Tháo gỡ xung đột tâm lý giữa cha mẹ & con cái tuổi vị thành niên
Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên là vấn đề khó tránh khỏi do khoảng cách thế hệ. Mối bất đồng thường có liên quan đến việc bố mẹ đặt nặng áp lực thành tích, không đồng tình với cách chi tiêu, kết bạn của con hoặc xâm phạm quá mức của sự riêng tư của trẻ.
Vì sao trẻ vị thành niên dễ xung đột với cha mẹ?
Vị thành niên là giai đoạn trẻ phát triển cả về sinh lý, tâm lý, trí tuệ và hành vi. Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 – 18 tuổi. Những thay đổi về mặt tâm sinh lý khiến trẻ chú ý hơn đến ngoại hình, bắt đầu hình thành quan điểm sống khác biệt và muốn bày tỏ suy nghĩ của bản thân thay vì nghe lời ba mẹ hoàn toàn như trước đây.
Dần dần, con cái sẽ trở nên độc lập và muốn thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ lại cho rằng, mong muốn này xuất phát từ việc con hư hỏng nên muốn thoải mái vui chơi với bạn bè, tập trung cho các sở thích mà chểnh mảng vấn đề học tập.
Ở các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, những người ở thế hệ trước vẫn giữ cách giáo dục cũ, tức là bố mẹ có quyền kiểm soát và đưa ra quyết định cho cuộc sống của con cái. Việc áp đặt trẻ quá mức trong giai đoạn vị thành niên chính là nguồn cơn của mâu thuẫn và xung đột.
Hơn nữa, nhiều cha mẹ quên mất con trẻ đã bước vào giai đoạn vị thành niên và đang trong quá trình trưởng thành. Vì nghĩ rằng con còn thơ bé nên nhiều bố mẹ tự quyết định mà quên mất con cũng có quyền đưa ra lựa chọn trong cuộc sống của mình.
Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái ở tuổi vị thành niên là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, chỉ cần cung cấp cho con vật chất đầy đủ và nghiêm khắc trong cách giáo dục là đủ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, con cũng cần được thấu hiểu để tránh sự nhạy cảm và tổn thương tâm lý. Chính sự thiếu sót của các bậc phụ huynh đã khiến con trẻ ở tuổi vị thành niên dễ xung đột với bố mẹ và có xu hướng sống tách biệt, ít chia sẻ.
Nguyên nhân xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên. Vốn dĩ trẻ ở giai đoạn này đã khá nhạy cảm nên cha mẹ cần phải có sự mềm mỏng và linh hoạt trong cách giáo dục. Nếu cả bố mẹ và con cái đều cứng nhắc, xung đột là điều khó tránh khỏi.
Dưới đây là một số vấn đề dễ dẫn đến xung đột giữa bố mẹ và con cái trong độ tuổi vị thành niên:
1. Cha mẹ không đồng tình với việc con chăm chút ngoại hình
Khi còn nhỏ, con trẻ thường nghe theo bố mẹ trong vấn đề trang phục và kiểu tóc. Tuy nhiên trong giai đoạn vị thành niên, trẻ đã ý thức được về ngoại hình và có sở thích riêng trong cách ăn mặc. Chính vì vậy, trẻ có thể đòi bố mẹ mua cho bản thân trang phục mới, cắt kiểu tóc phù hợp hơn, nhuộm tóc,… Thậm chí, một số trẻ còn dành nhiều giờ để chụp hình và điều chỉnh dáng đi.
Khi nhận thấy con cái quá chăm chút về ngoại hình, phản ứng chung của các bậc phụ huynh là tỏ ra không hài lòng và khó chịu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng xử để con hiểu rằng ngoại hình không quan trọng bằng học vấn và tính cách.
Nhiều phụ huynh nóng giận, la mắng và thậm chí vứt bỏ hết những trang phục mà trẻ yêu thích để con cái tập trung vào việc học. Tuy nhiên, phản ứng này khiến cho con cái bị tổn thương, phẫn uất và cảm thấy bị kìm kẹp quá mức trong căn nhà của mình.
2. Đặt nặng vấn đề thành tích
Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái đạt được thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên, năng lực của mỗi trẻ là không giống nhau nên việc con có thành tích khá trong khi những học sinh khác đạt thành tích cao hơn là dễ hiểu. Mặc dù vậy, không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu rõ điều này và quy chụp rằng do trẻ lười biếng.
Đặt nặng thành tích phần nào tạo ra động lực và giúp con nghiêm túc hơn trong quá trình học tập. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên tạo áp lực vừa đủ, đồng thời luôn động viên và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa thực sự của việc học. Có như vậy, con mới có thể học tập với tinh thần say mê và tập trung nhất.
Nếu quá đặt nặng về thành tích, con cái sẽ khó tránh khỏi stress – căng thẳng và luôn có cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Về lâu dài, con dễ gặp phải tình trạng chán học. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của con. Chính vì vậy, trẻ có thể không đạt kết quả như kỳ vọng của gia đình.
Tuy nhiên, thay vì công nhận nỗ lực và động viên con cố gắng hơn để đạt kết quả cao trong học kỳ sau, nhiều phụ huynh chì chiết và trách con vô dụng, lười biếng. Cách ứng xử này của bố mẹ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xung đột tâm lý với con cái tuổi vị thành niên.
3. Xung đột do các mối quan hệ của con
Ở giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ có sự thay đổi rõ rệt về sở thích, lời nói và quan điểm. Đôi khi bố mẹ có thể không hài lòng với những người bạn của con và yêu cầu trẻ chỉ được kết bạn với những trẻ học giỏi, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, điều này lại là nguyên nhân dẫn đến xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên.
Trong trường hợp con kết bạn với đám bạn đua đòi và lười học, bố mẹ nên đưa ra lời khuyên để con nhận thức được điều gì nên làm và không nên làm. Bên cạnh đó, nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường để điều chỉnh hành vi sai lệch của các em. Ở giai đoạn này, phản ứng quá mức của bố mẹ sẽ khiến trẻ giữ thái độ thù địch, chống đối và cảm thấy không thoải mái trong chính gia đình của mình.
4. Không đồng tình cách chi tiêu của con
Nếu như trước đây bố mẹ luôn là người chủ động mua quần áo, đồ dùng học tập cho con thì giờ đây, trẻ muốn tự lập trong vấn đề này. Tuy nhiên, do chưa có ý thức sâu sắc về tiền nên trẻ thường chi tiêu không hợp lý. Đây là vấn đề rất phổ biến ở trẻ vị thành niên và ngay cả với người trẻ tuổi.
Tiền là vấn đề khá nhạy cảm với trẻ ở tuổi vị thành niên. Do đó, bố mẹ cần có cách ứng xử phù hợp trước tình trạng trẻ chi tiêu phung phí và đua đòi. Việc quát nạt, chì chiết và đay nghiến trẻ trong trường hợp này không mang lại hiệu quả. Ngược lại còn dẫn đến xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái ở tuổi vị thành niên.
5. Kiểm soát con quá mức
Như đã đề cập, nhiều bố mẹ vẫn giữ thói quen kiểm soát con cái từ việc học tập, chơi với bạn bè, chi tiêu, vấn đề ăn mặc, kiểu tóc,… Tuy nhiên, trẻ ở giai đoạn này đã có suy nghĩ riêng nên không muốn nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ. Chính vì vậy, sự kiểm soát quá mức có thể khiến trẻ nhạy cảm và bày tỏ sự khó chịu.
Thậm chí, một số bậc phụ huynh còn xâm phạm vào đời tư của con cái qua một số hành vi như đọc nhật ký của con, xem tin nhắn trên điện thoại, máy tính,… Khi con cái phát hiện ra những hành vi này, phản ứng chung của trẻ là tức giận vì cảm thấy không được tôn trọng.
Thực sự, cách xử lý này của bố mẹ có nhiều phần không đúng nhưng đều xuất phát từ tình yêu thương và muốn bảo vệ con. Dù vậy, bố mẹ vẫn còn nhiều cách phản ứng khác để con cái chủ động chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Cùng là một vấn đề nhưng nếu cư xử khác đi, giữa cha mẹ và con cái sẽ tránh khỏi xung đột, thay vào đó là sự thấu hiểu và tin tưởng.
Tháo gỡ xung đột giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên bằng cách nào?
Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên là vấn đề khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải tháo gỡ bất hòa trong thời gian sớm nhất để hàn gắn mối quan hệ và xây dựng cho trẻ sự tin tưởng đối với bố mẹ. Có như vậy, con trẻ mới có thể phát triển những tính cách tốt và luôn xem gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Để tháo gỡ xung đột giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên, phụ huynh có thể áp dụng một số giải pháp sau:
- Bố mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con để hiểu hơn về tâm lý của tuổi mới lớn. Khi trò chuyện, không nên thể hiện sự áp đặt khiến trẻ không thoải mái và muốn chấm dứt cuộc trò chuyện. Thay vào đó, hãy tạo cho trẻ cảm giác thích thú với cách chia sẻ những câu chuyện và vấn đề bố mẹ gặp phải khi ở lứa tuổi “ẩm ương”.
- Cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ cứng nhắc về phương pháp giáo dục và biết cách tiếp thu, điều chỉnh bản thân theo sự phát triển của xã hội. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy bố mẹ đang nỗ lực hiểu mình hơn và bản thân con cũng sẽ học cách để hiểu tâm lý của những người làm cha làm mẹ.
- Bố mẹ vẫn cần giữ sự nghiêm khắc trong cách giáo dục để con học hành và sinh hoạt có nề nếp. Khi con mắc lỗi hoặc đạt kết quả không tốt, nên trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu lỗi là do con, hãy nghiêm khắc chỉ ra những điểm con cần thay đổi và có hình phạt phù hợp. Tuyệt đối không thể hiện sự nóng giận trước mặt con cái vì điều này sẽ khiến trẻ không biết cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực và thoải mái quá mức với cảm xúc của chính mình.
- Hiểu được con cái đang có sự thay đổi rõ rệt về hình thể và sinh lý. Qua đó hỗ trợ con trong việc lựa chọn trang phục, kiểu tóc phù hợp và hướng dẫn cho con cách giữ vệ sinh cơ thể. Sự quan tâm đúng mực của bố mẹ sẽ giúp con cái hình thành niềm tin và thêm yêu thương gia đình của mình.
- Tâm sự với con để biết con muốn gì, yêu thích điều gì. Nếu trẻ có nguyện vọng trái ngược với bố mẹ, cần phân tích để trẻ hiểu rõ những khó khăn có thể phải đối mặt và yêu cầu trẻ suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Điều này sẽ giúp trẻ rèn tính trách nhiệm và tập thói quen suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất cứ lựa chọn nào.
- Liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm rõ quá trình học tập và các mối quan hệ xung quanh trẻ. Nếu nhận thấy trẻ đang gặp phải vấn đề, cần có cách ứng xử phù hợp để trẻ tin tưởng và lắng nghe ý kiến của bố mẹ.
- Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ và con cái nên cùng tham vấn tâm lý để giải quyết khúc mắc. Tránh tình trạng xung đột kéo dài khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, cách duy nhất để giải quyết xung đột là sự thấu hiểu. Vị thành niên là giai đoạn rất quan trọng đối với trẻ nên cha mẹ cần thấu đáo trong lời nói và cách ứng xử.
Có thể bạn quan tâm
- Hậu quả của việc áp đặt con cái cha mẹ nên quan tâm
- Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái và cách vượt qua
- Cha mẹ cần làm gì khi con bước vào giai đoạn tuổi dậy thì
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!