Muốn chết khi mang thai: Dấu hiệu nguy hiểm cần cảnh giác
Muốn chết khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần mức độ nặng. Nếu không can thiệp kịp thời, mẹ bầu có thể thực hiện các hành vi tự hại, tự sát đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Muốn chết khi mang thai – Dấu hiệu của bệnh gì?
Mang thai là quá trình không quá dài nhưng mẹ bầu phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Sự thay đổi của nội tiết tố khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn bình thường và cần được quan tâm, chăm sóc cả về mặt tâm lý. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thai phụ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý tăng lên đáng kể.
Trên thực tế, người Việt không có hiểu biết sâu sắc về các bệnh tâm lý và cũng không ý thức được mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý này. Hậu quả là nhiều phụ nữ mang thai phải đối mặt với sự đau khổ dai dẳng, dằn vặt, cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng. Để giải thoát bản thân, không ít mẹ bầu có ý nghĩ muốn chết khi mang thai hoặc nhẹ hơn là thực hiện các hành vi tự hại.
Muốn chết khi mang thai là dấu hiệu cần phải cảnh giác. Bởi đây là biểu hiện của nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng như:
1. Trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai là một dạng rối loạn khí sắc đặc trưng bởi sự giảm thấp dai dẳng của cảm xúc. Người bị trầm cảm thường cảm thấy buồn chán, bi quan, tuyệt vọng, uể oải, mệt mỏi và mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Dần dần, cảm giác đau khổ, bi quan sẽ sâu sắc hơn theo thời gian khiến mẹ bầu mất hẳn những cảm xúc tích cực.
Cảm xúc giảm thấp còn đi kèm với tư duy và hành vi bị ức chế với biểu hiện như ngồi/ nằm im lìm trong nhiều giờ liền, dành nhiều thời gian để chìm đắm trong suy nghĩ, khuôn mặt tỏ rõ sự u buồn, suy nghĩ chậm chạp, giọng nói nhỏ, thều thào, dáng đi lờ đờ, thiếu sức sống,… Ngoài ra, trầm cảm còn khiến mẹ bầu phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, đau nhức xương khớp và rối loạn tiểu tiện.
Trầm cảm khi mang thai là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ý nghĩ muốn chết và các hành vi tự hại. Mặc dù gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng hiểu biết và sự quan tâm về bệnh lý này chưa thực sự thỏa đáng. Hậu quả là nhiều thai phụ đã quyết định tự sát vì không thể thoát khỏi cảm giác đau khổ và muốn giải thoát cho đứa trẻ khỏi những tội lỗi mà mình đã gây ra.
2. Rối loạn lo âu khi mang thai
Ngoài trầm cảm, rối loạn lo âu khi mang thai cũng có thể dẫn đến suy nghĩ tự sát ở mẹ bầu. Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm lý mà bệnh nhân có biểu hiện lo lắng, sợ hãi quá mức về những vấn đề trong cuộc sống như sức khỏe của bản thân, đứa trẻ, tài chính, đời sống vợ chồng, tương lai,… Khác với lo âu thông thường, nỗi lo của người bị rối loạn lo âu thường thái quá, thậm chí hoang đường và không tương xứng với vấn đề.
Hơn nữa, người mắc bệnh lý này không thể kiểm soát được nỗi lo của bản thân. Dần dần, cảm giác lo lắng tăng theo thời gian gây ra những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, bi quan, chán nản và tuyệt vọng. Thậm chí, một số người còn có biểu hiện hoảng loạn và sợ hãi quá độ.
Có khá nhiều dạng rối loạn lo âu, trong đó rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn ám ảnh cưỡng chế là những dạng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người mẹ thường bị ám ảnh bởi những suy nghĩ như sát hại đứa con. Những suy nghĩ này lặp đi lặp lại gây ra sự đau khổ, tuyệt vọng và thôi thúc hành vi tự hại, tự sát nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các dạng rối loạn lo âu khác gây ra sự sợ hãi, đau khổ và buồn bã. Vì muốn thoát khỏi những cảm xúc này, mẹ bầu cũng có thể nảy sinh ý nghĩ muốn chết khi mang thai và nỗ lực thực hiện các hành vi tự sát.
Khác với trầm cảm khi mang thai, rối loạn lo âu khiến cho tâm trạng của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, dễ cáu kỉnh và nóng giận. Thai phụ cũng có thể gặp phải một số vấn đề thể chất như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa,…
3. Các rối loạn tâm thần khác
Ngoài trầm cảm và rối loạn lo âu, suy nghĩ muốn chết khi mang thai cũng bắt nguồn từ các rối loạn tâm thần như:
- Stress nặng do sang chấn tâm lý (thường là những vấn đề như gia đình vỡ nợ, chồng ngoại tình, mất người thân đột ngột, có nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ, bác sĩ cảnh báo trẻ có khả năng bị dị tật,…)
- Rối loạn ăn uống (1.4% trường hợp)
- Rối loạn lưỡng cực
- Tâm thần phân liệt
Đối với những người có sẵn các rối loạn tâm thần, bác sĩ thường yêu cầu điều trị ổn định trước khi mang thai để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tái phát bệnh do phải đối mặt với sang chấn tâm lý trong thời gian mang thai.
Mẹ bầu có ý nghĩ muốn chết khi mang thai phải làm sao?
Mẹ bầu có ý nghĩ muốn chết khi mang thai đang phải đối mặt với nhiều rối loạn tâm lý – tâm thần. Ngay cả khi ý nghĩ này không dẫn đến hành vi tự sát hay tự hại, mẹ bầu cũng sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, thai nhi phát triển chậm, nguy cơ sinh non, thai chết lưu và nặng hơn là tiền sản giật.
Ngay khi phát hiện thai phụ có ý nghĩ tìm đến cái chết, gia đình cần có biện pháp khắc phục kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.
1. Khám và điều trị y tế
Các ý nghĩ tự sát, tự hại chỉ xảy ra đối với những trường hợp stress, trầm cảm, rối loạn lo âu,… nặng. Do đó ngay khi phát hiện thai phụ có ý nghĩ muốn chết, gia đình nên động viên và khuyên nhủ nhẹ nhàng để mẹ bầu tiếp nhận thăm khám – điều trị.
Sau khi trải qua các bước chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh lý và xem xét các phương pháp điều trị phù hợp. Thực tế, uống thuốc điều trị trong thời gian mang thai tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên trong trường hợp này, mẹ bầu sẽ phải sử dụng thuốc để ngăn chặn các hành vi tự sát và tự hại. Bên cạnh đó, tất cả thai phụ mắc các rối loạn tâm thần đều phải can thiệp trị liệu tâm lý để nâng đỡ tinh thần.
Nếu được điều trị kịp thời, những vấn đề tâm lý ở phụ nữ mang thai sẽ được kiểm soát trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, gia đình vẫn cần theo dõi dài hạn bởi một số bệnh nhân có thể giả vờ khỏi bệnh để thực hiện hành vi tự sát. Những trường hợp nặng, có biểu hiện hoảng loạn sẽ được điều trị nội trú để đảm bảo an toàn cho những thành viên trong gia đình.
2. Vai trò của người thân và bạn bè
Bên cạnh các phương pháp điều trị, mẹ bầu có ý nghĩ muốn chết khi mang thai rất cần sự chia sẻ và động viên từ người thân, bạn bè. Ngay khi phát hiện thai phụ có những biểu hiện bất thường, gia đình nên có một người ở nhà chăm sóc và hỗ trợ mẹ bầu. Ngoài ra, bạn bè có thể đến thăm và dành những lời khuyên, động viên để thai phụ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Sự chia sẻ, thấu cảm từ những người xung quanh sẽ giúp phụ nữ mang thai tìm thấy sự cân bằng về mặt tâm lý, có động lực để vượt qua trầm cảm, rối loạn lo âu và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ sinh nở. Trong đó, người chồng có vai trò quan trọng nhất giúp mẹ bầu vượt qua những ám ảnh tâm lý và lấy lại sự vui vẻ, lạc quan vốn có.
3. Chế độ chăm sóc
Các vấn đề tâm lý xảy ra khi mang thai ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Bên cạnh việc nâng đỡ tinh thần, gia đình cũng cần có chế độ chăm sóc để cải thiện sức khỏe thể chất cho thai phụ. Qua đó giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở.
Chế độ chăm sóc cho mẹ bầu gặp phải các vấn đề tâm lý:
- Mẹ bầu có ý nghĩ muốn chết khi mang thai có thể gặp phải các rối loạn ăn uống. Do đó, nên cho mẹ dùng các món ăn mềm, lỏng như sữa, súp, sinh tố, cháo và miến. Các món ăn này tương đối dễ ăn và dễ tiêu hóa nhưng vẫn cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng.
- Bổ sung thực phẩm giàu Omega 3, chất xơ, vitamin và khoáng chất để cải thiện sức khỏe và xoa dịu cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để cải thiện tế bào thần kinh và hỗ trợ điều trị các vấn đề tâm lý mẹ bầu đang gặp phải.
- Tránh thực phẩm và đồ uống không lành mạnh như chất béo bão hòa, thức ăn chứa nhiều gia vị, đồ uống chứa cồn và caffeine.
- Khuyến khích mẹ bầu nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trong thời gian này, nên khuyên mẹ bầu nghỉ làm để giữ cho tinh thần thoải mái và thư giãn.
- Người nhà nên cùng mẹ bầu thực hiện các bài tập thể dục cường độ nhẹ như yoga, đi bộ,… để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục giúp giải phóng hormone endorphin có tác dụng xoa dịu cảm xúc tiêu cực, tạo cảm giác thư giãn và thoải mái. Hơn nữa, khi nhận thấy sự quan tâm từ mọi người, mẹ bầu có thể gạt bỏ suy nghĩ bi quan và tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
- Gia đình nên dành nhiều thời gian cho thai phụ. Các hoạt động như cùng nhau nấu ăn, dùng bữa, trò chuyện, vui chơi,… có vai trò rất quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần của mẹ bầu. Nếu gia đình neo người, bạn đời nên sắp xếp thời gian để ở bên cạnh mẹ bầu nhiều nhất có thể.
- Người thân trong gia đình nên đi cùng thai phụ trong những lần khám định kỳ, xét nghiệm lâm sàng và cùng tham gia các khóa học tiền sản. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho thai phụ, sự quan tâm sẽ giúp mẹ bầu quên đi những cảm xúc tiêu cực và giảm mức độ lo lắng về những vấn đề xung quanh.
Suy nghĩ muốn chết khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo các rối loạn tâm thần có mức độ nặng. Chính vì vậy, gia đình cần phải có biện pháp kịp thời để bảo vệ mẹ bầu và thai nhi. Ngoài các phương pháp điều trị, sự hỗ trợ và chia sẻ từ bạn đời cùng với những người thân là liều thuốc tốt cho tinh thần của thai phụ.
Có thể bạn quan tâm
- Tác hại của trầm cảm khi mang thai nguy hiểm hơn bạn tưởng
- Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là gì? Có nguy hiểm không?
- 10 Cách phòng ngừa bệnh trầm cảm khi mang thai mẹ bầu nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!