Mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người. Theo các nhà khoa học cho rằng, nó chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời. Mặc dù thời gian ngủ khác nhau tùy vào từng cá nhân và độ tuổi khác nhau, thế nhưng trung bình một người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể có thể nghỉ ngơi và nạp đầy năng lượng cho một ngày dài hoạt động.
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe của con người
Giấc ngủ là một nhu cầu không thể thiếu của cơ thể chúng ta. Trong quá trình này, các hormone quan trọng sẽ thực hiện quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết. Ngủ còn đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì các hoạt động hằng ngày và góp phần trong việc kích thích sự tăng trưởng của cơ thể. Ngủ đủ giấc còn giúp não bộ thực hiện việc sắp xếp các thông tin tốt hơn, khả năng ghi nhớ dài hạn cũng từ đó mà cải thiện tốt.
Như đã nói, thời gian ngủ của con người tùy thuộc vào từng độ tuổi khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, mỗi ngày cần khoảng 20 tiếng để ngủ và khi độ tuổi càng lớn, giấc ngủ cũng sẽ được rút ngắn lại. Theo các bác sĩ cho rằng, tầm quan trọng của giấc ngủ cũng có thể so sánh với việc ăn uống khoa học và thường xuyên vận động, tập thể dục.
Nếu bạn luôn đảm bảo giấc ngủ đủ thời gian và chất lượng, cơ thể sẽ trở nên khỏe mạnh hơn và có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc phải một số bệnh lý nghiêm trọng. Một số lợi ý nếu bạn ngủ đủ giấc có thể kể đến như sau:
- Các chuyên gia da liễu đã khẳng định rằng, việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gây nám da, mụn và các vấn đề về da khác nhau. Bởi lẽ trong quá trình này, các hormone sinh trưởng bắt đầu sản sinh ra tế bào mới giúp làn da trở nên mềm mại và mịn màng.
- Khi chúng ta ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ có khả năng ngăn chặn nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau. Đối với người già, nó có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạnh, ở nữ giới sẽ phòng ngừa được nguy cơ gây ung thư vú, bệnh tiểu đường hoặc thừa cân.
- Trong một số nghiên cứu tại Mỹ và Nhật Bản ngủ đủ giấc còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Không những vậy, tuổi thọ của con người cũng được nâng cao hơn.
Bên cạnh thời gian ngủ ban đêm thì một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 – 20 phút cũng có thể giúp bạn lấy lại tinh thần và năng lượng để làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu ngủ quá nhiều vào buổi trưa có thể là nguyên nhân khiến cho giấc ngủ vào buổi tối trở nên khó khăn hơn.
Mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Mất ngủ, thiếu ngủ là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Thông thường nó sẽ xảy ra phổ biến hơn ở người trung niên và người cao tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứng mất ngủ có thể xảy ra ở những người trẻ. Nếu không được điều trị và khắc phục kịp thời, nó có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn, có thể kể đến như:
1. Ngủ không đủ giấc là nguy cơ dẫn đến tăng cân
Giấc ngủ có liên quan mật thiết đến cân nặng của bạn. Theo đó, những người thường xuyên bị mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc có thể sẽ có nguy cơ tăng cân đáng kể. Trên thực tế, nhận định này đã được nghiên cứu và chứng minh, giấc ngủ quá ngắn có thể là yếu tố khiến cho tình trạng béo phì có tỷ lệ xảy ra rất cao.
Theo một số thống kê cho rằng, có hơn 89% trẻ em tăng cân nếu giấc ngủ không được đảm bảo đầy đủ và con số này đối với người lớn trong khoảng 55%. Tác động chính của giấc ngủ đối với việc tăng cân chính là làm ảnh hưởng đến quá trình điều tiết hormone.
Vì thế, có thể nói rằng, đối với những ai đang trong quá trình giảm cân thì nên đảm bảo cho mình một giấc ngủ đầy đủ và chất lượng nhất. Bởi lẽ, thiếu ngủ có thể làm tăng ghrelin và giảm leptin trong cơ thể, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bạn tăng cảm giác thèm ăn.
2. Mất ngủ là làm giảm tuổi thọ
Trong một số nghiên cứu cho rằng, những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày thường có nguy cơ tử vong sớm, tỷ lệ này có thể lên đến 30%. Vì thế, bạn nên đảm bảo ngủ đủ thời gian mỗi ngày, nhất là đối với người cao tuổi giấc ngủ còn có khả năng tăng cường sức khỏe cho bạn một cách tốt nhất, đồng thời làm giảm thiểu tình trạng mắc phải các bệnh lý nguy hiểm.
3. Mất ngủ gây sạm nám da và lão hóa sớm
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà mất ngủ còn khiến cho làn da của bạn trở nên mất sức sống. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những tàn phá nghiêm trọng đến sắc đẹp của bạn. Bởi trong quá trình ngủ, làn da sẽ được tái tạo và phục hồi trước những tác động như nắng gió, bụi bẩn của môi trường.
Do đó, nếu bạn bị thiếu ngủ, mất ngủ, quá trình này có thể bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ. Từ đó, sự phục hồi da không được thực hiện, kéo theo đó là những nguy hại làm cho sự lão hóa đến nhanh chóng, cùng với đó là tình trạng nám da ngày càng diễn biến phức tạp.
4. Mất ngủ làm suy giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung
Mất ngủ làm suy giảm trí nhớ đã được nghiên cứu và chứng minh thực tiễn. Kết quả cho thấy rằng, nếu sau thời gian học tập, nghiên cứu mà bạn có một giấc ngủ sâu thì ngày hôm sau khả năng ghi nhớ sẽ phát huy rất tốt. Bởi lẽ, việc đi ngủ sau khi tiếp thu các kiến thức sẽ giúp cho não bộ của bạn xử lý thông tin hiệu quả, còn trong trường hợp ngược lại có thể sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ trầm trọng.
Tương tự, khả năng tập trung của con người trong công việc hằng hàng ngày cũng sẽ bị giảm sút trầm trọng nếu thời gian ngủ không được đảm bảo đầy đủ. Theo đánh giá chung cho rằng, tốc độ phản ứng của những người bị thiếu ngủ có thể sẽ giảm đến 50%.
5. Mất ngủ có nguy cơ cao dẫn đến trầm cảm
Số liệu thống kê tại Học viện Y học giấc ngủ Mỹ cho thấy rằng, có hơn 10% người trở thành bị mất ngủ thường xuyên và 15 – 35% xuất hiện tình trạng mất ngủ trong vài tuần hoặc vài tháng. Trên thực tế, mất ngủ không được điều trị ngay từ đầu sẽ rất nhanh trở nên mãn tính và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các ảnh hưởng về tâm lý như suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm,…
Người bị mất ngủ thường xuyên sẽ có nguy cơ xuất hiện các biểu hiện trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Những áp lực lớn trong cuộc sống đi kèm với tình trạng mất ngủ thường gây ra những chán nản và cảm xúc tiêu cực, đây chính là lý do khiến cho chứng trầm cảm có nguy cơ phát triển nhanh.
6. Tăng huyết áp và bệnh tim là ảnh hưởng nghiêm trọng của mất ngủ
Mất ngủ trong một thời gian dài sẽ có khả năng gây ra chứng tăng huyết áp gấp đôi trong khoảng 10 đến 20 năm. Theo Tiến sĩ James Gangwisch cho rằng, nhịp tim và huyết áp sẽ giảm từ 10 – 20% trong khi ngủ, và nếu mất ngủ chúng sẽ tăng cao gây áp lực đến hệ thống tim mạch khiến cho nó hoạt động với công suất cao, kéo theo đó là tình trạng tăng huyết áp.
Còn đối với hệ thống tim mạch, trong quá trình ngủ, cơ thể sẽ tiết ra hormone melatonin. Chúng có tác dụng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học và ngăn ngừa tác động của các loại hormone khác. Nếu mất ngủ, có nghĩa là bạn đang làm ức chế khả năng sản sinh melatonin, từ đó gây ra tác động xấu lên tim mạch và có nguy cơ xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim.
7. Mất ngủ gây ung thư và đột quỵ
Một trong những biến chứng nguy hiểm của việc mất ngủ chính là gây đột quỵ. Trong một số thống kê đã chỉ ra rằng, nhóm tuổi từ 18 đến 35 tuổi thường sẽ có nguy cơ cao xảy ra tình trạng này nếu làm việc thường xuyên vào ban đêm. Nhất là đối với những người đang mắc bệnh tiểu đường thì khả năng này còn tăng cao hơn.
Ngoài ra, trong độ tuổi cao hơn từ 30 đến 50 thì việc thiếu ngủ có thể dẫn đến nguy cơ mắc phải các bệnh lý về ung thư. Đối với phụ nữ sẽ làm tăng khả năng mắc phải ung thư vú còn đối với nam giới sẽ tăng cao khả năng mắc phải ung thư tuyến tiền liệt.
Nói chung, mất ngủ là một trong những vấn đề cần được quan tâm và giải quyết hàng đầu để có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì thế, ngay khi thấy bản thân xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên thì bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị nhanh chóng nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ tuổi và cách chữa trị an toàn
- Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Mất ngủ sau sinh: Nguyên nhân và cách chữa trị an toàn mẹ nên biết
- Bệnh mất ngủ mãn tính (kinh niên) có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!