Trầm cảm khi mang thai: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Trầm cảm khi mang thai là hội chứng rối loạn cảm xúc xảy ra trong thai kỳ, tác động tiêu cực đến cả mẹ và bé. Chính vì vậy, thai phụ và người thân trong gia đình cần phải trang bị những thông tin về bệnh để phát hiện sớm và can thiệp.

trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối
Theo số liệu thống kê, bệnh trầm cảm khi mang thai gặp ở khoảng 14 – 23% thai phụ

Trầm cảm khi mang thai là bệnh gì?

Bệnh trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân. Theo một thống kê, có khoảng 14 – 23% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. Nhiều chị em cố ý che giấu bệnh tình hoặc thậm chí không phát hiện ra rằng bản thân đang mắc phải vấn đề này.

Trầm cảm khi mang thai là thuật ngữ mô tả một dạng rối loạn cảm xúc, trong đó bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành động theo hướng tiêu cực suốt thai kỳ. Lúc này, thai phụ sẽ thường xuyên sống trong tâm trạng buồn bã, mệt mỏi, chán nản, khó chịu, tuyệt vọng, đồng thời cảm thấy bản thân phạm phải tội lỗi và vô dụng.

Những dấu hiệu của bệnh lý sẽ biểu hiện rõ nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, từ đó tác động sâu sắc đến sức khỏe, tâm lý cũng như làm suy giảm chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Tin vui là bệnh trầm cảm khi mang thai có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, hành trình nhận diện, kiểm soát và cải thiện vấn đề này chưa bao giờ thực sự dễ dàng. Nếu không được can thiệp tích cực, căn bệnh này có thể phát triển mạn tính và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Biểu hiện của bệnh trầm cảm khi mang thai

Tương tự như trầm cảm thông thường, mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai cũng đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, chán nản, bi quan, giảm năng lượng và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý ở thai phụ thường phức tạp hơn dưới tác động của một số nội tiết tố. Do đó, thay vì tiến triển từ từ, trầm cảm trong thời kỳ mang thai khởi phát triệu chứng nhanh và rõ rệt.

1. Triệu chứng chung của bệnh trầm cảm khi mang thai

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi mang thai mang nhiều điểm tương đồng với chứng trầm cảm thông thường ở các đối tượng khác. Những triệu chứng điển hình của căn bệnh này bao gồm:

  • Mệt mỏi, chán nản, thất vọng, trống rỗng, vô định, bi quan
  • Khuôn mặt luôn có vẻ buồn rầu
  • Thường trực sự buồn bã qua biểu hiện khuôn mặt, lời nói và hành động. Mức độ buồn bã thường nặng dần theo thời gian.
  • Bối rối, hồi hộp, lo âu, khó chịu, dễ cáu gắt
  • Giảm hoặc mất hẳn hứng thú với thế giới xung quanh
  • Phản ứng chậm chạp, dáng đi lờ đờ, thiếu sức sống
  • Choáng váng, khó thở, toát mồ hôi, tim đập nhanh, cảm giác như bị suy tim hoặc bị ai đó tấn công, thậm chí ngất xỉu
  • Phán đoán kém chính xác, suy nghĩ không sáng suốt
  • Thay đổi cách xử sự
  • Đãng trí, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, hành động thiếu quyết đoán
  • Chán ăn, khó ngủ, mất ngủ
  • Cảm thấy bất lực, yếu đuối, mặc cảm, tự ti, tội lỗi
  • Dành nhiều thời gian ở nhà, có xu hướng ngồi hoặc nằm im lìm trong nhiều giờ liền. Dáng đi biểu lộ rõ sự mệt mỏi, uể oải và buồn chán.
  • Có xu hướng sử dụng ma túy, rượu bia và các chất kích thích
  • Nảy sinh ý định hay hành vi tự tử

Ngoài các triệu chứng trên, trầm cảm trong thời kỳ mang thai cũng gây ra một số triệu chứng thể chất. Bởi khi não bộ bị ức chế, tín hiệu đến các cơ quan cũng sẽ bị rối loạn, từ đó dẫn đến hàng loạt các triệu chứng thể chất như:

  • Rối loạn tiểu tiện (tiểu nhiều lần, tiểu nhắt,…)
  • Ăn uống kém, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày, trào ngược dạ dày,…
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thường không lên cân hoặc thậm chí bị sụt cân
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở,…
  • Mất ngủ, ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc do gặp ác mộng

Để đảm bảo an toàn tối đa, mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường kể trên.

2. Cách nhận biết trầm cảm khi mang thai ở từng giai đoạn

Ở phụ nữ mang thai, trầm cảm có liên quan mật thiết đến sự thay đổi của các tuyến nội tiết. Trong thai kỳ, các hormone sẽ có sự thay đổi rõ rệt ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Do đó, biểu hiện của bệnh trầm cảm ở bà bầu sẽ có sự khác biệt trong từng giai đoạn.

Cách nhận biết trầm cảm khi mang thai trong 3 tháng đầu:

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hormone progesterone tăng mạnh để đảm bảo độ dày cho niêm mạc tử cung. Ngoài ra, hormone này còn có vai trò chống co thắt, ức chế miễn dịch và tăng tuần hoàn máu đến cho bào thai. Gia tăng hormone progesterone được xác định có vai trò quan trọng giúp thai nhi làm tổ và ổn định trong tử cung của người mẹ.

Tuy nhiên, sự gia tăng của hormone này ảnh hưởng đáng kể tâm lý. Do đó, tình trạng chung thường thấy ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là tâm trạng bất ổn, dễ gắt gỏng, nổi giận. Nếu bị trầm cảm khi mang thai trong 3 tháng đầu, mẹ bầu sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

triệu chứng trầm cảm khi mang thai
Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu bị trầm cảm thường có tâm lý bất ổn, dễ gắt gỏng, nổi nóng và khóc lóc
  • Nóng nảy, hay cáu kỉnh và tức giận, đôi khi nổi giận vô cớ
  • Luôn có cảm giác buồn bực, chán nản và khó chịu
  • Tâm trạng bất ổn, hay nổi nóng, nhạy cảm và rất dễ khóc – ngay cả khi không có yếu tố tác động
  • Cơ thể mệt mỏi và giảm năng lượng rõ rệt
  • Thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn/ bỏ ăn hoặc ăn uống quá nhiều
  • Ngủ quá nhiều hoặc khó ngủ, mất ngủ

Trên thực tế, các triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu rất dễ bị nhầm lẫn với ảnh hưởng của chứng ốm nghén và thay đổi tâm trạng sinh lý do hormone progesterone. Tuy nhiên nếu chú ý có thể thấy, các biểu hiện này có mức độ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống – đặc biệt là các mối quan hệ.

Dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ mang thai 3 tháng giữa:

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm thường xảy ra chủ yếu vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Ở tháng giữa (từ tháng thứ 4 – 6), nội tiết tố tương đối ổn định nên các triệu chứng có thể giảm về mức độ và tần suất. Trầm cảm khi mang thai 3 tháng giữa thường có những biểu hiện như:

  • Có cảm giác buồn bã, chán nản không rõ nguyên do
  • Bi quan về tương lai của bản thân và đứa trẻ (thường bị nhầm lẫn với lo âu thông thường)
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Gặp một số vấn đề về ăn uống và giấc ngủ
  • Dành nhiều thời gian chìm đắm trong suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra hoặc chưa xảy ra
  • Thường xuyên ở trong nhà, ngồi và nằm im trong nhiều giờ liền
  • Không tăng cân nhiều hoặc thậm chí là bị giảm cân

Biểu hiện trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối:

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, triệu chứng của trầm cảm sẽ trở nên rõ rệt hơn. Nguyên nhân là do mẹ bầu sắp đối mặt với việc sinh nở và chăm sóc con cái. Ở giai đoạn này, diễn biến tâm lý của thai phụ sẽ phức tạp hơn so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Thậm chí, không ít mẹ bầu nảy sinh ý nghĩ tự sát và thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân.

dấu hiệu trầm cảm mang thai
Trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, chán nản và tuyệt vọng

Các biểu hiện trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối:

  • Sự buồn bã trở nên sâu sắc hơn, bà bầu luôn cảm thấy vô vọng, bi quan về cuộc sống
  • Mất hoàn toàn hứng thú với mọi thứ xung quanh, bao gồm cả những sở thích và món ăn yêu thích trước đây
  • Ở 3 tháng cuối, mẹ bầu ít gắt gỏng, cáu kỉnh nhưng tâm trạng vẫn rất bất ổn, nhạy cảm, dễ xúc động và hay khóc lóc
  • Khuôn mặt bộc lộ rõ sự buồn bã và u uất tột độ
  • Ở giai đoạn này, tư duy đã bị ức chế nên mẹ bầu sẽ có các biểu hiện như hồi tưởng khó khăn, liên tưởng chậm chạp, mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của người khác. Giọng nói rất nhỏ, đôi khi thì thào như sắp khóc
  • Lo sợ quá mức về việc sinh nở và cuộc sống của con cái trong tương lai. Nhiều mẹ bầu cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi khi mang thai nhưng không thể chăm sóc và mang lại cho con cuộc sống tốt đẹp nhất.
  • Một số trường hợp còn có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác bản thân mắc bệnh nghiêm trọng, đứa con bị dị tật, không thể sống sót khi sinh ra, bị buộc tội hoặc tự buộc tội bản thân.
  • Nếu không có biện pháp can thiệp, các ảo giác có thể xuất hiện nhiều lần thôi thúc mẹ bầu thực hiện hành vi tự hại, thậm chí là tự sát.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi mang thai

Có nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt này, bao gồm:

1. Di truyền

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, yếu tố di truyền là tác nhân phổ biến gây ra vấn đề này. Các thai phụ có người thân trong gia đình từng mắc bệnh trầm cảm khi mang thai rất dễ bị căn bệnh phiền toái này quấy nhiễu. Vì vậy, trước khi quyết định mang thai, nên tìm hiểu cẩn thận về hồ sơ di truyền của gia đình, từ đó chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng.

2. Thay đổi nội tiết tố

Trong thời gian mang thai, nồng độ hormon estrogen, progesterone bên trong cơ thể sẽ thay đổi rõ rệt. Hiện tượng này đi kèm sự thay đổi về mặt cảm xúc và tâm lý. Do đó, mẹ bầu thường trở nên vô cùng nhạy cảm trước những sự kiện/ vấn đề xung quanh, thường xuyên suy nghĩ bi quan, tiêu cực và dễ dàng cáu gắt, buồn phiền, thậm chí rơi nước mắt vì những chuyện vụn vặt thường ngày.

Không chỉ dừng lại ở đó, sự thay đổi nội tiết tốt cũng có thể liên quan đến rối loạn tuyến giáp. Đây chính là nguyên nhân tại sao phụ nữ thường bị trầm cảm khi mang thai.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi mang thai
Trong thời gian mang thai, nồng độ hormon estrogen bên trong cơ thể sẽ thay đổi rõ rệt, kéo theo nhiều sự thay đổi về mặt cảm xúc và tâm lý

3. Gặp trục trặc trong các mối quan hệ

Trong giai đoạn nhạy cảm này, nếu không nhận được sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm, ủng hộ đầy đủ từ gia đình, thai phụ sẽ có xu hướng trở nên trầm uất, tự ti, bế tắc, mặc cảm, cảm thấy tội lỗi và chán ghét bản thân, thậm chí nảy sinh ý định làm đau bản thân. Thực tế cũng cho thấy, đa phần mẹ bầu bị trầm cảm đều gặp phải mâu thuẫn khó có thể giải quyết với bạn đời và những thành viên trong gia đình.

4. Lo lắng cho thai nhi thái quá

Phụ nữ mang thai dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng quá mức, thậm chí trầm cảm nếu đứa con trong bụng không phát triển khỏe mạnh như bình thường (dị tật, thai yếu, động thai, chậm phát triển…).

Hơn nữa, nếu từng trải qua một số biến cố (chẳng hạn sảy thai, thai chết lưu), mẹ bầu sẽ càng cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi thái quá về sự an toàn của đứa trẻ trong bụng. Theo thời gian, một số dạng rối loạn tâm thần (nhất là chứng trầm cảm khi mang thai) sẽ hình thành và kéo theo nhiều hậu quả khôn lường.

5. Chưa chuẩn bị tâm lý tốt

Theo một số nghiên cứu, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc kết hôn khi còn quá trẻ rất dễ bị trầm cảm trong thai kỳ. Vì đa số đều chưa chuẩn bị tốt tâm lý, đồng thời chưa đủ chín chắn, khôn ngoan để tiếp nhận thiên chức làm mẹ.

Kết quả một cuộc thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ mắc chứng trầm cảm khi mang thai của những phụ nữ kết hôn ở tuổi vị thành niên cao hơn nhiều so với những phụ nữ lập gia đình khi đã trưởng thành. Các chuyên gia lý giải rằng, phụ nữ kết hôn sớm thường bấp bênh về tài chính, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống nên thường phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm cao.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai khi chưa chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng cũng thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Đó là hàng loạt áp lực vô hình đến từ gia đình, sự nghiệp và các mối quan hệ. Đây đều là những yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn trầm cảm cùng với nhiều vấn đề tâm lý khác.

6. Bất ổn về tài chính

Tài chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm khi mang thai. Vì điều kiện tài chính eo hẹp, một số bà bầu thường xuyên ám ảnh câu chuyện tiền nong và cảm thấy bất lực, buồn bã, tội lỗi bởi không thể mang đến cho con trẻ những điều tuyệt vời nhất. Mẹ bầu luôn lo lắng rằng đứa con bé bỏng của mình có thể phải sống chật vật trong khó khăn, nghèo túng ngay khi chào đời.

cách nhận biết trầm cảm khi mang thai
Bất ổn tài chính là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ trầm cảm ở bà bầu

7. Từng trải qua cú sốc tâm lý

Những người phụ nữ từng bị bỏ rơi, ruồng rẫy, tấn công tình dục, lạm dụng tình dục… vốn rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Cùng với một số thay đổi đáng kể về mặt tâm – sinh lý trong suốt thai kỳ, các ký ức buồn bã, đen tối trong quá khứ có thể nhấn chìm mẹ bầu trong cảm giác khổ sở, bế tắc và tuyệt vọng.

Bệnh trầm cảm khi mang thai có thể gây ra nhiều hậu quả phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi, gây ra hiện tượng sinh non, sảy thai, thai chết lưu, thai nhi chậm phát triển hoặc phát triển không bình thường, em bé sinh ra bị nhẹ cân, trầm cảm, tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề này còn có thể là nguồn gốc của căn bệnh trầm cảm sau sinh. Theo một số thống kê, khoảng 50% số ca trầm cảm khi mang thai sẽ tiến triển thành trầm cảm sau sinh nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

8. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ mắc hội chứng trầm cảm khi mang thai cũng tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ như:

cách vượt qua trầm cảm khi mang thai
Người có tiền sử bị trầm cảm sẽ có nguy cơ mắc bệnh trong thời gian mang thai
  • Tiền sử bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai
  • Có sẵn các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, stress,…
  • Tiền sử nghiện rượu bia, dùng chất kích thích
  • Người có tính cách hướng nội, hay lo lắng, nhút nhát, tự ti
  • Mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như tiểu đường, cao huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống,… sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn bình thường
  • Hôn nhân không hạnh phúc, thường xuyên bị bạo lực, lạm dụng tinh thần, thể chất và tình dục
  • Mang thai ngoài ý muốn do bị cưỡng hiếp

Trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu, giữa và cuối có nguy hiểm không?

Trầm cảm khi mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Có thể nói, đây là vấn đề tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Trạng thái tâm lý bất ổn, bi quan, buồn chán,… khiến bệnh nhân mất đi các cảm xúc tích cực, giảm hứng thú với mọi hoạt động xung quanh, dễ nổi giận và xung đột với những người xung quanh. Nếu không được thấu hiểu và chia sẻ, phụ nữ mang thai có thể tự cô lập bản thân, sau đó hình thành ý nghĩ bản thân vô dụng, phạm phải các tội lỗi không thể tha thứ hay nghiêm trọng hơn là ý nghĩ tự hại, tự sát.

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với tâm lý, trầm cảm còn gây ức chế tư duy và hoạt động. Tình trạng này khiến cho phụ nữ mang thai khó có thể duy trì hiệu suất lao động, phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và nhiều vấn đề về tài chính.

Đối với mẹ bầu không có tài chính ổn định, đây được xem là yếu tố gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh trầm cảm. Tài chính là vấn đề rất nhạy cảm trong thời gian mang thai. Bất ổn về thu nhập khiến mẹ bầu bi quan về cuộc sống, dễ nảy sinh xung đột với bạn đời và đôi khi có ý định tự sát để giải phóng bản thân.

trầm cảm trong thời kỳ mang thai
Trầm cảm trong thời kỳ mang thai gia tăng nguy cơ hút thuốc lá, dùng chất gây nghiện và sử dụng rượu bia

Trầm cảm trong thời kỳ mang thai còn gia tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hút thuốc lá, bỏ ăn, mất ngủ,… Các yếu tố này đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Do đó ngoài biến chứng là tự sát và tự hại, hội chứng trầm cảm khi mang thai còn gia tăng các biến chứng thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh và mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh.

Cách điều trị hội chứng trầm cảm khi mang thai

Các chuyên gia cho biết, hành trình chữa bệnh trầm cảm sau sinh cần đến sự phối hợp nghiêm túc, chặt chẽ giữa bác sĩ tâm thần, bác sĩ nội khoa và bác sĩ sản khoa. Trước tiên, mẹ bầu sẽ được tư vấn cặn kẽ, chính xác về tất cả biến chứng và hậu quả mà căn bệnh này có thể gây ra cho bản thân và con trẻ, từ đó tìm kiếm phương pháp chữa bệnh phù hợp, an toàn.

Thông thường, điều trị trầm cảm khi mang thai sẽ bao gồm các biện pháp chính như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý, thay đổi lối sống và các biện pháp tự hỗ trợ. Thực tế, lựa chọn điều trị cho bà bầu tương đối hạn chế do một số phương pháp có thể gây dị tật thai nhi và gia tăng các biến chứng thai kỳ. Chính vì vậy để vượt qua chứng trầm cảm khi mang thai, bà bầu cần phải nỗ lực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và chủ động thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ.

1. Sử dụng thuốc Tây

Phụ nữ mang thai bị trầm cảm thể nhẹ đến trung bình có thể kiểm soát triệu chứng bằng cách tham gia các nhóm hỗ trợ và can thiệp điều trị tâm lý. Trong khi đó, nếu bị trầm cảm thể nặng, mẹ bầu sẽ phải kết hợp điều trị dược lý và trị liệu tâm lý.

trầm cảm phụ nữ mang thai
Nếu bị trầm cảm khi mang thai thể nặng, phụ nữ mang thai sẽ được điều trị kết hợp thuốc và trị liệu tâm lý.

Tất cả các loại thuốc được được sử dụng khi mang thai đều có nguy cơ đi qua nhau thai và tiếp xúc trực tiếp với thai nhi. Chính vì vậy, mẹ bầu chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc khiến thai nhi chậm phát triển, bị dị tật, sinh non,…

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc Tây, mẹ bầu cần tìm hiểu cặn kẽ về thành phần, công dụng và tác dụng phụ của loại thuốc trước khi sử dụng. Ngoài ra, cần phải tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, liều lượng và tần suất, tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột vì điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Một số loại thuốc trầm cảm an toàn cho phụ nữ mang thai:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin (SNRIs): duloxetin, venlafaxin…
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRIs) như: fluvoxamin, citalopram, sertralinfluoxetin…
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) như: amitriptylin, tianeptin…
  • Thuốc bupropion giúp cai thuốc lá và chữa trầm cảm nhưng có thể làm thai nhi bị dị tật tim nên chỉ được sử dụng khi lợi ích cao hơn rủi ro tiềm ẩn.

Hầu hết thuốc chống trầm cảm đều đi kèm nhiều tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, sinh non, vỡ nước ối, tiền sản giật, tăng tỷ lệ sinh mổ, tăng đường huyết và một số vấn đề về nhau thai. Trong thời gian sử dụng, mẹ bầu nên chú ý đến những biểu hiện bất thường và thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

2. Trị liệu tâm lý – Giải pháp “vàng” cho mẹ bầu bị trầm cảm

Trị liệu tâm lý cho chứng trầm cảm khi mang thai là phương pháp chữa bệnh hiệu quả, an toàn và đang được nhiều mẹ bầu tin tưởng lựa chọn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách trò chuyện cùng với nhà trị liệu tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Mục tiêu của trị liệu tâm lý đối với hội chứng trầm cảm khi mang thai:

  • Khuyến khích thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, từ đó giải tỏa những uất ức, bức xúc, khúc mắc trong lòng
  • Chia sẻ, lắng nghe tâm sự, từ đó xây dựng sự kết nối và lòng tin tưởng với chuyên gia trị liệu
  • Khơi gợi, hướng dẫn hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống từ góc nhìn khách quan, thấu đáo
  • Thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh tư duy, loại bỏ cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng tinh thần lạc quan
  • Động viên, an ủi, lắng nghe, khuyên nhủ tránh xa hành động tự làm đau bản thân hoặc tự tử

3. Vượt qua trầm cảm khi mang thai bằng các biện pháp tự chăm sóc

Bên cạnh việc sử dụng Tây theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn cần chú ý điều chỉnh một số thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày theo hướng dẫn sau:

  • Làm việc điều độ
  • Nghỉ ngơi thường xuyên
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc
  • Sử dụng các thực phẩm chức năng chiết xuất từ tinh chất thảo dược thiên nhiên theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Nghe nhạc, đọc sách, tập yoga, thiền định và vận động nhẹ nhàng để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn.
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ bệnh nhân bị trầm cảm khi mang thai để được lắng nghe, chia sẻ và có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.
  • Dành thời gian chăm sóc, thư giãn.
  • Lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của bản thân và cởi mở đối thoại với chính mình
  • Ưu tiên yêu thương – chăm sóc bản thân, không ôm đồm công việc hoặc suy nghĩ quá nhiều
  • Chủ động tâm sự, chia sẻ với gia đình, người thân về những cảm xúc bi quan, tiêu cực đang tồn tại trong tâm trí
  • Bổ sung các chế phẩm cung cấp probiotic kích thích tiêu hóa (một số chủng lợi khuẩn có thể góp phần tăng cường chức năng não bộ, cải thiện triệu chứng lo âu và xoa dịu tinh thần)
  • Tăng cường dung nạp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu từ socola, rau củ, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt…
  • Uống nhiều nước, ăn chậm nhai kỹ, ăn chín uống sôi và chia nhỏ bữa ăn để cải thiện các rối loạn tiêu hóa do ảnh hưởng của chứng trầm cảm.
  • Kiêng cữ trà đặc, thuốc lá, cà phê, rượu bia, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường – muối – dầu mỡ – gia vị – màu thực phẩm, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Cân nhắc về một số kỹ thuật thư giãn tinh thần và hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm theo phương pháp Đông y như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt…

Cần làm gì khi vợ bị trầm cảm khi mang thai?

Trầm cảm trong thời gian mang thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau, bao gồm cả tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Trên thực tế, việc dùng thuốc cho thai phụ mang lại hiệu quả khá hạn chế do phạm vi chỉ định hẹp. Thay vì dùng các loại thuốc cho hiệu quả tối ưu, bác sĩ sẽ ưu tiên loại thuốc an toàn, ít gây ra rủi ro đối với thai nhi. Vì vậy, bên cạnh các phương pháp y tế, bà bầu bị trầm cảm cần phải có biện pháp tự cải thiện.

Trong thời gian bị trầm cảm, tâm lý của mẹ bầu thường bất ổn và dễ nảy sinh ý nghĩ tự hại, tự sát. Do đó, gia đình – đặc biệt là bạn đời cần phải hỗ trợ, động viên khi vợ bị trầm cảm khi mang thai. Sự hỗ trợ của bạn đời sẽ giúp thai phụ dần ổn định tinh thần, có động lực vượt qua hội chứng trầm cảm để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

trầm cảm ở phụ nữ mang thai
Sự hỗ trợ, động viên của người chồng là “liều thuốc” giúp bà bầu nỗ lực vượt qua chứng trầm cảm

Thông thường, phụ nữ mang thai bị trầm cảm luôn tự ti về bản thân, cảm thấy bản thân vô dụng, yếu kém và phạm phải các lỗi lầm nghiêm trọng. Do đó, bạn đời và người thân cần chia sẻ, lắng nghe và an ủi để xoa dịu tinh thần cho thai phụ.

Bên cạnh đó, nên dành thời gian để chăm sóc mẹ bầu và thai nhi. Khi nhận được sự quan tâm, động viên của bạn đời và những người thân xung quanh, mẹ bầu sẽ loại bỏ các ý nghĩ tự sát, tự hại và có động lực, kiên trì hơn trong quá trình trị liệu.

Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần biết hữu ích về bệnh trầm cảm khi mang thai. Để chủ động phòng ngừa vấn đề này, trước khi quyết định sinh con, chị em cần tự chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết về mặt thể chất, tinh thần, kiến thức và tài chính. Tâm lý tự tin, vững vàng và sức khỏe dẻo dai, khỏe mạnh chính là chìa khóa vạn năng giúp hành trình làm mẹ trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *