Rối loạn thích nghi là gì? Những thông tin cần biết
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng rối loạn thích nghi là 2-8 % và có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới. Bệnh gây ra các rối loạn về mặt cảm xúc khiến người bệnh có những suy nghĩ, hành vi bất thường.
Rối loạn thích nghi là gì?
Rối loạn thích nghi (RLTN)/ rối loạn thích ứng có tên khoa học là Syndrome Général d’adaptation. Đây là một dạng bệnh tâm thần xuất hiện ngay sau khi gặp các sang chấn tâm lý.
Bệnh đặc trưng bởi hàng loạt các cảm xúc bất thường xuất hiện kéo dài trong 6 tháng. Nếu sang chấn không được giải quyết, bệnh vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng với nhiều dấu hiệu trầm trọng hơn.
Sau khi các biến cố xảy ra, bệnh nhân cảm thấy không thể đương đầu với sự việc, cảm thấy cuộc sống dần bị đảo lộn. Bệnh có thể khởi phát từ 1 hoặc nhiều yếu tố sang chấn được dồn nén trước đó.
Nữ giới có tỷ lệ RLTN cao gấp 2 lần so với nam giới. Trong độ tuổi vị thành niên, tỷ lệ mắc bệnh là ngang nhau. Những giai đoạn trong rối loạn thích nghi mà bệnh nhân cần phải trải qua bao gồm:
Giai đoạn 1 – Phản ứng báo động
Khi gặp một sự cố hay sang chấn, bất cứ ai cũng sẽ bị sốc. Tình trạng sốc có thể kéo dài vài phút, trong 24h đồng hồ, thậm chí là lâu hơn.
Lúc này cơ thể sẽ hình thành phản ứng chống sốc để cân bằng và bảo vệ cơ thể. Hệ thần kinh giao cảm sẽ kích thích tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và noradrenaline, một loại nội tiết tố gây căng thẳng.
Adrenaline và noradrenaline sẽ làm tăng huyết áp dẫn tới tăng nhịp tim, rối loạn tiêu hóa và một số vấn đề bất thường khác.
Giai đoạn 2 – Giai đoạn kháng cự
Trong giai đoạn trước, cú sốc đã khiến cơ thể trở nên kiệt quệ về năng lượng. Vì thế trong giai đoạn này, cơ thể tự động bù đắp năng lượng từ các nguồn dự trữ.
Theo đó cơ thể sẽ tăng tiết corticolibérine, huy động nguồn dự trữ năng lượng, và ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Cơ chế này phòng tránh những nhân tố có hại tấn công cơ thể từ bên ngoài.
Đây là giai đoạn diễn ra trong vòng 6 tháng sau chấn thương. Cơ thể sẽ tìm cách bổ sung các năng lượng và ion để chống đỡ lại những khó khăn trước mắt.
Giai đoạn 3 – Giai đoạn kiệt quệ
Giai đoạn kiệt quệ xuất hiện khoảng 6 tháng sau sang chấn. Các nguyên nhân sang chấn không được giải quyết gây suy nhược tinh thần. Rối loạn thích nghi chuyển sang giai đoạn mãn tính với mức độ nguy hiểm hơn.
Đồng thời, hệ miễn dịch cũng suy giảm khiến khả năng chống chọi lại bệnh tật kém đi. Người bệnh phải đối diện vấn đề về tiêu hóa, cao huyết áp, các vấn đề tim mạch.
Triệu chứng điển hình của rối loạn thích nghi
Sức chịu đựng về tinh thần ở mỗi người là khác nhau. Người có thần kinh tốt thì có thể vượt qua sang chấn nhanh chóng. Nhưng người có thần kinh yếu sẽ chìm đắm trong sự hoảng loạn, không thể thoát ra.
Những triệu chứng bệnh điển hình bao gồm:
- Buồn, u uất, cảm giác có thể khóc bất cứ lúc nào
- Lo lắng, vô vọng, bế tắc
- Thiếu tập trung, thường lơ đãng
- Có những hành vi bốc đồng ngoài sự kiểm soát
- Có xu hướng chống đối xã hội
- Mất ngủ, khó ngủ, gặp ác mộng
- Cơ thể mệt mỏi, không còn năng lượng
- Rối loạn tiêu hóa
- Bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên
- Cảm thấy đau nhức cơ thể
- Rối loạn nhịp tim, co giật hay run rẩy
- Có những suy nghĩ tự sát hay làm hại bản thân
Các triệu chứng này diễn ra liên tục làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, sức khỏe tinh thần, và các mối quan hệ xung quanh.
Các RLTN kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu trầm trọng. Do đó người bệnh cần nhanh chóng có các biện pháp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây rối loạn thích nghi
Sang chấn tâm lý là yếu tố liên quan trực tiếp đến RLTN. Stress kéo dài, căng thẳng dồn nén và bùng phát vào một thời điểm nào đó cũng là yếu tố gây bệnh cao.
Cụ thể những tác nhân chính gây rối loạn thích nghi bao gồm:
- Bệnh tật hay các vấn đề sức khỏe trầm trọng
- Sự ra đi đột ngột của người thân
- Sự chia ly, rạn nứt với các mối quan hệ gắn bó lâu ngày
- Các vấn đề về tiền bạc, người có thu nhập thấp
- Người ở tầng lớp xã hội thấp, không có quyền lực
- Bạo lực gia đình hay bạo lực học đường, bao lực xã hội
- Cha mẹ ly hôn, gia đình ly tán (nguyên nhân này thường gặp chủ yếu ở trẻ em)
- Những lo lắng về vấn đề giới tính
- Khó khăn trong việc thích ứng và làm quen với cuộc sống mới khi chuyển chỗ ở
- Người vừa trải qua tai nạn kinh hoàng, đe dọa tính mạng.
Phát hiện chính xác các tác nhân gây bệnh sẽ góp phần hỗ trợ cho việc điều trị nhanh chóng và đạt kết quả tốt hơn.
Xem thêm: Sang chấn tâm lý sau tai nạn và cách vượt qua
Hướng chẩn đoán rối loạn thích nghi
Việc chẩn đoán chứng rối loạn thích nghi sẽ dựa trên những tiêu chuẩn y khoa. Để xác định chính xác hơn, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như xét nghiệm máu, điện não đồ, điện tâm đồ, CT,…
Đồng thời bác sĩ cũng trao đổi với bệnh nhân về bệnh sử, tìm hiểu về những sang chấn người bệnh gặp phải. Người bệnh cũng có thể làm bài test để có hướng điều trị đúng đắn nhất.
Rối loạn thích nghi có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Do đó, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám chính xác hơn.
Hướng điều trị rối loạn thích nghi
Hướng điều trị rối loạn thích nghi hiện nay là dùng thuốc và điều trị tâm lý. Dùng thuốc là biện pháp hỗ trợ giúp cải thiện triệu chứng. Tâm lý trị liệu giúp giải quyết vấn đề tận gốc, phòng tránh tái phát.
Trị liệu tâm lý là phương pháp chủ yếu giúp định hướng những nhận thức, suy nghĩ của bệnh nhân theo hướng tích cực hơn, giải quyết khủng hoảng.
1. Điều trị bằng thuốc
Việc dùng thuốc hầu hết chỉ được chỉ định dùng trong thời gian ngắn. Bác sĩ thường kê đơn thuốc khi bệnh diễn tiến sang giai đoạn mãn tính, có liên quan đến trầm cảm, lo âu, hay các rối loạn tâm thần khác
Một số nhóm thuốc thường dùng bao gồm:
- Nhóm an thần Benzodiazepine ví dụ như lorazepam, alprazolam giúp hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên thuốc có thể gây nghiện và phụ thuộc nên cần tránh lạm dụng
- Nhóm Nonbenzodiazepine thế hệ mới (ví dụ Gabapentin) giúp tăng chất lượng giấc ngủ, giảm lo âu. Thuốc an toàn, không quá nhiều tác dụng phụ.
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin SSRI hoặc SNRI (sertraline hoặc venlafaxine) giúp cải thiện các triệu chứng lo âu hay trầm cảm.
- Các loại thuốc bổ để bồi bổ thể lực và tinh thần khác
Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc hay tăng/giảm liều bất thường. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ thường xuyên để tránh phản ứng bất thường.
2. Trị liệu tâm lý
Mục tiêu của trị liệu tâm lý là hiểu về tình trạng bệnh và giải tỏa căng thẳng. Các bác sĩ cũng định hướng người bệnh đến những suy nghĩ lạc quan vui vẻ, giúp người bệnh sớm hòa nhập vào môi trường, cuộc sống mới.
Các biện pháp thường được áp dụng trong trị liệu tâm lý bao gồm
- Liệu pháp nhóm
- Chăm sóc tâm lý khẩn cấp
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Trò chuyện liệu pháp
- Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT)
Người bệnh cần thực sự tin tưởng vào trị liệu và hợp tác với chuyên gia. Việc mở lòng và sẻ chia với bác sĩ sẽ giúp việc điều trị có kết quả tốt nhất.
Thông qua mỗi buổi trị liệu, tinh thần bệnh nhân dần ổn định hơn. Người bệnh có thể hòa nhập vào đời sống bình thường, và có cuộc sống mới vui vẻ hạnh phúc hơn.
Phòng tránh nguy cơ rối loạn thích nghi
Khi trải qua một sự kiện chấn động, không ai là không đau khổ tổn thương. Tuy nhiên quan trọng là cách chúng ta vượt qua. Có biện pháp chăm sóc tinh thần từ sớm sẽ làm giảm những tác động tiêu cực, giúp bạn dễ dàng vượt qua.
Để phòng tránh rối loạn thích nghi, mỗi người nên thực hiện các biện pháp sau đây:
- Tránh làm việc quá sức hay suy nghĩ quá nhiều
- Tránh để tinh thần bị căng thẳng, không được thoải mái
- Dành những giờ phút nghỉ ngơi thư giãn sau mỗi ngày làm việc căng thẳng như nghe nhạc, tắm nước ấm, xem phim, hay nói chuyện cùng bạn bè
- Học cách chia sẻ những nỗi buồn với bạn bè, người thân.
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày vừa giải tỏa tâm trạng, vừa giúp nâng cao sức khỏe
- Yoga hay thiền đều là những bộ môn rất tốt cho sức khỏe tinh thần
- Luôn suy nghĩ đến những điều vui vẻ tích cực mỗi ngày
Mỗi ngày bạn có thể dành 15p để ngồi tại một nơi yên tĩnh, hít thở không khí trong lành thoáng mát, điểm lại những sự kiện trong ngày. Hãy nhanh chóng loại bỏ những điều không vui, tránh để các nỗi buồn tích tụ.
Rối loạn thích nghi có thể được loại bỏ sớm nếu cải thiện kịp lúc. Tốt nhất chúng ta nên có biện pháp phòng tránh và chăm sóc tinh thần từ sớm sẽ làm giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh này.
Có thể bạn quan tâm
- Bị sang chấn tâm lý nên đi khám và điều trị ở đâu tốt?
- Sang chấn tâm lý xuất hiện vào giai đoạn nào?
- Hậu Quả Của Sang Chấn Tâm Lý Nguy Hại Hơn Bạn Tưởng
- Các Rối Loạn Liên Quan Đến Stress bạn nên đề phòng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!