Phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh tái phát thường xuyên. Các loại thuốc Tây có thể kiểm soát và đẩy lùi triệu chứng nhưng lại đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, bên cạnh việc điều trị nội khoa, phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực còn bao gồm trị liệu tâm lý, liệu pháp sốc điện và một số phương pháp điều trị thay thế.
Những phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực
Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn chứng rối loạn lưỡng cực nhưng những phương pháp điều trị dưới đây có thể mang đến hiệu quả khả quan và duy trì lâu dài.
Công tác điều trị đúng đắn có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt tình trạng biến đổi cảm xúc cũng như đẩy lùi các triệu chứng liên quan. Thế nhưng, ngay cả khi điều trị đúng hướng, những rối loạn cảm xúc vẫn có thể thường xuyên tái diễn.
Theo chương trình nghiên cứu Điều trị hệ thống tích cực Rối loạn lưỡng cực do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH) tài trợ, gần 50% người bệnh phục hồi rối loạn lưỡng cực nhưng vẫn còn tồn tại triệu chứng dai dẳng. Hơn nữa, khả năng tái phát sẽ tăng cao đáng kể nếu bệnh nhân mắc thêm một dạng rối loạn tâm thần khác.
Quá trình chữa bệnh sẽ đem lại kết quả khả quan nếu người bệnh chủ động phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa và đảm bảo tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị.
1. Điều trị nội khoa
Việc ghi chép chi tiết những cung bậc cảm xúc, biểu hiện cụ thể, phương pháp điều trị, chất lượng giấc ngủ cùng những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày giúp bác sĩ chuyên khoa theo dõi bệnh tình cẩn thận và thiết kế liệu trình phù hợp. Nếu các triệu chứng thay đổi hoặc độc giả không thể chịu đựng tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ kịp thời điều chỉnh liều lượng hay thay đổi, bổ sung loại thuốc.
Nhóm thuốc ổn định khí sắc, chống trầm cảm và chống loạn thần mới có thể kiểm soát tốt nhiều triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Không phải mọi bệnh nhân đều đáp ứng như nhau với từng loại thuốc cụ thể. Bạn cần thử qua nhiều loại thuốc trước khi tìm thấy loại thuốc an toàn nhất với bản thân.
Nhóm thuốc điều chỉnh khí sắc
Nhóm thuốc điều chỉnh khí sắc là một trong những lựa chọn hàng đầu trong quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực. Nhìn chung, người bệnh có thể sử dụng loại thuốc này liên tục nhiều năm. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, muối lithium (lithobid, eskalith) đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận hiệu quả trong quá trình đẩy lùi những cơn trầm cảm và hưng cảm.
Các nhóm thuốc chống co giật (nhóm thuốc trấn kinh) cũng được sử dụng để điều chỉnh khí sắc:
- Muối natri divalproex (depakote) hoặc valproic acid được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ chấp nhận chữa cơn hưng cảm từ năm 1995. Đây là một trong những giải pháp điều trị phổ biến có thể thay thế muối lithium. Tuy nhiên, trong quá trình dùng valproic acid, phụ nữ trẻ cần lưu ý một số cảnh báo đặc biệt.
- Lamotrigine (lamictal) giúp kiểm soát các triệu chứng trầm cảm một cách hiệu quả và đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ thông qua trong quá trình điều trị duy trì chứng rối loạn lưỡng cực.
- Một số loại thuốc chống co giật khác như: oxcarbazepine (trileptal), topiramate (topamax), gabapentin (neurontin)…
Lamotrigine, alproic acid và các loại thuốc chống co giật khác đều được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ cảnh báo về khả năng làm tăng nguy cơ nảy sinh ý định tự sát và hành vi tự sát ở các bệnh nhân.
Những người điều trị rối loạn lưỡng cực hoặc các bệnh lý khác bằng thuốc chống co giật cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ. Nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào thuộc những nhóm trên, bạn tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng nếu chưa tham vấn y khoa.
Những tác dụng phụ của nhóm thuốc điều chỉnh khí sắc bao gồm: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, táo bón, tiêu chảy, thay đổi cảm xúc, nghẹt mũi – chảy nước mũi, khô miệng, nổi mụn, bồn chồn, đầy bụng – khó tiêu, ớn lạnh, khó chịu, đau khớp, mỏi cơ, dễ gãy tóc/móng tay…
Nếu chỉ định sử dụng lithium, bác sĩ chuyên khoa sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ lithium trong máu người bệnh cũng như đánh giá chức năng thận – gan đều đặn bởi việc điều trị bằng lithium có thể gây suy giảm chức năng tuyến giáp của một số người bệnh.
Ngoài ra, những loại thuốc này cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ hiếm gặp nghiêm trọng. Vì vậy, hãy trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để hiểu rõ mọi tác dụng phụ của thuốc. Khi phát hiện các triệu chứng khó chịu bất thường, bạn cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nhóm thuốc chống trầm cảm
Đôi khi, nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị triệu chứng trầm cảm của chứng rối loạn lưỡng cực. Bupropion (wellbutrin), sertraline (zoloft), paroxetine (paxil), fluoxetine (prozac)… là những loại thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn trong quá trình đẩy lùi bệnh lý.
Thế nhưng, việc chỉ sử dụng một loại thuốc chống trầm cảm đơn lẻ có thể làm tăng nguy cơ đảo ngược khí sắc từ trầm cảm sang hưng cảm (hoặc hưng cảm nhẹ), từ đó kéo theo nhiều triệu chứng kiểu chu kỳ nhanh. Để ngăn ngừa tình trạng này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm đồng thời với thuốc ổn định khí sắc.
Các tác dụng phụ của nhóm thuốc này bao gồm: buồn nôn (cảm giác nôn nao trong bụng), đau đầu, cáu gắt (bất an, bồn chồn) và rối loạn tình dục (suy giảm ham muốn, rối loạn khoái cảm).
Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với những loại thuốc thuộc nhóm khác. Để đảm bảo an toàn, độc giả không tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc điều chỉnh liều lượng nếu chưa tham vấn y khoa. Hơn nữa, ngay khi xuất hiện các phản ứng bất thường, hãy liên lạc với bác sĩ điều trị ngay lập tức.
Nhóm thuốc chống loạn thần mới
Thông thường, trong quá trình chữa bệnh rối loạn lưỡng cực, nhóm thuốc chống loạn thần mới sẽ được kết hợp với nhóm thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc chống loạn thần mới thường được chỉ định bao gồm:
- Olanzapine (zyprexa) dưới dạng tiêm hoặc uống. Khi dùng kèm một loại thuốc chống trầm cảm khác, thuốc có thể giảm thiểu triệu chứng loạn thần hoặc hưng phấn. Thuốc dưới dạng tiêm thường được chỉ định khi điều trị khẩn cấp những kích động liên quan đến cơn hưng cảm hay cơn hỗn hợp. Bên cạnh đó, olanzapine cũng được sử dụng trong giai đoạn điều trị duy trì, khi các triệu chứng loạn thần đã biến mất.
- Aripiprazole (abilify) dưới dạng uống và tiêm có khả năng điều trị cơn hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp. Tương tự olanzapine, aripiprazole cũng được chỉ định trong giai đoạn điều trị duy trì. Mũi tiêm được ưu tiên để điều trị cấp cứu các triệu chứng nặng.
- Risperidone (risperdal), quetiapine (seroquel), ziprasidone (geodon) cũng là những loại thuốc thuốc kê đơn góp phần cải thiện những cơn hưng cảm.
Sau khi sử dụng các loại thuốc loại thần mới, độc giả cần tránh điều khiển phương tiện giao thông (trừ khi bạn đã thích nghi với thuốc). Những tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này bao gồm: mờ mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, ngứa ngáy, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, tim đập nhanh, rối loạn kinh nguyệt (ở phái đẹp)…
Nhóm thuốc loạn thần mới có thể gây tăng cân đáng kể và thay đổi quá trình chuyển hóa, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng lượng cholesterol trong máu và mắc bệnh tiểu đường. Trong quá trình điều trị, bác sĩ chuyên khoa sẽ thường xuyên kiểm tra cân nặng, nồng độ lipid cùng lượng đường trong máu.
Trong các trường hợp hiếm gặp, việc dùng thuốc chống loạn thần trong một khoảng thời gian dài có thể gây loạn vận động muộn (tardive dyskinesia). Đây là tình trạng vận động cơ (thường là cơ quanh miệng) không thể kiểm soát. Tác dụng phụ này sẽ phát triển từ nhẹ đến nặng, có thể không thay đổi, hồi phục một phần hoặc biến mất hoàn toàn sau khi bệnh nhân ngưng thuốc.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tây
Thai phụ hoặc phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực. Những loại thuốc ổn định khí sắc có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi và em bé đang bú mẹ. Tuy nhiên, việc ngừng thuốc (dù là đột ngột hay từ từ) đều làm gia tăng nguy cơ tái phát triệu chứng trong suốt thai kỳ.
Nhìn chung, lithium là loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều chỉnh khí sắc của phụ nữ mang thai đang bị rối loạn lưỡng cực. Thế nhưng, lithium có thể dẫn đến nhiều vấn đề về tim mạch cho thai nhi. Hơn nữa, đa số thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực đều có thể truyền sang trẻ sơ sinh qua sữa mẹ.
Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ đã ban hành cảnh báo về một số nguy cơ của nhóm thuốc chống loạn thần trong thời gian mang thai. Vì vậy, nếu đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, chị em cần thảo luận cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc Tây.
Hiện nay, nhóm thuốc chống trầm cảm được coi là phổ biến và an toàn nhất trong công tác điều trị bệnh lý. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, nhóm thuốc này có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn đối với thanh niên và trẻ vị thành niên.
Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ nhận định, bệnh nhân thuộc mọi độ tuổi cần được theo dõi kỹ lưỡng, nhất là trong vài tuần đầu tiên khi bắt đầu điều trị. Những tác dụng phụ nặng nề có thể kể đến của nhóm thuốc này bao gồm: khiến tình trạng trầm cảm càng thêm trầm trọng, nảy sinh ý định và cố gắng tự sát, biến đổi hành vi (cáu gắt, thu mình, cô lập bản thân, rối loạn giấc ngủ)…
2. Trị liệu tâm lý
Khi kết hợp với điều trị nội khoa, phương pháp trị liệu tâm lý sẽ mang đến kết quả khả quan. Biện pháp này có thể trợ giúp, đồng hành, hướng dẫn và giáo dục người bệnh cùng gia đình của họ kiểm soát cảm xúc, ổn định tâm trạng và ứng phó tốt hơn trước những thách thức trong cuộc sống. Các kỹ thuật trị liệu tâm lý hàng đầu trong quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực gồm có:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi giúp bệnh nhân thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi tiêu cực, không lành mạnh và thay thế bằng những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi tích cực, lành mạnh.
- Liệu pháp tương tác cá nhân và xã hội hài hòa có tác dụng hỗ trợ người bệnh cải thiện các mối quan hệ xã hội và quản lý căng thẳng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Lối sống khoa học và giấc ngủ chất lượng sẽ hạn chế những cơn hưng cảm.
- Liệu pháp gia đình đòi hỏi sự tham gia của bệnh nhân và các thành viên trong gia đình họ. Kỹ thuật này giúp bạn nắm vững chiến lực đối phó với cơn bão cảm xúc (bằng cách nhận biết những đợt tái phát từ sớm và tìm kiếm sự giúp đỡ của những người thân thương), tăng cường kết nối sâu sắc giữa các thành viên và giảm thiểu xung đột không đáng có.
- Liệu pháp giáo dục tâm lý hỗ trợ người bệnh thấu hiểu sâu hơn về căn bệnh cùng các nguyên tắc điều trị và nhận biết chính xác những dấu hiệu cảnh báo sự biến đổi cảm xúc. Nhờ đó, bạn có thể chủ động chữa bệnh từ sớm, trước khi các triệu chứng toàn phát. Bằng cách tiến hành theo hình thức nhóm, liệu pháp giáo dục tâm lý cũng đặc biệt hữu ích cho thân nhân và người chăm sóc.
Một nghiên cứu STEP-BD về hiệu quả của các liệu pháp tâm lý đã tiến hành so sánh hai nhóm. Nhóm 1 được điều trị phối hợp với ba phiên giáo dục tâm lý trong vòng 6 tuần. Nhóm 2 sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý tích cực (30 phiên trong 9 tháng theo liệu pháp gia đình, liệu pháp nhận thức – hành vi và liệu pháp tương tác cá nhân và xã hội hài hòa).
Kết quả cho thấy, tỷ lệ tái phát và tỷ lệ nhập viện của nhóm 2 thấp hơn đáng kể. Hơn nữa, những người tham gia cũng tuân thủ phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực tốt hơn. Nhóm 2 có xu hướng phục hồi nhanh chóng và ổn định sức khỏe tốt. Hơn 50% bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã hồi phục sau khoảng 1 năm điều trị.
Các chuyên gia cho biết, tần suất, số lượt tư vấn và liệu pháp sử dụng trong quá trình trị liệu tâm lý phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu chữa bệnh của mỗi người. Tương tự phương pháp điều trị nội khoa, bạn sẽ đạt được kết quả tối ưu khi tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ tâm lý.
3. Một số phương pháp điều trị khác
Áp dụng liệu pháp sốc điện và sử dụng thuốc ngủ, thảo dược là hai phương pháp chữa rối loạn lưỡng cực có thể được bác sĩ cân nhắc trong những trường hợp cần thiết.
Liệu pháp sốc điện
Khi việc sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý không mang đến hiệu quả đúng như mong đợi, bệnh nhân có thể được chỉ định liệu pháp sốc điện. Trái với nhiều tin đồn tiêu cực, ngày nay, liệu pháp sốc điện đã được cải tiến đáng kể, trở nên nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả hơn, nhất là đối với những người bệnh nặng.
Trước khi sốc điện, bệnh nhân sẽ được kê thuốc giãn cơ và gây mê tạm thời. Vì vậy, họ không thể cảm nhận xung điện trong quá trình can thiệp. Trung bình, một lần sốc điện diễn ra trong 30 – 90 giây. Bệnh nhân sẽ tỉnh dậy sau khoảng 5 – 15 phút và hoàn toàn tỉnh táo để về nhà ngay trong ngày.
Thỉnh thoảng, liệu pháp sốc điện cũng được tiến hành cho phụ nữ mang thai. Thủ thuật này giúp kiểm soát tốt những cơn hưng cảm, trầm cảm và hỗn hợp. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn hàng đầu. Lưu ý, liệu pháp sốc điện có thể gây ra một số tác dụng phụ ngắn hạn, đó là mất định hướng, lú lẫn, suy giảm trí nhớ.
Sử dụng thuốc ngủ và thảo dược
- Thuốc ngủ
Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường ngủ ngon hơn nếu được chữa bệnh đúng cách. Thế nhưng, nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ không được cải thiện, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề xuất đổi thuốc. Nếu bệnh nhân vẫn bị khó ngủ, bác sĩ sẽ kê thuốc gây ngủ hoặc thuốc bình thần an dịu.
- Thảo dược
Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả điều trị rối loạn lưỡng cực của thảo dược và thực phẩm chức năng chiết xuất từ thiên nhiên.
Hiện nay, St. John’s Wort (tên khoa học Hypericum Perforatum) được giới thiệu là có thể ngăn ngừa căn bệnh trầm cảm và đảo ngược trạng thái trầm cảm sang trạng thái hưng cảm ở những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm giảm/mất đi hiệu quả của một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định khí sắc và thuốc chống co giật.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tác dụng của omega-3 (chủ yếu trong dầu cá) trong quá trình điều trị bệnh lý dài hạn. Thế nhưng, với nhiều kết quả khác nhau, giới chuyên môn vẫn chưa đưa ra nhận định cụ thể.
Bệnh nhân cần trình bày đầy đủ với bác sĩ về mọi loại thuốc Tây (kê đơn và không kê đơn) và thực phẩm chức năng đang sử dụng bởi một số loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm khi được dùng chung với những loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực.
Phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là dạng rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi những giai đoạn hưng cảm/hưng cảm nhẹ xen kẽ giai đoạn trầm cảm và các giai đoạn hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển bệnh lý.
Hiện nay, tình trạng này chưa có cách chữa khỏi triệt để. Tuy nhiên, phương pháp điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý kết hợp với việc duy trì lối sống lành mạnh có thể đẩy lùi triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực cấp tính
Mục đích của công tác điều trị cấp tính cho các bệnh nhân đang trong cơn hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp là kiểm soát xung động, gây hấn, kích động nhằm đảm bảo an toàn cho họ và người thân.
Các loại thuốc êm dịu thường được kê toa bao gồm:
- Clonazepam (klonopin) với liều lượng 1mg sau mỗi 4 – 6 giờ
- Lorazepam (ativan) với liều lượng 2 – 4mg sau mỗi 4 – 6 giờ
Một số loại thuốc khác cũng có thể được chỉ định:
- Haloperidol (haldol) với liều lượng 2 – 10mg/ngày
- Risperidone (risperdal) với liều lượng 0,5 – 6mg/ngày cũng
Những người bệnh rối loạn lưỡng cực thường rất nhạy cảm với tác dụng phụ của nhóm thuốc chống loạn thần. Do đó, thuốc olanzapine (với liều lượng 10 – 15 mg/ngày) cũng được sử dụng phổ biến. Hơn nữa, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thuốc chống loạn thần dạng tiêm (thường là loại không điển hình) nếu cần thiết.
Valproate acid, lithium và những loại thuốc chống loạn thần khác đều phát huy hiệu quả cao đối với những cơn hưng cảm (valproate acid và thuốc chống loạn thần mang đến hiệu quả nhanh hơn so với lithium).
Sự kết hợp lithium hoặc valproate acid với nhóm thuốc chống loạn thần thường đem đến hiệu quả tốt hơn so với việc sử dụng riêng lẻ. Tác dụng dược lý học đầu tiên trong quá trình đẩy lùi những cơn hưng cảm nặng cấp tính là sự phối hợp lithium hoặc valproate acid với nhóm thuốc chống loạn thần. Trong khi đó, thông thường công tác điều trị cơn hưng cảm nhẹ chỉ cần sử dụng 1 trong 3 loại thuốc trên.
Tùy từng trường hợp cụ thể, valproate acid và lithium sẽ được thay thế bằng carbamazepine với liều lượng 200 – 600mg/ngày (liều lượng tăng lên từ từ sau mỗi 5 ngày). Việc đánh giá kết quả chủ yếu căn cứ vào khả năng đáp ứng lâm sàng (nồng độ chuẩn nghiên cứu là 4 – 12µg/mL) của bệnh nhân.
Một số tác dụng phụ của thuốc là đổ mồ hôi, nôn ói, hạ natri trong máu, ngộ độc gan, phát ban dị ứng (xuất hiện trên 10% người bệnh), hội chứng Steven Johnson (có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao). Valproate acid và lithium cũng thường mang đến hiệu quả khi kết hợp với một loại benzodiazepine trong khoảng thời gian ngắn.
Khi chỉ định thuốc ngay từ đầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ chú ý đến một số yếu tố như: khả năng thích ứng của bệnh nhân, mức độ trầm trọng của những biểu hiện lâm sàng, các triệu chứng đi kèm (cơn tái phát nhanh, dấu hiệu loạn thần) và tác dụng không mong muốn của từng loại thuốc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng valproate acid phát huy hiệu quả cao hơn trong việc điều trị các rối loạn khí sắc hỗn hợp.
Những liệu pháp tâm lý trị liệu cũng được chỉ định phối hợp với phương pháp điều trị nội khoa. Nếu người bệnh không đáp ứng tốt với những biện pháp trên, bác sĩ có thể tăng liều lượng thuốc (sau khi đã xác định nồng độ thuốc trong máu) và có thể chỉ định thêm nhóm thuốc chống loạn thần. Đối với những người bệnh kích động nhiều, sự kết hợp một loại thuốc chống loạn thần và một loại benzodiazepine ngắn hạn là cần thiết.
Một liệu trình điều trị phù hợp thường phát huy hiệu quả rõ rệt trong vòng 10 – 14 ngày. Nếu người bệnh kháng lại loại thuốc chỉ định đầu tiên, họ có thể sử dụng thêm loại thuốc chỉ định thứ hai hay đổi thuốc chống loạn thần (clozapine thường mang đến hiệu quả cao trong cơn hưng cảm kháng thuốc) hoặc dùng thử carbamazepine.
Bác sĩ điều trị phải luôn chú ý đến vấn đề chuyển hóa tương tác thuốc và một số tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, liệu pháp sốc điện cũng là giải pháp chữa cơn hưng cảm cấp và cơn hỗn hợp vô cùng hiệu quả.
Việc điều trị những cơn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực (trầm cảm lưỡng cực) khác với việc điều trị những cơn trầm cảm đơn cực. Điểm khác biệt nằm ở chỗ việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở người bệnh rối loạn lưỡng cực có nhiều nguy cơ thúc đẩy triệu chứng chuyển sang cơn hưng cảm.
Chỉ định điều trị đầu tiên cho các cơn trầm cảm lưỡng cực là hoặc lamotrigine hoặc lithium. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng với những loại thuốc chống trầm cảm hoặc chỉ kết hợp với valproate acid hay lithium.
Đối với những trường hợp nặng (người bệnh xuất hiện triệu chứng loạn thần, đang trong tình trạng đói lả hoặc nảy sinh ý định tự sát), liệu pháp sốc điện xen kẽ thường là chỉ định lý tưởng (nhất là đối với phụ nữ mang thai).
Theo một số nghiên cứu, phương pháp trị liệu tâm lý có thể hữu ích trong trầm cảm đơn cực nhưng lại kém hiệu quả với trầm cảm lưỡng cực. Đối với những trường hợp đang điều trị rối loạn lưỡng cực, khi xảy ra trạng thái trầm cảm, trước hết, bác sĩ sẽ tăng liều (sau khi xác định nồng độ trong máu).
Nếu triệu chứng vẫn không cải thiện sau khi tăng liều, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm bupropion, lamotrigine hay một loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin. Nếu bệnh tình hoàn toàn không thuyên giảm, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenaline hoặc IMAO.
Trong quá trình điều trị trầm cảm sững sờ và trầm cảm kháng trị, thuốc chống loạn thần (nếu bệnh nhân biểu hiện dấu hiệu loạn thần) và liệu pháp sốc điện là giải pháp phù hợp.
Ở những người bệnh rối loạn lưỡng cực có tái phát cơn nhanh, vấn đề hàng đầu cần quan tâm là phải tìm ra những triệu chứng liên quan đến bệnh lý thực thể hoặc thói quen lạm dụng ma túy, rượu bia.
Những loại thuốc chống trầm cảm có thể là căn nguyên hình thành của các cơn tái phát nhanh. Chỉ định điều trị đầu tiên dành cho những cơn tái phát nhanh là valproate acid hoặc lithium.
Lamotrigine có thể được sử dụng ở liều khởi đầu là 25 – 50mg/ngày/2 tuần, tăng dần lên đến 150 – 250mg/2 lần/ngày (bạn có thể gặp phải tác dụng phụ phát ban dị ứng và hội chứng Steven Johnson). Sự kết hợp nhiều loại thuốc trên (kể cả thuốc chống loạn thần không điển hình) thường là cần thiết.
2. Phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực duy trì
Mục đích của quá trình điều trị duy trì là đẩy lùi những triệu chứng không rõ ràng, ngăn ngừa tái phát, hạn chế rủi ro tự sát, giảm thiểu tần suất dao động khí sắc và nâng cao chức năng tâm lý – xã hội của bệnh nhân.
Chỉ định điều trị duy trì chứng rối loạn lưỡng cực đầu tiên là valproate acid và lithium với lamotrigine và carbamazepine (nếu cần thay đổi xen kẽ). Về nguyên tắc, nếu một trong những chỉ định trên hiệu quả đối với cơn cấp (dù là cơn trầm cảm hay cơn hưng cảm) thì người bệnh luôn cần điều trị duy trì.
Ở những người bệnh thu được hiệu quả trong giai đoạn cấp tính từ các loại thuốc chống loạn thần, việc tiếp tục sử dụng nhóm thuốc này phải được theo dõi kỹ lưỡng bằng cách tái đánh giá định kỳ thường xuyên. Hiện nay, tuy vai trò của thuốc chống loạn thần chưa được chứng minh như valproate acid và lithium nhưng nhóm thuốc này thực sự không thể thiếu trong công tác duy trì khí sắc ổn định.
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa cần cần cân nhắc thật cẩn thận về các rủi ro khó lường đối với sức khỏe tổng thể do tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là liệu pháp trị liệu nhóm.
Mục đích chính của kỹ thuật này là đảm bảo bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực, biết cách theo dõi kết quả điều trị, duy trì lòng tự tin, cải thiện các mối quan hệ xã hội cũng như phòng tránh nguy cơ nghiện ngập ma túy, thuốc lá, rượu bia.
Quá trình chữa bệnh rối loạn lưỡng cực rất phức tạp và thường kéo dài. Vì vậy, độc giả cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa và kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực.
Có thể bạn quan tâm
- Bị rối loạn lưỡng cực nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
- Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
- Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và những tác dụng phụ nên lưu ý
- 9 điều cần lưu ý khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!