24 cách giải tỏa stress trong công việc bạn nên biết
Tình trạng stress kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Trước khi những áp lực, căng thẳng chất chồng hạ gục bạn, hãy áp dụng ngay 24 cách giải tỏa stress trong công việc đơn giản, hiệu quả dưới đây.
24 cách giải tỏa stress trong công việc đơn giản, hiệu quả
Stress trong công việc là tình trạng căng thẳng liên tục hình thành nơi làm việc, đó có thể là áp lực đến từ tiến độ công việc, mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp hay chính từ bản thân nội tại của chúng ta. Khi rơi vào trạng thái này, bạn sẽ trở nên buồn phiền, mệt mỏi, suy nghĩ miên man, dẫn đến suy giảm sức khỏe, suy nhược tinh thần, giảm năng suất lao động và mất đi cảm giác hạnh phúc, hài lòng.
Những người bị stress trong công việc nhiều năm rất dễ mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa, hệ miễn dịch của họ cũng bị ức chế nghiêm trọng. Do đó, các bộ phận của cơ thể thường chịu nhiều tổn thương trước các tác nhân gây hại đến từ môi trường bên ngoài.
Dấu hiệu nhận biết của tình trạng stress trong công việc bao gồm: lo lắng, bồn chồn, đau đầu, tim đập nhanh… Tuy nhiên, đa số người bệnh đều chọn cách uống thuốc giảm đau để cải thiện biểu hiện mỏi cơ, nhức đầu, uể oải. Những cơn đau đầu thường đi kèm hàng loạt suy nghĩ tiêu cực. Đây chính là nguyên nhân khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng.
Để đẩy lùi dứt điểm những triệu chứng phiền toái này, bạn cần tháo gỡ triệt để từng tác nhân gây stress, đồng thời áp dụng 24 cách giải tỏa stress trong công việc sau:
1. Tránh xa cà phê
Nhiều người có thói quen uống nhiều cà phê trước khi bắt đầu ngày mới để cảm thấy tập trung và phấn chấn hơn khi làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, thức uống này chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng hàng đầu.
Tuy có thể giúp chúng ta tỉnh táo và hưng phấn tạm thời nhưng cà phê đồng thời cũng dẫn đến hiện tượng stress trong công việc bởi chúng làm tăng cường nồng độ hormon căng thẳng thần kinh và làm bạn mất ngủ.
Bên cạnh đó, cà phê gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Một khảo sát gần đây cho thấy, sau khi từ bỏ thói quen thưởng thức cà phê, khoảng 75% nhân viên văn phòng đã ngủ ngon và cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.
2. Hạn chế thức khuya
Một giấc ngủ thoải mái, bình yên sẽ giúp bạn luôn tươi vui và tràn đầy năng lượng vào sáng hôm sau. Bằng cách ngủ đủ giấc, đúng giờ, bạn có thể làm việc hết mình vào ban ngày và yên tâm ngủ ngon khi đêm xuống.
3. Tạm ngừng công việc và giải lao tại chỗ
Hiện nay, nhiều nhân viên văn phòng mắc phải sai lầm cơ bản là lười vận động. Thói quen ngồi lỳ tại chỗ suốt nhiều tiếng đồng hồ làm gia tăng sức ỳ của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và kéo giảm hiệu quả công việc.
Khi bị stress trong công việc, chúng ta dường như không thể tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt. Lúc này, đừng ngồi im thụ động để tâm trí chìm trong mớ áp lực, căng thẳng ngổn ngang ấy.
Bạn cần đứng dậy, vươn vai, hít thở thật sâu, rời khỏi chỗ ngồi và di chuyển quanh văn phòng hoặc lang thang ngoài hành lang. Cách giải tỏa stress trong công việc đơn giản này có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thư thái hơn.
4. Xem xét vấn đề theo nhiều hướng khác nhau
Thói quen suy nghĩ thấu đáo về mọi khía cạnh của vấn đề giúp bệnh nhân tìm được góc nhìn khách quan, điềm tĩnh và sáng suốt hơn. Thay vì đổ lỗi hay dằn vặt về chuyện bất-như-ý nào đó, bạn hãy nhẹ nhàng chấp nhận và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Luôn chuẩn bị tâm lý cho kết quả tồi tệ nhất cũng như xây dựng sẵn phương án dự phòng. Bên cạnh đó, bạn cần tập trung vào chất lượng công việc thay vì luôn khư khư với niềm tin rằng mình là kẻ bất tài, vô dụng, thất bại. Bằng cách học hỏi từ quá khứ và kiên trì tiến về phía trước, bạn có thể đạt được thành công trong tương lai.
5. Tự nhắc nhở về những thành tích của bản thân
Mỗi người ít nhiều đều đạt được những thành công nhất định, dù bé nhỏ bình thường đến đâu đi chăng nữa. Khi bị stress trong công việc, độc giả hãy liệt kê các điểm mạnh tính cách và những niềm tự hào nho nhỏ về bản thân trong công việc, cuộc sống, sau đó đọc đi đọc lại nhiều lần.
Thói quen này sẽ truyền cho bạn thêm nhiều cảm hứng để tiếp tục công việc hiện tại dù phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Hãy luôn tự động viên chính mình và nhắc nhở bản thân về những điều tuyệt vời mà bạn đã đạt được nhé!
6. Check mail đúng lúc
Độc giả không nên lãng phí quá nhiều thời gian chỉ kiểm tra và trả lời email. Đây chính là một trong những nhân tố gây sao lãng hàng đầu khiến bạn không thể tập trung đúng mức vào công việc của mình.
Để khắc phục điều này, bạn nên lựa chọn một khung giờ check mail nhất định, tránh mở mail tùy tiện, vào bất cứ khi nào bạn chợt nhớ ra. Có một sự thật phũ phàng rằng, nếu không thể phân bổ thời gian một cách thông minh, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành đống công việc chất núi của mình. Và thế là những áp lực, căng thẳng cứ tiếp tục tìm đến quấy rầy bạn hàng ngày.
7. Quản lý thời gian
Stress trong công việc thường là kết quả của những nhiệm vụ phát sinh và đang chờ được xử lý. Lúc này, khả năng quản lý thời gian sẽ là vị cứu tinh giúp bạn thoát khỏi công việc chất đống. Hãy ngồi xuống, viết ra danh sách những việc cần làm, sau đó sắp xếp chúng theo mức độ ưu tiên để từ từ giải quyết.
Lưu ý, người bệnh không cố gắng mang việc về nhà bởi cách làm này sẽ vô tình tạo thêm nhiều căng thẳng, áp lực tinh thần cũng như rút ngắn thời gian yêu thương bản thân và chăm sóc gia đình của bạn.
8. Làm việc khoa học
Đây là một trong những cách giải tỏa stress trong công việc triệt để nhất. Thói quen làm việc thông minh giúp chúng ta giảm đi nhiều gánh nặng trong công việc. Để làm tốt điều này, bạn có thể lên lịch trình công việc, sắp xếp nhiệm vụ ưu tiên, ghi chú những vấn đề quan trọng, chuẩn bị sẵn giấy tờ, tài liệu, dọn dẹp bàn làm việc…
9. Duy trì khoảng cách phù hợp với đồng nghiệp
Mối quan hệ với đồng nghiệp là vấn đề muôn thuở ở nơi làm việc. Họ có thể là những người bạn thân thiện, thú vị hoặc là nguồn lây lan cảm xúc tiêu cực, chán nản. Trong môi trường công sở, tốt nhất, bạn hãy duy trì khoảng phù hợp với mọi đồng nghiệp, không quá thân thiết, không quá lãnh đạm.
10. Đặt câu hỏi khi chưa hiểu rõ vấn đề
Nếu là một nhân viên mới, bạn có thể sẽ chưa hiểu rõ một số nhiệm vụ phát sinh, quy trình làm việc và văn hóa của công ty. Lúc này, hãy mạnh dạn hỏi lại cấp trên hoặc đồng nghiệp để được hướng dẫn tận tình. Sau khi đã nắm vững yêu cầu, bạn có thể xử lý công việc nhanh chóng, dễ dàng, chính xác và hợp lý nhất có thể. Điều này giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và năng lượng tinh thần.
11. Tham khảo ý kiến của sếp
Trên thực tế, sếp thường là người khiến chúng ta căng thẳng trong công việc. Ngược lại, họ cũng có thể sẵn sàng hỗ trợ khi nhân viên gặp khó khăn hay hướng dẫn bạn cách thức giải quyết vấn đề.
Khi cảm thấy choáng ngợp với hàng loạt nhiệm vụ đầy thách thức, bạn nên lựa chọn thời điểm thích hợp để nhẹ nhàng trao đổi, thảo luận với sếp về những vướng mắc mà bạn đang gặp phải. Hãy trò chuyện chân thành, cởi mở thay vì khiếu nại hay than thở.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ sếp và các đồng nghiệp cùng đội nếu cảm thấy công việc hơi quá sức ở thời điểm hiện tại. Đây chính là giải pháp giúp một tập thể vượt qua áp lực công việc và cùng nhau tiến về phía trước.
Nếu không có mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên, bạn hãy cân nhắc chia sẻ vấn đề của mình với đồng nghiệp có thâm niên và đáng tin cậy nhất công ty. Rất có thể, họ sẽ giúp bạn thu xếp một cuộc trò chuyện với sếp hoặc đưa ra những lời khuyên hữu ích.
12. Lập kế hoạch cho công việc hàng ngày
Để làm việc trôi chảy, thuận lợi, bạn cần lên kế hoạch cụ thể cho công việc hàng ngày. Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy liệt kê những đầu việc cần hoàn thành trong ngày hôm sau, sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để điều chỉnh thời gian thực hiện. Thói quen này giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức để đầu tư vào những nhiệm vụ quan trọng hoặc giải quyết một số vấn đề phát sinh.
13. Nhắm mắt thư giãn
Đây là một trong những cách giải tỏa stress trong công việc đơn giản nhất. Để xua tan căng thẳng ngay lập tức, bạn có thể làm một giấc ngủ ngắn khoảng 5 – 10 phút. Đồng thời, người đọc nên kết hợp nhắm mắt nghỉ ngơi với hoạt động thư giãn bằng những bản nhạc du dương, êm dịu. Đôi khi, chỉ cần nhắm mắt lại và tạm quên đi những áp lực, ưu phiền, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng dễ chịu và thư thái hơn hẳn.
14. Massage
Massage là phương pháp trị liệu căng thẳng, lo âu an toàn, hiệu quả. Người đọc có thể nhẹ nhàng massage khu vực quanh trán và thái dương. Thêm vào đó, thói quen massage cổ gáy cũng góp phần xoa dịu căng thẳng tức thời. Khi cải thiện được các triệu chứng thực thể, những suy nghĩ mông lung, tiêu cực, mệt mỏi cũng dần dần tan biến.
Hãy ủ ẩm vùng vai và cổ trong vòng 10 phút, đồng thời nhắm mắt, thư giãn các cơ vùng cổ, mặt, ngực và sau vai. Khi gỡ bỏ miếng làm ấm, bạn véo dọc xương gờ xung quanh đôi mắt bằng ngón trỏ và ngón cái, bắt đầu từ góc trong và tiến dần sang góc ngoài của mắt, hướng lên phía trên dọc theo chân mày. Tiếp theo, nhẹ nhàng xoa bóp vùng cằm, nhân trung và góc miệng theo hình tròn, chiều kim đồng hồ. Cuối cùng, bạn kết thúc bằng động tác xoa vào thái dương.
15. Thở sâu
Lúc bị stress trong công việc, chúng ta thường có xu hướng dễ dàng buông xuôi mọi cố gắng của bản thân, đồng thời bộc lộ nhiều cảm xúc, hành vi tiêu cực (cáu gắt, khó chịu, bực bội, nhăn nhó…).
Muốn đẩy lùi tình trạng căng thẳng, bạn cần hít thở thật sâu, đều đặn và nhẹ nhàng. Khi đã cân bằng cảm xúc và ổn định tâm trạng, bạn sẽ trở nên điềm tĩnh, chín chắn và tránh được nhiều mâu thuẫn không đáng có với những người xung quanh.
Các chuyên gia khuyến cáo, độc giả nên tập trung hít thở sâu để lồng ngực tràn đầy dưỡng khí, sau đó từ từ thở ra và tĩnh tâm thư giãn, lặp lại nhiều đợt, 10 lần/đợt nhằm kiểm soát những cơn đau đầu do căng thẳng, mệt mỏi.
16. Thực hiện động tác giãn cơ
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi gặp phải căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống, trái tim của chúng ta sẽ co lại và đập nhanh hơn bình thường. Lúc này, việc tập luyện một số động tác giãn cơ cổ, vai và tay chân có thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều endorphin (một trong những hormon tạo nên cảm giác phấn chấn, vui vẻ, lạc quan, đồng thời góp phần giảm đau tự nhiên).
Bệnh nhân chỉ cần đứng lên, vươn vai hoặc đưa tay lên đầu, hít thở thật sâu, cố gắng duỗi thẳng chân và ngón chân. Nếu được, bạn có thể nhảy lò cò như đang chơi ô chữ thời thơ ấu. Hoạt động này giúp các cơ co duỗi và đốt cháy năng lượng hiệu quả.
17. Tâm sự với những người thân thương
Thỉnh thoảng, khi những căng thẳng trong công việc bất ngờ ập đến, bạn có thể gặp mặt, gọi điện, nhắn tin chia sẻ với gia đình, bạn bè.
Sau khi lắng nghe những vấn đề hiện tại của bạn, rất có thể những người thân thương sẽ đưa ra nhiều gợi ý đơn giản và hiệu quả mà bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm. Thậm chí, nếu quá bận rộn với công việc hiện tại, hãy nhờ người thân làm giúp việc nhà để bạn có thêm thời gian hoàn thành deadline.
Hơn nữa, tình trạng áp lực, căng thẳng liên tục trong công việc luôn là một trong những nguyên nhân châm ngòi cho những cuộc tranh cãi trong gia đình. Do đó, độc giả cần chủ động chia sẻ trước khi hiểu lầm trở nên tồi tệ. Nếu thấu hiểu được vướng mắc tâm lý mà bạn đang trải qua, những người thân thương nhất định sẽ tìm cách giúp bạn lấy lại cuộc sống cân bằng.
18. Học cách tập trung
Tình trạng stress trong công việc khiến bệnh nhân mắc kẹt trong mớ cảm xúc tiêu cực, hỗn độn và rối ren. Thay vì quá tập trung vào một vấn đề nan giải, người đọc cần chuyển hướng chú ý và kiểm soát bộ não bằng nhiều suy nghĩ tích cực, lạc quan.
Trong trường hợp này, hãy thử tham khảo ý kiến của những người xung quanh. Điều đó không chỉ khiến bạn sao lãng khỏi những ý nghĩ căng thẳng mà còn giúp bạn tạm thời lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn.
19. Cởi mở, đùa vui
Sẽ thật thú vị và hài hước biết bao nếu bạn nhận được một câu đố dễ thương từ cậu bạn chí cốt hay người đồng nghiệp thân thiết: “Cậu có biết thứ gì bốn chân nhưng không thể đi, chạy?” Câu trả lời quá đơn giản, tất nhiên là cái bàn, cái ghế rồi, đúng không nào?
Những câu đùa vui ngộ nghĩnh, đáng yêu nho nhỏ này sẽ phần nào giúp độc giả quên đi nhưng căng thẳng, áp lực trong công việc. Thật ra, cuộc sống của bạn vẫn tiếp diễn đều đặn với biết bao niềm vui giản dị thường ngày.
Dù trước mắt là bao chông gai, thử thách, hãy vẫn cứ thoải mái, cởi mở, vui vẻ, thân thiện. Đây chính là thái độ sống tích cực tiếp thêm cho bạn nguồn động lực mạnh mẽ để vượt qua những khoảng thời gian khó khăn của cuộc đời.
20. Bắt sóng cơ thể
Bệnh nhân hãy thử “quét” qua toàn bộ cơ thể bằng tâm trí của mình nhằm tìm hiểu xem tình trạng căng thẳng trong công việc đã ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể của bạn suốt những ngày vừa qua. Bạn có thể ngồi tựa lưng vào ghế hay nằm ngửa trên giường, nhắm mắt và cảm nhận.
Bắt đầu từ ngón chân, hãy điều khiển bộ não quét dọc cơ thể lên đến tận đỉnh đầu. Hiện tại, bạn đang cảm thấy như thế nào?
Để cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, hãy vỗ nhẹ vào một số huyệt đạo trên cơ thể nhằm giải phóng nguồn năng lượng tiêu cực đang tích tụ, ứ tắc. Đầu tiên, vỗ nhanh tay theo hướng từ dưới lên và từ cổ gáy đến đỉnh đầu, sau đó, gõ nhịp nhẹ nhàng lên vùng giữa ngực theo tiết tấu 1 lần mạnh và 2 lần nhẹ bằng khớp đốt ngón tay.
21. Nghe nhạc
Nghe nhạc giúp điều hòa nhịp tim, ổn định huyết áp và hạn chế lo âu. Người đọc có thể để tâm trí phiêu lãng cùng những ca từ, giai điệu ngọt ngào, tha thiết và hát theo thì thầm. Thói quen này giúp đầu óc bạn thêm thư thái, an vui và tràn đầy năng lượng.
22. Duy trì tâm trạng tích cực, lạc quan
Hãy dán các tấm ảnh kỷ niệm về các chuyến đi đầy hứng khởi trên đầu giường, kẹp trong ví hoặc đặt ở góc làm việc. Việc lưu giữ và thường xuyên ngắm nhìn những khoảnh khắc tươi đẹp, vui vẻ trong cuộc sống có thể khiến bạn luôn hăng hái, yêu đời và dạt dào nhiệt huyết.
23. Mỉm cười nhiều hơn
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.” Dù công việc áp lực, bận rộn đến đâu đi chăng nữa, hãy luôn dành cho mình những khoảng thời gian lặng lẽ chỉ để mỉm cười thật tươi. Nụ cười chính là liều thuốc xoa dịu tâm trí và chữa lành trái tim. Vì vậy, đừng quên mỉm cười ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, bạn nhé!
24. Chăm sóc bản thân
Dành nhiều thời gian cho bản thân là cách giải tỏa stress trong công việc đặc biệt hiệu quả. Nếu cứ mải mê vùi đầu trong công việc, chúng ta sẽ dễ dàng quên mất những sở thích, thú vui đời thường của mình. Luôn lắng nghe tiếng nói từ trái tim và đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi chính đáng của bản thân. Đó chính là lời khuyên thông thái của nhiều bậc tiền bối.
Những ngày cuối tuần, thay vì tất bật làm thêm, bạn cần tạm dừng nhịp sống hối hả để tận hưởng những phút giây trọn vẹn là chính mình, ở thời điểm hiện tại, với những niềm đam mê nho nhỏ như: vẽ tranh, hát hò, nhảy múa, nấu ăn, học đàn, du lịch…
Căng thẳng, áp lực trong công việc vốn là “chuyện không của riêng ai.” Để phòng tránh tình trạng này, chúng ta cần cố gắng chủ động sắp xếp công việc, bình tĩnh giải quyết khó khăn và tạm thời nghỉ ngơi khi những cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi, bất an lần lượt tìm đến. Với 24 cách giải tỏa stress trong công việc đơn giản trên, chúng tôi hy vọng bạn luôn mạnh mẽ, kiên định và bình tâm tiến về phía trước.
Có thể bạn quan tâm
- Cách giảm stress | 20 bí kíp hiệu quả – Dễ làm cho mọi người
- Triệu chứng căng thẳng mệt mỏi – Cách thoát khỏi stress
- Căng thẳng stress có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt?
- 10 cách giúp mẹ bầu vượt qua stress khi mang thai an toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!