Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và nghiện rượu bia
Nghiện rượu bia và trầm cảm có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tình trạng nghiện rượu góp phần dẫn đến các dạng rối loạn tâm thần, trong đó có căn bệnh trầm cảm. Ngược lại, trầm cảm cũng khiến bệnh nhân thường xuyên tìm đến rượu bia. Vậy cụ thể mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và nghiện rượu bia là gì?
Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và nghiện rượu bia
Rượu bia có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề như: nghiện ngập, rối loạn tâm thần, mất trí, thậm chí tự sát. Theo thống kê, 50% trường hợp nghiện rượu từng bị trầm cảm trong suốt cuộc đời và khoảng 2/3 bệnh nhân loạn thần do rượu từng mắc một dạng rối loạn cảm xúc nào đó (chủ yếu là bệnh trầm cảm).
40% năm giới có hành vi tự tử đều liên quan đến thói quen lạm dụng rượu bia trong một khoảng thời gian dài, trong đó, 70% những người tự sát thành công đều đã uống rượu trước đó.
Nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần vì nghiện rượu bia cho thấy, sự hủy hoại bản thân và tự sát rất phổ biến ở đối tượng nghiện rượu. Nếu ai đó uống quá nhiều rượu liên tục trong một khoảng thời gian dài, họ dễ trở nên trầm cảm hơn vì thói quen có hại này sẽ làm cơ thể suy nhược, mệt mỏi, uể oải, từ đó dẫn đến căn bệnh này.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng có thể thay đổi cấu trúc hóa học của bộ não và kéo theo nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bởi đây là nhóm thức uống tạo nên cảm giác khó chịu như bị bệnh khi thức dậy, bồn chồn, lo âu, cảm thấy tội lỗi, suy giảm trí nhớ, giảm ham muốn tình dục… Ngoài ra, việc dùng rượu bia quá nhiều còn gây hàng loạt rắc rối trong công việc, cuộc sống cho bệnh nhân trầm cảm.
Nhìn chung, rượu bia có thể khiến chúng ta thư giãn, khắc phục tâm lý e ngại, rụt rè, từ đó khiến cuộc trò chuyện thêm vui vẻ và dễ dàng. Cách làm này giúp cải thiện tâm trạng trong một khoảng thời gian ngắn, nhất là khi bạn đang chìm đắm trong mớ cảm xúc, suy nghĩ bi quan, tiêu cực của bệnh trầm cảm.
Vì vậy, nhiều người bệnh đã sa đà và bắt đầu lạm dụng rượu bia hàng ngày. Sau đó, những lợi ích ngắn hạn nêu trên của rượu bia dần dần biến mất. Cuối cùng, bệnh nhân ngày càng phụ thuộc vào chúng, đồng thời gặp phải nhiều vấn đề không mong muốn về mặt sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần.
Bệnh trầm cảm có khiến bạn dùng bia rượu nhiều hơn?
Gần 1/3 tổng số bệnh nhân trầm cảm nặng đều có vấn đề với rượu bia. Đa số trường hợp mắc bệnh trầm cảm trước. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thanh thiếu niên trầm cảm nặng có xu hướng uống rượu nhiều gấp đôi so với bạn bè đồng trang lứa không bị trầm cảm.
Nguy cơ nghiện rượu của phụ nữ cao gấp đôi bình thường nếu họ đang mắc chứng trầm cảm nặng. Các chuyên gia cho biết, nếu bị suy sụp tinh thần, nữ giới thường uống nhiều rượu bia hơn so với nam giới.
Tuy nhiên, bạn càng tiêu thụ nhiều rượu bia, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần càng phức tạp, tồi tệ. Nếu lạm dụng rượu bia quá mức, bệnh trầm cảm sẽ diễn tiến nghiêm trọng và khó lường, thậm chí dẫn đến ý định tự tử. Hơn nữa, thói quen tiêu thụ thức uống này quá nhiều còn khiến thuốc chống trầm cảm mất đi hiệu quả vốn có.
Thói quen uống nhiều rượu bia có dẫn đến bệnh trầm cảm không?
Rượu bia là nhóm thức uống gây ra căn bệnh trầm cảm. Điều này có nghĩa là càng uống nhiều rượu bia, bạn càng chán nản, ủ rũ và tuyệt vọng. Đặc biệt, rượu bia có thể tàn phá não bộ, dẫn đến tình trạng mất cân bằng hóa học bên trong bộ não. Đây cũng chính là khởi nguồn của bệnh lý.
Nếu sử dụng quá nhiều rượu bia, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định bốc đồng, thiếu sáng suốt, suy nghĩ kém chín chắn và cảm xúc không ổn định. Kết quả là bạn có thể tiêu xài toàn bộ số tiền tiết kiệm cho một việc không đâu, mâu thuẫn với đồng nghiệp, đánh mất một mối quan hệ tốt đẹp hay buông lời tổn thương chính gia đình thân yêu của mình. Khi điều đó xảy đến, bạn sẽ càng thêm đau khổ, phiền muộn và lại tiếp tục “mượn rượu giải sầu”.
Vì sao người bệnh trầm cảm bị nghiện bia rượu và ngược lại?
Chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Chúng có thể xuất hiện đồng thời hoặc trước – sau tùy từng trường hợp cụ thể. Các bệnh nhân trầm cảm nặng hay cố tình uống nhiều rượu bia để cải thiện tâm trạng.
Trái lại, những người thường xuyên lạm dụng thức uống này có thể phải đối mặt với nhiều giai đoạn trầm cảm liên tiếp. Do đó, họ tiêu thụ nhiều rượu hơn bình thường nhằm tìm kiếm cảm giác thoải mái, dễ chịu. Sự tương tác qua lại này khiến cả hai tình trạng càng thêm tệ hại.
Mối liên hệ nhân quả giữa nghiện rượu và trầm cảm không phải lúc nào cũng cụ thể, rõ ràng. Các nhà khoa học đã phát hiện ít nhất một loại gen đặc biệt liên quan trực tiếp đến chức năng não, bao gồm khả năng chú ý và ghi nhớ. Những biến thể của gen này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và nghiện rượu.
Thêm vào đó, môi trường gia đình và xã hội cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trẻ em phải sống trong hoàn cảnh túng quẫn hoặc từng bị lạm dụng trong thời thơ ấu thường dễ bị nghiện rượu và trầm cảm hơn. Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng góp phần khiến chúng ta mắc chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm cùng lúc, bao gồm:
- Di truyền: Những người có tiền sử gia đình từng bị một trong hai vấn đề này có nguy cơ cao hơn hẳn. Một số nghiên cứu khoa học chứng tỏ, yếu tố di truyền sẽ làm bạn dễ mắc chứng nghiện rượu hoặc trầm cảm, thậm chí cả hai.
- Lối sống, nhân cách: Những người thiếu hụt kỹ năng sống, có lòng tự trọng thấp hay duy trì lối sống tiêu cực có nhiều khả năng bị một trong hai hoặc cả hai tình trạng này.
- Quá khứ ám ảnh: Những người từng bị chấn thương thể chất và tâm lý nghiêm trọng, bị lạm dụng tình dục hay thường xuyên đối mặt với nhiều trục trặc trong các mối quan hệ thường dễ bị nghiện rượu và trầm cảm.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi bị trầm cảm và nghiện rượu
Tình trạng trầm cảm và nghiện rượu trở nên đáng lo ngại khi bạn thường xuyên:
- Uống rượu để đối phó với cảm giác chán nản, lo lắng, buồn rầu, thất vọng
- Sử dụng bia rượu để cảm thấy tự tin, tốt đẹp hơn trong công việc và cuộc sống
- Hay cảm thấy ngầy ngật khó chịu
- Tức giận, sợ hãi và muốn chết mỗi khi tiêu thụ thức uống này
- Những người xung quanh nhận xét bạn trở nên hằn học, cay đắng, u sầu khi uống rượu
- Bỏ bê/trì hoãn những công việc/nhiệm vụ khác và dành ra quá nhiều thời gian để uống rượu
- Lo lắng, run rẩy vào mỗi buổi sáng sau khi uống rượu vào tối hôm trước
- Sử dụng rượu bia liên tục, thậm chí hàng ngày
- Uống vào bất cứ thời điểm trong ngày
- Luôn luôn cảm thấy thèm rượu
- Sử dụng rượu bia bất chấp hậu quả tiêu cực đến sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần
- Cảm thấy mệt mỏi, chán nản, buồn bã, tội lỗi, vô dụng không rõ nguyên nhân
- Mất hứng thú với sở thích cá nhân và thế giới xung quanh
- Thiếu hụt năng lượng để lao động và làm việc
- Khó tập trung, giảm chú ý
- Nảy sinh ý định tự sát
Nếu tình trạng trầm cảm và nghiện rượu kéo dài trên 4 tuần thì độc giả cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử lý an toàn, hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn cần tích cực điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt nhằm cai rượu thành công cũng như đẩy lùi triệu chứng trầm cảm.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị chứng trầm cảm và nghiện rượu
Để chẩn đoán toàn diện, bác sĩ tâm thần sẽ yêu cần bệnh nhân thực hiện một số bài đánh giá tâm lý và kiểm tra thể chất. Điều này giúp họ tính toán tính xác những yếu tố rủi ro của từng vấn đề trên.
Nếu thực sự cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành phương pháp đa thử nghiệm nhằm loại trừ một số bệnh lý gây ra những triệu chứng tương tự. Khi đã thu được kết quả của một trong hai tình trạng, bác sĩ sẽ tiếp tục khai thác thông tin và các triệu chứng của tình trạng còn lại.
Chứng nghiện rượu bia và nghiện trầm cảm là hai vấn đề vô cùng nghiêm trọng mà chúng ta không thể xem thường. Ngay khi gặp phải rắc rối nào đó về một trong hai vấn đề trên, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hoặc nhà trị liệu tâm lý.
Bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị lần lượt/riêng lẻ từng tình trạng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân chữa cả hai tình trạng cùng lúc. Những giải pháp điều trị đồng thời chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm an toàn nhất hiện nay gồm có:
Điều trị nội khoa
Rượu bia tác động đáng kể đến mức độ và khả năng dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, từ đó tạo nên điều kiện thuận lợi để căn bệnh trầm cảm diễn biến phức tạp.
Những loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh, đồng thời hạn chế triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng kê toa thuốc cai nghiện rượu nhằm giảm thiểu cảm giác thèm rượu.
Áp dụng liệu pháp phục hồi chức năng
Quá trình phát triển thể chất của người nghiện rượu có khuynh hướng phụ thuộc vào loại thức uống này. Do đó, việc bỏ rượu đột ngột sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tổng thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định bệnh nhân điều trị tại các cơ sở phục hồi chức năng. Ở đây, bạn sẽ được hỗ trợ giảm dần tần suất dung nạp rượu bia dưới sự giám sát y tế nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, liệu pháp phục hồi chức năng cũng mang đến nhiều hiệu quả khả quan cho các bệnh nhân trầm cảm. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ phải tìm hiểu về cách thức đối phó với từng triệu chứng bệnh cụ thể, sau đó từ từ quay về cuộc sống sinh hoạt thường nhật mà không cần dùng thêm bia rượu.
Trị liệu tâm lý
Nhận thức hành vi là kỹ thuật trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân thấu hiểu cặn kẽ về các yếu tố cấu thành suy nghĩ, hành động khi bản thân bị trầm cảm và nghiện rượu. Phương pháp này cũng hướng dẫn độc giả cách thức điều chỉnh tư duy, cải thiện tâm trạng và tránh xa rượu bia.
Tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội
Những tổ chức dành cho người bệnh trầm cảm cùng các trung tâm điều trị nghiện rượu thường cung cấp nhiều thông tin chuyên ngành và kinh nghiệm hữu ích trong công tác điều trị thực tế. Nguồn tài nguyên dữ liệu phong phú này một phần dựa trên cơ sở khoa học, phần còn lại căn cứ vào quá trình chữa bệnh thực tiễn của mỗi bệnh nhân.
Không chỉ giúp người bệnh tăng cường kết nối với thế giới xung quanh, những thông tin trên còn cung cấp cho họ nhiều bí quyết hữu ích và cần thiết cho hành trình chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất cứ phương án nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn sức khỏe tối đa.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!