Bị mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và cách khắc phục
Mất ngủ sau phẫu thuật là tình trạng khá phổ biến và có thể cải thiện nhanh chóng. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, và thư giãn nhiều hơn để có giấc ngủ chất lượng.
Bị mất ngủ sau phẫu thuật nguyên nhân do đâu?
Sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật cần thời gian rất dài để hồi phục. Trong thời gian này, cơ thể còn mệt mỏi nhưng lại gây tình trạng không ngủ được, hoặc ngủ không ngon giấc.
Mất ngủ sau phẫu thuật đặc biệt gặp nhiều ở phụ nữ sau sinh mổ, người già, hay những người mắc các bệnh mãn tính. Đây là tình trạng bình thường, không phải do những bất thường của phẫu thuật.
Khi sức khỏe chưa được phục hồi, mất ngủ kéo dài có thể khiến tình trạng sức khỏe suy yếu hơn. Vì vậy cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết tình trạng này càng sớm càng tốt.
Các nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân sau mổ bị mất ngủ bao gồm:
1. Ảnh hưởng của các thuốc mê, gây tê
Trong quá trình phẫu thuật, dùng thuốc gây mê hoặc gây tê hầu như là bắt buộc. Người bệnh sẽ giảm cảm giác đau đớn, đồng thời hạn chế cử động để việc phẫu thuật an toàn và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên sau khi hết thuốc, một số bệnh nhân lại gặp tác dụng phụ là mất ngủ. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian ngắn khiến bệnh nhân mệt mỏi, kiệt sức.
2. Do lạm dụng thuốc
Một số bệnh nhân thường được kê các thuốc an thần, giảm đau sau phẫu thuật. Mục đích là để giảm cảm giác đau đớn khi hết thuốc tê, giúp ngủ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên một số phẫu thuật khá đau đớn khiến người bệnh tự ý tăng liều dùng các thuốc này. Khi bị ngừng thuốc, người bệnh bị lệ thuộc gây mất ngủ sau phẫu thuật
3. Lo lắng căng thẳng kéo dài
Suy nghĩ về cuộc phẫu thuật khiến người bệnh lo lắng, căng thẳng. Họ tự hỏi mình có khỏi không, bao giờ hết bệnh, có tái phát không,… Những suy nghĩ này ám lấy tâm trí khiến họ không ngủ được.
4. Các thiết bị hỗ trợ vướng víu
Một số bệnh nhân vừa phẫu thuật xong cần phải có các thiết bị hỗ trợ như bình truyền nước biển, máy hô hấp,… Điều này khiến họ cảm thấy khá vướng víu, bất tiện.
Nhất là việc tiêm thuốc truyền nước vào ban đêm khiến bệnh nhân cực kỳ khó chịu và không ngủ được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ sau phẫu thuật.
5. Chế độ sống không khoa học
Sau phẫu thuật, người bệnh cần có thời gian để phục hồi sức khỏe. Đây là lúc họ rất yếu ớt, thế nên nếu lối sống không khoa học, bệnh nhân sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
Người bệnh thường tránh vận động mạnh làm ảnh hưởng đến vết mổ. Điều này khiến họ cứ nằm bẹp một chỗ, cơ thể trở nên chậm chạp, máu huyết kém lưu thông. Ban ngày nằm nhiều ngủ nhiều thì tối cũng khó ngủ.
Người bệnh cũng có thói quen kiêng khem nhiều thứ sau phẫu thuật vì sợ để lại sẹo. Điều này khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng, hoạt động chậm chạp nên cũng dễ gây mất ngủ.
6. Mất ngủ ở mẹ sau sinh và người già
Ở những người phụ nữ sinh mổ, mất ngủ sau sinh có thể liên quan đến sự thay đổi hormone đột ngột, và sự nhạy cảm quá mức. Việc chăm con cực khổ, bé quấy khóc nhiều về đêm cũng khiến mẹ không ngủ được.
Hay mất ngủ ở người già sau phẫu thuật thường có thể liên quan đến các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, bệnh lý xương khớp mà quá trình phẫu thuật trước đó chưa loại bỏ hết.
Mất ngủ sau phẫu thuật có ảnh hưởng gì không?
Phẫu thuật là một quá trình tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Cơ thể người bệnh bị mất máu, và có sự thay đổi hormone nếu bác sĩ thay thế hoặc loại bỏ cơ quan nào đó.
Thường sau phẫu thuật từ 3- 4 ngày, cơ thể đã khỏe lại, nhưng cần ít nhất 6 tuần để phục hồi hoàn toàn. Do đó việc mất ngủ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phục hồi sức khỏe này.
Trong 23h – 4h sáng chính là thời điểm để tủy sống tái tạo máu. Thiếu ngù, mất ngủ làm ảnh hưởng đến cơ thế này. Do đó cơ thể không được phục hồi trọn vẹn lượng máu bị mất khi phẫu thuật.
Bên cạnh đó mất ngủ cũng khiến quá trình đào thải cặn bã trong gan, thận hoạt động kém. Đây chính là lý do khiến bạn chỉ cần thức đêm 1- 2 ngày là thấy da sạm đi, nổi nhiều mụn hơn hẳn.
Khi bị mất ngủ về đêm, người bệnh có xu hướng ngủ nhiều vào hôm sau khiến đêm lại mất ngủ. Tất cả thành một vòng tuần hoàn khiến cuộc sống người bệnh bị đảo lộn.
Bệnh nhân cũng luôn trong trạng thái mệt mỏi, chóng mặt, thiếu tập trung, thờ thẫn, làm việc kém hiệu quả. Nói chung, mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt là mất ngủ sau phẫu thuật.
Hướng điều trị mất ngủ sau phẫu thuật
Để cải thiện tình trạng mất ngủ sau phẫu thuật không quá khó khăn. Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, kết hợp với vận động đúng cách là có thể cải thiện nhanh chóng.
1. Tập thể dục cải thiện mất ngủ
Nhiều người lo lắng việc vận động có thể ảnh hưởng tới vết mổ, do đó họ thường chỉ nằm ì một chỗ. Thực tế, vận động mạnh là điều không được phép, nhưng bác sĩ sẽ khuyến khích vận động nhẹ nhàng.
Bạn chỉ cần lựa chọn những bộ môn phù hợp là sẽ không lo lắng các ảnh hưởng trên xuất hiện. Đơn giản nhất là bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng vài vòng.
Đi bộ giúp các cơ thư giãn, thả lỏng, hỗ trợ máu huyết lưu thông. Đặc biệt với phụ nữ sinh mổ thì càng nên tập đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm quá nhiều. Bạn cũng có thể tập yoga hay thiền để có một giấc ngủ ngon ngon hơn.
2. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Người bệnh cần nhanh chóng điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Hãy chủ động đi ngủ đúng giờ, dậy sớm để hít thở không khí trong lành, và đảm bảo bản thân luôn trong trạng thái thoải mái.
Người mới phẫu thuật có thể ngủ nhiều hơn bình thường để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên không nên lạm dụng ngủ ngày quá nhiều vì rất dễ gây mất ngủ đêm.
Chế độ sinh hoạt phù hợp với những người sau phẫu thuật để cải thiện giấc ngủ như:
- Đảm bảo ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày, nên đi ngủ trước 11h đêm
- Hạn chế ngủ quá nhiều vào ban ngày. Một giấc ngủ trưa 30 phút có thể cung cấp năng lượng hoạt động suốt buổi chiều. Người mới phẫu thuật có thể ngủ nhiều hơn, nhưng không nên kéo dài suốt 3- 4 tiếng.
- Mặc đồ thoải mái, cố gắng hạn chế tác động lên vị trí vết mổ
- Kê cao chân lên một chút để giúp máu huyết lưu thông. Máu huyết lưu thông giúp bạn thoải mái và ngủ ngon hơn
- Giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh vì cơ thể lúc này vốn đã rất yếu
- Massage cơ thể nhẹ nhàng, có thể ngâm chân với nước ấm để dễ ngủ hơn.
- Tránh xa các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ. Hãy để mắt được nghỉ ngơi
- Nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, đọc một cuốn sách có thể kích thích cơn buồn ngủ
3. Bổ sung dinh dưỡng đúng cách
Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần kiêng khem để đảm bảo an toàn cho vết mổ và sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bạn vẫn có thể ăn kiêng, nhưng cần thay thế các thực phẩm khác. Thực phẩm này giúp bổ sung dinh dưỡng tương tự để đảm bảo phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Theo đó người bệnh nên chú ý những vấn đề sau đây:
- Ưu tiên ăn các món ăn mềm lỏng, các món ăn thanh đạm ít gia vị. Những món ăn này dễ tiêu hóa hơn, nhất là khi dạ dày đang hoạt động khá yếu
- Bổ sung đạm qua thịt heo, thịt gà (bỏ da), đậu hũ hay các loại sữa.
- Bổ sung vitamin A,B,… có trong các thực phẩm như gan động vật, rau có màu xanh đậm, sữa,…
- Vitamin C cũng hỗ trợ quá trình làm lành vết thương, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên việc nạp vitamin C vào ban đêm sẽ khiến người bệnh tỉnh táo, gây mất ngủ nên cần hạn chế
- Tránh xa các món ăn khô cứng, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ
- Hạn chế nêm nếm quá nhiều gia vị để không kích thích vết mổ.
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích
- Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ đem đến chất lượng giấc ngủ tuyệt vời
- Các trà thảo dược thường rất tốt cho giấc ngủ, tuy nhiên việc sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan
Sau phẫu thuật ít nhiều bệnh cũng đã được cải thiện, kể cả với những trường hợp bệnh nặng, vì thế hãy luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan vui vẻ.
Người bệnh có thể đọc sách, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành sẽ giúp tinh thần vui vẻ phấn chấn hơn rất nhiều.
Nếu vẫn cảm thấy căng thẳng lo lắng chia sẻ với những người thân thiết để được giải tỏa cảm xúc. Khi tâm trạng ổn định, cảm xúc cân bằng thì chất lượng giấc ngủ cũng nâng cao.
Mất ngủ sau phẫu thuật dù không phải tình trạng quá trầm trọng nhưng cũng không nên chủ quan. Nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng không được cải thiện, hãy nhanh chóng liên hệ với các bác sĩ chuyên môn để hướng dẫn.
Có thể bạn quan tâm
- Chứng mất ngủ khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa trị an toàn
- 15 Loại thức uống chữa mất ngủ, giúp ngủ ngon và sâu hơn
- 5 Bài tập yoga chữa mất ngủ đơn giản dễ thực hiện
- 4 Cách giảm lo lắng căng thẳng trước phẫu thuật đơn giản
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!