Thế mạnh và hạn chế của du học sinh khi về Việt Nam lập nghiệp
Những năm trở lại đây, làn sóng du học sinh về Việt Nam lập nghiệp đã và đang trở thành một trong các đề tài được nhiều người quan tâm. Có ý kiến cho rằng du học sinh sở hữu nhiều mặt lợi thế và chính là những ứng cử viên sáng giá mà các nhà tuyển dụng đang lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có một số đánh giá cho rằng, việc học tập tại nước bạn có thể không phù hợp với nền văn hóa và sự phát triển của đất nước nên việc quay về lập nghiệp của du học sinh sẽ gặp rất nhiều sự trở ngại.
Thế mạnh của du học sinh khi về Việt Nam lập nghiệp
Du học là một trong những niềm mơ ước của rất nhiều học sinh, sinh viên. Đặt chân đến một vùng đất mới, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội để được trải nghiệm, tiếp xúc với các nền văn hóa mới, mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết của bản thân về thế giới, trau dồi và nâng cao trình độ của chính mình.
Nhiều người sau khi du học đã lựa chọn việc ở lại nước bạn để tiếp tục con đường sự nghiệp của bản thân. Tuy nhiên cũng có không ít các du học sinh xác định sẽ quay trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bản thân.
Trong thực tế thì học trong nước hay du học cũng mang đến cho chúng ta nhiều kiến thức bổ ích. Chỉ cần chăm sóc, cố gắng nỗ lực từng ngày thì bạn hoàn toàn có được nhiều cơ hội về việc làm, dễ dàng tìm kiếm cho mình một nghề nghiệp ổn định đúng với mơ ước.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận được những “điểm cộng” tuyệt vời mà du học sinh sở hữu khi về Việt Nam lập nghiệp. Những lợi thế có thể kể đến của du học sinh như:
1. Sở hữu kinh nghiệm quốc tế
Khi lựa chọn du học tại các nước phát triển và hiện đại hơn, chắc hẳn các du học sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội để được học tập và ứng dụng tốt các phương pháp giảng dạy khoa học, tiên tiến. Không đơn thuần chỉ là những thông tin được truyền tải qua trang sách mà tại các nước có nhiều du học sinh như Anh, Pháp, Mỹ, Canada hiện nay vẫn luôn ưu tiên kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Ngay từ những bài học đơn giản nhất, các du học sinh đã phải học cách tự trình bày, tự nêu lên ý kiến cá nhân và học cách làm việc nhóm, kết nối, giải quyết vấn đề theo trình tự, quy định, tiêu chuẩn nhất định. Tại lớp học sẽ có rất nhiều du học sinh ở nhiều nước khác nhau nên đây được xem là bài học cực kỳ quan trọng mà mỗi sinh viên quốc tế cần phải đảm bảo tốt.
Sinh viên quốc tế phải biết cách dung hòa và rèn luyện cho bản thân kỹ năng làm việc nhóm giữa những người bạn ở những quốc gia khác nhau. Tất cả phải cùng nhau giải quyết vấn đề, cùng làm bài tập và có được tiếng nói chung. Đây cũng chính là một trong các lợi thế được đánh giá cao ở các du học sinh bởi họ có kinh nghiệm quốc tế sâu rộng và dễ dàng đáp ứng tốt ở nhiều môi trường khác nhau.
2. Du học sinh có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề
Thêm một lợi thế vượt trội của các du học sinh đó chính là họ sở hữu kinh nghiệm cao về việc giải quyết vấn đề. Thông thường, các du học sinh sẽ phải sống tự lập và tự trang trải tại một đất nước xa lạ, khác hẳn về văn hóa, cách giao tiếp và nhiều yếu tố trong cuộc sống.
Họ cần phải có được kỹ năng giải quyết vấn đề, phản ứng nhanh với những tình huống xảy ra đột ngột để có thể vượt qua được các thử thách, cám dỗ nên xứ người. Do đó, khi trở về Việt Nam lập nghiệp, họ có đủ sự sẵn sàng để bước vào những tình huống khó khăn, họ không sợ đối diện với thử thách.
Phần lớn những du học sinh sẽ có sự khéo léo trong việc đưa ra cách giải quyết vấn đề, đặt biệt là dễ làm hài lòng những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng. Họ có sự bình tĩnh nhất định và biết cách sử dụng các kỹ năng mềm của mình để tính toán, xem xét, từ đó đưa ra các lựa chọn quyết đoán, chính xác.
3. Khả năng thích ứng tốt
Khả năng thích ứng của các du học sinh thường được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Bởi cuộc sống xa nhà và phải bươn trải trên đất khách sẽ giúp cho họ từng bước trưởng thành hơn, dễ dàng đối mặt và vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
Du học sinh khi bắt đầu cuộc sống mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bởi những sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực, nếp sống. Tuy nhiên, họ bắt buộc phải đương đầu và tìm cách để thích ứng tốt với môi trường sống mới để có thể trụ vững ở nơi đất khách quê người.
Khi du học sinh có thể vượt qua được những rào cản to lớn đó thì họ sẽ dần tự tin hơn, dễ dàng thích ứng tốt với nhiều môi trường khác nhau và trở nên bản lĩnh hơn. Vì thế, khi trở về quê hương để lập nghiệp, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian để thích ứng với sự biến đổi của đất nước.
4. Kỹ năng ngoại ngữ cao
Ngoại ngữ chính là một trong các ưu điểm lớn mà nhà tuyển dụng luôn mong đợi ở các ứng viên. Đặc biệt là với xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế hiện nay, việc biết thêm nhiều ngoại ngữ sẽ khiến bạn tạo dựng được nhiều cơ hội việc làm, dễ dàng thăng tiến hơn trong công việc.
Và tất nhiên, trình độ ngoại ngữ của các du học sinh là đều không thể phủ nhận được. Khi đến học tập và sinh sống tại nước khác, đòi hỏi họ phải có vốn ngoại ngữ tốt để có thể giao tiếp hiệu quả. Ngoài ra, trong thời gian học tập tại đó, họ được gặp gỡ và giao tiếp với nhiều bạn bè đa quốc gia nên việc sử dụng ngôn ngữ sẽ dần trở nên thành thạo hơn, thậm chí còn học được những cách diễn đạt mới mẻ mà sách vở không nhắc đến.
Tại Việt Nam, hiện đang có rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư để phát triển mở rộng thị trường, đây cũng chính là cơ hội lớn đối với các lao động trẻ, đặc biệt là những ai sở hữu khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ cũng được xem là cầu nối tốt giữa các quốc gia trên thế giới, có được ngoại ngữ bạn sẽ dễ dàng trao đổi, hợp tác, thương lượng với đối tác.
Trong bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào cũng cần có những nhân viên sở hữu trình độ ngoại ngữ tốt để giúp họ kết nối, giao lưu thuận lợi với bạn bè quốc tế. Đồng thời, những người có ngoại ngữ thường sẽ được đề xuất mức lương cao hơn bởi họ sẽ có cơ hội để học hỏi, trau dồi tốt các kiến thức thông qua những tin tức quốc tế, những hội thảo nước ngoài.
5. Có sự tự tin và độc lập
Tự tin và độc lập cũng là một trong các thế mạnh vượt trội mà các du học sinh có được. Với nền văn hóa của nước ta từ xưa đến nay, con cái luôn được bảo bọc và che chở bởi sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, ba mẹ. Chính vì thế có nhiều người tuy đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào gia đình khiến họ không thể tự chủ và đảm bảo tốt công việc của mình.
Do đó, sự tự tin và độc lập của các du học sinh luôn được những nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Cũng bởi, khi đến với môi trường học tập của các nước bạn, sinh viên cần phải tự xoay xở và sống tự chủ ngay từ những ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, môi trường học tập cùng luôn đòi hỏi sự độc lập, sáng tạo và tự tin.
Trong thực tế, sự tự tin đóng vai trò rất lớn đối với thành công của mỗi con người. Không phải là kiến thức hay kinh nghiệm mà chính là sự tự tin vào chính năng lực của bản thân, quyết định, độc lập trong suy nghĩ, dám nghĩ dám làm sẽ giúp bạn đưa ra được những lựa chọn phù hợp và giải quyết tốt các vấn đề nan giải.
6. Du học sinh mang đến những góc nhìn mới
Du học sinh có nhiều cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm các nền văn hóa mới thông qua đất nước mà họ đã chọn cùng với việc giao lưu với bạn bè quốc tế. Cũng chính nhờ thế mà họ có được cách nhìn mới, có những định hướng và lối đi khác biệt nên dễ dàng đạt được thành công hơn.
Đồng thời, do cách suy nghĩ và tư duy hiện đại, mới mẽ nên những du học sinh sẽ ít đi vào lối mòn, họ tự tin vào chính quyết định và lựa chọn của mình, luôn cố gắng để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chính do đó mà các nhà tuyển dụng luôn dành nhiều cơ hội cho các du học sinh khi họ lựa chọn quay trở về nước để lập nghiệp.
7. Có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang áp dụng phương pháp dạy học truyền thống, ưu tiên các kiến thức trên sách vở thay vì ứng dụng vào thực tế ngoài trường lớp. Điều này làm hạn chế khả năng của học sinh, sinh viên và khiến cho các em khó có thể thích ứng tốt với cuộc sống vì thiếu hụt các trải nghiệm thực tế.
Còn đối với các du học sinh, khi được học tập và tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp, phát triển hơn sẽ được nâng cao tốt các kỹ năng mềm, được có nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế. Trong hầu hết các bài học tại những trường quốc tế luôn ưu tiên khả năng độc lập, tự tin và áp dụng thực tế hiệu quả ở các du học sinh, giúp cho các em có được những kỹ năng sống cần thiết, dễ dàng ứng dụng các kiến thức đã học vào đời thực và phát triển bản thân hiệu quả hơn.
8. Khả năng kết nối tốt
Khi nhắc đến các thế mạnh của du học sinh thì chắc hẳn không thể bỏ qua được khả năng kết nối và giao tiếp của họ. Khi họ phải sống tự lập và đối diện với nhiều khó khăn, thay đổi trong cuộc sống thì chắc hẳn họ đã tự trau dồi cho bản thân thêm nhiều kỹ năng sống cần thiết.
Khi rời xa vòng tay bảo bọc của gia đình, các du học sinh sẽ phải tự lực cánh sinh và học cách kết nối với mọi người xung quanh để duy trì một cuộc sống lành mạnh. Việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ tại bản xứ là một trong những điều cần thiết để giúp bạn có được sự an tâm, hỗ trợ tốt nên đất khách.
Tìm hiểu thêm: Checklist những điều cần chuẩn bị trước khi đi du học
Du học sinh lập nghiệp tại Việt Nam gặp phải hạn chế gì?
Bên cạnh những thế mạnh thì du học sinh khi về Việt Nam lập nghiệp cũng gặp không ít hạn chế, khó khăn. Mặt dù được tiếp xúc và học hỏi tại các nền giáo dục tiến tiến và hiện đại nhưng khi lựa chọn trở về nước để lập nghiệp, các du học sinh cũng không thể tránh khỏi những cản trở và thử thách trong giai đoạn vừa mới bắt đầu.
Trong thực tế đã có không ít các trường hợp du học sinh khi trở về nước đã vô cùng vất vả để tìm kiếm công việc phù hợp với nguyện vọng của mình, họ mất nhiều thời gian để loay hoay với các định hướng tại quê hương. Một số người còn có xu hướng thay đổi công việc liên tục hoặc thậm chí lựa chọn trở lại nước ngoài để làm việc và sinh sống.
Vậy những hạn chế mà du học sinh phải đối mặt là gì khi trở về Việt Nam lập nghiệp là gì?
1. Hạn chế về sự hiểu biết môi trường làm việc trong nước
Mỗi đất nước, mỗi công việc sẽ có những quy tắc và nền văn hóa phát triển khác nhau. Việc phải xa quê hương nhiều năm để học tập và phát triển tại nước ngoài có thể khiến cho nhiều du học sinh cảm thấy bỡ ngỡ và khó thích nghi tốt với môi trường khi trở về nước.
Tại nước ngoài, môi trường làm việc, các nền văn hóa cũng sẽ khác nhau nên khi trở về Việt Nam, các du học sinh có thể rơi vào trạng thái sốc và khó có thể hòa nhập tốt với cuộc sống xung quanh. Đôi lúc họ không thể tuân thủ tốt các nguyên tắc làm việc theo khuôn khổ, cảm thấy bị ngột ngạt và không tự do để thể hiện năng lực của bản thân.
Đây cũng chính là một trong các mặt hạn chế khiến cho nhiều nhà tuyển dụng cảm thấy vô cùng đau đầu nhức óc. Mặt dù đánh giá năng lực của các du học sinh rất cao nhưng ở phương diện phân bổ công việc sẽ gặp nhiều khó khăn bởi khó có thể sắp xếp vị trí phù hợp và cân bằng giữa nhà tuyển dụng và các du học sinh.
Cụ thể có một vài du học sinh từng chia sẻ về những khó khăn khi về nước lập nghiệp. Họ cho biết khi học tập và sinh sống tại các nước Châu Âu thì văn hóa công ty có sự phân biệt rành ròi giữa đời sống cá nhân và công việc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mọi người sẽ thường thoải mái chia sẻ về mọi việc xoay quanh cuộc sống. Việc không thích ứng và thay đổi được khiến nhiều du học sinh trở nên xa cách và tách biệt với đồng nghiệp.
2. Sự kỳ vọng quá lớn vào công việc khởi điểm
Sở hữu tấm bằng danh giá, chắc hẳn bất kỳ du học sinh nào cũng có nguyện vọng được nhận vào các công ty lớn, những doanh nghiệp nổi tiếng và nắm giữ vị trí chủ chốt. Họ luôn có sự tự hào về những trải nghiệm, kiến thức của mình khi được đào tạo tại các nước phát triển bậc nhất trên toàn thế giới.
Theo khảo sát nhận thấy, phần lớn các du học sinh đều có sự kỳ vọng cao về mức lương và vị trí làm việc của mình khi trở về Việt Nam lập nghiệp. Họ thường mong muốn có được những vị trí quan trọng và sở hữu được mức lương mà triệu người mơ ước khi chỉ vừa ra trường.
Tuy nhiên, dù là du học sinh hay là sinh viên trong nước thì bạn cũng nên bắt đầu ở vị trí thấp, tìm cách học hỏi, lắng nghe, trau dồi kiến thức để từng bước hoàn thiện bản thân và đi lên bằng chính thực lực của mình. Bạn không thể trở thành quản lý, sếp lớn nếu chưa thực sự hiểu rõ công việc, chưa thấu hiểu được các việc làm ở những bộ phận cấp thấp vì thế hãy sống thực tế và chấp nhận xuất phát điểm thấp.
3. Quá chú trọng vào kiến thức, sách vở
Trong thực tế, các du học sinh có được nhiều cơ hội để học tập và trau dồi những kiến thức mới mẻ, tân tiến và mở rộng hơn so với các sinh viên trong nước. Họ có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với các bạn ở nhiều quốc gia khác nhau và có cái nhìn bao quát, rộng mở hơn.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này khiến cho không ít các du học sinh trở nên ỷ lại, tự cao quá mức về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của mình. Kiến thức trong sách vở thực sự cần thiết và quan trọng nhưng để ứng dụng vào thực tế và phù hợp với môi trường làm việc cần có cả quá trình cố gắng, học hỏi nhiều hơn.
Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay thực chất không quá quan tâm và đặt nặng vấn đề bạn đến từ đâu, bạn đang có bằng cấp gì. Thứ họ chú trọng và đánh giá cao chính là thái độ học hỏi, sự cầu tiến, tự tin, cách lắng nghe, tư duy độc lập và sự cố gắng, cống hiến hết mình.
Việc tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá tại nước ngoài sẽ làm cho CV của bạn thêm phần nổi bật và sáng giá hơn. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc bạn sẽ được lựa chọn bởi các nhà tuyển dụng. Do đó, bên cạnh các kiến thức được học, bạn cần phải rèn luyện bản thân nhiều hơn nữa để đạt được những kỳ vọng của chính mình.
Bài viết trên đây đã chia sẻ một số thông tin về thế mạnh và hạn chế của du học khi về Việt Nam lập nghiệp. Mặc dù có những điểm cộng tuyệt vời nhưng các du học sinh cũng phải đối diện với không ít khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Vì thế, hãy luôn cố gắng học hỏi, trau dồi và nâng cấp bản thân từng ngày để trở thành phiên bản hoàn hảo hơn, từ đó giúp bạn có được công việc và sự thành công như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực trạng khủng hoảng tâm lý khi du học và cách vượt qua
- Dấu hiệu trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học và cách xử lý
- Cảm Xúc Tiêu Cực Trong Học Tập: Ảnh Hưởng Và Cách Ứng Phó
- Mẹo hay giúp giảm stress trong học tập, thi cử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!