Nhận biết và phòng ngừa bệnh tâm thần phân liệt tái phát
Bệnh tâm thần phân liệt tái phát có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần và sức khỏe của mỗi người. Bệnh nhân luôn cần có hướng đề phòng và phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát để hạn chế tối đa nguy cơ này.
Dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt tái phát
Bệnh tâm thần phân liệt là một dạng bệnh mãn tính, hầu như không thể điều trị dứt điểm được nên được đánh giá là có nguy cơ tái phát rất cao. Các triệu chứng của bệnh hiếm khi hoàn toàn biến mất mà thường trở lại sau một thời gian sau đó. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10- 20% bệnh nhân TTPL không bị tái phát.
Những nguy hiểm khi bệnh tâm thần phân liệt tái phát thường cao hơn trước rất nhiều. Càng phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh thì khả năng kiểm soát càng đạt kết quả tốt hơn. Một số triệu chứng cho thấy bệnh đang có dấu hiệu quay trở lại bao gồm
- Thường xuyên cảm thấy căng thẳng khó chịu, bồn chồn, bứt rứt đứng ngồi không yên
- Hay lo lắng cáu gắt vô cớ, tính nết thay đổi thất thường có thể kéo dài trong vài ngày liền
- Rối loạn giấc ngủ, thức đêm ngủ ngày
- Lo lắng vô cớ một cách thái quá
- Cảm thấy muốn xa lánh xã hội, không muốn nói chuyện với bất cứ ai
- Thay đổi sở thích, thói quen, ví dụ không muốn ăn uống những món mình thích trước kia, chán ăn, bỏ ăn thường xuyên
- Không tự chăm sóc bản thân, lười tắm rửa.
- Mất hứng thú với mọi công việc hằng ngày, không muốn đi làm
- Các triệu chứng hoang tưởng ảo giác bắt đầu xuất hiện và tăng dần
- Nói chuyên bâng quơ, nói chuyện một mình, không đúng với trọng tâm câu chuyện
- Đôi khi cảm thấy hoảng sợ, lo lắng, giật mình cực độ
- Bắt đầu có những suy nghĩ tư duy sai lệch, xa rời với thực tế
- Hành vi kỳ dị khó hiểu
- Có thể đòi chết hay tự tử nếu tái phát trong giai đoạn nặng, bệnh kéo dài
Có đến 70% bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng này sớm trước khi bệnh trở lại hoàn toàn. Các triệu chứng bất thường thường kéo dài trong vài ngày liên tục nên rất dễ phát hiện. Do đó người thân cần dành thời gian quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường và kịp thời điều trị.
Nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt tái phát
TTPL là một dạng loạn thần nặng lại chưa rõ cơ chế gây bệnh nên rất khó loại bỏ bệnh hoàn toàn. Thường sau một đợt bệnh cấp diễn biến rầm rộ, nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ về thuốc men, sinh hoạt, ăn uống nghỉ ngơi thì bệnh có thể thuyên giảm đáng kể. Tuy nhiên sau đó nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp bệnh có thể dễ dàng tái phát.
Có rất nhiều nguyên nhân làm bệnh bộc phát trở lại, bao gồm
- Dùng thuốc không đúng liều, bệnh nhân dừng thuốc sớm hoặc lạm dụng thuốc quá mức đều làm ảnh hưởng đến tác dụng thuốc và kết quả điều trị
- Dùng thuốc không đều đặn, thường xuyên quên liều hay không uống đúng thời điểm
- Do thời tiết. Bệnh thường có xu hướng tái phát vào thời điểm nắng nóng. Nguyên nhân là do thời điểm này cơ thể thường khá yếu do cần hoạt động nhiều hơn để điều nhiệt cho cơ thể nên rất dễ tái phát bệnh. Ngoài ra nhiệt độ, độ ẩm và đặc biệt là tia tử ngoại có trong ánh nắng sẽ làm tác động xấu đến não bộ. Thống kê cho thấy có đến 35% người bệnh bệnh tâm thần phân liệt tái phát vào mùa hè.
- Thiếu sự giúp đỡ, tình thương của gia đình và xã hội. Bệnh nhân nếu phải sống một mình, bị mọi người xa lánh kỳ thị rất dễ bộc phát các triệu chứng bệnh trở lại với mức độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều
- Tiếp tục gặp các chấn thương tâm lý, chẳng hạn chia tay với người yêu, li dị, cha mẹ mất, bị xúc phạm… Đặc biệt ở những bệnh nhân này có thể có xu hướng làm hại những người xung quanh
- Gặp những chấn thương, tai nạn làm ảnh hưởng đến vùng đầu
- Bệnh nhân lạm dụng các chất kích thích kéo dài như thuốc lá, ma túy, cần sa hay những người nghiện rượu bia cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh quay trở lại
- Căng thẳng kéo dài, có thể liên quan đến các yếu tố công việc hay do thường xuyên phải chịu đựng ánh mắt soi mói kỳ thị từ những người xung quanh
- Bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus khác
Thực tế do tâm lý và sức khỏe của người TPPL rất yếu nên chỉ một tác động nhỏ cũng có thể kích thích bệnh tái phát trở lại. Mặc dù các triệu chứng tái phát cũng tương đương như triệu chứng đợt trước đó những thường có xu hướng tiến triển nhanh hơn rất nhiều. Hầu hết bệnh nhân nếu tái phát vẫn sẽ chỉ định dùng các loại thuốc chống loạn thần với liều lượng mạnh hơn, có thể sốc điện với các trường hợp nặng cùng điều trị tâm lý.
Trong giai đoạn tái phát cũng rất ít người bệnh nhận ra bản thân đang gặp vấn đề. Do đó gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, ngăn ngừa những hệ lụy xấu khác xuất hiện.
Hướng dự phòng bệnh tâm thần phân liệt tái phát
Quá trình điều trị bệnh TTPL là một con đường rất dài, trong đó cần có sự quyết tâm của người bệnh cũng như sự giúp đỡ của gia đình và xã hội. Không phải bệnh nhân nào cũng tái phát nên nếu có phương pháp dự phòng sớm người bệnh vẫn có thể hạn chế tối đa nguy cơ này.
Đảm bảo đúng chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân khi được cho phép về điều trị chăm sóc tại nhà khi đã hết các triệu chứng cấp cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều dùng thuốc, cách chăm sóc hay sinh hoạt. Tuyệt đối không được thay đổi đơn thuốc được bác sĩ kê, đảm bảo đúng liều dùng trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.
Nhiều người sau khi thấy các triệu chứng đã ổn thường tự ý ngưng thuốc sớm nên làm giảm kết quả điều trị. Bên cạnh đó nếu có nhu cầu kết hợp thêm bất cứ loại thuốc nào khác, kể cả thuốc bổ, người bệnh vẫn nên trao đổi thêm với bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ tốt nhất.
Thường xuyên kiểm tra tâm lý
Hãy đảm bảo trị liệu tâm lý và định hướng đúng đắn cho bệnh nhân TTPL ngay từ những giai đoạn đầu tiên để phòng tránh nguy cơ tái phát. Giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng bệnh, mức độ bệnh để người bệnh tin tưởng vào bác sĩ, tuân thủ chỉ định trong điều trị cũng như có quyết tâm điều trị hơn.
Đồng thời sau điều trị người bệnh vẫn nên dành thời gian đến các trung tâm tâm lý để kiểm tra thường xuyên hơn. Trị liệu tâm lý cũng là một cách giúp loại bỏ căng thăng, những lo lắng hoảng sợ quá mức để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
Tránh làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời
Người bệnh TTPL nên cố gắng hạn chế làm những công việc nặng nhọc, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Hoặc trong trường hợp cần phải làm việc cũng nên có đầy đủ các đồ bảo hộ, đội nón, mặc áo dài tay để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, cổ hay mặt. Nên uống nhiều nước hơn để tránh cơ thể bị mất nước.
Thường với bệnh nhân TTPL sẽ được địa phương hay các cấp chính quyền hỗ trợ hướng nghiệp dạy nghề để lựa chọn các công việc phù hợp với sức khỏe. Hoặc gia đình cũng có thể đưa bệnh nhân đến các cơ sở dạy nghề và làm việc cho những bệnh nhân tâm thần để được hỗ trợ.
Tránh những nơi có nhiệt độ và độ ẩm quá cao
Không khí quá cao hay độ ẩm quá cao cũng khiến cơ cơ thể nực nội, khó chịu, khó thoát mồ hôi kéo theo tinh thần cũng dễ bực bội và kích thích hơn rất nhiều. Do đó nên tránh những nơi có các yếu tố trên. Cụ thể nên tránh làm việc trong hầm lò, bếp nấu ăn nhỏ, lò nướng, các công việc đồng áng, vận chuyển…
Tránh xa bia rượu và các chất kích thích
Bia rượu, thuốc lá, cần sa hay bất cứ chất kích thích nào cũng gây ra nhiều tác động xấu đến cho hệ thần kinh lẫn sức khỏe toàn diện. Đặc biệt khi dùng chất kích thích sẽ khiến tâm trạng bệnh nhân trong trạng thái lơ lửng, hoảng sợ và khó có thể kiểm soát được suy nghĩ, hành vi hay lời nói của bản thân và gây ra nhiều hệ lụy trầm trọng.
Tốt nhất người bệnh không nên dùng các chất trên, dù chỉ là một ngụm nhỏ bia rượu hay một điếu thuốc.
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý
Để đề phòng nguy cơ bệnh tâm thần phân liệt tái phát thì chế độ dinh dưỡng cũng góp phần rất quan trọng. Người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường các thực phẩm bổ não, an thần, cải thiện tâm trạng để giảm nguy cơ bệnh quay trở lại.
Các bác sĩ cũng khuyên người bệnh TTPL cần được bổ sung đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày. Nước giúp tăng tốc độ thải độc, cân bằng độ ẩm nhất là khi làm việc và tránh tình trạng cơ thể bị mất nước. Đặc biệt nếu đang dùng các loại thuốc tâm thần kéo dài việc uống đủ nức sẽ giúp đào thải các thuốc dư thừa ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
Bên cạnh đó người bệnh cũng nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, các vitamin nhóm B, omega-3, vitamin niacin, kẽm, vitamin D hay các lợi khuẩn. Một số thực phẩm tốt cho người bệnh như cá hồi, các loại hạt, ngũ cốc, đậu nành, trà xanh, sữa hay sữa chua.
Một số thực phẩm người bệnh nên tránh xa nhưng bánh mì, các món ăn có đường tinh chế như bánh ngọt kẹo ngọt, đồ ăn sẵn, các thực phẩm nhiều dầu mỡ..
Sự hỗ trợ của gia đình và xã hội
Gia đình cần luôn là người đồng hành cùng bệnh nhân TTPL trong suốt quá trình điều trị để ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái phát. Gia đình cần dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần người bệnh mỗi ngày thông qua những việc đơn giản như cùng nhau ăn uống, làm việc hay tham gia các hoạt động giải trí.
Hãy tránh gây căng thẳng cho bệnh nhân và không nên tạo cảm giác khiến họ cảm thấy bản thân vô dụng. Cùng người bệnh tập thể dục, vui chơi, du lịch sẽ giúp họ có cảm giác được yêu thương và có quyết tâm điều trị bệnh hơn.
Đồng thời xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng để phòng tránh nguy cơ bệnh tái phát trở lại. Đây là bệnh không hề lây nhiễm, khi người bệnh đã trở về trạng thái ổn định cũng không gây hại đến những người xung quanh. Vì thế không nên dùng ánh mắt soi mói, kỳ thị, xa lánh người bệnh. Địa phương và gia đình cũng cần đưa ra biện pháp phù hợp để nhanh chóng đưa người bệnh hòa nhập với cộng đồng như những người bình thường.
Bệnh tâm thần phân liệt tái phát có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Gia đình cần có biện pháp theo dõi, hỗ trợ để sớm phát hiện những vấn đề bất thường và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!