Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái gây hậu quả gì?
Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là vấn nạn nhức nhối trong những năm gần đây. Khác với bạo hành thể xác, dạng bạo hành này không tạo ra thương tích trên cơ thể mà để lại nỗi đau sâu sắc về mặt tâm lý.
Nhận biết cha mẹ bạo hành tinh thần con cái
Bạo hành là thuật ngữ đề cập đến những hành vi, lời nói có chủ đích nhằm gây tổn thương sâu sắc cả về tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, xã hội thường quan tâm nhiều đến bạo hành về thể xác vì mọi người có thể nhận thấy rõ qua những dấu tích trên cơ thể và dễ hình dung hơn về nỗi đau mà nạn nhân phải đối mặt.
Khác với bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần khó phát hiện hơn rất nhiều vì không có biểu hiện rõ ràng. Dạng bạo hành này thường được thực hiện thông qua lời nói trách móc, đay nghiến, chì chiết lặp đi lặp lại nhằm gây ra tổn thương về mặt tinh thần.
Ngoài ra, người bạo hành tinh thần cũng có thể thực hiện những hành vi khiến nạn nhân tự dằn vặt bản thân, cảm thấy tội lỗi và cho rằng mình là kẻ vô dụng, yếu kém. Các hành vi này thường không gây ra tổn thương về thể chất mà chỉ nhắm vào tinh thần và cảm xúc.
Bạo hành tinh thần không phải là vấn đề xa lạ mà ngược lại là tình trạng rất phổ biến và xảy ra ở nhiều gia đình. Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái thường khó nhận biết hơn so với người ngoài. Bởi những hành vi, lời nói cực đoan thường được che giấu bởi danh nghĩa của tình yêu thương và trách nhiệm. Dù hình thức có khác nhau nhưng về bản chất, bạo hành tinh thần luôn gây ra sự tổn thương sâu sắc.
Để có biện pháp xử lý kịp thời, cần phát hiện sớm cha mẹ bạo hành tinh thần con cái qua những dấu hiệu sau:
- Luôn có những lời nói gây tổn thương tâm lý và không quan tâm cảm nhận của con trẻ.
- Luôn chì chiết, trách móc và đổ lỗi hoàn toàn cho trẻ trong mọi hoàn cảnh.
- Không xem trọng cảm xúc, suy nghĩ và cảm nhận của con. Cha mẹ bạo hành tinh thần thường tự đưa ra tất cả các quyết định và hoàn toàn không hỏi qua ý kiến của con.
- Đặc điểm chung của kiểu cha mẹ bạo hành tinh thần con cái luôn quát mắng và chì chiết trẻ khi bản thân đối mặt với áp lực. Lúc này, con cái trở thành là đối tượng để bố mẹ trút giận.
- Gieo vào đầu con những suy nghĩ cực đoan như “Mày là đồ vô dụng, yếu kém, bỏ đi” hay những lời nói khiến trẻ có suy nghĩ bản thân thực sự tồi tệ và xứng đáng với những lời quát mắng, đay nghiến từ bố mẹ.
- Ngoài ra, một số bậc cha mẹ có thể dùng các hành vi uy hiếp, đe dọa để tạo áp lực, đồng thời gây tổn thương tinh thần khiến trẻ phải nghe theo sự sắp xếp của mình.
- Một số người có thể đổ lỗi vì sự ra đời của con mà mẹ/ bố phải bỏ dở sự nghiệp, đổi lại con cái lại không có năng lực nổi bật. Những suy nghĩ này gây ám ảnh khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và dần hình thành tính cách tự ti, sống tách biệt, tự cô lập bản thân.
- Xem con cái như “vật trang sức” và buộc con phải làm theo ý muốn của bản thân từ việc ăn mặc, lời nói, cách cư xử và định hướng trong học tập. Đối mặt với những câu hỏi từ trẻ, bố mẹ thường ngụy biện những hành động này đều là vì tốt cho con và mong muốn con có cuộc sống tươi đẹp hơn.
- Muốn con cái chú ý hoàn toàn vào gia đình và những kế hoạch đã được lập sẵn. Thay vì đánh đập trẻ, bố mẹ sẽ có những lời nói trách móc cho rằng trẻ đang ích kỷ và chỉ muốn thỏa mãn niềm vui mà không nghĩ đến gia đình.
So với bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần có biểu hiện đa dạng hơn. Thực tế, bố mẹ khó tránh khỏi những hành vi đánh mắng và nặng lời khi con trẻ phạm lỗi,… Tuy nhiên, cha mẹ bạo hành tinh thần là một dạng cha mẹ độc hại. Họ luôn muốn kiểm soát con cái và tất cả những lời nói, hành vi đều nhằm mục đích thỏa mãn bản thân, hoàn toàn không nghĩ đến cảm nhận của con.
Vì sao bố mẹ bạo hành tinh thần con cái?
Cha mẹ được biết đến là người ban cho con sự sống, tình yêu thương và dìu dắt con trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng dành cho con tình yêu vô bờ bến. Rất nhiều cha mẹ bạo hành chính con ruột của mình dưới nhiều hình thức như thể chất, tinh thần và đôi khi là cả tình dục.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất phức tạp và thường là hệ quả do nhiều yếu tố kết hợp. Nhưng nhìn chung, các bậc cha mẹ độc hại nói chung và cha mẹ bạo hành tinh thần con cái nói riêng đều có những vấn đề về tâm lý như stress nặng, áp lực cuộc sống quá mức, trầm cảm, rối loạn lo âu, nhân cách lệch lạc, méo mó,…
Ngoài ra, sang chấn tâm lý cũng khiến không ít cha/ mẹ xem con như công cụ trả thù bạn đời và xã hội. Nhiều người muốn chứng tỏ bản thân thành công bằng cách nuôi dạy con cái thành người tài và đạt được thành tựu lớn. Rất nhiều bậc cha mẹ độc hại từng là nạn nhân của bạo hành thể chất, tinh thần. Vì không được can thiệp tâm lý nên họ cho rằng những lời nói, hành vi của bố mẹ mình là đúng đắn và tiếp tục áp dụng khi giáo dục con cái.
Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng có thể gia tăng nguy cơ cha mẹ bạo hành tinh thần con cái như nghiện rượu bia, chất kích thích, bạn đời ngoại tình và có con ngoài ý muốn. Những yếu tố này khiến họ khó kiểm soát được cảm xúc, lời nói và hành vi, thậm chí có những suy nghĩ méo mó cho rằng con cái là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bản thân.
Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái gây ra hậu quả gì?
Bạo hành tinh thần không gây ra nỗi đau thể xác nhưng để lại trong tâm hồn sự tổn thương sâu sắc. Hơn nữa, trẻ còn rất nhỏ nên chưa hiểu được lời nói và hành vi của bố mẹ là sai lệch, từ đó giữ những suy nghĩ cực đoan về bản thân.
Hiện nay, bạo hành tinh thần trong gia đình đã được xã hội quan tâm hơn vì những ảnh hưởng nặng nề mà trẻ phải đối mặt. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 51 277 vụ bạo lực về tinh thần trong gia đình diễn ra từ năm 2012 – 2017. Vì phương thức bạo hành là lời nói nên rất khó phát hiện. Do đó, con số này đôi khi không thể hiện khách quan thực trạng mà con trẻ đang phải đối mặt.
Ban đầu, những lời nói của bố mẹ chỉ dừng lại ở mức kiểm soát con cái và muốn con làm theo những gì mình muốn. Tuy nhiên nếu con cái phạm lỗi và không đạt được thành tích cao, bố mẹ sẽ dùng những lời nói nặng nề, thô thiển để hạ nhục danh dự và hạ lòng tự trọng của trẻ.
Kiểu bố mẹ bạo hành tinh thần không bao giờ nghĩ cho cảm nhận của con cái, họ sẽ liên tục lặp lại những hành vi cực đoan khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý, rơi vào trạng thái bị dồn nén và phẫn uất. Ngoài ra, một số gia đình lựa chọn hình thức “im lặng” tuyệt đối để trừng phạt trẻ. Sự im lặng là bản án nặng nề dành cho tâm hồn non nớt của trẻ, từ đó khiến trẻ hình thành những quan niệm sai lệch về bản thân và cho rằng bản thân là kẻ xấu xa, yếu kém.
Bạo hành tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Ảnh hưởng đầu tiên là trẻ không được sống và phát triển theo ý muốn của bản thân do gia đình kiểm soát quá mức.
Về lâu dài, trẻ sẽ hình thành tính cách nhút nhát, tự ti, sống tách biệt và khó hòa nhập với mọi người. Trẻ có cha mẹ bạo hành tinh thần nhiều khả năng sẽ phát triển những dạng nhân cách bất thường và dễ mắc phải các bệnh tâm lý. Một số trẻ vì không chịu được cảm giác ngột ngạt trong gia đình và cảm thấy đáng chết do liên tục khiến bố mẹ thất vọng. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là con trẻ tự sát để giải thoát bản thân.
Cách vượt qua tình trạng cha mẹ bạo hành tinh thần con cái
Bạo hành tinh thần gây ra những tổn thương nặng nề về tâm lý. Nếu đang phải đối mặt với tình trạng này, bạn có thể vượt qua bằng một số biện pháp sau đây:
1. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh
Về cơ bản, con cái phải sống phụ thuộc vào bố mẹ trong một thời gian rất dài vì chưa có đủ kiến thức và năng lực để tìm kiếm công việc. Nếu còn nhỏ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Khi bố mẹ liên tục có những lời nói và hành động gây tổn thương tâm lý, nên chia sẻ với bạn bè hoặc người thân (anh chị họ, ông bà, chú bác,…). Thực tế, nhiều người không có hiểu biết sâu sắc về bạo hành tinh thần và cho rằng trẻ đang nhạy cảm quá mức do một số nguyên nhân như bị ba mẹ trách phạt thường xuyên, ảnh hưởng của quá trình dậy thì, trẻ hư hỏng,…
Nhiều người bị cha mẹ bạo hành tinh thần nhưng khi chia sẻ không nhận được sự đồng cảm và chia sẻ. Kết quả, là nạn nhân lại tiếp tục với suy nghĩ bản thân là người đáng bị trách phạt, vô dụng và kém cỏi. Nếu không nhận được sự thấu hiểu của người thân, bạn có thể chia sẻ với thầy cô hoặc liên hệ với đường dây phòng chống bạo lực gia đình. Các chuyên viên sẽ lắng nghe và đưa ra những lời khuyên giúp xoa dịu phần nào sự tổn thương từ hành vi, lời nói của bố mẹ.
2. Tránh mặt bố mẹ khi cần thiết
Dù ý thức được những lời nói của bố mẹ về bản thân là không đúng nhưng việc phải đối mặt với những lời chì chiết, miệt thị và trách móc đều gây ra tâm lý nặng nề và cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, bạn nên tránh mặt khi bố mẹ đang chửi rủa, đay nghiến bản thân. Có thể lảng tránh bằng cách đến trường học, lớp học thêm, ngồi vào bàn học hoặc làm việc nhà.
Tuy nhiên, cách này chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi nhiều bố mẹ ép buộc con phải lắng nghe những lời chì chiết vì cho rằng bản thân con xứng đáng bị như vậy.
3. Nỗ lực học tập để tự chủ về tài chính
Cha mẹ độc hại nói chung và kiểu cha mẹ bạo hành tinh thần con cái nói riêng sẽ khó lòng thay đổi. Hơn nữa, vì đã quen với việc kiểm soát con cái nên khi bạn bày tỏ mong muốn được sống theo ý muốn của bản thân hoặc có ý kiến trái chiều, bố mẹ sẽ tiếp tục có những lời nói mạt sát, chì chiết nhằm thao túng tinh thần. Vì vậy, cách duy nhất để thoát hỏi bạo hành tinh thần là dọn ra ở riêng. Tuy nhiên, bạn không thể làm việc nếu chưa đủ tuổi và chưa có đủ năng lực.
Để có thể tự chủ về tài chính, bạn nên nỗ lực học tập và bắt đầu làm những công việc phù hợp với năng lực của mình như phụ việc cho các văn phòng, viết bài cho các tòa soạn, chạy bàn,…
Những việc làm này vừa giúp bạn có thêm thu nhập vừa giảm khoảng thời gian ở nhà với bố mẹ. Từ đó xoa dịu tổn thương tinh thần và củng cố ý thức về những trải nghiệm tồi tệ bản thân phải đối mặt khi sống chung với cha mẹ.
4. Biết cách chăm sóc bản thân khi sống chung với bố mẹ
Sống chung với bố mẹ bạo hành tinh thần thực sự là điều không dễ dàng – nhất là khi bạn không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù việc thay đổi bố mẹ là rất khó nhưng bạn có thể giảm thiểu những lời nói, hành vi gây tổn thương tinh thần bằng một số biện pháp sau:
- Để tránh bố mẹ có những lời nói, hành vi chì chiết, trách móc, bạn nên tránh đi khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường như bố mẹ uống rượu, khuôn mặt bực dọc hoặc khi bố mẹ vừa phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
- Ngoài ra, đừng chia sẻ với bố mẹ những vấn đề bạn đang gặp phải. Đây sẽ là cái cớ để bố mẹ lấy làm nguyên nhân chì chiết, quát mắng khi bạn phạm phải sai lầm hoặc chỉ đơn giản là họ muốn tìm lý do để trút giận.
- Tìm nơi trú ẩn an toàn trong nhà mỗi khi bố mẹ có lời nói, hành vi gây tổn thương tinh thần. Ngoài ra, bạn cũng có thể viện cớ đến thư viện, học nhóm để tránh xa cha mẹ khi họ đang có những lời nói cực đoan.
- Việc sống chung với bố mẹ bạo hành tinh thần thực sự không dễ dàng. Vì vậy, bạn khó tránh khỏi tâm lý căng thẳng, lo lắng, buồn bã và bi quan. Để giữ cho bản thân sức khỏe tốt, nên học các kỹ năng kiểm soát căng thẳng như hít thở sâu, tập yoga, bơi lội, dành thời gian nghỉ ngơi và thực hiện các hoạt động mà mình yêu thích.
- Kìm nén cảm xúc là tình trạng chung của những người phải sống chung với bố mẹ bạo hành tinh thần. Để tránh các vấn đề sức khỏe lâu dài, bạn nên tâm sự và dành thời gian cho những người thật sự yêu thương mình như ông bà, anh chị em họ, bạn bè,…
Thông qua các biện pháp này, bạn có thể giảm phần nào tổn thương tâm lý do bạo lực tinh thần. Ngoài ra, việc trang bị cho mình kỹ năng kiểm soát stress cũng giúp ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của bạo lực tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
5. Xem xét việc ra ở riêng
Khi đã tự lập về tài chính, bạn nên xem xét việc ra ở riêng nếu cần thiết. Thực tế, cha mẹ bạo hành tinh thần con cái sẽ không thay đổi – nhất là khi người đề nghị là bạn. Dù bạn không phải là người hoàn hảo, bạn cũng không xứng đáng bị bạo hành tinh thần. Vì vậy, nên dọn ra ở riêng để có được cuộc sống tốt đẹp và thoải mái hơn.
Quyết định này có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của bố mẹ và những người thân trong gia đình. Thậm chí, bố mẹ có thể từ mặt bạn. Tuy nhiên, việc ra ở riêng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng với người đã trưởng thành. Nếu bố mẹ đe dọa từ mặt, điều này chứng tỏ họ đã luôn chèn ép và áp bức tinh thần bạn.
Dọn ra ở riêng sẽ giúp bạn thoát khỏi bạo lực tinh thần và tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi công việc đã ổn định, bạn có thể hỗ trợ cho gia đình để ba mẹ không phải lo lắng về tài chính.
Thỉnh thoảng, bạn nên gọi điện hỏi thăm để bố mẹ hiểu rằng, việc bạn quyết định ở riêng không có nghĩa là bạn muốn cắt đứt mối quan hệ với gia đình. Tuy nhiên, nhiều người đã phải từ mặt gia đình vì bố mẹ phản ứng gay gắt khi dọn ra ở riêng và phản đối tất cả các quyết định trong cuộc sống.
6. Xây dựng cho mình những phẩm chất tốt
Việc sống chung với người bạo hành tinh thần ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính cách và tâm lý của bạn. Do đó, hãy nhìn nhận lại bản thân và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Một số người có thể bị ám ảnh bởi những lời nói đay nghiến, cay độc của bố mẹ và mất một khoảng thời gian dài để có thể thoát khỏi ý nghĩa bản thân là kẻ bất tài, xấu xí và vô dụng.
Bạn có thể xây dựng phẩm chất tốt thông qua lối sống lạc quan và suy nghĩ tích cực. Vào thời gian rảnh rỗi, nên tham gia các hoạt động xã hội để nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Ngoài ra, kết bạn với những người tử tế cũng giúp bạn tự tin hơn và xây dựng được cho bản thân những tính cách tốt.
7. Can thiệp trị liệu tâm lý nếu cần thiết
Bạo hành tinh thần gây ra tổn thương sâu sắc về tâm lý. Đối mặt với tình trạng này trong một thời gian dài có thể khiến bạn hạ thấp lòng tự trọng, bi quan, tự ti và những quan niệm méo mó về bản thân cùng những vấn đề trong cuộc sống. Dù ý thức được những điều này là do ảnh hưởng của bố mẹ nhưng việc thay đổi thực sự không dễ dàng.
Nếu cần thiết, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để can thiệp trị liệu. Chuyên gia sẽ giúp bạn giải tỏa cảm xúc và thay đổi những quan niệm méo mó, không phù hợp. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng giúp bạn xây dựng tính cách và thói quen tốt để có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nếu đang là nạn nhân của tình trạng này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ trong thời gian sớm nhất và trang bị cho bản thân những kỹ năng để giảm thiểu tổn thương về tinh thần. Bên cạnh đó, cần nỗ lực học tập để thoát khỏi cuộc sống phụ thuộc vào gia đình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!