau chia tay tỉnh ngộ. Khi khép lại một cuộc tình, độc giả hãy chủ động cắt đứt liên lạc với người yêu cũ: hủy kết bạn, bỏ theo dõi, chặn số điện thoại, xóa sạch email… Tuy cứng rắn và phũ phàng nhưng cách làm này sẽ tốt cho cả hai bạn sau này. Bên cạnh đó, bạn nên:
- Rời xa mạng xã hội
Thay vì đăng những dòng trạng thái thất tình, ủ rũ lên mạng xã hội, bạn hãy tạm thời ngắt kết nối với thế giới xung quanh trên Facebook, Instagram… để tập trung chăm sóc bản thân. Đừng quên xóa toàn bộ tin nhắn, email tình cảm xưa cũ để bản thân không còn vấn vương tiếc nuối.
- Giữ bản thân luôn hào hứng và bận rộn
Hãy nỗ lực hơn nữa trong công việc hiện tại của mình, tham gia vào một khóa học kỹ năng thú vị (nấu nướng, làm bánh, may vá, thêu thùa, vẽ tranh…) hay xách ba lô đi khám phá những miền đất lạ.
- Nuông chiều bản thân
Nấu những bữa ăn ngon, mua sắm món đồ yêu thích, chăm sóc thú cưng, tham gia các hoạt động thiện nguyện, dọn dẹp nhà cửa… nên là những hoạt động ưu tiên trong list-to-do sắp tới của bạn.
- Tập thể dục thường xuyên
Các hoạt động thể chất (bơi lội, thiền định, tập yoga, chạy bộ…) giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, trong quá trình vận động, cơ thể sẽ giải phóng nhiều hormon hạnh phúc endorphin giúp cải thiện tâm trạng. Do đó, hãy tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày để ngăn ngừa và đẩy lùi chứng trầm cảm sau khi chia tay nhé!
- Thay đổi ngoại hình
Kiểu tóc, quần áo, phụ kiện quen thuộc dễ khiến bạn cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt. Đây chính là cơ hội vàng để bạn “làm mới” bản thân một cách toàn diện từ trong ra ngoài. Một diện mạo mới mẻ, cuốn hút sẽ khiến bạn lạc quan và phấn chấn hơn.
Nếu là phụ nữ, độc giả có thể thay đổi kiểu tóc mới, điều chỉnh phong cách trang điểm và chọn mua những bộ cánh mới. Trong khi đó, đàn ông thường cạo râu, cắt tóc, dùng thêm nước hoa hay tập gym để tăng cường cơ bắp.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và hỗ trợ chúng ta đối phó với hàng loạt cảm xúc tiêu cực hậu chia tay. Nếu tiếp tục thức khuya do thao thức không yên vì một chuyện tình đã cũ, bạn sẽ phải đối mặt với những cơn nhức đầu dai dẳng. Hơn nữa, tình trạng thiếu ngủ còn khiến tinh thần chúng ta sa sút và kéo theo nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường…
- Tái kết nối với thế giới xung quanh
Đã đến lúc bạn hòa nhập vào cuộc sống sinh động và bất tận thường ngày. Hãy tự tin trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp như chưa có gì xảy ra cũng như chứng minh với cả thế giới rằng bạn vẫn ổn, cuối cùng bạn đã “quay trở lại và lợi hại hơn xưa”.
- Tránh xa rượu bia, chất kích thích và mối quan hệ lãng mạn mới
Lãng quên người cũ bằng cách tìm kiếm người mới là quan niệm sai lầm. Độc giả cần tỉnh táo trước những cảm xúc choáng ngợp, lâng lâng ngay sau khi chuyện xưa chấm dứt. Đây có thể chỉ là một cơn say nắng nhất thời. Hãy bình tĩnh dành thời gian quan sát và nuôi dưỡng mối quan hệ mới nhé!
Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có sức tàn phá khủng khiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Chúng hoàn toàn không phải thần dược chữa lành trái tim tan vỡ. Trên thực tế, khả năng tự hồi phục của chúng ta vô cùng tuyệt diệu. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần bao dung, kiên trì và yêu thương bản thân nhiều hơn.
- Thăm khám bác sĩ tâm lý
Sau khi áp dụng tất cả phương pháp trên, nếu các triệu chứng trầm cảm sau khi chia tay vẫn không thuyên giảm, độc giả cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Căn cứ vào tình trạng hiện tại, bạn có thể được yêu cầu sử dụng các loại thuốc sau:
– Thuốc chống trầm cảm ba vòng: nortriptylin (pam bachelor), imipramin (tofranil)…
– Thuốc ức chế monoamin oxydas: phenelzin (nardil), tranylcypromin (parnat)…
– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc: paroxetin (paxil), fluoxetin (prozac)…
– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin: venlafaxin (effexor XR), duloxetin (cymbalta)
Lưu ý, trước khi điều trị nội khoa, bạn cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ về công dụng và tác dụng phụ của thuốc. Mất ngủ, tăng cân, thèm ăn và suy giảm ham muốn tình dục là những biểu hiện thường gặp sau khi bệnh nhân dùng thuốc Tây.
Có thể bạn quan tâm
- Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay
- Hậu quả (di chứng) của bệnh trầm cảm không nên xem thường
- Mẹo dân gian chữa bệnh trầm cảm bằng cây thuốc Nam
- Dùng phương pháp thôi miên chữa bệnh trầm cảm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!