Stress oxy hóa là gì? Có nguy hiểm không?
Stress oxy hóa là tình trạng mất cân bằng của các chất chống oxy hóa và gốc tự do bên trong cơ thể. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Làm thế nào để khắc phục và phòng ngừa?
Tình trạng stress oxy hóa là gì?
Stress oxy hóa là tình trạng mất cân bằng của các chất chống oxy hóa và gốc tự do bên trong cơ thể.
1. Gốc tự do
Cơ thể chúng ta được cấu thành nhiều loại tế bào khác nhau. Mỗi loại tế bào giữ một chức năng riêng biệt, chẳng hạn: tế bào tim co bóp liên tục để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tế bào tụy giải phóng insulin nhằm ổn định lượng đường huyết, tế bào gan giúp đào thải độc tố.
Để hoàn thành chức năng của mình, các tế bào cần tự tổng hợp năng lượng cho quá trình hoạt động không ngừng nghỉ. Quá trình tổng hợp năng lượng này sinh ra sản phẩm dư thừa mang tên gốc tự do (chúng có thể gây ra tình trạng lão hóa cũng nhiều bệnh tật nguy hiểm). Ngoài ra, gốc tự do cũng được hình thành từ một quá trình viêm nhiễm, khói thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất…
Gốc tự do là các phân tử chứa oxy cùng nhiều electron tự do với số lượng không đồng đều. Sự không đồng đều này khiến chúng có thể dễ dàng phản ứng với nhiều phân tử khác.
Gốc tự do là nguyên nhân dẫn đến phần lớn chuỗi phản ứng hóa học bên trong cơ thể. Các phản ứng này được gọi là quá trình oxy hóa. Chúng có thể có hại hoặc có lợi.
2. Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những phân tử có thể truyền một electron cho gốc tự do mà vẫn không mất đi trạng thái ổn định ban đầu. Sự “cho đi” này góp phần trung hòa điện tích của gốc tự do, giúp nó ổn định hơn và hạn chế tối đa các phản ứng hóa học bất lợi.
Các chất chống oxy hóa bao gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin E và glutathione (chất chống oxy hóa tự nhiên của cơ thể).
3. Cơ chế hình thành stress oxy hóa
Các chuyên gia cho biết, cơ thể chúng ta có thể tự sản xuất chất chống oxy hóa tự nhiên (thông qua quá trình viêm hoặc luyện tập thể dục) để trung hòa những gốc tự do có hại. Thế nhưng, vì một số lý do nào đó, cơ thể không thể trung hòa mọi gốc tự do, từ đó dẫn đến hiện tượng mất cân bằng và gây ra tình trạng stress oxy hóa.
Số lượng gốc tự do tăng lên đáng kể sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có, từ đó gây ra tình trạng stress oxy hóa. Đây chính là nguồn cơn của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như: bệnh tim mạch (suy tim, xơ vữa động mạch), thoái hóa thần kinh (Alzheimer, Parkinson), viêm khớp, tiểu đường…
Ngoài ra, bạn cũng có thể vô tình tiếp xúc với gốc tự do từ môi trường bên ngoài như: ô nhiễm, bức xạ, rượu bia, khói thuốc lá, bầu khí quyển, hóa chất độc hại (chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu), chế độ dinh dưỡng nhiều đường, giàu chất béo…
Tình trạng stress oxy hóa có nguy hiểm không?
Tác động của tình trạng stress oxy hóa tương đối đa dạng và không phải luôn có hại. Ví dụ, stress chống oxy hóa do hoạt động thể chất giúp chúng ta điều hòa hoạt động của cơ thể.
Việc luyện tập thể dục sẽ kích thích quá trình hình thành gốc tự do, gây ra tình trạng stress oxy hóa tạm thời bên trong cơ bắp. Tuy nhiên, các gốc tự do mới được hình thành này có thể thúc đẩy sản sinh chất chống oxy hóa và điều chỉnh sự phát triển của các mô.
Bên cạnh đó, tình trạng stress oxy hóa nhẹ cũng góp phần bảo vệ cơ thể khỏi rủi ro nhiễm trùng và bệnh tật. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, stress oxy hóa giúp cản trở quá trình lây lan của những tế bào ung thư hắc tố ở chuột.
Tuy nhiên, nếu kéo dài, tình trạng này có thể phá hủy tế bào, ADN và protein của cơ thể, từ đó dẫn đến quá trình lão hóa và khiến nhiều bệnh lý trở nên trầm trọng, chẳng hạn:
1. Viêm mạn tính
Tình trạng stress oxy hóa có thể gây viêm mạn tính. Chấn thương và nhiễm trùng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể chúng ta. Lúc này, các tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào bắt đầu sản sinh nhiều gốc tự do, đồng thời chống lại vi trùng bên ngoài xâm nhập. Những gốc tự do này có thể làm tế bào khỏe mạnh hư hỏng và bị viêm.
Thông thường, tình trạng viêm sẽ biến mất sau khi hệ thống miễn dịch hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa các mô tổn thương hoặc loại bỏ tác nhân gây bệnh. Thế nhưng, vì bản thân tình trạng stress oxy hóa cũng có thể thúc đẩy phản ứng viêm nên lượng gốc tự do được hình thành quá lớn, dẫn đến stress oxy hóa nhiều hơn và hình thành một vòng tuần hoàn bên trong cơ thể.
Tình trạng viêm mạn tính do stress oxy hóa có thể kéo theo nhiều bệnh tật như: bệnh tim mạch, viêm khớp, tiểu đường…
2. Thoái hóa thần kinh
Tình trạng stress oxy hóa có thể góp phần gây ra một số căn bệnh thoái hóa thần kinh (Alzheimer, Parkinson…). Các tế bào não cần một lượng oxy đáng kể. Do đó, bộ não rất dễ bị tổn thương vì stress oxy hóa. Một đánh giá vào năm 2018 cho biết, não bộ tiêu thụ đến 20% tổng lượng oxy cần thiết của cơ thể.
Tế bào não sử dụng khí oxy để thực hiện nhiều hoạt động trao đổi chất cường độ cao và hình thành gốc tự do. Những gốc tự do này giúp hỗ trợ quá trình phát triển ổn định của tế bào não, đảm bảo chức năng nhận thức, đồng thời duy trì trạng thái linh hoạt của hệ thần kinh.
Trong quá trình stress oxy hóa, các gốc tự do dư thừa sẽ gây tổn hại cấu trúc tự nhiên của não bộ, thậm chí hủy diệt tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng này còn làm thay đổi một số loại protein thiết yếu (chẳng hạn peptit amyloid-beta).
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, stress oxy hóa có thể thay đổi các peptide này bằng cách góp phần tích tụ nhiều mảng amyloid bên trong não bộ (một trong những đặc điểm chính của bệnh Alzheimer).
3. Xơ vữa động mạch
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng stress oxy hóa có liên hệ chặt chẽ với quá trình tăng mỡ máu (lipid máu) và dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.
Cụ thể, là phản ứng miễn dịch bẩm sinh, phản ứng oxy hóa giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng bằng cách thay đổi quá trình chuyển hóa lipoprotein và lipid, đồng thời trung hòa nội độc tố gây hại.
Khi sự chuyển hóa lipid giảm đi thì tình trạng stress oxy hóa bắt đầu tăng lên. Tuy ban đầu, sự thay đổi này có thể bảo vệ cơ thể nhưng nếu phát triển mạn tính, chúng sẽ gây tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, tình trạng stress oxy hóa còn có thể dẫn đến chứng tăng huyết áp, bệnh ung thư và thúc đẩy quá trình lão hóa.
Phương pháp kiểm soát và phòng ngừa tình trạng stress oxy hóa
Có hai cách để hạn chế tình trạng stress oxy hóa, đó là hạn chế tiếp xúc với những quá trình oxy hóa không cần thiết và tăng cường bổ sung các chất chống oxy hóa.
Quá trình oxy hóa tăng lên khi chúng ta dung nạp nhiều đường hay tiếp xúc với độc tố, hóa chất, hiện tượng nhiễm trùng và các yếu tố gây căng thẳng. Vì vậy, độc giả cần cố gắng tìm cách tránh xa khỏi chúng.
- Không tiêu thụ quá nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn
Thói quen này giúp bạn cân bằng lượng đường trong máu. Quá trình oxy hóa sẽ diễn ra khi cơ thể tiêu thụ đường, Chúng ta càng ăn nhiều đường, quá trình oxy hóa càng được khởi động liên tục.
Bên cạnh đó, những loại thực phẩm chế biến sẵn với quá nhiều gia vị, phẩm màu, dầu mỡ cũng kích thích hình thành quá trình oxy hóa.
Hơn nữa, việc ăn quá nhiều trong cùng một bữa ăn với chỉ 3 bữa chính sẽ góp phần dẫn đến tình trạng stress oxy hóa. Đây chính lý do vì sao bạn nên chia nhỏ bữa ăn, đồng thời kiêng cữ đường và thực phẩm chế biến sẵn.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa góp phần tăng cường sức khỏe, củng cố hệ miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Những loại thực phẩm lành mạnh bạn nên tăng cường dung nạp bao gồm: tỏi, nghệ, cải xoăn, củ cải, cà chua, trái bơ, bắp cải, cải thìa, bông cải xanh, măng tây, cải bó xôi, quả óc chó, quả mọng, trà đen, trà xanh, các loại hạt…
- Kiêng cữ thực phẩm gây viêm
Một số loại thực phẩm có thể kích hoạt tình trạng viêm và dẫn đến tình trạng stress oxy hóa mà độc giả cần tránh xa là: thịt đỏ, rau muống, thực phẩm chế biến, gạo nếp, thức ăn nhanh, bánh mì trắng…
- Ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng
Nếu chúng ta bị nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt quá trình oxy hóa. Do đó, mỗi khi bị bệnh, cơ thể tiêu hao rất nhiều năng lượng và chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Để làm tốt lưu ý này, bạn cần bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt và chủ động phòng tránh cảm lạnh, nhiễm trùng…
- Giải tỏa căng thẳng
Các chuyên gia cho biết, việc dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hàng ngày sẽ giúp độc giả duy trì sức khỏe tổng thể và phục hồi nhanh chóng sau những tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Hãy dành riêng một khoảng thời gian chất lượng trong ngày để hít thở sâu, tản bộ, thiền định, tập yoga, tập thể dục, viết nhật ký, trò chuyện với những người thân thương, đọc một cuốn sách hay, xem những chương trình thú vị…
- Không tiếp xúc với độc tố
Độc giả cần cố gắng tránh xa mọi độc tố xung quanh bằng cách ưu tiên lựa chọn thực phẩm hữu cơ, hạn chế làm móng – tạo kiểu tóc, không hút thuốc lá, không đến nơi ô nhiễm, khói bụi. Thêm vào đó, bạn hãy thường xuyên làm sạch và kiểm tra các dụng cụ, sản phẩm chăm sóc cá nhân như: dao cạo râu, bàn chải, kềm cắt móng… và thay thế chúng trong trường hợp cần thiết.
- Lựa chọn thực phẩm bổ sung
Bạn có thể cân nhắc dùng thêm thực phẩm bổ sung chứa thành phần selen, vitamin B12, axit alpha lipoic, methylfolate, N-acetyl cysteine (NAC) sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Dùng sản phẩm chứa chất chống oxy hóa
Tình trạng stress oxy hóa trên da có thể khiến tình trạng viêm da trở nên trầm trọng. Do đó, bạn nên sử dụng những sản phẩm chăm sóc chứa nhiều thành phần chống oxy hóa như: vitamin A, vitamin B3, vitamin C, vitamin E, glutathione, CoQ10…
- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên
Tia UV và tình trạng stress oxy hóa chính là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự lão hóa làn da. Tia UV có thể đẩy electron ra khỏi phân tử, đồng thời tạo nên phản ứng dây chuyền.
Vì vậy, các chất chống oxy hóa bên trong cơ thể bắt đầu cạn kiệt. Nhiều tế bào sẽ bị tổn thương và lão hóa. Lúc này, kem chống nắng chính là sản phẩm chăm sóc và bảo vệ làn da tuyệt vời, ngay cả trong những ngày râm mát.
- Bảo vệ môi trường
Những sáng kiến thân thiện với môi trường như: đi chung xe, di chuyển bằng phương tiện công cộng, tái chế rác thải, sử dụng sản phẩm tái chế… góp phần hạn chế ô nhiễm (một trong những yếu tố làm tăng số lượng gốc tự do).
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ có thể ngăn chặn quá trình tự chữa lành của cơ thể cũng như làm trầm trọng thêm chứng stress oxy hóa. Bên cạnh đó, việc mất ngủ thường xuyên sẽ hình thành nhiều nếp nhăn, gây thay đổi sắc tố và suy giảm nồng độ chất chống oxy hóa trong máu. Do đó, độc giả cần ngủ trong phòng tối, ngủ đủ giấc – đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn
Thói quen này có thể củng cố khả năng chống oxy hóa tự nhiên, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng stress oxy hóa. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt động tập thể dục có thể kéo dài tuổi thọ, ức chế quá trình lão hóa và phòng ngừa rủi ro mắc bệnh ung thư.
Các chất chống oxy hóa và gốc tự do là một phần quan trọng của quá trình hoạt động tự nhiên của cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu trạng thái cân bằng của hai yếu tố này tan vỡ, tình trạng stress oxy hóa sẽ hình thành và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, dù không thể hoàn toàn cách ly với gốc tự do nhưng chúng ta có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách duy trì lối sống khoa học, lành mạnh và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng.
Có thể bạn quan tâm
- Stress học đường: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục
- Đau đầu căng thẳng do stress và cách giảm đau nhanh chóng
- Rụng tóc vì stress: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Chứng thèm ăn, ăn nhiều do stress và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!