Cách an ủi giúp trẻ vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn
Ly hôn do bất cứ nguyên nhân nào cũng đều ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ. Vì vậy ngoài những thủ tục cần chuẩn bị, cả hai nên trang bị cách giúp trẻ vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn.
Cách giúp trẻ vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn
Ly hôn là quyết định khó khăn đối với cả cha mẹ, con cái và những người thân khác trong gia đình. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cặp đôi nào cũng mong muốn xây dựng được gia đình hạnh phúc bền vững và đủ đầy. Tuy nhiên, những khác biệt trong quan điểm sống, khó khăn về tài chính và tình cảm phai nhạt khiến cuộc sống vợ chồng đi vào ngõ cụt.
Mâu thuẫn sâu sắc không thể hóa giải khiến bầu không khí gia đình trở nên nặng nề, mệt mỏi. Ly hôn là lựa chọn đúng đắn nếu cả hai đã không còn tình cảm và không thể sống hòa hợp cùng nhau. Chấm dứt hôn nhân có thể giải quyết những mệt mỏi, mâu thuẫn và bất hòa dai dẳng.
Người lớn thường cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái khi kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, với bản thân con trẻ, ly hôn thực sự là mất mát. Trẻ nhỏ chưa thể ý thức được những rắc rối, khó khăn bố mẹ phải đối mặt và khó có thể thấu hiểu lý do vì sao bố mẹ lại rời xa nhau. Khi bố mẹ ly hôn, trẻ sẽ loay hoay với nhiều câu hỏi và trở nên lầm lì, tiêu cực.
Dù ở độ tuổi nào, con trẻ cũng có sự nhạy cảm nhất định trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Rất may là cha mẹ có thể an ủi, động viên để giúp con trẻ vượt qua sang chấn tâm lý sau ly hôn. Nếu khéo léo trong cách ứng xử, con trẻ có thể vượt qua tổn thương tâm lý và hiểu hơn về giá trị thực sự của gia đình.
Nếu cả hai đã thống nhất quyết định ly hôn, nên chuẩn bị một số cách an ủi để giúp con trẻ vượt qua nỗi đau tinh thần:
1. Thông báo với con cái trước khi tiến hành ly hôn
Khi đã thống nhất về quyết định ly hôn, bố mẹ nên lựa chọn thời điểm thích hợp để thông báo với con cái. Thực tế, điều này không hề dễ dàng bởi con trẻ có thể phản ứng quá khích khi nhận được thông báo từ bố mẹ. Theo các chuyên gia, bố mẹ nên thống nhất trước về cách thông báo để tránh bất đồng trong lời nói.
Khi trò chuyện, nên tạo cho con cái cảm giác thoải mái tuyệt đối. Cả hai nên gạt bỏ mọi tranh cãi, gay gắt và giữ thái độ bình tĩnh trước mặt con. Để con trẻ dễ dàng tiếp nhận thông tin, cả hai nên lựa chọn lời nói phù hợp với độ tuổi của con.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên dùng từ ngữ nhẹ nhàng, phù hợp để con hiểu được rằng cả hai đã từng yêu thương nhay và chung sống hạnh phúc, song giờ đây cả hai có nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải nên sẽ quyết định ở riêng.
Khi thông báo với con cái về quyết định ly hôn, cha mẹ nên cho trẻ biết rằng dù cả hai không còn sống chung nhưng vẫn luôn dành tình yêu thương cho con cái. Nên nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng, con là món quà quý giá nhất cả hai có được sau thời gian dài chung sống.
Đa phần trẻ đều phản ứng quá khích khi nghe được tin bố mẹ ly hôn. Vì vậy, cả hai nên kiên nhẫn, tránh quát nạt con cái hoặc trách cứ nhau trước mặt trẻ. Thái độ bình tĩnh, cởi mở của bố mẹ sẽ giúp con trẻ hiểu rằng ly hôn không thực sự quá nghiêm trọng. Ly hôn chỉ là giải pháp dành cho những cặp đôi đã không còn hòa hợp và hạnh phúc khi sống chung.
2. An ủi và trấn an trẻ
Sau khi tiếp nhận thông tin bố mẹ sẽ ly hôn, con trẻ sẽ mất một thời gian dài để có thể chấp nhận. Trong thời gian này, bố mẹ nên an ủi, trấn an bởi trẻ thường có suy nghĩ bố mẹ sẽ bỏ rơi bản thân sau khi ly hôn. Trẻ có bố mẹ ly hôn luôn thường trực cảm giác bất an, khó chịu, căng thẳng và sợ hãi. Do đó, gia đình nên an ủi để con trẻ hiểu rằng bố mẹ dù không còn chung sống nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm và tình yêu thương cho bản thân.
Hơn bất cứ ai, sự trấn an của bố mẹ là điều giúp trẻ yên tâm và cảm thấy thoải mái, từ đó dần chấp nhận việc bố mẹ sẽ ly hôn và không còn sống chung. Trong thời gian này, những thành viên khác trong gia đình không nên nhắc đi nhắc lại về việc bố mẹ ly hôn trước mặt trẻ.
3. Giúp trẻ hiểu rằng con không phải là nguyên nhân dẫn đến ly hôn
Một số trẻ nhỏ cho rằng, bản thân là nguyên nhân khiến bố mẹ ly hôn. Trẻ sẽ nỗ lực học giỏi và ngoan ngoãn để hàn gắn gia đình. Bên cạnh đó, trẻ có suy nghĩ này dễ hình thành tâm lý tự trách móc bản thân, tự ti, giảm lòng tự trọng,…
Để tránh trẻ hình thành suy nghĩ bi quan, bố mẹ nên nhấn mạnh con không phải là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ. Bố mẹ ly hôn là do những mâu thuẫn trong quan điểm sống và xung đột không thể hóa giải. Đồng thời nên để con biết rằng, bố mẹ sẽ luôn yêu thương con vô điều kiện như trước đây dù có chung sống cùng nhau hay không.
4. Giải đáp mọi thắc mắc của con
Sau khi được bố mẹ trấn an, trẻ đã dần bình tĩnh và sẽ đối mặt trực tiếp với quyết định ly hôn của bố mẹ. Lúc này, trong đầu trẻ sẽ xuất hiện nhiều câu hỏi như vì sao bố mẹ ly hôn, con sẽ sống với ai, con có phải chuyển nhà, chuyển trường hay không?
Thực tế, nhiều trẻ đặt vô số câu hỏi về lý do bố mẹ ly dị. Trước câu hỏi của con trẻ, bố mẹ nên trung thực trả lời, tuy nhiên nên nói một cách khái quát, không nên đề cập quá sâu về chi tiết vì điều này có thể khiến con sợ hãi và bất an.
Khi trả lời câu hỏi của con, cần lựa chọn từ ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, cần giải thích để trẻ hiểu được rằng, ly hôn là sự chia cắt của một cặp vợ chồng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bố mẹ không còn yêu thương và bỏ bê con cái.
5. Đồng hành cùng con trước và sau khi ly hôn
Ly hôn mang đến cho bố mẹ sự nhẹ nhõm sau khi kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, với con cái, quyết định chấm dứt hôn nhân của bố mẹ để lại mất mát vô cùng to lớn. Cảm giác mất mát, trống vắng thể hiện rõ nhất khi trẻ không còn được gặp gỡ bố mẹ thường xuyên. Vì vậy, để giúp trẻ vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn, cả hai nên đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này.
Thời gian đầu sau ly hôn thật sự rất khó khăn đối với trẻ. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên cạnh con để trẻ không cảm thấy cô đơn và đau khổ. Sự đồng hành của bố mẹ giúp trẻ hiểu rằng bản thân luôn có ba mẹ ở bên cạnh dù cả hai đã không còn chung sống cùng nhau.
Trong giai đoạn này, trẻ có thể chủ động muốn gặp bố/ mẹ vì cảm giác thiếu vắng. Để trấn an và giúp con trẻ ổn định tinh thần, bố mẹ nên có mặt khi trẻ cần. Nếu công việc quá bận rộn, nên sắp xếp thời gian để gặp trẻ ít nhất 1 lần/ tuần. Sự có mặt thường xuyên của bố/ mẹ sẽ giúp trẻ chấp nhận việc bố mẹ ly hôn và không bao giờ cảm thấy thiếu vắng tình yêu thương.
6. Giúp trẻ bộc lộ cảm xúc của bản thân
Phản ứng của các trẻ khi biết bố mẹ ly hôn không hoàn toàn giống nhau. Một số trẻ có phản ứng quá khích, kích động nhưng sau đó dần chấp nhận và liên tục đặt ra nhiều câu hỏi. Trong những trường hợp này, trẻ thường cởi mở và dễ dàng vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn.
Ngược lại, có nhiều trẻ trở nên trầm mặc, ít nói và không muốn gặp gỡ, giao tiếp với bất cứ ai. Trẻ có thể che giấu cảm xúc của chính mình trước cú sốc quá lớn. Vai trò của bố mẹ là giúp trẻ bộc lộ cảm xúc của bản thân. Bố mẹ nên dựa vào tính cách và độ tuổi của trẻ để lựa chọn cách giải quyết phù hợp.
Với trẻ che giấu cảm xúc và trở nên trầm mặc, bố mẹ nên chủ động tìm gặp con để trò chuyện, trấn an. Nên hợp thức hóa cảm xúc của con bằng những câu nói như “Bố mẹ biết con đang rất buồn”, “Bố mẹ rất xin lỗi khi khiến con phải buồn như thế này nhưng bố mẹ đã không còn lựa chọn nào khác”.
Những câu nói trên sẽ giúp trẻ bộc lộ cảm xúc của chính mình. Trẻ có thể khóc lóc, la hét, tuyệt vọng và đau khổ. Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng vì khi trẻ bộc lộ cảm xúc thật, mọi sự kìm nén bên trong sẽ được giải tỏa. Lúc này, con sẽ cởi mở hơn với bố mẹ và mong muốn được giải đáp mọi thắc mắc có liên quan.
Khi con thắc mắc vì sao ly hôn khiến mọi người đều buồn và đau khổ nhưng bố mẹ vẫn quyết định làm như vậy, bố mẹ nên nói để con hiểu rằng cả hai đã phải đối mặt với sự đau khổ này rất dài. Ly hôn để lại những mất mát đối với bản thân bố mẹ và con cái. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều sẽ vượt qua và bắt đầu cuộc sống mới tốt hơn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con là không bao giờ thay đổi.
7. Luôn thể hiện sự quan tâm và tình cảm với con
Sự mất mát là điều mà con trẻ cảm nhận rõ nhất khi bố mẹ ly hôn. Chính vì vậy, bố mẹ cần thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương với con cái một cách thường xuyên hơn. Không ít gia đình có xu hướng sử dụng vật chất để bù đắp những thiếu thốn cho con. Tuy nhiên, điều này gây ra tâm lý không ổn định và khiến trẻ luôn cảm thấy thiếu vắng tình cảm gia đình.
Theo các chuyên gia, tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ là điều mà trẻ cần nhất sau khi gia đình tan vỡ. Bởi điều mà trẻ lo sợ là bố mẹ không còn yêu thương bản thân mà sẽ xây dựng gia đình mới và dành tình yêu cho những đứa con khác.
Sau khi ly hôn, bố mẹ nên sắp xếp thời gian để gặp gỡ trẻ thường xuyên và cố gắng có mặt khi trẻ cần. Những hành động quan tâm, sự yêu thương của bố mẹ sẽ giúp con an tâm và thích ứng nhanh với cuộc sống mới. Ngoài ra, bố, mẹ cũng nên nhờ sự hỗ trợ của những thành viên khác trong gia đình để trẻ cảm nhận được bản thân luôn yêu thương và có vị trí quan trọng như thế nào.
Nếu có thể, bố mẹ nên xuất hiện cùng nhau để trẻ cảm thấy gia đình vẫn vẹn nguyên dù cả hai không còn sống chung. Cả gia đình có thể cùng vui chơi, mua sắm, nấu nướng để con được nuôi dưỡng tình yêu thương và không cảm thấy mất mát khi bố mẹ ly hôn. Bố mẹ nên cố gắng cùng có mặt trong những sự kiện quan trọng như sinh nhật trẻ, lễ tốt nghiệp,…
8. Cố gắng duy trì môi trường như cũ
Sau khi ly hôn, bố mẹ sẽ dọn ra ở riêng nên trẻ sẽ phải thay đổi môi trường sống, học tập và bạn bè. Theo các chuyên gia, nên hạn chế những thay đổi đột ngột trong giai đoạn nhạy cảm này. Tốt nhất, bố hoặc mẹ nên ở cùng với trẻ tại nhà cũ để tránh tình trạng trẻ phải chuyển trường và thay đổi môi trường sống.
Nếu cả hai buộc phải bán nhà cửa để phân chia tài sản, nên cố gắng không chuyển đi quá xa. Như vậy, trẻ vẫn có thể học tập tại ngôi trường cũ và có sự đồng hành của bạn bè thân thiết. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cố gắng duy trì nếp sống, kỷ luật và thói quen sinh hoạt như trước để trẻ không phải thích nghi liên tục.
Sự thay đổi đột ngột từ môi trường sống, học tập, thói quen sinh hoạt, bạn bè,… sẽ khiến cho trẻ bị stress và tổn thương tâm lý sâu sắc. Những thay đổi này khiến cho trẻ luôn có cảm giác bấp bênh và bất an. Do đó, nên hạn chế tối đa những thay đổi sau khi ly hôn.
Sự ổn định sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn và không phải liên tục thay đổi để thích nghi. Điều duy nhất trẻ cần thích nghi trong giai đoạn này là không được gặp bố hoặc mẹ thường xuyên. Khi trẻ sống cùng một trong hai người, tuyệt đối không nói về vợ/ chồng cũ với từ ngữ tiêu cực và nặng nề. Cả hai nên giữ nguyên vai trò làm cha, làm mẹ và xây dựng hình tượng tốt nhất trong mắt con trẻ.
9. Trao đổi với giáo viên
Ly hôn là quyết định lớn trong cuộc sống của con trẻ. Sự hợp tác của cả hai cùng với cách cư xử khéo léo, tinh tế sẽ giúp con trẻ nhanh chóng ổn định lại tinh thần. Tuy nhiên, ngoài những mất mát và thiếu vắng khi gia đình tan vỡ, trẻ sẽ phải đối mặt với những lời chọc ghẹo từ bạn bè.
Gia đình nên chủ động trao đổi với giáo viên để con trẻ được quan tâm kịp thời. Với những trẻ có gia đình không hạnh phúc, giáo viên sẽ chú ý hơn đến tâm lý của con trẻ. Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ giúp trẻ vượt qua những lời chọc ghẹo và tự tin hơn khi học tập. Sự quan tâm của thầy cô giáo sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn và thoải mái hơn khi học tập.
Một số trẻ không muốn chia sẻ, trò chuyện với bố mẹ nhưng lại rất cởi mở với thầy cô giáo. Thầy cô sẽ giúp trẻ ổn định tinh thần trong giai đoạn này và có động lực để sống, học tập tốt. Khi nhận được sự yêu thương và quan tâm của tất cả những người xung quanh, cảm giác mất mát và bấp bênh khi bố mẹ ly dị sẽ vơi đi nhiều phần.
10. Cho trẻ tham vấn tâm lý khi cần thiết
Nếu trẻ không thể vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn, gia đình nên cho trẻ tham vấn tâm lý khi cần thiết. Thực tế, ly hôn là sự kiện khủng hoảng đối với tâm lý của con trẻ. Với người lớn, ly hôn đôi khi chỉ là sự chấm dứt cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, con trẻ chưa bao giờ là người lớn nên chúng không thể đối mặt và vượt qua điều này một cách dễ dàng như bố mẹ.
Chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc và vượt qua cảm giác mất mát, đau khổ, bi quan. Đồng thời có cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan hơn về quyết định của bố mẹ. Tham vấn tâm lý cũng sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, từ đó con trẻ có thể thích nghi với cuộc sống mới một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Vượt qua nỗi đau khi cha mẹ ly hôn là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, bố mẹ cần kiên nhẫn, khôn khéo và tinh tế trong cách ứng xử. Nếu có giải pháp phù hợp, con trẻ có thể vượt qua tổn thương tinh thần và trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!