7 dấu hiệu bị thao túng tâm lý nơi công sở và cách đối phó
Thao túng tâm lý nơi công sở là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển cá nhân và tinh thần làm việc chung. Việc quan trọng cần làm là ngăn chặn tình trạng này và đảm bảo trải nghiệm làm việc tích cực của mọi người nơi công sở.
Hiểu về thao túng tâm lý nơi công sở
Thao túng tâm lý là một kiểu lạm dụng tình cảm mà trong đó người thao túng cố gắng làm cho nạn nhân nghi ngờ suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức của chính họ. Người thao túng sử dụng nhiều hành vi khác nhau như nói dối, phủ nhận để khiến nạn nhân bối rối và buộc bản thân phải chấp nhận một thực tế sai lầm.
Hiện tượng này có thể xảy ra ở nơi làm việc. Thực tế cho thấy thao túng tâm lý nơi công sở là một vấn đề phổ biến trong nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Mọi người trong cùng một tổ chức đều có thể là đối tượng bị thao túng, từ nhân viên đến quản lý và cấp trên, tùy thuộc vào các tình huống cụ thể và các yếu tố trong môi trường làm việc.
Ví dụ, một người quản lý quên giao nhiệm vụ cho một nhân viên, nhưng sau đó phủ nhận sai sót của mình và khẳng định nhân viên đó đã không hoàn thành nhiệm vụ. Kẻ bạo hành có thể giả vờ như mình không làm gì sai, điều này khiến nhân viên nghi ngờ bản thân.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Paul Babiak và Robert Hare cho thấy khoảng 1 trong 5 CEO có những đặc điểm của bệnh tâm thần – chứng rối loạn nhân cách được đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm, có xu hướng thao túng và lợi dụng người khác. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy những đặc điểm tâm lý phổ biến ở các nhà lãnh đạo công ty có thể có những tác động nghiêm trọng đối với tổ chức của họ.
Thống kê này nhấn mạnh sự cần thiết của người lao động phải nhận thức được các dấu hiệu thao túng tâm lý tại nơi làm việc và các chiến lược đối phó với nó.
7 Dấu hiệu nhận biết bị thao túng tâm lý nơi công sở
Các hình thức thao túng ngày càng tinh vi và điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu phổ biến của thao túng tâm lý tại nơi làm việc, cụ thể:
1. Liên tục đánh giá tiêu cực về hiệu suất làm việc
Nếu người lao động liên tục nghe thấy những đánh giá tiêu cực và vô căn cứ về hiệu quả công việc, đây rất có thể được xem là dấu hiệu lớn của thao túng tâm lý nơi công sở với những phản hồi thiếu tích cực.
Để xác định xem phản hồi đang nghe có phải là dấu hiệu của thao túng hay không, hãy liên hệ với đồng nghiệp để xác nhận đánh giá của lãnh đạo và quản lý. Nếu nhân viên khác cũng tin rằng đánh giá đó là không chính đáng, hãy nhờ họ giúp mình xác thực lại hành vi của người thao túng.
2. Đồn thổi tiêu cực
Một trong những cách mà kẻ thao túng tra tấn tinh thần người đi làm là nói xấu sau lưng và khiến các nhân viên khác trong công ty quay lưng với mình. Nếu nghe được những tin đồn không đúng sự thật, người lao động nên xem xét để xác định nguồn gốc của tin đồn đó. Bản thân nạn nhân có quyền đứng lên bảo vệ chính mình và dập tắt những tin đồn có hại.
3. Coi thường nỗ lực, cảm xúc và nhận thức
Một cách cực kỳ phổ biến mà những người thao túng khiến nạn nhân nghi ngờ bản thân là coi thường nỗ lực mà họ đã bỏ ra trong quá trình làm việc.
Một nhân viên có thể cảm thấy tự hào về dự án vừa hoàn thành nhưng người thao túng sẽ tìm cách khiến bản thân nạn nhân cảm thấy lẽ ra mình phải hoàn thành công việc đó tốt hơn. Họ sẽ khiến người lao động phải đặt câu hỏi liệu bản thân có nên tự hào về những nỗ lực của mình hay không.
4. Cô lập
Người thao túng sẽ khiến bạn cảm thấy thấp kém bằng cách loại bạn khỏi các hoạt động liên quan công việc như các cuộc họp thường kỳ. Không những vậy đối tượng còn cố gắng cô lập nạn nhân khỏi đồng nghiệp hoặc bạn bè, khiến cho người bị hại cảm thấy cô đơn và dễ bị tổn thương.
5. Thiếu sót thông tin
Khi người quản lý hoặc đồng nghiệp liên tục quên đề cập đến thông tin quan trọng hoặc cố tình bỏ qua thông tin đó khỏi cuộc trò chuyện với nhân viên. Nếu không có kiến thức, thông tin về dự án như cuộc họp hoặc thời hạn, người lao động có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng và tự trách mình vì đã làm việc kém hiệu quả.
6. Lắng nghe có chọn lọc
Thao túng tâm lý có thể xảy ra khi đồng nghiệp hoặc người quản lý lắng nghe nhân viên một cách có chọn lọc và bỏ qua nhiều thông tin mà người lao động thường xuyên cung cấp. Hành vi này có thể khiến nhân viên nghi ngờ khả năng giao tiếp hoặc ghi nhớ chính xác cuộc trò chuyện của mình.
7. Thích chỉ ra vấn đề
Những người thao túng ở vị trí cao trong tổ chức thích chỉ ra vấn đề nhưng không quan tâm đến việc hỗ trợ tìm ra giải pháp. Thay vì đưa ra bất kỳ ý tưởng hoặc đánh giá hữu ích nào, nhà lãnh đạo có thể chỉ ra bất kỳ sai lầm của nhân viên như một cách để xúc phạm khả năng. Hoàn thành nhiệm vụ công việc chỉ vì bản thân bị hối thúc bởi sự lo lắng là không bền vững và không lành mạnh.
Thao túng tâm lý nơi công sở – Nguyên nhân là gì?
Tình trạng thao túng tâm lý người lao động nơi công sở có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Sự thiếu kiểm soát và quản lý không hiệu quả có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền lực và kiểm soát, tạo ra một môi trường làm việc không minh bạch và công bằng.
- Môi trường làm việc áp lực để đạt được thành tích có thể tạo ra một tâm lý cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhân viên, dẫn đến thái độ thiếu hợp tác và thậm chí là thao túng.
Thao túng tâm lý nơi công sở – Hậu quả khôn lường
Thao túng tâm lý nơi công sở có thể gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người đi làm.
1. Ảnh hưởng sức khỏe thể chất
Áp lực liên tục từ việc bị thao túng tâm lý có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như đau cơ, đau lưng, đau đầu và rối loạn tiêu hóa. Đồng thời căng thẳng mãnh liệt có thể làm giảm hệ miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị bệnh và khó phục hồi từ các bệnh tật.
Môi trường làm việc không lành mạnh có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, những áp lực và căng thẳng tâm lý có thể khiến người lao động dễ mắc các thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và ăn uống không cân đối.
2. Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần
Những áp lực và căng thẳng từ môi trường làm việc không làm lành mạnh có thể tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm và suy nhược tinh thần. Từ đó sức khỏe tinh thần của người lao động trở nên kém dần khiến cho hiệu suất lao động giảm.
Những trải nghiệm tiêu cực và thiếu công bằng tại công sở có thể làm giảm tự tin của cá nhân. Ngoài ra cảm giác cô đơn, cô lập trong tại nơi làm việc còn dẫn đến sự tách biệt và không hòa nhập được với các bộ phận, đoàn thể.
3. Hệ lụy cho tổ chức và xã hội
Thao túng tâm lý làm giảm hiệu suất công việc, dẫn đến sự suy yếu tổ chức và ảnh hưởng xấu đến sự thành công trong kinh doanh. Hậu quả của việc thao túng còn có thể làm tổn thương hình ảnh và uy tín của tổ chức trong cộng đồng và trên thị trường.
Những vấn đề trên có thể làm giảm tinh thần trách nhiệm của người lao động, cùng với môi trường làm việc không lành mạnh có thể khiến nhân viên tài năng rời bỏ tổ chức, gây mất mát đáng kể đối với sự đa dạng lực lượng lao động doanh nghiệp.
Tìm hiểu thêm: 10 Cách giúp nhận diện kẻ thái nhân cách đơn giản, chuẩn xác
Cách đối phó với thao túng tâm lý nơi công sở
Có một số chiến lược đối phó mà mọi người có thể sử dụng để chống lại hành vi thao túng, lấy lại quyền kiểm soát, duy trì sự tự tin và bảo vệ bản thân khỏi tác hại của hiện tượng này.
1. Nhận biết và xác nhận thao túng tâm lý
Trước khi buộc tội ai đó về hành vi thao túng tâm lý, người lao động phải biết khái niệm đó là gì. Hãy tự tìm hiểu về các chiến lược để có thể nhận biết liệu tình trạng đó có đang xảy ra với mình hay không.
Người đi làm cũng có thể nói chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy để cái nhìn khách quan về những gì đang xảy ra và xác nhận những nghi ngờ của mình.
2. Ghi lại hành vi thao túng
Khi bạn nghi ngờ rằng mình đang bị hành hạ hoặc bất kỳ hình thức bắt nạt nào khác tại nơi làm việc, hãy lưu giữ tài liệu bao gồm ngày, giờ và các chi tiết cụ thể.
Người lao động cần ghi lại những gì đã xảy ra và giữ tất cả email, tin nhắn văn bản làm bằng chứng bởi tài liệu này có thể có giá trị để báo cáo hành vi sau này. Việc lưu giữ càng nhiều chi tiết thì người thao túng càng khó phủ nhận hành vi của họ và giúp bạn nhận ra rằng những gì đang xảy ra không phải là lỗi của bạn.
3. Báo cáo hành vi
Nếu hành vi thao túng cấu thành hành vi quấy rối tại nơi làm việc hoặc vi phạm chính sách của công ty, hãy báo cáo tới ban quản lý trong công ty và mang theo tài liệu để hỗ trợ.
Người lao động cần làm quen với các chính sách tại nơi làm việc và luật lao động liên quan đến quấy rối. Việc biết rõ các quyền lợi của mình có thể giúp nạn nhân thực hiện hành động thích hợp. Đồng thời, nộp báo cáo lên ban quản lý hoặc bộ phận nhân sự để giải thích sự thật và tác động của nó đối với sức khỏe tinh thần cũng như khả năng làm việc của bản thân.
4. Yêu cầu giúp đỡ
Nhân viên có thể liên hệ nêu lên vấn đề với đồng nghiệp một cách thận trọng bởi họ luôn là những người sẽ lắng nghe mà không phán xét.
Ngoài ra cách hành động tốt nhất là yêu cầu bộ phận nhân sự hỗ trợ vì có thể đó cũng là vấn đề mà thành viên khác trong công ty đã gặp phải khiến điều này trở nên quen thuộc. Nạn nhân không bao giờ được phủ nhận cảm xúc mà phải giữ vững lập trường của mình, xác nhận sự thật và có niềm tin vào bản thân.
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Thao túng tâm lý có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người lao động. Vì lý do đó, người đi làm phải ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình bằng cách dành thời gian cho các hoạt động nâng cao sức khỏe chẳng hạn như tập thể dục, thiền, chánh niệm, viết nhật ký. Đồng thời dành thời gian cho những người thân yêu hoặc kết nối với thiên nhiên.
Hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần của bản thân quan trọng hơn công việc. Hãy cố gắng đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia để giúp mình giữ vững lập trường.
6. Không chia sẻ thông tin riêng tư
Để bảo vệ các ý tưởng và đóng góp khỏi việc đánh cắp hoặc sử dụng nhằm chống lại chính mình, người lao động nên tránh chia sẻ thông tin mới riêng tư hoặc nhạy cảm với đồng nghiệp, quản lý không đáng tin cậy. Điều này làm giảm khả năng của người thao túng hoặc hạn chế thông tin chia sẻ bị bóp méo.
7. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp
Nếu hiện tượng thao túng tâm lý vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cũng như hiệu suất làm việc của mình, hãy cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Một nhà trị liệu hoặc cố vấn có kinh nghiệm tại công sở có thể đưa ra hướng dẫn, hỗ trợ và chiến lược đối phó phù hợp với tình huống của bản thân. Họ cũng có thể giúp người đi làm điều hướng mọi bước cần thiết để giải quyết tình trạng này tại nơi làm việc.
8. Tìm công việc mới
Rất hiếm trường hợp người thao túng dừng hành vi của mình lại cho nên bản thân cần phải tìm kiếm những cơ hội khác nếu cảm thấy sức khỏe tinh thần bị ảnh thưởng. Và trước khi chấp nhận một công việc mới, hãy nghiên cứu về công ty và văn hóa để chắc chắn rằng nó sẽ mang lại một môi trường làm việc lành mạnh hơn.
Điều quan trọng là phải thừa nhận tác động của thao túng tâm lý tại công sở đối với sức khỏe tâm thần và có sự hỗ trợ cho những cá nhân đã hoặc đang gặp phải hiện tượng này. Đặc biệt phải tạo ra một môi trường an toàn có thể giải quyết các tác động tiêu cực của thao túng tâm lý và thúc đẩy văn hóa nơi làm việc lành mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Guilt trip: Thủ đoạn thao túng tâm lý cần kịp thời phát hiện
- Thái nhân cách (Psychopathy): Biểu hiện và Cách điều trị
- Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!