Hội chứng Paranoid là gì? (Tâm thần phân liệt thể Paranoid)
Theo thống kê, Hội chứng Paranoid (bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid) chiếm đến hơn 65% số ca bệnh trong tâm thần phân liệt. Người bệnh thường có những ảo giác tưởng xa rời với thực tế đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, hành vi cùng rất nhiều hệ lụy nguy hại khác cho con người và xã hội.
Hội chứng Paranoid là gì?
Hội chứng Paranoid (bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid hay rối loạn tâm thần thể hoang tưởng – RLTTTHT) là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến, trong đó người bệnh có những suy nghĩ ám ảnh, ảo giác hoặc niềm tin sai lệch rằng người khác đang theo dõi, kiểm soát, hoặc có ý định gây hại cho họ, dù không có bằng chứng rõ ràng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và suy nghĩ của người bệnh.
Bệnh có thể xuất hiện vào nhiều thời điểm với cách thức khác nhau nhưng thường xảy ra trên nhóm trẻ cuối vị thành niên hay ở thanh thiếu niên.
Các dạng tâm thần phân liệt thể Paranoid thường gặp như:
- Hoang tưởng bị truy hại (dạng phổ biến nhất, chiếm 68,63%)
- Hoang tưởng bị chi phối (khoảng hơn 50% số ca bệnh),
- Hoang tưởng bị kiểm soát (chiếm 30,395%)
- Ảo giác chủ yếu là ảo thanh (chiếm đến 86,6%).
- Một số dạng phổ biến khác như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng lo lắng, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng buộc tội…
Hội chứng này gây ra rất nhiều hệ lụy trong cuộc sống người bệnh, ảnh hưởng đến tinh thần, làm xa rời các mối quan hệ khiến người bệnh có xu hướng ngày càng cô đơn, bị xa lánh kỳ thị. Hội chứng Paranoid có thể kéo dài suốt cả đời những cũng có thể kiểm soát được nếu người bệnh phát hiện sớm và quyết tâm trong điều trị.
Triệu chứng của hội chứng Paranoid
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Paranoid (bệnh tâm thần phân liệt thể Paranoid) là có những hoang tưởng, ảo tưởng về những điều không có thật. Bệnh nhân có niềm tin mãnh liệt vào một vấn đề gì đó, chẳng hạn như đang có người theo dõi, muốn sát hại mình hay nghe thấy tiếng nói trong đầu xúi giục mình phải làm một điều gì đó..
Mỗi dạng hội chứng Paranoid sẽ có các triệu chứng khác nhau, tuy nhiên các triệu chứng chứng chung
- Cảm thấy ám ảnh, niềm tin tuyệt đối vào một vấn đề gì đó không có thật, bao gồm cả con người hay các hiện tượng siêu nhiên
- Rối loạn về hành vi, cảm xúc trái với lẽ thông thường. Chẳng hạn khi đi đám cưới thì khóc như đi đám ma lại cười, các phản ứng cũng thường diễn ra một cách thái quá hơn bình thường
- Đi lang thang, nói chuyện, cười một mình
- Thường có cảm giấc bị theo dõi, sợ hãi, lo lắng quá mức, ghi ngờ xung quanh
- Tâm trí luôn trong trạng thái căng thẳng, không được giải tỏa khiến cơ thể mệt mỏi, mất ngủ thường xuyên và ngày càng suy nhược nặng hơn
- Có thể gặp rắc rối trong những mối quan hệ với bạn bè, người thân, người yêu do những hành động bất thường, sự nghi ngờ quá mức, những cảm xúc thái quá
- Cảm thấy cô độc do luôn cảm nhận rằng những người xung quanh đang làm hại mình
- Coi trọng mình quá mức hay tự hạ thấp bản thân
- Ở một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong ngôn từ, khó thể hiện cảm xúc, thường xuyên trốn tránh việc giao tiếp hay trò chuyện
- Có thể có suy nghĩ hay hành vi tự tử nhưng tùy trường hợp
- Có thể có những hành vi bạo lực, tấn công, giận dữ nếu cảm thấy đang bị đe dọa
- Người người bị tâm thần phân liệt thể paranoid nặng, đặc biệt ở dạng hoang tưởng bị truy hại hay bị kiểm soát có thể có xu hướng dùng bạo lực, vũ khí để tìm ra kẻ thù
Thực tế không phải người bị hội chứng Paranoid nào cũng gây ra những chuyện xấu. Vẫn có những bệnh nhân mắc bệnh nhưng có trí nhớ cực kỳ tốt, thông minh, nói năng lưu loát và tốt hơn người bình thường. Tuy nhiên ở bệnh nhân này thường có những xu hướng tính cách hành vi khá lập dị nên chủ yếu vẫn bị mọi người xa lánh, kỳ thị.
Nguyên nhân của hội chứng Paranoid
Thực tế các nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra đâu là nguyên nhân chính gây bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid. Tạm thời có thể xác định đây là hình thức khác của rối loạn tâm thần phân liệt não, do đó có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng được bác sĩ tìm ra nhằm hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Cụ thể các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng Paranoid chính bao gồm:
- Những vấn đề bất thường khi mang thai như nhiễm virus, thiếu dinh dưỡng, mẹ sinh nở khi tuổi cao hay mẹ dùng một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh ở thai nhi
- Trong gia đình có tiền sử người thân bị tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần khác
- Thai nhi bị thiếu oxy trong giai đoạn mang thai và sinh nở
- Người từng sử dụng các loại thuốc tâm thần từ thời niên thiếu
- Những tác động từ môi trường và xã hội như bị lạm dụng lúc nhỏ, bị bạo lực, cha mẹ chia ly..
- Có những bất thường ở bộ não
- Sự thay đổi bất thường của chất dẫn truyền thần kinh dopamine và glutamate cũng góp phần gây TTPL nói chung và RLTTPL hoang tưởng nói riêng
Tuy nhiên ở những bệnh nhân bị hội chứng Paranoid thường có xu hướng không chấp nhận bản thân bị bệnh, không tin tưởng vào bác sĩ nên đôi khi việc khai thác tiền sử gia đình, các vấn đề thơ ấu cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Chẩn đoán hội chứng Paranoid
Nhìn chung hội chứng paranoid cùng một số dạng bệnh tâm thần paranoid khác có các triệu chứng khá giống nhau. Bao gồm rối loạn nhân cách paranoid, phản ứng paranoid nhất thời hay loạn thần thực tổn nên cần tiến hành các chẩn đoán chính xác nhằm hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Một số dấu hiệu để giúp xác định bệnh bao gồm:
- Các dấu hiệu điển hình đã xuất hiện trên 3 tháng
- Không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của TTPL
- Không xuất hiện các ảo giác dai dẳng nào, tuy nhiên ở một số bệnh nhân có thể gặp những ảo thanh nhất thời
- Xuất hiện các triệu chứng trầm cảm ngắt quãng, tuy nhiên các triệu chứng hoang tưởng không diễn ra vào thời điểm này mà chỉ xuất hiện khi không có rối loạn cảm xúc.
- Không liên quan đến rối loạn tâm thần thực tổn hay các dạng loạn thần có sử dụng các chất tác động tâm thần khác
Bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng các cơ quan trong cơ thể, điện não đồ hay làm một số bài test để kiểm tra. Người bệnh hoặc những người thân đưa người bệnh nhân đi khám cần tìm đến những bệnh viện uy tín, có đầy đủ các thiết bị công nghệ hiện đại để đảm bảo việc kiểm chẩn đoán đạt kết quả chính xác tuyệt đối.
Hướng điều trị hội chứng Paranoid
Sau khi đã xác định bệnh bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Tùy từng tình trạng bác sĩ có thể cho phép điều trị ngoại khoa tại nhà. Nhưng nếu người bệnh có dấu hiệu hoang tưởng nặng, có những hành vi suy nghĩ bạo lực bất thường, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội trú để tiện theo dõi và kiểm soát.
Hướng điều trị chính vẫn là sử dụng liệu pháp hóa dược kết hợp liệu pháp tâm lý. Bên cạnh đó gia đình và địa phương nơi người bệnh ở cũng đóng vai trò rất cao trong hỗ trợ điều trị bệnh nhanh khỏi cũng như kiểm soát được những hành vi kỳ lạ trong quá trình chăm sóc tại nhà.
Các loại thuốc dùng trong điều trị
Tùy từng tình trạng và mức độ của hội chứng Paranoid mà bác sĩ sẽ chỉ định những nhóm thuốc phù hợp, chủ yếu là các thuốc hướng thần, thuốc chống loạn thần để làm giảm những ảo giác, hoang tưởng mà người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra cũng có thể chỉ định thêm các thuốc an thần, thuốc tăng chức năng các cơ quan khác để phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Thuốc chống loạn thần cổ điển:
- Chlorpromazin: Dùng liều 50-250mg/ngày
- Levomepromazin: Dùng liều 25-250mg/ngày
- Haloperidol: Dùng liều 5-30mg/24 ngày
- Thioridazin: Dùng liều 100-300mg/ngày
Các thuốc an thần kinh không điển hình (mới):
- Amisulpirid: Dùng liều 200-800mg/24giờ
- Clozapin: Dùng liều 50-800mg/24 giờ
- Risperidon: Dùng liều 1-12mg/24 giờ
- Olanzapin: Dùng liều 5-30mg/24 giờ
- Quetiapin: Dùng liều 600-800 mg/ ngày
- Aripiprazol: Dùng tối đa là 30 mg/ngày
Ngoài ra để cho tác dụng mạnh hơn bác sĩ có thể chỉ định tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch để đẩy nhanh tốc độ điều trị hơn. Bên cạnh đó để cải thiện sức khỏe người bệnh toàn diện, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng phối hợp với các loại thuốc sau đây:
- Nhóm thuốc bình thần, giải lo âu: Sử dụng các loại thuốc phổ biến như Diazepam, Lorazepam, Etifoxine HCL, Sedanxio..
- Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: propanolol…
- Thuốc chống trầm cảm: tùy từng trường hợp, có thể dùng SSRI, TCA, SNRI, NaSSa…
- Thuốc điều chỉnh khí sắc: như Divalproex, carbamazepin, oxcarbazepin, …..
- Nhóm các vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể
- Thuốc giúp dưỡng tế bào thần kinh: có thể chỉ định phối hợp với Piracetam, Ginkgo biloba..
- Các thuốc giúp hỗ trợ giải độc, tăng cường chức năng gan, thận..
Việc dùng thuốc điều trị hội chứng Paranoid cần được chính bác sĩ chỉ định, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc vì có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng khác. Việc tự ý tăng/ giảm liều thuốc đề ảnh hưởng đến kết quả điều trị, khiến bệnh có nguy cơ kéo dài hơn.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý các nhóm thuốc điều trị hội chứng Paranoid thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng, buồn ngủ, ảnh hưởng đến thị lực, tăng cân, một số vấn đề về nội tiết.. Người bệnh cũng cần trao đổi kỹ hơn với bác sĩ để có hướng điều trị và hạn chế các tác dụng phụ này.
Trị liệu tâm lý cho hội chứng Paranoid
Mục đích chính của trị liệu tâm lý là giúp người bệnh hiểu rõ về bệnh tật của bản thân, có sự tin tưởng vào bác sĩ từ đó có thể phối hợp điều trị tốt hơn. Bởi ở một số bệnh nhân thường không chấp nhận bản thân, không thực sự trung thực với bác sĩ, từ chối hoặc làm trái chỉ định từ bác sĩ khiến việc điều trị mãi không khỏi.
Bên cạnh đó bác sĩ tâm lý cũng hướng dẫn người bệnh những biện pháp giải tỏa căng thẳng lo lắng, định hướng những suy nghĩ, hành vi về với thực tại. Qua đó người bị hội chứng Paranoid dần hòa nhập hơn, có thể giao tiếp, nói chuyện và làm việc như bình thường, không còn bị những hoang tưởng cảm xúc chi phối quá nhiều.
Vai trò của gia đình
Sau điều trị nếu người bị hội chứng Paranoid vẫn gặp phải những áp lực tâm lý, stress căng thẳng kéo dài thì nguy cơ bệnh tái phát hoặc gặp các vấn đề tâm lý khác là rất cao. Do đó gia đình cần luôn là ngôi nhà vững chắc để bảo vệ người bệnh, luôn đồng hành cùng bệnh nhân trên suốt chặng đường điều trị.
Như đã nói rất ít bệnh nhân nhận thức và chấp nhận mình mắc bệnh. Vì vậy gia đình cần phối hợp với bác sĩ để giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng của mình cũng như theo dõi, đốc thúc người bệnh uống thuốc đúng thời điểm. Việc tham gia các lớp học tâm lý để định hướng, kiểm soát hành vi bất thường của bệnh nhân cũng là trọng trách quan trọng của gia đình.
Bên cạnh đó gia đình cũng cần hướng bệnh nhân đến đời sống sinh hoạt lành mạnh hằng ngày, bổ sung dinh dưỡng khoa học hơn để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị. Nếu thấy bất cứ các triệu chứng bất thường nào hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Hội chứng Paranoid (bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid) vẫn có thể chữa được nếu người bệnh quyết tâm. Hiện vẫn chưa có biện pháp phòng bệnh cụ thể, tuy nhiên mỗi người cần học cách kiểm soát căng thẳng, u buồn để hạn chế các bệnh về tâm lý. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai càng nên chú trọng hơn về sức khỏe để hạn chế tối đa sự bất thường ở con.
Có thể bạn quan tâm
- Phân biệt giữa bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách
- Chữa bệnh loạn thần bằng thuốc nam có hiệu quả không?
- Rối loạn tâm thần sau sinh: Bệnh nguy hiểm cần nhận biết sớm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!