Kỹ năng ứng phó với căng thẳng & kiểm soát cảm xúc
Ứng phó với căng thẳng là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi người. Kỹ năng này giúp chúng ta biết cách kiểm soát cảm xúc và giữ được sự cân bằng trong cuộc sống cũng như đời sống tinh thần. Ngược lại, những người không có kỹ năng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả do căng thẳng tích tụ.
Thế nào là kỹ năng ứng phó với căng thẳng? Những lợi ích mang lại
Ứng phó với căng thẳng được hiểu là những kỹ năng giúp bạn giữ được bình tĩnh, đối mặt và vượt qua những tình huống khó khăn, nan giải trong cuộc sống. Có thể nói, stress – căng thẳng là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Stress tạo ra động lực to lớn để chúng ta nỗ lực hơn mỗi ngày và khám phá được năng lực thực sự của bản thân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng phó với căng thẳng. Áp lực quá mức sẽ dẫn đến hàng loạt các cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ bi quan. Nếu không có kỹ năng ứng phó stress và kiểm soát cảm xúc, các cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át khiến bạn mất bình tĩnh, dễ cáu kỉnh, tức giận và đưa ra những quyết định không sáng suốt.
Tất cả các vấn đề trong cuộc sống đều có thể gây ra căng thẳng. Vì vậy, bạn không thể tránh khỏi những vấn đề này mà buộc phải trang bị cho bản thân các kỹ năng cần thiết. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng ứng phó với căng thẳng cũng có vai trò rất quan trọng trong công việc và quyết định đến sự thăng tiến trong tương lai.
Người có kỹ năng ứng phó với căng thẳng sẽ giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, biết cách giải quyết vấn đề và kiểm soát tốt cuộc sống của bản thân. Bên cạnh đó, kỹ năng ứng phó với stress cũng giúp giảm thiểu những mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ và quan trọng nhất là duy trì trạng thái cân bằng về mặt tinh thần.
Các bước giúp rèn luyện kỹ năng ứng phó với căng thẳng và kiểm soát cảm xúc
Khi đối mặt với căng thẳng, rất khó để giữ được sự bình tĩnh và chế ngự những cảm xúc tiêu cực. Do đó, kỹ năng ứng phó với stress cần phải được rèn luyện trong một thời gian dài. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn cần tuân thủ quy tắc 4T bao gồm:
1. Tránh né
Tránh né là quy tắc đầu tiên giúp bạn giảm thiểu những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Với những tình huống bạn biết chắc chắn sẽ gây căng thẳng, hãy chủ động tránh né để hạn chế phiền toái. Ngoài ra, hãy học cách từ chối trước những đề nghị vô lý và những yêu cầu mà bạn không muốn thực hiện.
Thực tế, rất nhiều người chấp nhận lời nhờ vả của người khác vô điều kiện. Điều này trở thành việc hiển nhiên và những người xung quanh sẽ nghĩ ngay đến bạn khi họ cần sự giúp đỡ. Dù xuất phát từ lòng tốt nhưng việc ôm đồm quá nhiều sẽ khiến bạn quá tải và căng thẳng. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhận lời và học cách né tránh những người mang đến cho bản thân sự căng thẳng cùng với các cảm xúc tiêu cực.
2. Thay đổi
Trong trường hợp không thể né tránh căng thẳng, bạn nên cố gắng thay đổi tình huống theo nhiều chiều hướng khác nhau. Chẳng hạn như người khác liên tục yêu cầu bạn giúp đỡ, hãy thẳng thắn từ chối và thể hiện cảm xúc của bản thân. Lời nói cần phải rõ ràng, dứt khoát với thái độ nghiêm túc để đối phương hiểu được những gì họ làm khiến bạn khó chịu và căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi trực tiếp với những người xung quanh để họ thay đổi thái độ, cách ứng xử nếu điều đó làm bạn khó chịu.
Đối với trường hợp căng thẳng xuất phát từ xung đột gia đình, nên yêu cầu đối phương thay đổi và bạn cũng phải chấp nhận thay đổi theo chiều hướng tích cực để giải quyết mâu thuẫn và xóa bỏ căng thẳng. Việc né tránh trong trường hợp này sẽ không mang lại kết quả tốt và nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của một mối quan hệ. Vì vậy, bạn nên rèn luyện kỹ năng ứng phó với căng thẳng để có thể thay đổi tình huống và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi chính mình để bản thân không vướng vào những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Trong công việc, bạn cần quản lý tốt thời gian và lên kế hoạch làm việc khoa học để tránh sai sót. Đồng thời từ chối những đề nghị từ đồng nghiệp nếu việc họ yêu cầu không nằm trong nhiệm vụ mà bạn phải thực hiện.
Thay đổi cách cư xử và thái độ của chính mình cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu những căng thẳng trong gia đình, mối quan hệ tình cảm, bạn bè và đồng nghiệp. Sự khéo léo không chỉ giúp bạn giảm đi căng thẳng, phiền toái mà còn được mọi người yêu quý và tôn trọng.
3. Tiếp nhận
Có rất nhiều thứ xảy ra trong cuộc sống mà chúng ta không thể né tránh hay thay đổi, chẳng hạn như việc mất người thân, bản thân mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thất bại trong công việc, hôn nhân,… Vì vậy, một kỹ năng khác để bạn ứng phó với căng thẳng là học cách tiếp nhận. Nghe thì đơn giản nhưng sự thật, tiếp nhận là kỹ năng khó nhất mà không phải ai cũng có thể làm được.
Để chấp nhận sự việc, bạn sẽ mất khoảng thời gian khá dài nhưng điều này sẽ tốt hơn so với việc cố gắng thay đổi điều đó và tự lừa dối, huyễn hoặc bản thân. Tiếp nhận những sự việc không mong muốn là cách ứng phó với stress hiệu quả. Khi chấp nhận những điều đã xảy ra, bạn sẽ dễ dàng gạt bỏ chúng lại phía sau và hướng đến tương lai với tâm thế lạc quan nhất.
Đối với những lỗi lầm của người khác, bạn có thể lựa chọn tha thứ hoặc không. Tuy nhiên, cần phải chấp nhận điều không mong muốn đã xảy ra và bạn cần gạt bỏ sự ám ảnh về vấn đề này. Chấp nhận những sự việc xảy ra không đồng nghĩa với việc phải tha thứ cho người khác. Dù vậy, bạn phải chắc chắn bản thân không bị chi phối bởi sự thù hận.
4. Thích nghi
Cuối cùng, cần học cách thích nghi với căng thẳng. Căng thẳng là một tất yếu của cuộc sống và chúng ta không thể thay đổi điều này. Ngoài việc né tránh và thay đổi, bạn cần chấp nhận và thích nghi với những tình huống gây ra căng thẳng.
Những người có khả năng thích nghi tốt thường gặt hái nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Trong khi đó, người thiếu kỹ năng ứng phó với stress sẽ chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực và vật lộn với những suy nghĩ ngổn ngang.
Căng thẳng không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực mà đôi khi còn mang đến những tác động tích cực. Cụ thể, căng thẳng tạo ra động lực để mỗi người có ý thức hoàn thiện bản thân và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, đối mặt với stress cũng giúp chúng ta rèn luyện tính cách mạnh mẽ, dứt khoát và bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Dù muốn hay không, căng thẳng vẫn sẽ diễn ra. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động rèn luyện kỹ năng ứng phó với căng thẳng và biết cách kiểm soát cảm xúc. Với những quy tắc đơn giản trên, bạn sẽ dễ dàng vượt qua stress và giữ được sự cân bằng trong cuộc sống.
Dưới tác động của cuộc sống hiện đại và áp lực học tập, công việc cùng với những mối quan hệ khiến stress trở thành vấn đề mà bất cứ ai cũng phải đối mặt. Hiện tại, việc rèn luyện kỹ năng ứng phó với căng thẳng đã được thêm vào chương trình giáo dục cho học sinh – sinh viên để giúp các em vượt qua stress và biết cách chế ngự cảm xúc của chính mình. Người trưởng thành cũng nên tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chủ động trong cuộc sống và phòng ngừa các vấn đề tâm lý do căng thẳng tích tụ.
Có thể bạn quan tâm
- Tham vấn tâm lý học đường là gì? Quan trọng như thế nào?
- Làm sao để rèn luyện thói quen suy nghĩ tích cực?
- 8 Cách loại bỏ, thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!