Rối loạn ám ảnh nghi thức là gì? Điều cần biết
Rối loạn ám ảnh nghi thức được đặc trưng bởi những ý nghĩ hay hành vi kéo dài, có tính lặp đi lặp lại mà bệnh nhân không thể kiểm soát được và phải thực hiện để giảm bớt những lo lắng, căng thẳng liên quan đến các ám ảnh. Thống kê cho thấy có đến khoảng 2-3% mắc chứng này đồng thời thường kèm theo các rối loạn tâm thần khác nên cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Rối loạn ám ảnh nghi thức là gì?
Rối loạn ám ảnh nghi thức có tên khoa học là Obsessive Compulsive Disorder (OCD) là thuật ngữ dùng để mô tả những ý nghĩ, ám ảnh kéo dài dài, mang tính mãn tính khiến người mắc bệnh bắt buộc phải thực hiện một hành vi nào đó mà họ bị ám ảnh. Nếu từ chối thực hiện những hành vi đó người bệnh sẽ cảm thấy nghẹt thở, sợ hãi, lo âu tột độ. Thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trên 18 tuổi là 1.2 %, ở nữ và khoảng 1.8% dân số ở nam. Tỷ lệ bệnh nhân mang OCD suốt đời là 2.3%.
Để hiểu rõ hơn về OCD, hãy cùng phân tích về thuật ngữ Obsessive Compulsive Disorder, trong đó Disorder có nghĩa là rối loạn; Obsessive là sự ám ảnh và Compulsive mang ý nghĩa cưỡng bách, ép buộc. Nghi thức ở đây được hiểu là một loạt các hành động, cử chỉ lời nói được thể hiện theo một cách có thứ tự, có trình tự sẵn đã được thiết lập trước đó. Vì vậy rối loạn ám ảnh nghi thức có thể hiểu là việc người bệnh luôn bị ám ảnh về việc thực hiện một điều gì đó mà nhất định phải tiến hành theo một trật tự đã được định sẵn trong đầu họ.
Một số nỗi ám ảnh về nghi thức ở bệnh nhân OCD như
- Rửa: luôn ám ảnh việc rửa tay hay chỉ tắm với vòi sen),
- Kiểm tra: luôn ám ảnh và suy nghĩ đến việc kiểm tra đã khóa cửa hay chưa, đã tắt bếp hay chưa
- Đếm: luôn phải đếm đếm lại lại một thứ gì đó hay lặp đi lặp lại các hành vi theo một số lần nhất định
- Sắp xếp theo thứ tự: chẳng hạn nhất định phải sắp xếp bát từ bát to đến bát nhỏ, buộc phải sắp xếp theo màu sắc. (
Theo các nghiên cứu, OCD thường liên quan đến vấn đề xung quanh đời sống hằng ngày. Tuy nhiên các nghi thức này không chỉ bao gồm cả hành vi mà còn kèm theo cả các suy nghĩ không thể bộc lộ. Chẳng hạn họ bắt buộc bản thân phải tự đếm được 100 con cừu trước khi đi ngủ, nếu không sẽ không thể ngủ được. Các quy tắc được thực hiện theo một cách cứng nhắc, ngay cả khi đang trong hoàn cảnh không phù hợp nhưng họ vẫn bắt bản thân phải thực hiện.
OCD gây ra rất nhiều ảnh hưởng đất chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các ám ảnh xoay quanh cuộc sống khiến họ gặp nhiều trở ngại trong công việc hay cả tình cảm. Nỗi ám ảnh có thể đi kèm hoặc không liên quan đến nỗi sợ hãi. Nỗi ám ảnh khi được liên kết trên thực tế được thể hiện một cách quá mức và có thể gây tốn nhiều thời gian, ít nhất là 1h/ ngày, hoặc thậm chí là hàng chục giờ đồng hồ, ví dụ họ có thể rửa tay đến hàng giờ đồng hồ liền khiến tróc cả da tay.
Thực tế cá nhân người bệnh có thể hiểu được các nỗi ám ảnh sợ hãi của họ là vô lý nhưng lại không thể nào kiểm soát được các hành động, tâm trí của mình suy nghĩ đến các nghi thức đó. Tuy nhiên cũng có trường hợp họ mất đi sự thấu hiểu và bị thuyết phục rằng niềm tin (do sự ám ảnh tạo ra, chẳng hạn như tin rằng nếu không rửa tay sẽ có nhiều vi khuẩn gây bệnh nặng) và các hành vi nghi thức của họ hoàn toàn đúng đắn)
Nguyên nhân rối loạn ám ảnh nghi thức
OCD thường có xu hướng khởi phát âm thầm từ nhỏ nhưng bệnh nhân thường cố gắng kiểm soát hoặc dấu diếm bệnh vì sợ bị người khác bắt nạt, xa lánh. Người bệnh có thể chỉ có suy nghĩ ám ảnh hoặc chỉ có tính nghi thức nhưng cũng có thể gặp cả hai trạng thái cùng lúc. OCD có xu hướng mãn tính và không hề dễ dàng để chữa khỏi.
Theo các bác sĩ, những nguyên nhân chính gây ra rối loạn ám ảnh nghi thức bao gồm
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh như ông bà, bố mẹ hay anh chị thời sau có nguy cơ mắc OCD cao gấp 4 lần bình thường
- Các chất dẫn truyền thần kinh: Serotonin được cho là có liên quan mật thiết đến OCD, cụ thể các nghiên cứu đã tìm thấy sự rối loạn điều hòa serotonin bất thường của bệnh nhân OCD ở các synap tại một số vùng não khác nhau. Bệnh cạnh đó các nghiên cứu cũng cho rằng nồng độ vasopressin và oxytocin giảm cũng có thể liên quan đến OCD.
- Nghiên cứu hình ảnh não: khi tiến hành nghiên cứu cơ chế gây bệnh qua hình ảnh não bộ, bác sĩ cũng tìm ra ở những bất thường tại thùy trán, các hạch đáy não (nhân đuôi)…. Theo đó nếu chụp CT hoặc MRI thấy có thể thấy rõ hình ảnh giảm kích cỡ nhân đuôi cả 2 bên. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Ngoài ra một số nghiên cứu cũng cho rằng OCD có thể liên quan đến yếu tố tác động của môi trường, sự căng thẳng lo lắng quá mức làm xuất hiện các ý nghĩa xâm chiếm cuộc sống của họ. Hơn 50% bệnh nhân cũng có xu hướng khởi phát bệnh sau stress nặng. Vì vậy mà người mắc chứng OCD có thể kèm theo một số rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn loạn lo âu khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm trầm trọng hơn.
Hướng điều trị rối loạn ám ảnh nghi thức
Các nghiên cứu cho thấy người OCD thường khá nhạy cảm với con số, có độ nhạy cao vì thế nhìn chung họ vẫn có thể tham gia đời sống sinh hoạt như bình thường, thậm chí là thành công trong một số lĩnh vực như kinh doanh. Có khoảng 20- 30% bệnh nhân ý thức được bệnh và có xu hướng thuyên giảm dần các triệu chứng theo từng đợt, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn cần được tiến hành điều trị nhanh chóng.
Người bị OCD có thể tự kiểm soát bằng cách tránh các hành động khiến họ cảm thấy bị ám ảnh và bắt buộc thực hiện các nghi thức, tuy nhiên cũng không hề dễ dàng nếu đó là các hoạt động cần thiết trong đời sống hằng ngày. Tốt nhất bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa để tiến hành chẩn đoán và có phác đồ điều trị thích hợp nhất. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ của bác sĩ để đem lại kết quả điều trị tốt nhất.
1. Điều trị y khoa
Thuốc nhóm SSRI hoặc clomipramin được đánh giá là 2 nhóm thuốc cho tác dụng tốt nhất trên bệnh nhân OCD để kiểm soát các bất thường do serotonin gây ra. Trong đó thuốc chống trầm cảm clomipramine thường được chỉ định đầu tiên để tăng mức độ serotonin trong não, nếu không có hiệu quả mới chuyển qua SSRI. Ngoài ra thuốc ức chế monoamin oxydase cũng được chỉ định dùng cho bệnh nhân OCD trong một số trường hợp.
Tuy nhiên chú ý do các nhóm thuốc này thường gây ra khá nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi hay có thể gây rối loạn cương dương nên người bệnh cần chú ý hơn khi sử dụng. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hay tăng/ giảm liều dùng đều có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ không tốt. Trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi sử dụng hay phát hiện các vấn đề bất thường nào để có hướng xử lý kịp thời.
Trong một số trường hợp OCD nặng, bệnh nhân có thể được yêu cầu sốc điện hay phẫu thuật cho các bệnh nhân kháng thuốc. Tuy nhiên các phương pháp này rất hạn chế sử dụng, người bệnh cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ nếu thực sự muốn thực hiện các phương pháp điều trị này.
2. Điều trị tâm lý
Liệu pháp tiếp xúc và ngăn ngừa nghi thức là hai phương pháp được chỉ định trong điều trị tâm lý cho bệnh nhân OCD. Mục đích chính của các phương pháp này là giảm nỗi sợ hãi, ám ảnh của bệnh nhân với các sự kiện, suy nghĩ đó. Các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tiếp cận dần với nỗi ám ảnh và yêu cầu họ không được thực hiện các hành vi nghi thức, từ đó dần dần giảm đi nỗi sợ hãi, lo âu cho người bệnh. Kỹ thuật tập nhiễm và ngăn ngừa đáp trả được đánh giá là mang đến hiệu quả khá tốt cho những bệnh nhân OCD.
Đồng thời bác sĩ cũng là người phân tích giúp bệnh nhân hiểu nỗi ám ảnh đó là hoàn toàn vô lý cũng như hướng dẫn học cách để kiểm soát các hành vi nghi thức. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu thì việc trị liệu tâm lý là cực kỳ cần thiết để kiểm soát các hành vi, trạng thái quá mức có thể khiến họ tự làm hại bản thân.
3. Điều trị tại nhà
Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát các triệu chứng ám ảnh quá mức cho những bệnh nhân OCD. Các bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh nên tham gia các lớp học trị liệu cùng bệnh nhân để được hướng dẫn cách chăm sóc và kiểm soát bệnh nhân tốt nhất. Việc sống cùng gia đình hay người thân là rất cần thiết cho bệnh nhân OCD có kèm theo các rối loạn tâm thần khác.
Bên cạnh đó người bệnh cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn, tránh làm việc quá sức. Căng thẳng mệt mỏi quá sức chính là nguyên nhân khiến bệnh tái phát hay trầm trọng hơn. Dành thời gian nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao đầy đủ, ăn uống đủ chất, luôn hướng đến những điều lạc quan tích cực sẽ giúp đời sống tinh thần ngày càng trở nên tươi mới hạnh phúc, qua đó có thể giảm đáng kể những nỗi ám ảnh nghi thức không thể kiểm soát trước đó.
Rối loạn ám ảnh nghi thức hoàn toàn có thể chữa được nếu người bệnh thực sự kiên trì và phối hợp với các bác sĩ, chuyên gia một cách tốt nhất. Ngay khi phát hiện những vấn đề bất thường trong tâm lý, suy nghĩ và các hành vi của bản thân, bạn nên nhanh chóng đi thăm khám để có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm
- Phương pháp điều trị rối loạn lo âu tại nhà không cần thuốc
- Bị rối loạn lo âu nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện bệnh
- Tập yoga chữa rối loạn lo âu cực hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!