Mất ngủ và trầm cảm: Mối liên hệ & thông tin cần biết

Mất ngủ và trầm cảm là hai vấn đề sức khỏe tinh thần thường xuất hiện song hành. Khi giấc ngủ bị gián đoạn, tâm trạng dễ trở nên tiêu cực và ngược lại, cảm giác buồn bã kéo dài cũng làm giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Việc nhận diện sớm mối liên hệ giữa chúng sẽ giúp người bệnh có phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Mối liên hệ giữa trầm cảm và mất ngủ

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến khiến nhiều người khó chìm vào giấc ngủ, không ngủ sâu, dễ thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại. Người bị mất ngủ sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy dù thời gian ngủ có vẻ đủ. Có 2 loại mất ngủ chính là mất ngủ cấp tính xảy ra trong thời gian ngắn và mất ngủ mãn tính kéo dài ít nhất 1 một tháng hoặc hơn.

mất ngủ và trầm cảm
Hầu hết những bệnh nhân bị trầm cảm đều có xuất hiện triệu chứng mất ngủ kéo dài triền miên

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng khá phổ biến, gây ra nhiều thay đổi lớn trong cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Khác với cảm giác buồn bã thông thường, trầm cảm kéo dài và có thể đi kèm với các triệu chứng như mất hứng thú trong cuộc sống, khó ngủ, mệt mỏi, khó tập trung và thậm chí dẫn đến cảm giác tuyệt vọng cùng ý nghĩ tự tử. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 18 – 45.

Theo nhận định từ các chuyên gia thì những đối tượng có triệu chứng mất ngủ kéo dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh chứng bệnh trầm cảm cao hơn gấp 3 lần so với những người bình thường. Do đó, trầm cảm và mất ngủ luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng luôn song hành cùng nhau.

Mất ngủ có gây trầm cảm không?

Mất ngủ không chỉ gây ra sự mệt mỏi và khó chịu, mà còn dẫn đến trầm cảm hoặc làm tình trạng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên mất ngủ mà không có tiền sử trầm cảm có nguy cơ mắc rối loạn này cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường.

Hơn nữa, mất ngủ còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, làm suy giảm khả năng đối mặt với áp lực cuộc sống. Nếu nó kéo dài lại gây ra biến đổi trong não bộ, đặc biệt là các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Ngoài ra, mất ngủ triền miên cũng làm tăng khả năng tái phát trầm cảm ở những người đã mắc bệnh. Khi giấc ngủ bị gián đoạn, cơ thể không thể phục hồi gây ra những thay đổi về hormone và hệ miễn dịch. Chúng làm tình trạng buồn bã trở nên trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Chính vì vậy, mất ngủ và trầm cảm thường có mối liên hệ chặt chẽ, cần được điều trị kịp thời để tránh những hậu quả nghiêm trọng.

mối liên hệ mất ngủ và trầm cảm
Mất ngủ là nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm

Bệnh trầm cảm có làm mất ngủ?

Trầm cảm và mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó trầm cảm thường gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài. Khi mắc trầm cảm, não bộ bị ảnh hưởng gây rối loạn đồng hồ sinh học và làm cho chu kỳ giấc ngủ trở nên thất thường. Theo thống kê, có khoảng 50 – 90% người bị trầm cảm gặp phải vấn đề mất ngủ.

Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là do tư duy tiêu cực và hay lo lắng. Người bệnh “chìm đắm” trong suy nghĩ tiêu cực về bản thân và tương lai nên gây lo âu ngay cả khi đã nằm trên giường, khó thả lỏng để dễ dàng vào giấc ngủ. Cảm giác bất an liên tục quấy rầy tâm trí, khiến việc ngủ trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây ra sự mất cân bằng hormone corticosteroid và serotonin. Sự thay đổi này tác động trực tiếp đến chu kỳ giấc ngủ, khiến người bệnh khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ suốt đêm. Ngoài ra, hoạt động não bộ của người bị trầm cảm thường tăng cao, đặc biệt ở vùng não liên quan đến thức tỉnh nên thường xuyên thức dậy sớm và khó quay lại giấc.

mất ngủ gây trầm cảm
Trầm cảm có thể tác động đến chu kỳ giấc ngủ

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm cũng gây tác dụng phụ là mất ngủ, làm giấc ngủ bị gián đoạn, gây buồn ngủ vào ban ngày. Hơn nữa, người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, không duy trì giờ giấc ngủ đều đặn khiến tình trạng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn. Chúng tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa mất ngủ và trầm cảm, làm cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn.

Nên điều trị mất ngủ hay trầm cảm trước?

Khi điều trị mất ngủ và trầm cảm, việc giải quyết cả 2 vấn đề cùng lúc thường là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý nhằm cải thiện cả giấc ngủ lẫn tình trạng trầm cảm. Trong một số trường hợp, nếu xác định được mất ngủ là do lo âu thì điều trị nguyên nhân gốc này sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được liệu mất ngủ hay trầm cảm là nguyên nhân chính. Trong nhiều trường hợp, 2 tình trạng này xảy ra đồng thời khiến cho việc tìm ra vấn đề nào cần điều trị trước trở nên phức tạp. Dù vậy, giải quyết vấn đề giấc ngủ sớm thường được ưu tiên, vì nó có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn.

trầm cảm gây mất ngủ
Mất ngủ được chữa trị sớm sẽ làm giảm triệu chứng trầm cảm

Phương pháp điều trị mất ngủ và trầm cảm

Khi mất ngủ kéo dài, tâm trạng trở nên tiêu cực hơn trong khi trầm cảm lại khiến giấc ngủ trở nên chập chờn. Việc điều trị 2 vấn đề này không chỉ dừng lại ở một phương pháp duy nhất mà cần sự kết hợp linh hoạt giữa các liệu pháp để mang lại hiệu quả toàn diện.

1. Điều trị mất ngủ

Việc thiếu ngủ khiến cơ thể suy nhược, làm giảm khả năng tập trung và dẫn đến những rối loạn tâm lý bao gồm trầm cảm. Do đó, điều trị mất ngủ không chỉ đơn giản là cải thiện giấc ngủ, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe thông qua các cách sau đây:

  • Thuốc điều trị:

Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc an thần như Ambien, Zolpimist, Edluar để giúp bệnh nhân dễ dàng vào giấc ngủ. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và cần được theo dõi cẩn thận vì có khả năng gây nghiện.

  • Tâm lý trị liệu:

Trị liệu tâm lý với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cũng được sử dụng để điều chỉnh thói quen và tư duy tích cực về giấc ngủ, đặc biệt là khi mất ngủ xuất phát từ trầm cảm. Phương pháp này giúp bệnh nhân xây dựng niềm tin vào khả năng có một giấc ngủ ngon, mang lại hiệu quả lâu dài trong việc cải thiện cả giấc ngủ và tâm trạng.

điều trị mất ngủ trầm cảm
Liệu pháp tâm lý được chứng minh có hiệu quả trong điều trị mất ngủ

2. Điều trị trầm cảm

Thông qua áp dụng trị liệu tâm lý đến việc sử dụng thuốc, người bệnh trầm cảm có thể dần hồi phục sức khỏe tinh thần và tìm lại giấc ngủ ngon.

  • Trị liệu tâm lý:

Trị liệu tâm lý là một trong những phương pháp hiệu quả trong điều trị chứng trầm cảm. Các hình thức liệu pháp như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp tương tác cá nhân (IPT) không chỉ giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng của mình mà còn hướng dẫn kỹ năng đối phó hữu ích.

Đặc biệt, liệu pháp nhận thức hành vi cho chứng mất ngủ (CBT – I) cũng chú trọng đến việc xử lý cảm giác lo lắng cùng suy nghĩ tiêu cực đang làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó cải thiện tâm trạng và giấc ngủ cho người bệnh.

Ngoài ra, việc tham gia vào các buổi tư vấn cá nhân cũng giúp bệnh nhân được thoải mái hơn khi chia sẻ nỗi lo và áp lực của mình. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chứng trầm cảm và mất ngủ, đồng thời hướng dẫn cách thay đổi lối suy nghĩ và hành vi để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ngủ ngon.

  • Sử dụng thuốc:

Thuốc chống trầm cảm thường là một phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị trầm cảm. Nó giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hóa chất trong não, từ đó giảm triệu chứng bệnh và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng việc sử dụng thuốc cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

cách khắc phục mất ngủ trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được bác sĩ kê đơn để điều trị chứng bệnh này

Để tìm được loại thuốc phù hợp, người bệnh thường cần trải qua một thời gian thử nghiệm với các loại thuốc khác nhau. Bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về các loại thuốc đang sử dụng để hiểu rõ hơn về tác dụng cũng như cách sử dụng hiệu quả.

  • Các liệu pháp y khoa:

Trong trường hợp khi thuốc không mang lại hiệu quả như mong muốn, các liệu pháp y khoa kích thích não không xâm lấn có thể được xem xét. Các phương pháp như sốc điện (ECT), kích thích từ trường xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS) đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị trầm cảm nặng mà không cần can thiệp phẫu thuật, do đó hạn chế được rủi ro.

Ngoài ra, kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) cũng là một lựa chọn đáng lưu tâm cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc. Nó được áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả tích cực. Người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ để có thêm thêm thông tin và xác định phương pháp phù hợp nhất cho tình trạng của mình.

Mẹo giúp dễ ngủ hơn khi bị trầm cảm

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn gây ra rối loạn về giấc ngủ, khiến việc tìm giấc ngủ sâu trở thành một thử thách lớn. Tuy nhiên, có nhiều mẹo và thói quen đơn giản có thể giúp cải thiện tình trạng này, hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm tìm lại giấc ngủ ngon.

cách phòng ngừa mất ngủ trầm cảm
Nghỉ ngơi đầy đủ cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp giấc ngủ của người bị trầm cảm sâu hơn
  • Lên lịch ngủ cố định, đi ngủ và thức dậy vào giờ nhất định
  • Tránh sử dụng caffeine, rượu và các bữa ăn lớn vài giờ trước khi đi ngủ
  • Tạo không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ dễ chịu
  • Tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời
  • Thực hành thư giãn trước giờ đi ngủ như hít thở sâu, ngồi thiền
  • Hạn chế sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử trước khi ngủ
  • Tránh ngủ trưa quá lâu, chỉ nên nghỉ ngắn 15 – 20 phút
  • Không ăn nhiều vào buổi tối, có thể uống sữa ấm trước khi ngủ
  • Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ngủ
  • Đọc sách nhẹ nhàng nếu không thể ngủ được

Mất ngủ và trầm cảm có mối liên hệ mật thiết với nhau, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Để tránh rơi vào trạng thái nghiêm trọng này, người bệnh nên điều chỉnh lối sống, tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn và chú ý chăm sóc giấc ngủ. Đồng thời lắng nghe cơ thể để kịp thời can thiệp trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.news-medical.net/health/Depression-and-Insomnia-clinical-treatments-for-a-common-comorbidity.aspx
  • vinmec.com, benhvienthucuc.vn,….

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *