Rối loạn hoảng sợ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Rối loạn hoảng sợ là bệnh lý thường gặp ở đối tượng đang cuối tuổi thành niên hay bước sang giai đoạn trưởng thành. Căn bệnh này có thể gây ra nỗi sợ hãi, hoảng loạn về các sự việc xảy ra xung quanh, khiến người bệnh mất dần niềm tin vào cuộc sống.
Rối loạn hoảng sợ là gì?
Rối loạn hoảng sợ là chứng bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, nó khiến cho người bệnh dễ xuất hiện cơn hoảng sợ. Đây là tình trạng tâm lý lo sợ, sợ hãi cực độ về một sự việc nào đó, hoặc lo lắng về các vấn đề tồi tệ sắp xảy ra.
Các cơn hoảng loạn của người bệnh xuất hiện mà không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nó sẽ đạt đến đỉnh điểm trong khoảng vài phút và kéo dài khoảng 30 phút, sau đó tự biến mất mà không cần tác động đến.
Đa số các bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ điều mất kiểm soát về cảm xúc, hành vi, họ luôn nghĩ về cái chết và cảm tưởng mình đang trong trạng thái sắp chết. Nữ giới dễ mắc phải chứng bệnh hơn nam giới, độ tuổi phổ biến nhất là từ 25 – 45 tuổi.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ là vấn đề tâm lý phức tạp mà nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện mối liên quan giữa hoạt động của não bộ và các chất dẫn truyền thần kinh như epinephrin, serotonin góp phần hình thành bệnh.
Hơn nữa theo thống kê, khoảng 24,7% số trường hợp mắc bệnh là do di truyền, đặc biệt ở các cặp sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với sinh đôi khác trứng. Điều này cho thấy nếu gia đình có người từng mắc bệnh, nguy cơ các thành viên khác gặp phải vấn đề tâm lý cũng sẽ tăng cao.
Ngoài ra, căn bệnh rối loạn hoảng sợ còn xuất hiện từ một số nguyên nhân như:
- Căng thẳng, áp lực kéo dài
- Trong quá khứ đã từng bị tổn thương tâm lý
- Mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo
- Trầm cảm sau sinh
- Bị lạm dụng tình dục
- Tác động từ môi trường sống
- Ảnh hưởng từ gia đình
Đối tượng nguy cơ bị rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ không phải ai cũng có nguy cơ mắc phải. Một số nhóm đối tượng nhất định được xác định là dễ gặp phải tình trạng này hơn do các yếu tố từ môi trường sống và di truyền.
- Người ở lứa tuổi thiếu niên, trong độ tuổi 18 – 19, đặc biệt nữ giới có nguy cơ cao hơn
- Những người phải chịu áp lực căng thẳng quá mức trong cuộc sống
- Những ai từng trải qua đau buồn lớn như mất đi người thân yêu
- Người bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục, gặp tai nạn nghiêm trọng
- Những người từng trải qua biến cố lớn trong đời như ly hôn, trầm cảm sau sinh
- Người nghiện thuốc lá, lạm dụng chất kích thích như caffeine
- Người có tiền sử gia đình từng mắc rối loạn hoảng sợ hoặc cơn hoảng loạn
Dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn hoảng sợ
Các triệu chứng của bệnh rối loạn hoảng sợ xuất hiện ở bất kì trường hợp nào mà không có dấu hiệu cảnh báo trước. Một số dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này như:
- Tức ngực
- Thở gấp, khó thở, hơi thở không đều
- Nói nhanh, không kiểm soát được tốc độ nói
- Buồn nôn, mắc ói
- Chóng mặt, hoa mắt
- Đau dạ dày
- Đổ nhiều mồ hôi lạnh
- Đứng ngồi không yên, cảm thấy bứt rứt, bồn chồn
- Cảm giác tuyệt vọng, lo lắng quá mức
- Tay chân run rẩy
- Mặt đỏ
- Tay siết chặt hoặc cầm nắm vào vật gì đó
- Huyết áp tăng cao, rối loạn nhịp tim
Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, người bệnh nên nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc chủ động liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp kiểm soát tốt nhất.
Ảnh hưởng của chứng rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ sống trong trạng thái lo âu thường trực, thậm chí phát triển nỗi sợ hãi cụ thể như sợ ra ngoài, sợ lái xe.
Tình trạng này cũng dẫn đến vấn đề nghiêm trọng khác như tránh né xã hội, gặp khó khăn trong công việc hoặc học tập. Không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu, tìm đến rượu, chất kích thích để giảm bớt căng thẳng.
Nhiều người còn cảm thấy mình bị mắc kẹt khiến bản thân dần phụ thuộc vào người khác để đi cùng khi rời nhà. Nếu không được hỗ trợ, cuộc sống hàng ngày trở nên rối loạn và mất kiểm soát, khó hòa nhập xã hội và duy trì công việc.
Cách chẩn đoán rối loạn hoảng sợ
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng của bệnh rối loạn hoảng sợ, nên nhanh chóng tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra chuyên môn để nhận định chính xác về tình trạng bệnh của mỗi người. Những biện pháp thường được áp dụng như:
- Khai thác thông tin bằng cách trò chuyện với bệnh nhân
- Cho người bệnh thực hiện một bài test hoặc loạt câu hỏi tâm lý để đánh giá
- Thực hiện chẩn đoán lâm sàng bằng cách đo nhiệt độ, cân trọng lượng, đo chiều cao, huyết áp, nhịp tim, kiểm tra vùng bụng
- Tiến hành các xét nghiệm máu toàn phần và kiểm tra tuyến giáp
Khi người bệnh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ thì mới được nhận định đang mắc chứng rối loạn hoảng sợ.
Phương pháp điều trị rối loạn hoảng sợ hiệu quả
Nếu được áp dụng đúng phương pháp và kiên trì sử dụng thì các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ có thể hoàn toàn biến mất. Hiện nay, y học phát triển nên việc điều trị cũng mang lại kết quả cao hơn. Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà thời gian điều trị sẽ có phần khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ chữa trị bệnh thường được áp dụng:
1. Điều trị bằng thuốc Tây
Thông thường, người bệnh được chỉ định dùng thuốc ít nhất 6 tháng để kiểm soát các triệu chứng, sau đó giảm liều dần và duy trì trong khoảng 30 tháng. Cách này giúp giảm bớt cảm giác lo lắng, tiêu cực và hoảng loạn trong vòng 4 – 12 tuần.
Quan trọng hơn, việc điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Phác đồ điều trị sẽ được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của từng người. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để đảm bảo an toàn và đạt kết quả tốt nhất.
Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị tình trạng rối loạn hoảng sợ như:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Các loại như amitriptylin, doxepin, nortriptylin giúp ngăn ngừa cơn hoảng sợ đột ngột, dù không cải thiện được tâm trạng người bệnh.
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Được bác sĩ ưu tiên lựa chọn vì tính an toàn cao và dễ dùng. Loại thuốc này có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với benzodiazepin tùy vào tình trạng bệnh của từng người.
- Nhóm thuốc an thần benzodiazepin: Giải pháp khác được nhiều bệnh nhân tin dùng bởi làm giảm triệu chứng hiệu quả và hạn chế tối đa tác dụng phụ đối với sức khỏe.
2. Áp dụng tâm lý trị liệu
Phương pháp tâm lý trị liệu luôn được nhiều người lựa chọn bởi nó mang lại kết quả dài lâu và cải thiện bệnh một cách tự nhiên. Qua nhiều hình thức, chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt cơn hoảng loạn, lo lắng, tiêu cực.
Đồng thời nó cũng giúp bệnh nhân nhận thức được hành vi bất thường của mình để có thể cùng chuyên gia đưa ra các giải pháp khắc phục và cải thiện một cách tự nhiên nhất.
Phương pháp trị liệu tâm lý nên áp dụng cho người bệnh rối loạn hoảng sợ là liệu pháp phơi nhiễm, động thái tâm lý, nhận thức – hành vi, tâm lý Psychodynamic,….Đặc biệt muốn tình trạng bệnh được cải thiện tốt nhất, nên lựa chọn địa chỉ điều trị uy tín và chất lượng.
3. Hỗ trợ điều trị tại nhà
Bên cạnh áp dụng phương pháp đặc trị, người bệnh cũng cần nhanh chóng thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mình để giúp cho các triệu chứng của bệnh được thuyên giảm nhanh hơn. Đồng thời nên:
- Giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, tránh làm việc quá sức
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, ngủ nhiều
- Rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập thể dục thể thao đơn giản
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện
- Học các bài tập giảm stress đơn giản như thiền, massage, yoga, xoa bóp, thái cực quyền,…
Cách phòng ngừa rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ không chỉ có thể kiểm soát mà còn phòng ngừa hiệu quả nếu áp dụng đúng phương pháp như sau:
- Điều trị các cơn hoảng loạn sớm để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
- Tuân thủ phác đồ điều trị để kiểm soát và ngăn ngừa tái phát
- Tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng
- Tránh xa caffeine, rượu và thuốc lá
- Ăn uống lành mạnh và xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối
- Học thiền, yoga, xoa bóp hoặc thái cực quyền để giảm stress
- Ngủ đủ giấc và duy trì thói quen sinh hoạt điều độ
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc bổ sung hoặc không kê đơn
Một số thắc mắc về chứng rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ tuy phổ biến nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc xoay quanh cách nhận biết và điều trị. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp được giải đáp để giúp cá nhân hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Câu 1: Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi các cơn hoảng sợ xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc kèm theo triệu chứng như đau ngực, khó thở, cần tìm đến bác sĩ ngay.
Câu 2: Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không?
Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị thì rối loạn hoảng sợ có thể làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Câu 3: Rối loạn hoảng sợ có chữa khỏi được không?
Rối loạn hoảng sợ hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện bằng liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc các phương pháp thư giãn như thiền và yoga.
Câu 4: Rối loạn hoảng sợ có tái phát không?
Rối loạn hoảng sợ có thể tái phát, nhất là khi không tuân thủ điều trị hoặc gặp phải căng thẳng lớn.
Rối loạn hoảng sợ là chứng bệnh nguy hiểm khiến cho tâm trạng, cảm xúc của con người bị ảnh hưởng, dần tác động xấu đến sức khỏe. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ để nhanh chóng cải thiện được tình trạng, ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) là gì?
- 10 bài thuốc điều trị rối loạn lo âu bằng đông y thường dùng
- Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em: Những thông tin cần biết
Nguồn tham khảo:
- benhvientamthanbentre.com.vn, vinmec.com, yte.nghean.gov.vn,…
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!