Tác dụng của âm nhạc trong điều trị bệnh trầm cảm
Âm nhạc giúp chúng ta cảm thấy tự do, yêu đời, thư thái và hạnh phúc. Không chỉ là một loại hình nghệ thuật tuyệt vời, trị liệu âm nhạc (Music Therapy) còn có thể điều hòa cảm xúc, ổn định tâm trạng và điều trị nhiều dạng rối loạn tâm thần, trong đó có căn bệnh trầm cảm. Vậy âm nhạc chữa bệnh trầm cảm bằng cách nào? Làm sao để áp dụng liệu pháp này trong quá trình chữa bệnh? Cùng chúng tôi khám phá nhé!
Tìm hiểu đôi nét về âm nhạc trị liệu
Âm nhạc trị liệu là phương pháp sử dụng âm nhạc để phục hồi chức năng cơ thể và cải thiện sức khỏe tinh thần. Với liệu pháp sáng tạo nghệ thuật đặc biệt này, nhà trị liệu sẽ tận dụng âm nhạc (cùng tất cả khía cạnh của nó về mặt cảm xúc, vật lý, xã hội, tinh thần, tâm hồn, thẩm mỹ) để hỗ trợ bệnh nhân nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thông qua nhiều trải nghiệm âm nhạc tích cực mang tính lặp lại, ngẫu hứng và dễ dàng tiếp thu, người bệnh có thể phát triển khả năng cảm nhận, nhận thức, vận động, tri giác và giao tiếp xã hội.
Bằng cách tiến hành dựa trên cơ sở khoa học định lượng và định tính sâu rộng, phương pháp trị liệu này được ứng dụng rộng rãi ở trường học, bệnh viện tâm thần, trung tâm ung thư, cơ sở cải huấn hoặc các chương trình cai nghiện ma túy, rượu bia.
Lịch sử hình thành của liệu pháp trị liệu âm nhạc
Ngay từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại, âm nhạc đã được công nhận là có khả năng chữa lành tổn thương về thể xác và tâm hồn. Âm nhạc không chỉ đơn thuần là những giai điệu cảm xúc chân thành, sâu lắng từ tận đáy lòng của người nghệ sĩ. Nhiều triết gia Hy Lạp cổ đại đã thấu hiểu điều này và sử dụng âm nhạc trong quá trình trị liệu.
Những người bị hưng cảm được yêu cầu lắng nghe tiếng sáo ngân nga, trầm bổng. Trong khi đó, các bệnh nhân trầm cảm được hướng dẫn lắng nghe một số khúc thánh ca. Ngôi đền chữa bệnh thời xưa đầy bác sĩ và nhạc sĩ. Nhiều người cho rằng, âm nhạc của Thales đã chữa lành cho những nạn nhân của trận dịch hạch ở Sparta (diễn ra vào khoảng năm 600 TCN).
Xuôi dòng lịch sử đến thời hiện đại, liệu pháp âm nhạc có thể ra đời từ thập niên 40 sau Chiến tranh Thế giới II. Thời đó, hàng nghìn binh sĩ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý nghiêm trọng đến nỗi không thể tham gia vào cuộc sống xã hội bình thường. Lúc này, những nhạc sĩ cộng đồng đã đến thăm viếng các cựu chiến binh trong bệnh viện, đồng thời chơi nhạc cho những người từng bị chấn thương cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Đội ngũ bác sĩ và y tá đã ghi nhận nhiều phản ứng tích cực về cảm xúc và thể chất ở bệnh nhân. Giai điệu đẹp đẽ của những bài thánh ca đã tạo nên sự kết nối tuyệt vời và chạm đến người bệnh theo cách mà phương pháp điều trị truyền thống không thể làm được. Do đó, họ đã thống nhất thuê các nhạc sĩ chơi nhạc cho bệnh viện.
Năm 1950, Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Quốc gia Hoa Kỳ (National Association for Music Therapy – NAMT) ra đời nhằm lập ra những tiêu chuẩn cần thiết trong công tác đào tạo giáo dục và lâm sàng cho các nhà trị liệu âm nhạc tương lai ở cấp đại học, cũng như nghiên cứu sâu rộng và bài bản hơn về liệu pháp này.
Năm 1998, Hiệp hội Liệu pháp Âm nhạc Hoa Kỳ (American Association for Music Therapy – AMTA) được thành lập sau sự kiện hợp nhất của Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Quốc gia Hoa Kỳ (NAMT) và Hiệp hội Hoa Kỳ cho Trị liệu Âm nhạc (American Music Therapy Association – AAMT).
Ngày nay, đây là hiệp hội trị liệu âm nhạc hàng đầu thế giới, thu hút khoảng 5.000 nhà trị liệu âm nhạc đến từ hơn 30 quốc gia trên toàn cầu. Tổ chức này thúc đẩy liệu pháp âm nhạc phát triển mạnh mẽ thông qua hàng loạt ấn phẩm chuyên ngành, trong đó có hai tạp chí nghiên cứu.
Lợi ích của liệu pháp âm nhạc
Tại bất cứ nơi nào tồn tại nỗi đau khổ và sự lo lắng, con người đều có xu hướng tìm đến âm nhạc để được lan tỏa niềm vui, lòng yêu thương và sự thư thái. Hiện nay, nhiều bệnh viện, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc trẻ em ở Pháp, Hoa Kỳ và Châu Âu đã ứng dụng phương pháp trị liệu âm nhạc vào quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Tại bệnh viện Kremkenhems của nước Đức, đa số phòng chờ mổ, phòng phẫu thuật gây mê đều được trang bị hệ thống phát thanh tiên tiến với nhiều chương trình âm nhạc khác nhau theo sự lựa chọn của người bệnh.
Khoảng 40% bệnh nhân chờ phẫu thuật yêu thích dân ca trong khi nhiều người bị đau nhức xương khớp lại hứng thú với âm nhạc hiện đại. Theo thống kê từ 15.000 câu hỏi trắc nghiệm của đơn vị này, 95% bệnh nhân phẫu thuật trả lời họ cảm thấy âm nhạc dường như đã xoa dịu nỗi đau thể xác của họ.
Bệnh viện Churchill (Anh Quốc) cũng sử dụng liệu pháp âm nhạc như một phương thuốc dài hạn trong công tác điều trị bệnh bại liệt và tâm thần. Đặc biệt, hệ thống âm thanh ở các phòng sản khoa đã giúp nhiều bà mẹ sinh nở dễ dàng, suôn sẻ và ít đau hơn.
6 lợi ích hàng đầu của liệu pháp âm nhạc bao gồm:
- Thư giãn cơ bắp
Hàng loạt áp lực, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, khiến nhiều người mất đi trạng thái cân đối vốn có. Chẳng hạn, khi liên tục làm việc trước máy tính suốt nhiều tiếng đồng hồ, lưng, vai, cổ của bạn sẽ bị trở nên đau mỏi. Liệu pháp âm nhạc có thể giúp thả lỏng cơ bắp và tạo nên cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng.
- Cải thiện triệu chứng trầm cảm
Âm nhạc có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và cân bằng sóng não. Tuy không thể điều trị bệnh lý nhưng hình thức nghệ thuật này hoạt động theo cơ chế hỗ trợ tích cực cho quá trình chữa bệnh.
- Hạn chế tình trạng mất ngủ
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất ngủ là do tâm trí chúng ta không thể tách rời khỏi các ý nghĩ căng thẳng, mệt mỏi. Những giai điệu nhẹ nhàng, êm ái có thể thả lỏng cơ thể, thư giãn tâm trí và giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
- Hỗ trợ tiêu hóa
Âm nhạc có thể gián tiếp tác động đến hệ tiêu hóa của chúng ta. Với khả năng giải tỏa căng thẳng, lo âu, âm nhạc góp phần ức chế quá trình tiết ra loại axit tạo thành adrenalin bên trong cơ thể. Khi bạn được trấn tĩnh, bình an, hoạt động giải phóng axit ở đường tiêu hóa cũng được cân bằng.
- Tốt cho tim mạch
Âm nhạc giúp ổn định nhịp tim. Nếu đang thực hiện những công việc khó khăn với áp lực lớn, cường độ cao, tim mạch của bạn buộc phải đối mặt với hàng loạt căng thẳng. Hãy chủ động xử lý vấn đề này bằng cách lựa chọn những giai điệu dịu êm, thư thái nhé!
- Có lợi cho trẻ em
Thói quen nghe nhạc rất tốt cho những em bé đang bị đang bụng hoặc mọc răng. Bên cạnh đó, những giai điệu du dương, êm ái sẽ giúp trẻ em mắc hội chứng tăng động giảm chú ý trở nên bình tĩnh hơn.
Liệu pháp âm nhạc bệnh chữa trầm cảm có hiệu quả không?
Từ thập niên 40 của thế kỷ XX, các nhà trị liệu âm nhạc Hoa Kỳ đã sử dụng âm nhạc để hạn chế cảm giác đau đớn và cải thiện kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân. Những người từng tham gia vào chương trình hồi phục chức năng bằng liệu pháp âm nhạc đã biểu hiện nhiều cảm xúc tích cực và giao tiếp xã hội tốt hơn so với những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp thông thường.
Dựa trên kết quả khả quan này, các nhà nghiên cứu đã đề xuất trị liệu âm nhạc cho những bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Vào năm 1979, ở thủ đô Vacsava của Ba Lan, người ta thực hiện một thí nghiệm trên 100 người tham gia bằng cách yêu cầu họ lắng nghe các bài hát ru dân gian. Sau khoảng 15 phút, chỉ 1 người còn thức trong khi 14 người kia đã ngủ ngon lành. Thí nghiệm này cho thấy, âm nhạc trị liệu có tác dụng tương đương thuốc an thần.
Sau đó, một nhà tâm lý học thuộc Đại học California (Hoa Kỳ) đã điều trị cho 30 bệnh nhân mắc chứng thiên đầu thống. Họ được chia thành 3 nhóm riêng biệt.
- Nhóm A vừa dùng thuốc vừa nghe loại nhạc yêu thích
- Nhóm B vừa uống thuốc vừa tập vật lý trị liệu
- Nhóm C chỉ sử dụng thuốc Tây
Sau 5 tuần chữa bệnh, những người bệnh ở nhóm A đạt được kết quả tốt nhất.
Trên website Music and Mental Health, Hiệp hội Liệu pháp Âm nhạc Hoa Kỳ đã liệt kê hàng loạt nghiên cứu chứng minh vai trò quan trọng của liệu pháp âm nhạc đối với bệnh nhân lo âu và trầm cảm, bao gồm: giảm thiểu lo lắng, hạn chế hiện tượng căng cơ, tăng cường lòng tự trọng, củng cố các mối quan hệ cá nhân, nuôi dưỡng động lực, bộc lộ cảm xúc thành công…
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal of Psychiatrist vào năm 2011, các nhà nghiên cứu Phần Lan đã đánh giá tình trạng bệnh lý của 79 người bị trầm cảm trong độ tuổi 18 – 50. Trong đó, 46 bệnh nhân được chăm sóc trong điều kiện tiêu chuẩn ở Khu Chăm sóc Sức khỏe Phần Lan (nơi tiến hành nghiên cứu) bao gồm 5 – 6 buổi trị liệu tâm lý, tư vấn tâm thần và sử dụng thuốc chống trầm cảm.
33 người còn lại cũng được điều trị tiêu chuẩn nhưng đồng thời tiếp nhận 20 buổi trị liệu âm nhạc trong vòng 2 tuần với thời lượng 1 tiếng/buổi. Các bài nhạc được lựa chọn dựa theo từng loại nhạc cụ. Bệnh nhân và các nhà trị liệu được cung cấp thiết bị giống hệt nhau. Mọi phản ứng tương tác của họ đều được ghi chép cẩn thận để phân tích và thảo luận sau này.
Điểm số trầm cảm được cập nhật cụ thể vào thời điểm bắt đầu, sau 3 tháng và 6 tháng can thiệp. Trải qua 3 tháng đầu tiên, các triệu chứng của nhóm bệnh nhân trị liệu âm nhạc kết hợp chăm sóc tiêu chuẩn được cải thiện đáng kể so với nhóm bệnh nhân chỉ được chăm sóc tiêu chuẩn đơn lẻ.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, phương pháp điều trị này có thể giảm thiểu những biểu hiện trầm cảm, đồng thời tăng cường lòng tự tin ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đang mắc một số dạng rối loạn về hành vi, cảm xúc. Những đứa trẻ từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc bằng liệu pháp này đã cải thiện kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội so với bạn bè đồng trang lứa được chăm sóc theo kiểu truyền thống.
Lý giải về sức mạnh chữa lành của liệu pháp âm nhạc, các chuyên gia khẳng định, nguyên tắc điều trị sẽ dựa trên sự hướng dẫn của các nhà trị liệu. Ban đầu, để nắm vững khả năng giao tiếp, nhận thức của bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ lập ra một bảng theo dõi tổng thể tình trạng thể chất và tâm lý.
Sau đó, họ sẽ cân nhắc lựa chọn loại nhạc cụ, nhạc lý và thời gian điều trị phù hợp. Việc lựa chọn loại nhạc cũng phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, mục đích chữa bệnh và sở thích cá nhân của từng người bệnh. Quy trình điều trị có thể bao gồm nhiều dạng liệu pháp âm nhạc khác nhau. Trong đó, bệnh nhân có thể nghe nhạc, biểu diễn ca khúc, sáng tác nhạc phẩm, thảo luận ca từ hoặc học cách cảm thụ/thưởng thức âm nhạc.
Viện sĩ y khoa V. Kixelep thuộc Liên Xô cũ nhận định, khi chúng ta bị bệnh, điện trường qua các tế bào sẽ bắt đầu thay đổi.
Do đó, bác sĩ cần tác động lên tế bào bằng các tác nhân điện học, vật lý. Âm nhạc vốn là một loại âm thanh có tần số rung động tùy thuộc tiết tấu, nhịp điệu, cường độ của bản nhạc kết hợp với ca từ, khiến não bộ nhận được nhiều xung năng lượng thông tin hướng tâm khác nhau, từ đó điều chỉnh và cân bằng nguồn năng lượng của toàn bộ cơ thể.
Như vậy, với hàng loạt nghiên cứu quy mô trên, khoa học hiện đại đã chứng minh rằng âm nhạc có thể tác động tích cực đến cơ thể con người trong 2 lĩnh vực, thứ nhất là lĩnh vực vật lý (tức khả năng chữa lành bệnh tật), thứ hai là lĩnh vực tâm lý (tức tác dụng trấn tĩnh, giảm đau, xoa dịu căng thẳng, phòng ngừa lão hóa, hỗ trợ điều trị ung thư, ổn định nhịp tim, điều hòa huyết áp, cân bằng nhịp thở của những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật).
Ứng dụng liệu pháp âm nhạc trong quá trình điều trị trầm cảm
Trong âm nhạc trị liệu, nhà trị liệu sẽ ứng dụng âm nhạc để giải quyết những nhu cầu về mặt tình cảm, thể chất và xã hội của bệnh nhân. Việc sáng tạo và lắng nghe tạo nên một bối cảnh trị liệu cho phép mọi cá nhân được thể hiện bản thân theo hình thức phi ngôn ngữ.
Sự tương tác hài hòa qua lại của nhịp điệu và giai điệu kích thích mọi giác quan của người bệnh, giúp họ cảm thấy thư thái, bĩnh tĩnh, đồng thời ổn định hơi thở, nhịp tim cùng các chức năng của cơ thể. Sự tham gia của loại âm nhạc phù hợp, nhất là khi kết hợp với liệu pháp trò chuyện, đã góp phần tăng cường nồng độ dopamine (loại hormon đóng vai trò quan trọng trong những dạng hành vi tưởng thưởng và động lực).
Những loại âm nhạc được sử dụng thường phụ thuộc vào sở thích cá nhân và nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Trong đó, một số kiểu kết hợp âm nhạc được ứng dụng phổ biến.
Bác sĩ tâm thần Michael Crawford đã viết một bài xã luận thú vị trên tạp chí British Journal of Psychiatrist về cùng đề tài với nghiên cứu ở Phần Lan phía trên. Trong bài viết này, ông nêu bật 3 nguyên nhân đầy tính thuyết phục lý giải vì sao liệu pháp âm nhạc có thể điều trị trầm cảm, cụ thể:
- Thứ nhất, âm nhạc mang đến niềm vui và những điều ý nghĩa. Đây thực sự là một trải nghiệm thẩm mỹ thụ động đầy cuốn hút đối với bệnh nhân.
- Thứ hai, phương pháp này thu hút toàn bộ cơ thể, khiến người bệnh mong muốn di chuyển, lắc lư và chuyển động theo điệu nhạc. Sự tham gia về mặt vật lý này góp phần ngăn chặn cũng như phòng chống căn bệnh trầm cảm.
- Thứ ba, chúng ta có thể giao tiếp, kết nối và tương tác với nhau thông qua âm nhạc. Con người luôn khao khát gắn kết và trở thành một phần của tập thể, xã hội. Âm nhạc có thể giúp chúng ta hiện thực hóa điều này.
Hiện nay, có hai kiểu trị liệu âm nhạc chữa bệnh trầm cảm, bao gồm:
- Liệu pháp chủ động: Nhà trị liệu và bệnh nhân cùng nhau soạn nhạc bằng giọng nói hoặc nhạc cụ. Người bệnh được khuyến khích chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ trong sáng tác của mình. Ở điều kiện lý tưởng, họ có thể phát triển góc nhìn khách quan, sâu sắc về các vấn đề của bản thân trong suốt quá trình điều trị.
- Liệu pháp thụ động: Các bệnh nhân thiền định, vẽ tranh hoặc thực hiện một hoạt động phản chiếu nào đó trong khi đang nghe nhạc. Sau đó, nhà trị liệu và người bệnh sẽ trò chuyện với nhau về những kỷ niệm, ký ức hoặc cảm xúc được âm nhạc gợi lên.
Theo các nhà khoa học Anh Quốc, dưới đây là danh sách 10 ca khúc/bản nhạc có tác dụng thư giãn tinh thần và xoa dịu căng thẳng tốt nhất thế giới. Những tiết tấu, giai điệu tuyệt vời này giúp điều hòa nhịp tim, ổn định huyết áp và hạn chế giải phóng hormon căng thẳng cortisol. Tuy nhiên, bạn tránh nghe nhạc khi đang lái xe bởi chúng có thể gây buồn ngủ.
- Weightless (Marconi Union)
- Electra (Airstream)
- Mellomaniac (Chill Out Mix) (DJ Shah)
- Watermark (Enya)
- Strawberry Swing (Coldplay)
- Please Don’t Go (Barcelona)
- Pure Shores (All Saints)
- Someone Like You (Adele)
- Canzonetta Sull’aria (Mozart)
- We Can Fly (Rue du Soleil (Café Del Mar))
Tóm lại, tuy không trực tiếp chữa khỏi bệnh trầm cảm nhưng liệu pháp âm nhạc có thể hỗ trợ điều trị một cách an toàn, hiệu quả. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu bạn mong muốn cải thiện triệu chứng trầm cảm bằng phương pháp này nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!