Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine: Biểu hiện và hướng điều trị
Jumping Frenchmen of Maine là rối loạn thần kinh cực kỳ hiếm gặp, đặc trưng bởi phản ứng giật mình cực độ khi có âm thanh, va chạm bất ngờ xảy ra. Rối loạn này được các nhà khoa học phát hiện vào cuối thế kỉ XIX, cho đến nay vẫn chưa xác định ra nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Tổng quan về rối loạn Jumping Frenchmen of Maine
Jumping Frenchmen of Maine là một thuật ngữ đề cập đến phản ứng giật mình cực độ. Nó được phát hiện và xác định lần đầu tiên vào thế kỉ XIX bởi George Miller Beard. Những người mắc bệnh đầu tiên được tìm thấy ở vùng Moosehead Lake của Maine.
Vào năm 1878, trong chuyến đi đến Hồ Moosehead – Maine nằm ở miền đông nước Mỹ, George Miller Beard đã vô tình nhìn thấy một nhóm thợ rừng gốc Pháp có những hành vi quái dị, họ liên tục nhảy nhót và cử động cơ thể không kiểm soát được.
Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine là một dạng trong nhóm các hội chứng liên quan đến cơn giật mình (startle-matching syndrome). Hội chứng này có thể được mô tả là “nhảy” không kiểm soát được, những người mắc rối loạn này thường cử động các bộ phận trên cơ thể một cách đột ngột.
Thông thường, khi con người nghe những âm thanh lớn và bất ngờ chúng ta sẽ có phản ứng giật mình. Tuy nhiên, những người bị Jumping Frenchmen of Maine, phản ứng giật mình của họ được phóng đại đến mức bất thường.
Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine mặc dù đã được đề cập từ sớm nhưng không nhận được sự quan tâm vì tỷ lệ người mắc căn bệnh này vào thời điểm đó vô cùng hiếm. Đến nửa sau thế kỷ XX số người mắc bệnh tăng lên, giới khoa học mới bắt đầu quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn về bệnh lý này.
Hiện nay, rối loạn Jumping Frenchmen of Maine vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể, các thiết bị, máy móc nghiên cứu còn hạn chế. Vì vậy, người bệnh cần được hướng dẫn, nhận sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế và tâm lý để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây ra rối loạn Jumping Frenchmen of Maine
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra rối loạn Jumping Frenchmen of Maine vẫn chưa được xác định rõ, đây được xem là một rối loạn tâm thần liên quan tới hoạt động của não bộ. Những bất ổn trong hệ thần kinh khiến cho bệnh nhân có phản ứng bất ngờ một cách phóng đại.
Trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, thử nghiệm khác nhau các nhà khoa học đã nhận ra rối loạn Jumping Frenchmen of Maine có liên quan tới một số yếu tố sau:
- Rối loạn thần kinh soma: Hệ thần kinh soma là một phần của hệ thống thần kinh ngoại vi, chúng có chức năng truyền thông tin từ não xuống các cơ xương. Một số chuyên gia cho rằng, rối loạn tại cơ quan này dẫn đến phản ứng giật mình phóng đại. Rối loạn thần kinh soma có thể do di truyền hoặc biến đổi gen.
- Di truyền: Hiện nay, chưa có chuyên gia khẳng định chứng rối loạn Jumping Frenchmen of Maine là do di truyền. Một giả thuyết đã được các nhà nghiên cứu đưa ra rằng căn bệnh này có thể là một dạng di truyền. Bằng chứng là họ đã quan sát được một gia đình bao gồm cha, hai con trai và đứa cháu của ông có biểu hiện của chứng rối loạn Jumping Frenchmen of Maine.
- Văn hoá: Nghiên cứu đã chỉ ra rối loạn Jumping Frenchmen of Maine là một hội chứng liên quan tới văn hoá, tâm lý đại chúng. Rối loạn này liên quan đến việc phát triển hành vi trong một môi trường văn hoá nhất định.
- Thoái hóa thần kinh tạm thời: Jumping Frenchmen of Maine có thể là kết quả của thoái hóa thần kinh tạm thời do cuộc sống tách biệt trong rừng sâu. Sau này, các nhà nghiên cứu cũng nhận ra hội chứng Jumping Frenchmen of Maine là phản xạ được hình thành từ cuộc sống cô lập. Điều này đã góp phần chứng minh suy đoán này là hoàn toàn có cơ sở.
- Do các yếu tố khác: Những người đang cai nghiện chất kích thích hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu có thể mắc phải hội chứng rối loạn Jumping Frenchmen of Maine.
Triệu chứng phục rối loạn Jumping Frenchmen of Maine
Các triệu chứng của rối loạn Jumping Frenchmen of Maine thường xuất hiện ở độ tuổi dậy thì hoặc vị thành niên. Theo thời gian, triệu chứng bệnh sẽ ít xuất hiện và giảm mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một số trường hợp triệu chứng ngày càng nghiêm trọng và rập khuôn hơn.
Người bệnh sẽ có một số biểu hiện như các phản ứng giật mình quá mức bao gồm: Nhảy, la hét, vung tay, đánh vào không trung hoặc ném đồ vật,.. Khi bị kích thích bất ngờ bởi các âm thanh, va chạm lớn hoặc các hành động, cử chỉ bất ngờ, tác động vật lý như đánh vào vị trí xương sườn.
Sau phản ứng giật mình, người mắc hội chứng có thể lặp lại từ hay cụm từ giống như một con vẹt hoặc vô tình bắt chước các chuyển động, cử chỉ. Đôi khi, có một số trường hợp người bệnh sẽ chửi thề hoặc nói ra một số từ tục tĩu, không phù hợp với xã hội một cách không tự chủ.
Ngoài ra, một số người có biểu hiện ép buộc hoặc vâng lời tự động sau phản ứng giật mình. Chẳng hạn như làm theo các mệnh lệnh đơn giản (chạy, nhảy hoặc đánh vào đâu đó). Thông thường, họ sẽ không đáp lại những mệnh lệnh như vậy.
Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine gây ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống hằng ngày, chúng gây mất khả năng kiểm soát cơ thể, tự chủ suy nghĩ. Cường độ của phản ứng giật mình có thể ảnh hưởng tới tần suất giật mình cũng như trạng thái tâm lý, cảm xúc của người bệnh.
Những người bị rối loạn Jumping Frenchmen of Maine thường bị người khác cố tình trêu chọc hoặc bắt nạt khiến cho tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng dần. Thông thường, càng giật mình thì các phản ứng diễn ra càng mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Tránh nhầm lẫn Jumping Frenchmen of Maine với các rối loạn khác
Việc chẩn đoán rối loạn “giật mình” cần được dựa trên các đánh giá dựa trên các biểu hiện lâm sàng. Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine có thể bị nhầm lẫn với các hội chứng co giật khác. Một số rối loạn có triệu chứng tương tự với rối loạn Jumping Frenchmen of Maine có thể nói đến như:
- Chứng Hyperekplexia: Đây là rối loạn thần kinh hiếm gặp ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, thai nhi, trẻ em và người lớn. Người bệnh cũng có cơn giật mình quá mức khi nghe âm thanh, va chạm lớn. Người mắc hyperekplexia có thể bị căng cơ và ngã xuống sàn như khúc gỗ nhưng vẫn còn ý thức. Đôi lúc, người bệnh sẽ bị tăng phản xạ bất thường và dáng đi không vững.
- Hội chứng Tourette: Hội chứng Tourette là rối loạn vận động thần kinh đặc trưng bởi các hành động lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, người mắc hội chứng Tourette còn gặp phải các vấn đề như đái dầm, khó ngủ, lo lắng quá mức, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và nói mớ khi ngủ.
- Các vấn đề tâm lý, tâm thần khác: Trong một số trường hợp, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn hoảng sợ, tâm thần phân liệt cũng gây ra phản ứng giật mình quá mức.
Ngày nay, chưa có thiết bị, máy móc xét nghiệm nào có thể phát hiện ra rối loạn Jumping Frenchmen of Maine. Do đó, cách duy nhất để chẩn đoán là khai thác triệu chứng, tiền sử gia đình và loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Cách khắc phục rối loạn Jumping Frenchmen of Maine
Hiện tại, ngành y học vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm rối loạn Jumping Frenchmen of Maine. Tuy nhiên, họ đã đưa ra được một số phương pháp có thể giúp cải thiện triệu chứng cũng như làm giảm mức độ, tần suất của phản ứng giật mình cực độ.
Để cải thiện triệu chứng rối loạn Jumping Frenchmen of Maine, người bệnh cần loại trừ các yếu tố có thể gây giật mình như âm thanh lớn, tránh các va chạm cơ thể bất ngờ,… Muốn làm được điều này bệnh nhân cần có sự hỗ trợ của gia đình và người xung quanh.
Trước tiên, gia đình cần trang bị kiến thức về rối loạn Jumping Frenchmen of Maine, đồng thời chia sẻ cho mọi người xung quanh về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để thuận tiện cho việc điều trị.
Các chuyên gia nhận thấy, căng thẳng và lo lắng có thể khiến cho triệu chứng của Jumping Frenchmen of Maine trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh cần được trang bị các kỹ năng quản lý căng thẳng, tránh các công việc mang tính biệt lập, cô lập bản thân với mọi người xung quanh.
Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine khiến cho người bệnh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về tâm lý. Người bệnh bị chú ý, dò xét, kỳ thị, bắt nạt và bạo lực,… Vì vậy có thể dẫn tới một số bệnh lý khác như rối loạn âu lo, trầm cảm,…
Nếu bệnh nhân có biểu hiện của các bệnh lý tâm thần, gia đình có thể cân nhắc sử dụng thuốc hoặc nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, gia đình cần động viên, hỗ trợ bệnh nhân ổn định tâm lý và học cách sống chung với bệnh.
Rối loạn Jumping Frenchmen of Maine mặc dù không đe dọa tới sức khoẻ nhưng nó khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị Jumping Frenchmen of Maine vì vậy bệnh nhân cần hạn chế các tình huống bất ngờ và quản lý căng thẳng sẽ giúp rất nhiều trong việc cải thiện triệu chứng bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc giảm lo âu căng thẳng hồi hộp mất ngủ hiệu quả nhanh
- 18 Cách giảm căng thẳng stress ngay tức thì bạn nên bỏ túi
- Căng thẳng mệt mỏi kéo dài | Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!