Bệnh tâm thần phân liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Tâm thần phân liệt là một trong các bệnh rối loạn tâm thần nặng. Bệnh thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi và kéo dài cho đến hết cuộc đời. Hiện nay, căn bệnh này đang có xu hướng tăng dần, cứ khoảng 100 người sẽ có 1 người mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này.
Bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt được xếp vào là một trong các căn bệnh tâm thần dạng nặng. Các triệu chứng của bệnh thường sẽ bắt đầu xuất hiện khi bệnh nhân còn rất trẻ và kéo dài liên tục đến hết cuộc đời. Người bệnh sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đặc điểm chung đó là sự ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất, tinh thần, lâu ngày sẽ làm thay đổi cả nhân cách của bệnh nhân.
Những đối tượng bệnh thường sẽ xuất hiện các ý nghĩ sai lệch, không phù hợp với xã hội, những người xung quanh sẽ không thể giải thích hoặc giúp họ nhìn nhận vấn đề đúng hoặc sai. Hầu hết những người bị bệnh tâm thần phân liệt thường có những hành vi, cử chỉ kì lạ, bất thường do cảm xúc nghèo nàn. Trong thời gian bị bệnh, đối tượng sẽ trở nên xa cách với mọi người, nói chuyện ít hơn, ngại tiếp xúc với bạn bè, người thân, trở nên trầm tư, buồn bã, lo âu hoặc có nhiều nỗi sợ.
Hiện nay, tình trạng bệnh tâm thần phân liệt hiện đang rất phổ biến và càng có xu hướng gia tăng liên tục, ước tính cứ khoảng 100 người thì có 1 người sẽ mắc phải căn bệnh này. Ở càng nước đang phát triển thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn so với những nước công nghiệp. Tại nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh rơi vào khoảng 0,47% (số liệu được thống kê vào năm 2002).
Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra được một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể:
- Yếu tố di truyền: Các chuyên gia cho biết rằng, đối với tổng dân số bình thường thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ chiếm khoảng 1%. Thế nhưng đối với những gia đình có tiền sử người thân như bố mẹ, ông bà, cha mẹ từng mắc bệnh thì tỷ lệ này sẽ gai tăng lên đến 12%.
- Yếu tố gia đình: Bệnh tâm thần phân liệt sẽ có nhiều khả năng tái phát hơn, đặc biệt là ở những gia đình thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, không hạnh phúc, không khí gia đình luôn căng thẳng, gò bó.
- Yếu tố sinh hóa: Các nhà khoa học cho rằng vài chất hóa học bên trong não bộ có góp phần góp phần hình thành căn bệnh này, đặc biệt là chất Dopamine.
- Yếu tố môi trường: Khi bạn phải sinh sống và tiếp xúc thường xuyên với môi trường có nhiều sang chấn, áp lực, căng thẳng, stress thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn so với bình thường.
Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt có rất nhiều biểu hiện khác nhau, điển hình là hoang tưởng, rối loạn suy nghĩ, ảo thanh cùng các triệu chứng ít đặc trưng khác.
1. Hoang tưởng
Hoang tưởng là tình trạng bệnh nhân xuất hiện các ý tưởng sai lệch, không phù hợp đối với thực tế. Tình trạng này là do căn bệnh tâm thần phân liệt gây ra, tuy nhiên bệnh nhân luôn cho rằng những ý tưởng đó là đúng và những người xung quanh không thể phê phán hoặc giải thích cụ thể được. Tùy vào nội dung hoang tưởng mà bệnh nhân sẽ dần xuất hiện một số phản ứng khác nhau.
Những chứng hoang tưởng phổ biến nhất là:
- Hoang tưởng bị hại: Người bệnh thường sẽ có cảm giác rằng những người xung quanh mình như người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm đang có ý định muốn hãm hại, đầu độc họ.
- Hoang tưởng tự cao: Người bệnh sẽ có suy nghĩ rằng bản thân có thể thực hiện được những việc mà trong thực tế bệnh nhân không thể làm được. Ví dụ như: Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể chữa được những căn bệnh nguy hiểm như bệnh ung thư mặc dù trong thực tế họ không phải bác sĩ hoặc chưa từng học qua ngành y, bệnh nhân cũng có thể nghĩ rằng mình sẽ làm trưởng chỉ huy trong quân đội mắc dù thực tế bệnh nhân chữa bao giờ bước vào môi trường đó,…
- Hoang tưởng bị chi phối: Người bệnh nghĩ rằng đang có một thế lực vô hình nào đó, chẳng hạn như ma quỷ, thần tiên đang điều khiển, kiểm soát mọi hành động và suy nghĩ của họ.
2. Rối loạn suy nghĩ
Người bệnh có thể nói ra những điều vô cùng khó hiểu, họ có thể đang nói bỗng nhiên ngưng đột ngột và một lúc sau mới bắt đầu nói lại về vấn đề cũ hoặc có thể nói đến một chủ đề hoàn toàn khác. Hơn thế, bệnh nhân có thể ăn nói lộn xộn, nói một cách lung tung, lời nói sáo rỗng đến nổi người nghe không thể hiểu được những vấn đề mà bệnh nhân đang muốn nhắc đến.
3. Ảo thanh
Người bệnh sẽ thường xuyên nghe thấy âm thanh, giọng nói xuất hiện trong đầu hoặc vang bên tai. Tình trạng ảo thanh thường sẽ mang tính chất tiêu cực như những lời chửi bới, đe dọa, buộc tội, cười nhạo đối với bệnh nhân. Tùy vào nội dung của âm thanh nghe được mà bệnh nhân sẽ có các phản ứng khác nhau. Ví dụ như bệnh nhân sẽ nổi điên lên, bịt kín tai lại, sợ sệt, thu mình vào một góc,…
4. Một số triệu chứng khác
- Giảm biểu lộ tình cảm: Người bệnh dần sẽ bị mất cảm xúc, không biểu lộ cảm giác vui hay buồn, không thể hiện quá nhiều tình cảm. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị tâm thần phân liệt còn thể hiện những phản ứng trái ngược so với bình thường như đối với những sự kiện đau buồn thì bệnh nhân sẽ tỏ ra vui vẻ, còn đối với những sự kiện vui, hạnh phúc bệnh nhân sẽ buồn rầu, ủ rũ.
- Mất đi ý muốn làm việc: Người bệnh dần sẽ mất đi ý muốn làm việc, trở nên thẫn thờ, lơ đãng, tình trạng này không phải xuất phát từ sự lười biếng. Bệnh nhân khó có thể tiếp tục học tập hay làm việc ở cơ quan như bình thường. Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể không thực hiện được những việc đơn giản như nấu ăn, rửa bát, quét nhà, lau nhà, giặt đồ,…Đặc biệt hơn, đối với một số trường hợp đặc biệt nặng, bệnh nhân sẽ không còn quan tâm đến những sinh hoạt cá nhân hàng như ăn uống, tắm rửa, đánh răng,…
- Sự cách ly xã hội: Người bệnh sẽ không muốn tiếp xúc, giao tiếp với bất kì ai, kể cả những người thân thiết trong gia đình. Họ sẽ tự tạo cho mình một thế giới riêng và hạn chế trò chuyện, chia sẻ với những người bên cạnh.
- Không thể nhận thức được tình trạng bệnh của bản thân: Đa phần những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt sẽ không thể nhận thức được cụ thể tình trạng bệnh của bản thân, họ luôn cho rằng mình không bị bệnh. Do đó, mà nhiều người luôn từ chối việc đi thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế, thậm chí có trường hợp người bệnh sẽ cáu gắt, nổi giận khi người khác nghĩ học có vấn đề về tâm thần.
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt
Nếu nghi ngờ một người đang mắc phải chứng bệnh tâm thần phân liệt thì các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần sẽ tiến hành kiểm tra tâm lý, khai thác về các triệu chứng, tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình, đồng thời thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
- Xét nghiệm máu, tiến hành thăm dò hình ảnh bằng các CT scan hoặc chụp MRI.
- Khám lâm sàng: Bằng các quan sát thái độ và tìm hiểu về tâm trạng tư duy, khai thác ảo giác, ảo tưởng, đánh giá khả năng tự sát, bạo lực của bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ đánh giá được tình trạng tâm thần và sự có mặt của các rối loạn tâm thần.
Cách điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Ngay sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh cụ thể thì các chuyên gia sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân. Thông thường các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành chữa bệnh ngay từ giai đoạn bệnh khởi phát, bởi vì tâm thần phân liệt là căn bệnh mạn tính và cần được duy trì điều trị cả đời ngay khi các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm rõ rệt.
Một số biện pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt như:
1. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị được xem là phương pháp hiệu quả và thông dụng nhất đối với quá trình cải thiện các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Các bác sĩ sẽ dựa vào từng tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh, mức độ biểu hiện của các triệu chứng và nhiều yếu tố khác để lựa chọn loại thuốc phù hợp. Các đối tượng bệnh khác nhau cũng sẽ được hướng dẫn liều lượng riêng biệt để giúp cho tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.
Thông thường, các chuyên gia sẽ sử dụng những loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc bình thân hoặc thuốc điều hòa khí sắc trong quá trình chữa bệnh. Nhờ những loại thuốc này mà hầu hết các bệnh nhân không phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và đến thăm khám, lãnh thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt thường có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ, vì thế trong quá trình sử dụng bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, không được tự ý mua thuốc về uống.
- Cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, uống đúng liều lượng, đúng giờ, đúng thuốc.
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú cưng.
- Khi sử dụng thuốc nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý và ngăn chặn kịp thời.
2. Áp dụng liệu pháp tâm lý xã hội
Song song với việc sử dụng thuốc điều trị thì liệu pháp tâm lý xã hội cũng đem lại hiệu quả rất tốt đối với những người bệnh tâm thần phân liệt. Với phương pháp này sẽ giúp người bệnh kéo dài được thời gian ổn định và hạn chế tối đa tình trạng tái phát, gia tăng các triệu chứng bệnh.
Một số liệu pháp có thể được áp dụng như luyện tập kỹ năng, can thiệp từ gia đình, phục hồi nhận thức,…Các những phương pháp này sẽ giúp ích cho người bệnh rất nhiều, cụ thể như:
- Phục hồi được khả năng giao tiếp, trò chuyện giữa bệnh nhân với xã hội, cải thiện được khả năng học tập, làm việc.
- Hỗ trợ thêm thông tin cho gia đình bệnh nhân để họ hiểu rõ hơn về căn bệnh này, từ đó, những người thân trong gia đình có thể đồng hành cùng quá trình điều trị bệnh.
- Người bệnh sẽ dần được phục hồi về nhận thức, hiểu được tình trạng bệnh lý của bản thân và dần tìm ra cách khắc phục chúng tốt hơn.
Những điều cần tránh đối với người bệnh tâm thần phân liệt
Để không làm cho tình trạng bệnh tâm thần phân liệt càng trở nên trầm cảm, bệnh nhân và những người thân trong gia đình cần tránh những điều sau đây:
- Bệnh rối loạn tâm thần không phải do ma quỷ hay bất kỳ thế lực vô hình nào tạo ra nên tuyệt đối không được đưa bệnh nhân đến gặp thầy pháp hay thầy bùa để điều trị.
- Những người xung quanh không nên phê phán hoặc tranh luận những ý kiến, vấn đề vô lý mà bệnh nhân đưa ra. Những suy nghĩ sai lệch chỉ có thể thuyên giảm khi người bệnh sử dụng thuốc điều trị.
- Không nên bắt trói, xiềng xích, giam lỏng bệnh nhân sẽ khiến họ càng thêm kích động và hung hăng hơn.
- Không nên tự ý mua thuốc hoặc cho bệnh nhân ngưng dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây nên nhiều nguy hiểm cho những người bên cạnh, Vì thế, ngay khi phát hiện người thân có các biểu hiện của bệnh tâm thần, dù ở mức độ nhẹ, bạn cũng nên đưa họ đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!