Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh rối loạn lo âu lan tỏa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Vậy rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không? Có chữa được không? Vấn đề này sẽ được làm rõ cùng nội dung bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD) còn được gọi là rối loạn lo âu toàn thể. Sự lo âu dai dẳng và lan tỏa chính là đặc điểm cơ bản của dạng rối loạn tâm thần này. Đây là tình trạng lo lắng quá mức về một sự kiện/hoạt động nào đó kéo dài từ 6 tháng trở lên.
Chứng bệnh này tương đối phổ biến và đang ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số thế giới. Rối loạn lo âu lan tỏa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trước độ tuổi 25 và thường gặp ở phụ nữ hơn đàn ông. Bên cạnh đó, những người lạm dụng rượu bia, bị rối loạn hoảng sợ hoặc trầm cảm điển hình cũng rất dễ gặp phải vấn đề tâm thần này.
Chúng ta cần phân biệt rạch ròi rối loạn lo âu lan tỏa với các dạng rối loạn lo âu khác bởi chúng mang nhiều đặc điểm tương đồng. Ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ chuyên biệt… đều được đặc trưng bởi tình trạng lo âu thái quá trong một hoặc một số tình huống cụ thể, trước các đối tượng nhất định trong khi rối loạn lo âu lan tỏa không hề giới hạn trong một hoàn cảnh cụ thể nào cả. Tên gọi “lan tỏa” bắt nguồn từ tính chất quan trọng này.
Khác với cảm giác lo âu thông thường, rối loạn lo âu là tỏa là một bệnh lý tâm thần tương đối nặng nề, có thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, khổ sở, bồn chồn, mất tập trung, giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống…
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng hướng, dạng rối loạn này sẽ dẫn đến tình trạng bi quan, tiêu cực, trầm cảm tồi tệ, thậm chí người bệnh có thể nảy sinh ý định và hành vi tự sát.
Các triệu chứng điển hình nhất của căn bệnh này bao gồm: căng thẳng, lo âu, tăng cường mức độ cảnh giác về mặt nhận thức cũng như hoạt động thần kinh tự chủ. Bệnh nhân thường lo âu quá mức, đến nỗi ảnh hưởng lớn đến mọi mặt cuộc sống hàng ngày. Tình trạng căng thẳng vận động được thể hiện qua triệu chứng bứt rứt, run rẩy, hồi hộp, thở dốc, đau đầu, đổ mồ hôi, hay cáu gắt, dễ giật mình đi kèm một số vấn đề về đường tiêu hóa.
Đa số người bệnh thăm khám lần đầu trong vào độ tuổi 20. Trong đó, chỉ 1/3 trường hợp tìm đến chuyên khoa tâm thần. Những người còn lại thường nhờ bác sĩ đa khoa, tim mạch, nội khoa, tiêu hóa, hô hấp… điều trị các triệu chứng thực thể của mình.
Rối loạn lo âu lan tỏa có xu hướng tăng dần theo thời gian và thường đi kèm một số bệnh lý thực tổn. Đây là một dạng rối loạn tâm thần mạn tính, có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Những người bị rối loạn lo âu lan tỏa thường tự tìm kiếm loại thuốc phù hợp. Do đó, một số trường hợp bị phụ thuộc vào rượu bia, ma túy và thuốc bình thần. Sau 5 năm mắc bệnh, chỉ khoảng 18 – 35% bệnh nhân được điều trị dứt điểm.
Để chữa khỏi hoàn toàn chứng bệnh này, bệnh nhân cần kết hợp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ tâm thần. Thời gian chữa bệnh thường diễn ra trong vòng 6 – 12 tháng. Theo thống kê, khoảng 25% trường hợp bị tái phát sau tháng đầu tiên ngừng điều trị và 50 – 60% bệnh nhân bị tái phát vào những năm tiếp theo.
Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không?
Chứng bệnh này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe tổng thể. Một số hệ lụy khó lường từ rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:
- Tâm lý bất ổn: khó tập trung, mất tự tin, dễ cáu gắt, thường xuyên căng thẳng – sợ hãi, tự cô lập bản thân
- Sức khỏe suy yếu, hình thành nhiều bệnh lý: suy nhược cơ thể, rối loạn ăn uống (ăn quá nhiều hoặc quá ít), rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc), dễ bị đau nửa đầu, nhức đầu, rối loạn tiền đình, bệnh tim mạch, đột quỵ, một số vấn đề về đường ruột
- Có thể dẫn đến ý định và hành động tự tử: hai tỷ lệ này lần lượt là 31.9% và 12.01%.
Hơn nữa, trên thực tế, rối loạn lo âu lan tỏa hiếm khi xuất hiện riêng lẻ. Thay vào đó, bệnh lý này thường đi kèm một số dạng rối loạn lo âu, thói quen lạm dụng rượu bia và chất kích thích hay bệnh lý tâm thần nào đó. Kết quả thống kê cho thấy:
- 70% bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa bị mắc bệnh trầm cảm
- 20% trường hợp lạm dụng rượu bia và các chất kích thích
- 10% người bệnh bị thêm chứng rối loạn hoảng sợ
Rối loạn lo âu lan tỏa có chữa được không?
Tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, bất ổn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của chứng bệnh này đã tạo nên nhiều rào cản trong cuộc sống của bệnh nhân. Vậy rối loạn lo âu lan tỏa có chữa được không? Theo các chuyên gia, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị dứt điểm bệnh lý này đang ngày càng tăng lên, đồng thời các phương pháp điều trị cũng được cải tiến đáng kể, trở nên an toàn, phù hợp và hiệu quả hơn với hầu hết trường hợp.
Sự bền bỉ, kiên trì và những cố gắng nghiêm túc của bệnh nhân trong suốt quá trình chữa bệnh chính là yếu tố then chốt có thể đảm bảo kết quả điều trị. Hai phương pháp kiểm soát và đẩy lùi rối loạn lo âu lan tỏa phổ biến nhất hiện nay là điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý.
1. Điều trị nội khoa
Thuốc Tây trở nên vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị căn bệnh này những năm gần đây. Trong tương lai gần, hóa dược tiếp tục đóng vai trò chủ yếu trong công tác chữa bệnh. Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:
- Thuốc chống lo âu: Benzodiazepin thường không được chỉ định sử dụng kéo dài bởi nhóm thuốc này có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc. Lưu ý, khi bệnh nhân ngừng uống thuốc, các triệu chứng sẽ dễ dàng tái phát.
- Thuốc chống trầm cảm (mirtazapin, venlafaxin, paroxetin, sertralin, clomipramin…): Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị rối loạn lo âu đi kèm bệnh trầm cảm và và rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài ra, các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng phát huy hiệu quả tốt với triệu chứng rối loạn lo âu và rối loạn hoảng sợ.
- Thuốc bình thần (clonazepam, bromazepam, diazepam…)
- Thuốc an thần thế hệ mới (olanzapin, quetiapin…).
Một số bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc Tây trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Thế nhưng, đa số trường hợp đều phải duy trì điều trị nội khoa trong suốt nhiều năm, thậm chí cả đời.
Khoảng 25% người bệnh bị tái phát ngay trong tháng đầu tiên khi vừa ngưng thuốc. Trong khi đó, tỷ lệ này lên đến khoảng 60 – 80% trong năm đầu tiên sau khi ngừng thuốc. Tuy hầu hết bệnh nhân đều cần uống thuốc lâu dài nhưng họ hiếm khi bị phụ thuộc vào các loại thuốc venlafaxin, buspiron, benzodiazepin hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
2. Trị liệu tâm lý
Đây là phương pháp điều trị tâm bệnh hàng đầu, đặc biệt hiệu quả trong công tác chữa khỏi các chứng rối loạn tâm thần kinh (bao gồm chứng rối loạn lo âu lan tỏa). Trong các buổi trị liệu, chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà về nguyên nhân hình thành bệnh lý cũng như giải pháp tháo gỡ vấn đề.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng cải thiện triệu chứng, nhà trị liệu sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số bài tập về cách hít thở, thư giãn, điều hòa cảm xúc, làm chủ trạng tâm lý căng thẳng – lo âu của bản thân. Kỹ thuật trị liệu này giúp bạn:
- Quản lý căng thẳng
- Thư giãn não bộ
- Nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực
- Biết cách mở lòng tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và chuyên gia mỗi khi cần thiết
Các nhà khoa học cho biết, những liệu pháp trị liệu tâm lý có thể mang đến hiệu quả gần như tương đương một số loại thuốc Tây. Đặc biệt, cách làm này có thể đảm bảo an toàn và mang đến lợi ích bền vững, lâu dài hơn hẳn.
Trong đó, nhận thức hành vi là kỹ thuật trị liệu rối loạn lo âu lan tỏa phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp này giúp bệnh nhân thấu hiểu khả năng tác động của cảm xúc – suy nghĩ đến hành vi của chính mình, thay đổi tư duy cũng như điều chỉnh cách thức bản thân đối phó với các sự kiện/tình huống bất định, khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, họ có thể kiểm soát tốt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và sống vui vẻ, hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Với liệu pháp nhận thức hành vi, trong 6 – 12 buổi trị liệu cá nhân, chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn người bệnh thực hành suy nghĩ lạc quan, tích cực và xua tan cảm giác sợ hãi, bất an.
Bệnh nhân được khuyến khích ghi chép mọi suy nghĩ, cảm xúc của bản thân vào một cuốn nhật ký riêng, ghi chú những sự kiện mà họ cảm thấy căng thẳng và một số hành động làm dịu lo âu. Sau đó, họ sẽ đóng vai và diễn tập trong các tình huống giả định nhằm rèn luyện kỹ năng kiểm soát tâm trạng hơn.
Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát, khoảng 32% người bệnh tham gia trị liệu nhận thức hành vi đã cải thiện triệu chứng chỉ sau 3 tháng và 42% bệnh nhân thuộc nhóm này đã cải thiện triệu chứng sau 6 tháng. Một nghiên cứu mới đây cũng chứng minh, trong vòng 8 – 14 năm, 50% trường hợp có đáp ứng ban đầu với liệu pháp nhận thức hành vi trong khi phần còn lại cũng được cải thiện rõ rệt.
Nếu mong muốn điều trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa của bản thân bằng liệu pháp nhận thức hành vi hoặc đang có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến kỹ thuật trị liệu này, độc giả hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp chính xác, nhiệt tình:
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị
Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, trò chuyện cùng những người thân thương, tập thở sâu, ngủ đủ giấc, rèn luyện sức khỏe, ăn uống lành mạnh, học cách tĩnh tâm – thư giãn, kết hợp linh hoạt tất cả giác quan… chính là những biện pháp đơn giản có thể tăng cường hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị.
1. Hiểu rằng bạn không hề cô đơn
Những người bị rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng thường cảm giác chỉ duy nhất chính mình kém cỏi, yếu đuối, khác biệt, đang gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng và cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời.
Thật ra, đây là vấn đề chung của rất nhiều người. Theo thống kê, có khoảng 3% dân số thế giới bị bệnh này. Vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn cần thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được điều trị bệnh tình dứt điểm, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân thiết hoặc tham gia vào các đội nhóm hỗ trợ bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa.
2. Trò chuyện cùng người thân, bạn bè
Những cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành với những người thân thương có thể giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Sau khi chia sẻ nỗi lòng với gia đình, bạn bè, các cảm xúc – suy nghĩ bất ổn, tiêu cực sẽ từ từ dịu lại. Thêm vào đó, bạn cũng có dịp ngồi xuống để lắng nghe những lời khuyên khách quan, hữu ích từ những người xung quanh trước.
3. Phối hợp các giác quan
Nếu không thể hoặc chưa sẵn sàng tương tác, kết nối với mọi người, người bệnh có thể tự cải thiện triệu chứng bằng cách kết hợp sử dụng nhiều giác quan theo gợi ý sau:
- Thị giác – ngắm nhìn những thứ khiến bạn cảm thấy tươi vui, thư giãn: hoa lá, rừng cây, sông suối, biển cả, tranh vẽ, thần tượng…
- Thính giác – lắng nghe những giai điệu, âm thanh giúp bạn thanh lọc tâm hồn và thư giãn đầu óc: tiếng sóng biển, tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc…
- Khứu giác – ngửi mùi hương mà bạn yêu thích: mùi nước hoa, mùi hương hoa cỏ, mùi không khí buổi sáng trong lành, mùi tinh dầu ngọt ngào thanh khiết…
- Vị giác – thưởng thức các món ăn ngon lành, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe
- Xúc giác – cảm nhận niềm vui trong từng cái chạm: nắm tay những người thương, xoa bóp tay – chân – vai – cổ, ôm ấp thú cưng, cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp…
4. Phấn đấu trong công việc
Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến chứng rối loạn lo âu. Vì vậy, hãy biến công việc nhàm chán thường ngày trở nên thú vị và tươi mới hơn bằng cách tự đề ra những nhiệm vụ ngắn hạn, hoàn thành xuất sắc, động viên bản thân tiếp tục cố gắng và tự thưởng cho chính mình sau những giờ làm việc căng thẳng.
5. Rèn luyện sức khỏe
Thói quen lành mạnh này không chỉ giúp bạn nâng cao sức mạnh thể chất mà còn có thể giải quyết một số bất ổn tâm lý. Để hỗ trợ quá trình điều trị, bạn nên lựa chọn những bài tập thể dục hoặc các bộ môn thể thao vừa sức, phù hợp với bản thân. Việc luyện tập sức khỏe thường xuyên sẽ thúc đẩy não bộ giải phóng endorphin (một loại hormon giữ nhiệm vụ cải thiện tâm trạng, nuôi dưỡng lòng tự tin và duy trì tâm trí minh mẫn).
6. Tập hít thở sâu
Việc hít thở sâu có tác dụng thư giãn đầu óc và triệt tiêu những cảm xúc – suy nghĩ tiêu cực. Bạn có thể vừa hít thở sâu vừa tự thầm nhắc nhở bản thân: “Tôi tự tin”, “Tôi bình tĩnh”, “Tôi có thể vượt qua mọi chuyện”, “Tôi hoàn toàn bình thường”, “Tôi có thể làm được”… Hãy luyện tập hít thở sâu khoảng 20 – 30 phút vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng.
7. Bổ sung lợi khuẩn đường ruột
Các loại thuốc Tây điều trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa có thể tác động đến bộ não và hành vi của bệnh nhân bằng cách điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Thế nhưng, trong một số trường hợp, những triệu chứng của bệnh lý này vẫn không thuyên giảm hoặc chỉ giảm đi một phần không đánh kể.
Hiện nay, các nhà khoa học đang đặt ra giả thuyết rằng, rất có thể rối loạn lo âu không chỉ liên quan đến tình trạng thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ mà còn bị chi phối bởi một số cơ chế phức tạp khác như: suy giảm chức năng trục não – ruột và suy giảm miễn dịch. Trong đó, tình trạng bất thường của hệ khuẩn chí đường ruột chiếm vai trò then chốt.
Theo nhiều nghiên cứu, hệ khuẩn chí đường ruột của các bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa tương đối khác biệt so với những người khỏe mạnh, bình thường (số lượng lợi khuẩn bên trong đường ruột Lactobacilli và Bifidobacterium của họ bị sụt giảm rõ rệt).
Vi khuẩn đường ruột có chức năng duy trì hoạt động của não bộ và điều hòa hành vi thông qua việc tác động trực tiếp lên con đường dẫn truyền thần kinh giữa não bộ và đường ruột. Chúng cũng đồng thời thúc đẩy quá trình sản xuất hàng loạt chất chuyển hóa và chất hoạt hóa thần kinh như: acetycholin, dopamin, serotonin, GABA…
Ngoài ra, hệ khuẩn chí đường ruột còn góp phần ức chế cytokin (một hoạt chất có thể cản trở quá trình giải phóng melatonin và serotonin, từ đó hình thành triệu chứng mất ngủ, buồn bã, lo lắng…) gây viêm qua hàng rào máu não.
8. Ăn uống khoa học
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh có thể góp phần kiểm soát và đẩy lùi triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Độc giả nên cân bằng lượng rau xanh và thịt cá mà cơ thể dung nạp mỗi ngày, chia nhỏ bữa ăn (3 – 5 bữa/ngày), tăng cường bổ sung trái cây, rau củ, ngũ cốc, sữa tách béo đồng thời kiêng cữ thuốc lá, rượu bia, đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều gia vị, giàu dầu mỡ.
9. Ngủ đủ giấc, đúng giờ
Những áp lực, căng thẳng và suy nghĩ bi quan, tiêu cực về cuộc sống sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng giấc ngủ. Ngược lại, nếu ngủ không ngon giấc, chúng ta rất dễ cảm thấy mệt mỏi, buồn bực, cau có, khó chịu và chán nản. Do đó, một trong những cách tốt nhất giúp bạn chữa khỏi chứng rối loạn lo âu lan tỏa là chú trọng giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng/đêm), đúng giờ (trước 11 tối) và hạn chế thức khuya.
Để ngủ ngon hơn, trước khi đi ngủ, bạn hãy:
- Đọc vài trang sách hay
- Thư giãn với vài bản nhạc không lời nhẹ nhàng
- Tránh xa trà đặc, cà phê, socola
- Tắt hết các thiết bị điện tử trong phòng ngủ như: tivi, máy tính, laptop…
10. Tháo gỡ các vấn đề của bản thân
Bệnh nhân hãy ngồi lại để lắng nghe và đối thoại với chính mình. Điều gì đang khiến bạn căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, bất an, chán nản, tức giận? Hãy cố gắng gọi tên và liệt kê chúng thành một danh sách, sau đó bóc tách, phân tích rồi tìm cách giải quyết chúng càng sớm càng tốt. Thói quen này giúp bạn dọn sạch cảm xúc tiêu cực, bi quan về cuộc sống hiện tại để sống chủ động, bình an và nhẹ nhàng hơn.
11. Học cách suy nghĩ tích cực
Sự kéo dài liên tục của những cảm xúc bi quan, tiêu cực chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các dạng rối loạn tâm lý. Do đó, việc thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống cũng như nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực trở nên vô cùng cần thiết. Bạn có thể tự chuyển hướng và điều chỉnh cảm xúc của bản thân bằng cách:
- Viết nhật ký
- Suy nghĩ về hình mẫu hoàn hảo của chính mình trong tương lai và lập kế hoạch hành động
- Chép tay những trích dẫn truyền cảm hứng
- Luôn động viên bản thân sống tự tin, vui vẻ và mạnh mẽ tiến về phía trước
- Đặt ra một số mục tiêu nho nhỏ mỗi ngày và hoàn thành thật tốt
- Tham gia các hoạt động yêu thích: nấu nướng, làm vườn, nghe nhạc, đọc sách, may vá, thêu thùa, học ngoại ngữ, làm tình nguyện
12. Cố gắng tĩnh tâm
Tĩnh tâm là trạng thái tâm trí ổn định, tĩnh lặng, không bị dấy động bởi những yếu tố gây nhiễu đến từ môi trường bên ngoài. Lúc này, chúng ta sẽ quay trở về với con người chính mình và đạt đến sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn.
Bạn có thể tập tĩnh tâm bằng cách chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại, quan sát cảm xúc – suy nghĩ, hít thở thật sâu và theo dõi từng chuyển động của cơ thể, cảm nhận cảm giác trên làn da hay lắng nghe hơi thở của chính mình trong từng hoạt động mỗi ngày.
Bài viết đã giải đáp chi tiết thắc mắc “Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không? Có chữa được không?” Nhìn chung, tình trạng này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe tổng thể. Do đó, ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường, độc giả hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị dứt điểm.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
- Điều trị rối loạn lo âu bằng Đông Y: 10 bài thuốc an toàn – hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!