Mẹo hay giúp giảm stress trong học tập, thi cử
Trước áp lực học hành, học sinh, sinh viên luôn phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ và những kỳ thi căng thẳng. Các bạn cần chuẩn bị điều gì để vượt qua vũ môn thật tốt? Bài viết này sẽ giới thiệu 8 mẹo hay giúp giảm stress trong học tập, thi cử mà độc giả không thể bỏ qua.
1. Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của một sĩ tử. Trước khi bước vào kỳ thi, đừng vì mải mê vùi đầu trong sách vở mà ăn uống qua loa hoặc bỏ bê bản thân. Bởi điều này sẽ khiến bạn càng thêm mệt mỏi, suy nhược và kiệt sức.
Một thực đơn cân đối, lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất thiết yếu từ trái cây, thịt cá, rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu… có thể giúp bạn duy trì sức khỏe dẻo dai và trí tuệ sáng suốt. Đặc biệt, sữa tươi và sữa chua là hai thực phẩm bổ trợ không thể thiếu trong quá trình học hành, thi cử cực nhọc.
Nếu buộc phải thức khuya học bài, bạn nên thưởng thức trà thảo mộc để tỉnh táo, minh mẫn hơn thay vì dùng cà phê hay trà đặc. Việc tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể khiến bạn trở nên lo lắng, bồn chồn và mất ngủ đấy!
2. Thiết lập kế hoạch học tập cụ thể
Mỗi ngày của chúng ta chỉ gói gọn trong 24 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, mỗi người đều có hàng tá công việc cần làm. Cách duy nhất để tiết kiệm và tận dụng thời gian tối đa chính là lập ra thời gian biểu hoặc kế hoạch học tập. Thói quen này giúp các bạn học sinh, sinh viên lần lượt thực hiện nhiệm vụ đúng hạn và ôn luyện cẩn thận thay vì quay cuồng, chìm đắm giữa một núi kiến thức trong sách giáo khoa.
Hãy luôn bám sát thời khóa biểu trên lớp để đặt ra những mục tiêu chi tiết mỗi ngày. Tuần này, bạn sẽ học môn nào? Thầy cô có giao bài tập về nhà không? Nếu có, bạn đã làm bài tập chưa? Nếu chưa, bạn cần phân bổ thời gian ra sao để kịp hoàn thành? Trước khi bắt đầu tuần mới, tháng mới, bạn nên dành ra 10 – 15 phút để tổng kết nhiệm vụ sắp tới và thiết lập deadline cho mình.
Nếu chỉ còn 1 tháng nữa là đến kỳ thi quan trọng (chẳng hạn thi chuyển cấp, thi đại học), chắc hẳn bạn đang vô cùng hoang mang, lo lắng trước khối lượng bài vở khổng lồ. Bên cạnh đó, áp lực điểm số cũng khiến nhiều người trẻ căng thẳng, mệt mỏi.
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng này, bạn cần lên kế hoạch ôn luyện càng sớm càng tốt, bắt đầu từ việc liệt kê những đầu việc, bộ môn cần giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Ngay cả khi ngày thi đã đến gần, bạn cũng đừng quá bối rối. Hãy hít thở thật sâu và bình tĩnh suy nghĩ phương án xử lý tốt nhất có thể.
Tùy thuộc khả năng tập trung, độ khó của kỳ thi và quyết tâm học hành, chỉ có bạn mới có thể hiểu rõ giới hạn và tiềm năng của mình. Nếu cảm thấy quá lo lắng và chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo ý kiến của cô bạn thân chăm chỉ, anh chị hoặc ba mẹ mình, biết đâu họ có thể giúp bạn gỡ rối dễ dàng!
3. Sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý
Cách học nước rút “quên ăn quên ngủ” thường không mang đến kết quả cao đúng như kỳ vọng. Một giấc ngủ ngon đảm bảo bộ não được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, từ đó phục hồi tinh thần và ghi nhớ tốt hơn. Chỉ khi ngủ đủ, ngủ đúng, bạn mới có thể thoải mái, tự tin và tràn đầy hứng khởi để tiếp tục chú tâm vào kỳ thi của mình.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên xem nhẹ nhu cầu giải trí chính đáng của bản thân. Sau một khoảng thời gian tập trung cao độ, bộ não và đôi mắt cần được thư giãn bằng những bản nhạc hay, một bộ phim ngắn ý nghĩa hay vài trang sách thú vị. Khi cảm thấy quá tải, không thể thu nạp thêm kiến thức mới nữa, hãy cho phép bản thân được giải tỏa căng thẳng với những hoạt động yêu thích.
4. Tránh ôm đồm quá nhiều thứ
Học tập là quá trình trau dồi, rèn luyện cả đời, trong đó, bạn tạm thời từ bỏ một số thú vui, sở thích để theo đuổi những kiến thức nền tảng, quan trọng. Hơn nữa, bạn cũng không nên “đứng núi này, trông núi nọ” học thêm nhiều thầy cô cùng lúc cho mỗi môn học, tham gia quá nhiều cuộc thi hay luôn cố gắng nổi bật ở mọi sự kiện.
Sức khỏe và năng lực của mỗi người rất khác nhau. Bạn cần thực sự hiểu rõ bản thân để đưa ra quyết định khôn ngoan và phù hợp nhất.
Vì suy cho cùng, tuy kết quả học tập và hoạt động phong trào rất quan trọng nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tâm lý, sức khỏe và tinh thần ham học hỏi của bạn. Hãy cố gắng điều chỉnh việc học, sao cho “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thay vì một chuỗi ngày tranh đấu, lo lắng, buồn bã và kiệt sức.
Trong mọi trường hợp, bạn nên thiết lập những mục tiêu cụ thể, thiết thực và phù hợp với khả năng của chính mình. Bởi nếu tự đặt cho mình kỳ vọng quá lớn, thậm chí hão huyền, nỗi buồn thất bại sẽ khiến bạn thêm áp lực, căng thẳng.
5. Tự nhủ rằng điểm số không phải tất cả
Điểm số chính là thước đo năng lực của học sinh, sinh viên trong chặng đường học tập gian khổ. Tuy nhiên, đây chưa phải là tiêu chí đánh giá đầy đủ và toàn diện. Việc học chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta học hành vì chính mình, với mong muốn hiểu biết cặn kẽ, sâu rộng và không ngừng tiến về phía trước.
Tất nhiên, điểm số hoàn hảo sẽ khiến học bạ, bảng điểm của bạn thêm lung linh, ấn tượng. Thế nhưng, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự hào và hãnh diện hơn nữa khi bản thân đã cố gắng hết mình trong kỳ thi và làm bài trọn vẹn. Lúc đó, điểm số sẽ là “huy chương” sáng chói ghi nhận thành tích và công sức của bạn.
Hãy luôn kiên trì phấn đấu, chăm chỉ học hành và chuẩn bị đầy đủ. Sự “thực học” mới là điều quan trọng và đáng quý nhất. Luôn tự nhủ rằng điểm số không phải là tất cả vì dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, bạn đã thực sự nỗ lực 200%.
6. Chia sẻ với những người thân thương
Trong giai đoạn dậy thì và thành niên, sự thay đổi toàn diện về mặt tâm – sinh lý khiến nhiều học sinh ngày càng xa cách với phụ huynh, khó lòng mở lòng tâm sự. Đã có nhiều bạn trẻ lên mạng xã hội đăng bài than thở để rồi không may gặp phải kẻ xấu buông lời xúi giục tiêu cực.
Trong trường hợp này, nếu cảm thấy chuyện học hành đang vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể tìm kiếm lời khuyên của giáo viên chủ nhiệm, thầy cô mà bạn yêu mến hay hội bạn thân thiết. Mọi vấn đề đều có hướng giải quyết. Hãy chủ động nhờ đến sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy và tuyệt đối không dễ dàng “trông mặt mà bắt hình dong”.
7. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước kỳ thi
Trước khi bước vào kỳ thi, chúng ta cần trang bị đầy đủ vật dụng cá nhân. Mỗi môn học, bài thi yêu cầu một số dụng cụ học tập khác nhau. Hãy chuẩn bị cẩn thận, đồng thời mua thêm 1 – 2 món đề phòng. Hơn nữa, bạn cần đảm bảo rằng vật dụng cá nhân của mình phù hợp với quy định về chủng loại, màu sắc, công dụng. Điều này giúp bạn thêm tự tin và bình tĩnh trước khi vượt qua vũ môn.
Thêm vào đó, việc chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi vô cùng quan trọng. Để vững tin, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, bạn cần:
- Duy trì thái độ lạc quan trong quá trình ôn luyện, luôn tự động viên bản thân rằng bạn có thể hoàn thành bài thi thật tốt
- Vận động nhẹ nhàng trước ngày thi nhằm hạn chế tình trạng căng cơ và giải tỏa áp lực tinh thần sau những giờ học tập căng thẳng
- Ngủ sớm, ngủ đủ để luôn tỉnh táo, minh mẫn và tràn đầy năng lượng tích cực trước ngày thi
- Đến trường thật sớm nhằm có thêm nhiều thời gian để lựa chọn chỗ ngồi thoải mái, hít thở sâu và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, nhờ đó trở nên bình tĩnh, thư thái hơn
8. Áp dụng mẹo giảm stress khi thi cử
Lúc vào phòng thi, bạn cần lắng nghe giám thị thông báo quy chế để nắm vững mọi thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, trong lúc làm bài, bạn hãy lưu ý:
- Luôn đọc kỹ yêu cầu đề bài
- Đọc sơ một lượt đề thi để biết các phân bổ thời gian hợp lý
- Viết ra khái niệm, chi tiết, công thức hoặc từ khóa quan trọng vào giấy nháp
- Ưu tiên giải quyết các câu hỏi dễ
- Cố gắng tập trung vào bài làm của mình, không thảo luận, hỏi bài hoặc sao lãng vì những thí sinh xung quanh
- Nếu gặp phải câu hỏi khó, hãy ghi chú, bỏ qua rồi tiếp tục làm các câu tiếp theo, sau đó quay lại hoàn thành nếu vẫn còn thời gian
- Hít thở sâu khi bắt đầu căng thẳng
- Nếu cảm thấy không khỏe, đau bụng, muốn đi vệ sinh hoặc bị các thí sinh khác làm phiền, hãy lễ phép xin phép/thông báo với giám thị
Bài viết đã tổng hợp 8 mẹo hay giúp giảm stress trong học tập và thi cử mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Học tập là một chặng đường chông gai, gian khổ nhưng cũng đầy thi vị, vinh quang. Hãy luôn cố gắng cần cù, kiên định, chăm chỉ và say mê với kiến thức bổ ích từ các môn học. Khi đó, việc học của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, sống động và đầy cảm hứng.
Có thể bạn quan tâm
- Triệu chứng căng thẳng mệt mỏi – Cách thoát khỏi stress
- 24 cách giải tỏa stress trong công việc bạn nên biết
- Bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?
- Căng thẳng stress có thể gây thừa cân béo phì
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!