Lợi ích của việc kiểm soát cảm xúc trong công việc và cuộc sống
Kiểm soát cảm xúc là kỹ năng quan trọng, cần thiết cho cuộc sống nói chung và công việc nói riêng. Để hiểu hơn tầm quan trọng của kỹ năng này, bạn đọc có thể tham khảo 7 lợi ích của việc kiểm soát cảm xúc trong bài viết sau.
Tầm quan trọng và lợi ích của việc kiểm soát cảm xúc trong công việc, cuộc sống
Cảm xúc là phản ứng của con người trước những yếu tố ngoại cảnh và yếu tố nội sinh (cơn đau, cảm giác khó chịu trong cơ thể). Mỗi yếu tố sẽ mang đến cảm xúc khác nhau như vui vẻ, hạnh phúc, bi quan, buồn bã, u sầu,… tùy thuộc vào đặc điểm và tính chất. Khi có các yếu tố tác động, cơ thể sẽ sản sinh các hormone như dopamin, serotonin, oxytocin, cortisol, adrenaline tạo ra những cảm xúc khác nhau.
Trong cuộc sống, chúng ta phải học cách kiểm soát cảm xúc – kể cả cảm xúc tích cực trong một số hoàn cảnh. Cảm xúc là yếu tố chi phối suy nghĩ và hành vi. Chính vì vậy, việc kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn có suy nghĩ khách quan, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt và có hành động đúng đắn.
Nếu để cảm xúc lấn át, suy nghĩ và hành vi của bạn sẽ bị chi phối ít nhiều. Do đó, kiểm soát cảm xúc là kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống nói chung và công việc nói riêng. Làm chủ được cảm xúc sẽ giúp bạn gặp nhiều thuận lợi và giảm thiểu tối đa những tình huống căng thẳng, mâu thuẫn.
Để hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc trong công việc và cuộc sống, bạn có thể tham khảo những lợi ích sau:
1. Giảm thiểu xung đột và mâu thuẫn
Những sự kiện xảy ra không như mong muốn có thể khiến bạn có cảm xúc mạnh mẽ như phẫn nộ, tức giận, ganh ghét, đố kỵ,… Đặc biệt, cảm xúc có thể tăng lên trong các cuộc tranh luận khiến bạn khó kiểm soát được lời nói và hành vi. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, bạn có thể đưa ra những quyết định thiếu khách quan và thể hiện cái tôi quá mức cần thiết.
Chính vì vậy, trong cuộc sống cũng như công việc, bạn cần học cách chế ngự cảm xúc của bản thân. Kiểm soát tốt cảm xúc giúp tránh tình trạng đưa ra những quyết định và ý kiến mang tính cá nhân, phiến diện. Đồng thời giữ cho bản thân thái độ chừng mực, đánh giá khách quan các vấn đề và đưa ra những quyết định sáng suốt.
Quản lý cảm xúc có thể giảm thiểu những xung đột và mâu thuân không đáng có trong công việc – nhất là khi bạn phải đối mặt với những người làm việc thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc nổi nóng và cáu gắt trong trường hợp này không phải là giải pháp. Thay vào đó, thái độ bình tĩnh và cách cư xử khéo léo mới chính là “chìa khóa” giúp xoa dịu tình hình và tìm được hướng giải quyết phù hợp nhất.
2. Mở rộng và duy trì các mối quan hệ
Quản lý tốt cảm xúc sẽ giúp bạn tránh những mâu thuẫn trong cuộc sống. Điều này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Người quản lý tốt cảm xúc của bản thân sẽ có lời nói, hành động đúng mực, nhờ vậy sẽ dễ dàng mở rộng các mối quan hệ trong công việc cũng như cuộc sống.
Trong các mối quan hệ, việc xảy ra tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu chế ngự được cảm xúc nóng nảy, tức giận của bản thân, bạn có thể kiểm soát tình huống tránh để mọi việc đi quá xa.
Ngược lại, người để cảm xúc lấn át thường có lời nói, hành vi gây tổn thương người khác. Hậu quả là khiến mối quan hệ không được thân thiết như trước và đôi khi đối phương có thể yêu cầu chấm dứt vì không chấp nhận được những lời nói từ bạn.
Chính vì vậy, lợi ích lớn nhất của việc kiểm soát cảm xúc trong công việc và cuộc sống là duy trì các mối quan hệ – đặc biệt là những mối quan hệ trong công việc. Ngoài ra, khi quản lý tốt cảm xúc và có cách hành xử đúng mực, bạn cũng có cơ hội kết bạn với nhiều người. Bởi không ai muốn trong một mối quan hệ với người sống cảm tính và bị cảm xúc chi phối quá nhiều.
3. Gây ấn tượng tốt trong công việc cũng như cuộc sống
Lợi ích khác của việc kiểm soát cảm xúc là tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp, bạn bè và những người xung quanh. Khi xảy ra tình huống không mong muốn, cảm xúc, lời nói và cách ứng xử chính là tiêu chí để người khác đánh giá về bạn. Nếu biết chế ngự cảm xúc và giữ được bình tĩnh, bạn sẽ gây được ấn tượng tốt và trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt đồng nghiệp.
Ngược lại, người bộc lộ hết cảm xúc sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp và cảm tính. Hơn nữa, sự giận dữ, phẫn nộ và ganh ghét cũng sẽ khiến bạn có những lời nói và hành vi mang tính thù địch, thiếu khách quan. Trong công việc, đây là điều tối kỵ. Đa số những người có tính cách này ít được đánh giá cao và không có nhiều cơ hội thăng tiến.
Chưa kể, việc bộc lộ cảm xúc một cách thoải mái trong các tình huống còn khiến bạn đối mặt với nhiều vấn đề và phiền toái. Trong mắt mọi người, bạn sẽ bị đánh giá là người chưa trưởng thành, thiếu chín chắn và điềm tĩnh. Do đó, dù có năng lực tốt, cấp trên cũng sẽ khó lòng đặt niềm tin vào bạn.
4. Ít bị lợi dụng và thao túng tâm lý
Cảm xúc là thứ rất dễ bị thao túng. Nếu không quản lý tốt cảm xúc của chính mình, đồng nghiệp và những người xung quanh có thể lợi dụng điểm yếu của bạn để thao túng tâm lý. Thực tế, trong cơn nóng giận và phẫn nộ, bạn rất khó nhìn nhận mọi thứ khách quan và dễ dàng bị dẫn dắt bởi lời nói của người khác.
Trong công việc, không ít đồng nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy, bạn cần phải quản lý tốt cảm xúc của chính mình để tránh bị lợi dụng và thao túng. Bởi những đối tượng xấu thường nhắm vào những người nhẹ dạ, tính cách nóng nảy và dễ mất kiểm soát. Trong khi đó, họ luôn có sự dè chừng nhất định với những người giữ được sự điềm tĩnh trong mọi tình huống.
5. Kiểm soát cảm xúc giúp làm việc hiệu quả hơn
Cảm xúc, tư duy (suy nghĩ) và hành vi là 3 yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi có cảm xúc tiêu cực, bạn cũng sẽ hình thành suy nghĩ và hành vi có tính chất tiêu cực, bi quan. Chính vì vậy, cần quản lý tốt cảm xúc của bản thân để làm việc và học tập hiệu quả hơn.
Khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, giận dữ, phẫn nộ, đố kỵ, ghen ghét,… bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ tập trung và dễ mắc phải sai sót trong quá trình làm việc. Trong khi đó, người giữ được sự điềm tĩnh trong mọi tình huống có thể ổn định hiệu suất làm việc và đảm bảo công việc luôn được hoàn thành đúng tiến độ.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, người không kiểm soát được cảm xúc sẽ phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt và về lâu dài có thể gây giảm trí nhớ. Để cảm xúc lấn át khiến bạn giữ những suy nghĩ tiêu cực, có tính thù địch với đồng nghiệp và những người xung quanh. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tập trung và khiến bạn dễ bị lơ đễnh trong công việc.
6. Gặp thuận lợi hơn trong công việc và cuộc sống
Kiểm soát tốt cảm xúc giúp bạn ứng xử khéo léo, tránh được những xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống. Điều này có vai trò rất quan trọng đối với cách nhìn nhận của người khác về bản thân. Trong công việc, quản lý cảm xúc là kỹ năng quan trọng hàng đầu bên cạnh năng lực giỏi và tinh thần cầu tiến.
Nếu học được cách kiểm soát cảm xúc, bạn sẽ dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp và nhận được sự yêu quý của đồng nghiệp. Ngoài ra, người giỏi kiểm soát cảm xúc cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống thay vì phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn và phiền toái.
7. Giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý, thể chất
Cảm xúc có mối liên hệ mật thiết đối với sức khỏe tâm lý và thể chất. Khi có cảm xúc tích cực, cơ thể sẽ sản sinh hormone endorphin, adrenaline, dopamin và serotonine. Các hormone này tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, phấn chấn, hồi hộp, mong chờ,…
Sự gia tăng của các hormone kể trên còn có tác dụng thư giãn cơ, giảm đau nhức xương khớp và điều hòa hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, những người có suy nghĩ lạc quan và thái độ sống tích cực ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe và tuổi thọ cao.
Ngược lại, nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc, bạn sẽ phải đối mặt với sự tức giận, nóng nảy, buồn bã, bi quan, tuyệt vọng,… trong một thời gian dài. Những cảm xúc tiêu cực này làm gia tăng hormone cortisol và adrenaline trong một thời gian dài. Tình trạng này đã được xác định có mối liên hệ với một số bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau đầu, đau dạ dày,…
Như vậy ngoài những lợi ích trên, quản lý tốt cảm xúc còn giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, người mắc các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, stress,… khó có thể kiểm soát được cảm xúc – ngay cả khi ý thức được bản thân đang có những cảm xúc không phù hợp. Những trường hợp này cần phải can thiệp điều trị để có thể làm chủ được cảm xúc và suy nghĩ.
Kiểm soát cảm xúc mang đến nhiều lợi ích trong công việc cũng như cuộc sống. Ngoài năng lực chuyên môn, bạn nên tập cho mình kỹ năng quan trọng này để gặp nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
- 8 Cách Loại Bỏ, Thoát Khỏi Những Suy Nghĩ Tiêu Cực Trong Cuộc Sống
- Suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống?
- Làm sao để rèn luyện thói quen suy nghĩ tích cực?
- 7 dấu hiệu bị thao túng tâm lý nơi công sở và cách đối phó
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!