Dấu hiệu bạo hành tinh thần nơi công sở và cách vượt qua
Bạo hành tinh thần nơi công sở không chỉ diễn ra trong mối quan hệ sếp và nhân viên mà còn giữa nhân viên với nhân viên. Người bị bạo hành về tinh thần thường cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, áp lực thậm chí là tăng huyết áp mỗi khi đến công ty hoặc chỉ cần nghĩ về công ty cũng đã thấy khó thở. Về lâu về dài, sức khỏe tinh thần của họ bị giảm sút nghiêm trọng nên cần sớm có biện pháp cải thiện và vượt qua.
Bạo hành tinh thần nơi công sở là gì?
Bạo hành nơi công sở có thể hiểu đơn giản nhất là bạo hành về mặt tinh thần, quấy rối, kỳ thị, bịa đặt, gây áp lực khiến tinh thần một người nào đó sa sút, căng thẳng, cảm thấy sợ hãi hay lo lắng mỗi khi phải đến công ty. Người chịu bạo hành thường là nhân viên, người thực hiện bạo hành thường là sếp hoặc cũng có thể là quản lý hay một nhân viên khác. Bản thân người chịu bạo hành hoàn toàn hiểu được việc tinh thần mình đang bị bạo hành nhưng vẫn đi làm vì rất nhiều lý do.
Theo tiến sĩ Gary Namie, Giám đốc Viện bạo hành công sở (Mỹ) cho biết sự bạo hành không chỉ đơn giản là “phân biệt về cấp bậc công việc, những cái nhướng mày liếc xéo mà là sự hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ giữa các cá nhân””. Bạo hành về mặt tinh thần khác với thể chất ở chỗ, không cần phải dùng sức lực, dùng cánh tay mà chỉ cần dùng lời nói sắc như dao đâm của mình để gây ra nỗi đau về tinh thần, thậm chí còn nghiêm trọng như nỗi đau về thể xác.
Một số ví dụ điển hình về bạo hành nơi công sở như
- Sếp gọi nhân viên vào phòng và chì chiết hàng tiếng đồng hồ, sử dụng những lời nói khó nghe, thô thiển, tục tĩu, mang tính chất nhục mạ hay hạ thấp người khác. Nội dung nói chuyện có thể liên quan đến lỗi lầm của người đó, tuy nhiên không đến mức phải bị hạ thấp bản thân đến như thế
- Sếp hoặc nhân viên nói xấu hay tìm cách cô lập một người nào đó, cố gắng giao cho họ nhiều công việc quá sức, bao gồm cả những việc của người khác
- Luôn dò xét, thăm dò, chỉ trích các hành động của một người nào đó, kể cả khi họ chưa chắc đã làm sai
- Sỉ nhục một người trước mặt những nhân viên khác
- Đánh giá thấp năng lực hoặc khả năng của bạn cho dù thực tế không quá tệ như họ nói
- Thường xuyên dùng ngôn ngữ để làm bạn cảm thấy tổn thương, thậm chí nghi ngờ chính bản thân mình
- Sàm sỡ hoặc có các hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội
- Đặt điều nói xấu những điều không đúng về bạn, chẳng hạn nói rằng bạn vào công ty là do “đi cửa sau”; hay nói rằng bạn không làm gì mà cũng được nhận lương
- Sự khác biệt về màu da, tôn giáo hay ngoại hình cũng là yếu tố khiến một người nào đó bị bắt nạt, kỳ thị, sỉ nhục và bạo hành tinh thần ở công ty
Một vài kết quả điều tra từ năm 2014 cho thấy, trong 10.000 nhân viên công sở tại Nhật thì có đến 25,3% người nói rằng rằng đã từng bị bạo hành nơi làm việc, đến năm 2016 thì tỷ lệ này đã tăng lên là 32,5%. Ngoài ra số người nói rằng cảm thấy có những lời nói hay thậm chí hành động mang tính chất bạo hành mình là 7,3% lên đến 11,7%. Một khảo sát khác cũng rất nhiều người nói rằng, họ đã ít nhất 1 lần bị bạo hành nơi công sở hoặc nhìn thấy người khác bị bạo hành tinh thần.
Cần chú ý rằng, kẻ bạo hành có thể là bất cứ ai, bao gồm cả sếp tổng, sếp nhỏ hơn, quản lý hay có thể chính là các nhân viên với nhau. Đối tượng dễ bị bạo hành tinh thần khi đã làm thường là những người trẻ mới đi làm, người mới vào công ty hay kể cả những người có năng lực nhưng do tính cách của họ thuộc kiểu ít nói, lầm lì nên dễ bị bắt nạt hơn. Thống kê của WBI, (Viện nghiên cứu về vấn đề Bắt nạt ở Công sở) có đến 61% kẻ đi bắt nạt công sở là quản lý chứ không phải sếp, tuy nhiên cũng nằm trong mắt xích điều hành của công ty.
Chẳng hạn khi có hai nhân viên cùng vào công ty, người đầu có năng lực làm việc hơn nhưng khá ít nói, chỉ chú tâm vào công việc của mình và người thứ hai có thể có năng lực ngang hàng hoặc thấp hơn nhưng lại nói chuyện nhanh nhảu, biết cách nịnh nọt sếp hay đồng nghiệp. Người thứ 2 có thể tìm cách loại người thứ nhất bằng cách bịa đặt những câu chuyện và kể cho những người xung quanh về người thứ nhất khiến sếp hay những người xung quanh nghi ngờ, không muốn trò chuyện hay làm việc và loại bỏ người thứ nhất.
Thực tế thực trạng bạo hành tinh thần nơi làm việc không phải là hiếm. Tuy nhiên hiện cũng không có bất cứ hình phạt hay điều gì có thể khẳng định rằng người đó đang bạo hành mình vì hầu hết chỉ diễn ra thông qua lời nói, thái độ nên rất khó để xác định. Người bị bắt nạt sẽ chỉ có thể cảm thấy tổn thương, ấm ức và tự đau lòng một mình.
Dấu hiệu của bạo hành tinh thần công sở
Năng lực của những kẻ chuyên bạo hành tinh thần nơi công sở chính là có thể dùng lời nói để làm cho bạn nghi ngờ chính mình. Chẳng hạn một người sếp luôn phủ nhận năng lực của nhân viên, luôn cho rằng họ làm việc không có hiệu quả, bắt phải sửa việc nhiều đi nhiều lại rất nhiều lần dù cuối cùng vẫn sử dụng thành phẩm của người nhân viên đó. Tuy nhiên điều này dần dần khiến bản thân người nhân viên đó luôn tự hỏi rằng mình thực sự có năng lực hay mình là người kém cỏi.
Một số dấu hiệu khác cho thấy bạn có thể đạn đang bị bạo hành tinh thần công sở như
- Luôn cảm thấy lo lắng, áp lực, mệt mỏi khi phải đi làm, không muốn đến đầu tuần
- Tăng huyết áp, thậm chí là khó thở khi đến công ty
- Gặp ác mộng thường xuyên về công ty
- Mất ngủ, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ sau mỗi ngày đi làm về
- Ám ảnh khi nghĩ đến hoặc nhìn thấy những thứ liên quan đến công ty, chẳng hạn tiếng chuông báo tin nhắn ở ứng dụng mà công xài
- Rụt rè, lo lắng, không dám trò chuyện hay làm việc riêng khi lên công ty nhưng vẫn không được công nhận
- Có thể bị cô lập trong công ty
Vậy vì sao một người biết mình bị bạo hành tinh thần nơi công sở, cảm thấy lo lắng sợ hãi khi đi làm nhưng họ lại không bỏ việc? Có rất nhiều nguyên do chẳng hạn họ đang cần tiền, công việc này có thể cho họ một mức lương ổn định hoặc họ sợ thất nghiệp. Mặt khác một vài người có thể cho rằng mình thực sự không có năng lực, sẽ không ai nhận mình hoặc cho dù đến công ty khác cũng vẫn có thể bị bạo lực, bắt nạt như thế nên vẫn quyết định ở lại.
Một người khác sợ sếp, bị sếp trấn áp hay đe dọa ( nếu kẻ bạo hành tinh thần là sếp) nên thường cố gắng chịu đựng, không dám phản kháng hoặc sợ rằng nếu rời đi sếp sẽ làm cho không ai tuyển dụng mình. Về cơ bản hầu hết những người bị bạo hành tinh thần thường là những người ít nói, những người hiền lành cam chịu nên mới dẫn đến việc bị bắt nạt.
Sức khỏe tinh thần của những người bị bạo lực tinh thần nơi công sở bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Căng thẳng mất ngủ kéo dài khiến nhiều người bị stress hoặc thậm chí là rối loạn lo âu hay trầm cảm. Đặc biệt ở những người bị bạo hành tinh thần tập thể, bị cô lập trên cả công ty, không có ai để chia sẻ thì càng dễ gặp tình trạng này.
Làm thế nào để vượt qua bạo hành tinh thần nơi công sở?
Bản thân người bị bạo hành tinh thần phải nhận thức được rằng mình đang bị bắt nạt, và phải tự đứng lên bảo vệ và giúp đỡ chính mình chứ không thể ai có thể giúp đỡ bạn được. Như đã nói, hiện nay vẫn chưa có những quy định về xử phạt những người bắt nạt công sở, vì vậy chỉ có bản thân bạn mới có thể tìm cách bảo vệ chính mình mà thôi.
Lên tiếng ngay từ đầu
Một trong những nguyên do khiến nhiều người bắt nạt bạn chính là do bạn không chịu lên tiếng, bạn cứ im lặng nên người khác mới được đà lấn tới, cứ tiếp tục bắt nạt và chèn ép bạn. Càng trốn tránh, càng im lặng vì bạn cho rằng “dĩ hòa vi quý” thì tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn. Vì vậy bắt buộc bạn cần phải lên tiếng, khẳng định về giá trị bản thân mình để cho những kẻ bắt nạt biết. Chí ít điều này có thể khiến mọi người có cái nhìn khác về bạn hoặc khiến họ hiểu rằng bạn không phải là người dễ bắt nạt.
Chẳng hạn khi có một nhân viên nào đó đặt điều, cho rằng bạn vào đây do một mối quan hệ nào đó, bạn có thể nói chuyện riêng với người đó trước. Nếu tình hình không khả quan hay ba mặt một lời nói chuyện trực tiếp với kẻ đó, hỏi rằng lấy nguồn thông tin từ đâu hoặc ai là “cửa sau” của bạn, chắc chắn kẻ đó sẽ bị bí và không thể trả lời được. Kể cho dù hành vi này đôi khi có thể làm người khác không thích bạn hơn nhưng cũng có thể chứng tỏ rằng bạn không phải là người sai.
Riêng với trường hợp người bạo hành tinh thần là sếp, bạn nên nói chuyện riêng tư nhiều hơn là chỉ ra cái sai của sếp trước mặt mọi người. Nếu bạn “bóc trần” bộ mặt của sếp trước mặt các nhân viện khác sẽ chỉ khiến sếp cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng và càng tìm cách “đì” bạn hơn mà thôi. Hãy nói chuyện một cách nghiêm túc, đảm bảo công việc của bạn đạt hiệu suất tốt nhất, rành mạch trả lời hay giải đáp mọi người chì chiết của sếp, như vậy sếp sẽ không thể nào hạ thấp bản thân bạn được.
Dù vậy cũng không hề dễ dàng để nạn nhân có thể lên tiếng trước những kẻ bạo hành. Tuy nhiên ít nhất một lần hãy đứng lên nói lý lẽ, bảo vệ bản thân mình. Nếu tình trạng này không thay đổi, hãy tính đến phương án khác.
Tin vào chính mình và khẳng định năng lực thông qua kết quả
Thay vì quá để tâm đến những lời nói, miệt thị, đặt điều của những người xung quanh thì bạn hãy biến nó thành động lực để tiến về phía trước. Khi thành quả của bạn tốt nhất công ty, bạn lấy được nhiều hợp đồng nhất tự khắc mọi người sẽ công nhận và thay đổi cái nhìn về bạn. Trong môi trường công sở, không điều gì có thể chứng minh giá trị của bản thân bạn bằng bảng lương vượt trội hơn hẳn người khác.
Riêng với sếp nếu tìm mọi cách bắt nạt, bạo hành về mặt tinh thần thì bạn càng cần chứng tỏ năng lực để sếp thấy rằng thiếu mình thực sự sẽ là một tổn thất to lớn trong công ty. Chắc chắn sếp sẽ luôn tìm cách làm khó, tìm ra những lỗi sai trong các sản phẩm, kế hoạch của bạn nên hãy cố gắng đảm bảo nó hoàn hảo tuyệt đối. Trước bất cứ thắc mắc nào của sếp thì cũng cần sẵn sàng tinh thần giải đáp cho đến khi sếp không thể nói được điều gì khác.
Và quan trọng hơn bạn cần thực sự tin tưởng vào năng lực của chính mình, không thể để những lời nói xung quanh làm suy sụp. Bản thân bạn còn không tin tưởng vào mình thì lấy đâu cơ sở để người khác tin vào bạn, vì vậy hãy luôn nói rằng bản thân rằng “chắc chắn mình sẽ làm được”.
Cách vượt qua bạo hành tinh thần nơi công sở – ghi lại tình hình sự việc
Mặc dù không có cách quy định về xử phạt bạo hành tinh thần nơi công sở nhưng hoàn toàn có các quy định xử phạt về các tội xúc phạm danh dự hay bịa đặt về người khác không đúng sự thật. Vì vậy hãy bảo vệ mình bằng cách thu thập đầy đủ bằng chứng, chẳng hạn ghi âm hay quay hình lại khi bị người khác sỉ nhục, bắt nạt để áp đảo tình huống hoàn toàn.
Trong trường hợp bạn muốn trình báo hoặc cho mọi người thấy rõ sự việc sẽ có bằng chứng rõ ra thay vì chỉ nói suông như những người khác. Nếu việc bắt nạt chỉ diễn ra trong nội bộ nhân viên bạn cũng hoàn toàn có thể đưa ra những bằng chứng này với quản lý hay bộ phận cấp cao hơn để tiến hành xử lý.
Yêu thương bản thân mình nhiều hơn
Việc trên công ty vốn dĩ đã khiến bản thân bạn quá mệt mỏi, căng thẳng rồi vì vậy hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi không ở công ty để chăm sóc và yêu thương chính mình. Hãy dành thời gian để làm đẹp, tập yoga, mua sắm hay làm bất cứ điều gì đó giúp bạn thư giãn, giảm stress nơi công sở. Những kẻ ghen ghét khi thấy bạn ngày càng xinh đẹp chắc chắn cũng sẽ cảm thấy tức giận hơn mà thôi.
Tuy nhiên việc này vẫn cần song song với việc đảm bảo chất lượng công việc tốt nhất. Ngoài ra cũng đừng quên chăm sóc các mối quan hệ cá nhân bởi việc quá áp lực nơi công sở có thể làm rạn nứt một số mối quan hệ chẳng hạn như bạn bè hay người yêu.
Vượt qua bạo hành tinh thần nơi công sở – tìm một công việc mới
Hãy tìm hiểu về tình hình công ty một chút, nếu cảm thấy rằng việc bạo hành tinh thần công sở là “văn hóa” từ xưa của công ty này, chẳng hạn việc sếp chèn ép, sát mạt nhân viên đã diễn ra từ xưa đến nay thì tốt nhất bạn nên nghỉ việc. Tất nhiên nghỉ việc không có nghĩa là những lời đồn thổi hay việc bạn không có năng lực là thật, mà chỉ chứng tỏ rằng bạn đang tự yêu thương bản thân mình.
Thực tế việc bị bắt nạt nơi công sở nếu diễn ra trong thời gian dài thì thường sẽ mang tính chất tất cả các nhân viên khác hùa theo hoặc im lặng không lên tiếng, làm việc trong một môi trường độc hại như thế sẽ khiến tinh thần bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì vậy hãy tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội mới tuyệt vời hơn.
Rất nhiều người cho biết, sau khi thoát khỏi môi trường làm việc quá độc hại, mọi người ghen ghét nhau, sếp chèn ép nhân viên thì họ cảm thấy tinh thần thoải mái, ăn ngon ngủ ngon, vui vẻ trở lại như trước. Họ cũng cảm thấy hối hận vì không xin nghỉ làm sớm hơn. Và đặc biệt sau khi nghỉ việc đã đem đến cho họ sự trưởng thành hơn, khả năng xử lý công việc tốt hơn và đem đến rất nhiều cơ hội làm việc, phát triển bản thân tuyệt vời.
Cuộc sống này thực sự không công bằng nên việc bạn bị bạo hành tinh thần nơi công sở không phải cứ phản kháng là sẽ thay đổi được kết quả ngay lập tức. Càng ở lại lâu người bị thiệt thòi, tổn thương cũng chỉ là bạn. Không ít người đã phải gặp các bác sĩ tâm lý vì stress, trầm cảm do nơi làm việc gây ra.
Bạo hành tinh thần nơi công sở không phải là hiếm nhưng thường không có nhiều người lên tiếng vì e ngại, sợ hãi hoặc mang những tổn thương tinh thần vô hình. Hãy tìm hiểu thật kỹ về văn hóa công ty, môi trường làm việc trước khi đi làm và học cách tự bảo vệ bản thân trước sự bắt nạt vô cớ. Một môi trường để bạn phát triển bản thân không thể chỉ đầy rẫy những điều tiêu cực, vì vậy hãy đưa ra cho bản thân một quyết định đúng đắn nếu đang bị bạo hành tinh thần nhé!
Có thể bạn quan tâm
- Cha mẹ độc hại là gì? Đặc điểm nhận biết và sự ảnh hưởng đến con cái
- Ảnh hưởng tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc và cách giúp trẻ vượt qua
- Sự tự tin là gì? Ý nghĩa và những lợi ích trong cuộc sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!