Trầm cảm do mạng xã hội – Thực trạng báo động ở giới trẻ
Trong những năm gần đây tỷ lệ thanh thiếu niên bị gặp các vấn đề tâm lý đang ngày càng tăng cao, trong đó trầm cảm do mạng xã hội đang chiếm tỷ lệ lớn. Mạng xã hội khiến chúng ta tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực khó kiểm soát, gia tăng sự tự ti về bản thân, trở nên thụ động. Tất cả những hệ lụy này đều tác động xấu tới tình trạng sức khỏe tinh thần.
Thực trạng về trầm cảm do mạng xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ của internet nói chung và mạng xã hội trong những năm gần đây thực sự đã mang đến rất nhiều tiện nghi cho đời sống của mỗi người. Hàng loạt các trang mạng xã hội như Facebook (FB), Zalo, Instagram, Twitter đã giúp con người ở khắp nơi trên thế giới có thể kết nối, giao lưu, hợp tác với nhau qua màn hình điện thoại mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.
Các công việc liên quan đến mạng xã hội cũng phát triển cực kỳ mạnh mẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho con người. Chẳng hạn như livestream bán hàng online, làm KOL, các reviewers,… Các công ty cũng đưa ra các chiến dịch quảng cáo rất hiệu quả thông quang FB, Instagram, Zalo,… Tận dụng tài nguyên từ các nền tảng mạng xã hội thực sự có thể mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn.
Tuy nhiên bất cứ vấn đề nào cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực song song. Các chuyên gia cũng đánh giá, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời chính mạng xã hội lại làm gia tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý, tâm thần. Trầm cảm do mạng xã hội có thể gặp ở rất nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em và người trưởng thành kèm theo rất nhiều hệ lụy khó lường khác.
Theo thống kê, trong những năm gần đây, số bệnh nhân mắc chứng “Nghiện Facebook” dẫn tới rối loạn tâm thần tại các bệnh viện Tâm thần đang ngày càng tăng cao. Đa phần những bệnh nhân này đều có chung triệu chứng là bối rối, căng thẳng , bồn chồn nếu không được lên FB đồng thời cũng có xu hướng cô lập bản thân, chỉ nằm ở nhà lên mạng mà không muốn ra ngoài.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí JAMA Network Open đã đưa ra kết luận nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội hoàn toàn là một thực trạng đáng báo động. Theo đó nghiên cứu được thực hiện trên 5400 người trên 18 tuổi không bị trầm cảm nhưng sau đó 1 năm thì đã có rất nhiều người bị trầm cảm, thậm chí là trầm cảm nặng sau khi tham gia vào ít nhất 3 mạng xã hội.
Hay trang The Royal Society of Public Health and the Young Health Movement (Anh) cũng đã đưa ra kết luận sau khi thực hiện các khảo sát trên gần 1.500 thanh thiếu niên từ 14 – 24 tuổi, kết quả đều cho thấy những đối tượng này đều công nhận mạng xã hội đã đem lại các tác động tiêu cực như mất ngủ, trầm cảm, lo âu, cảm thấy cô đơn nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, trầm cảm do mạng xã hội xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân như thiếu ngủ, cảm giác cô đơn, những thông tin tiêu cực, bị bạo lực mạng.. Tuy nhiên tất cả đều có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, chẳng hạn như bộc phát các hành vi bốc đồng, tự tử do trầm cảm, do bị kích động trên mạng xã hội. Và đáng buồn hơn điều này vẫn xảy ra đâu đó trên thế giới mỗi ngày.
Triệu chứng trầm cảm do mạng xã hội
Hầu hết trong thời đại hiện nay tất cả mọi người đều sử dụng mạng xã hội vì những ưu điểm tích cực mà nó đem lại. Ngay cả những người lớn trước đây từng cho rằng Facebook, Zalo là vô bổ thì bây giờ cũng rất thích sử dụng để gọi cho con cháu hay cả học sinh tiểu học cũng cần phải lên mạng để học tập. Xung quanh bất cứ ai cũng cầm một chiếc điện thoại để lên mạng hay trao đổi công việc.
Một người bị trầm cảm do mạng xã hội cũng rất khó nhận biết vì những mọi người thường cho rằng đó chỉ là “nghiện Facebook” bình thường, không cho lên mạng nữa thì sẽ tự khỏi. Tuy nhiên trầm cảm là một rối loạn tâm thần và rất khó có thể tự khỏi nếu không có biện pháp đúng cách. Vậy đâu là triệu chứng của những người trầm cảm do mạng xã hội?
- Suy giảm khí sắc, luôn ở trạng thái tiêu cực, trầm buồn, rầu rĩ
- Việc lên mạng xã hội chiếm thời gian chính trong ngày, luôn phải lên mạng liên tục
- Cảm thấy cực kỳ khó chịu, bồn chồn, lo lắng, căng thẳng nếu không được cầm điện thoại, không được lên mạng xã hội
- Hoang mang nếu không có điện thoại, điện thoại hết pin hay không có mạng vì sợ sẽ bỏ lỡ mất một điều gì đó
- Luôn là người nắm bắt rõ, nhanh nhất các thông tin, các drama trên mạng xã hội nhưng trong các vấn đề đời thường thì lại hoàn toàn mơ hồ không biết gì hết
- Có xu hướng cô lập bản thân, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện hay giao tiếp với ai mà chỉ dành toàn bộ thời gian cho mạng xã hội
- Trầm cảm do mạng xã hội khiến người bệnh có xu hướng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
- Tính tình nóng nảy, dễ kích động, đặc biệt là khi bị người khác làm phiền đến việc lên mạng của họ
- Trên mạng xã hội họ có xu hướng tô vẽ cho bản thân trong khi ngoài đời thực sự không phải như vậy
- Cảm thấy hoảng loạn, dễ rơi vào căng thẳng, dễ tham gia vào các cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội
- Luôn có cảm giác cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi
- Từ chối tham gia vào các hoạt động khác, thậm chí có những người còn quên mất việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa
- Đờ đẫn, mơ màng, thiếu tập trung khiến kết quả học tập hay công việc đều bị sa sút nghiêm trọng
- Cơ thể gầy gò suy nhược hoặc tăng cân, béo phì, sức khỏe yếu ớt
- Da dẻ xanh xao, thiếu sức sống do không ra ngoài mà chỉ ở trong nhà và lên mạng xã hội
- Mất kết nối với những người xung quanh
- Có thể xuất hiện các hành vi tiêu cực do bị bạo lực mạng hay vướng vào những cám dỗ vô bổ trên mạng xã hội
Các triệu chứng trầm cảm do mạng xã hội thường cực kỳ đa dạng. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi gặp tình trạng này thường bị cha mẹ la mắng rất nhiều vì cho rằng con hư đốn, chỉ biết “cắm mặt” vào điện thoại, điều này càng khiến trẻ stress căng thẳng và dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Trầm cảm do mạng xã hội – Nguyên nhân do đâu?
Không thể phủ nhận rằng, việc lên mạng thực sự có đem đến cho chúng ta nhiều thông tin, nhiều niềm vui hữu ích. Chẳng hạn nhờ Tiktok ra đời mà chúng ta có thể khám phá những quán ăn ngon, những nơi bán đồ đẹp, được thư giãn nhờ những clip hài hước thú vị.. Hay chúng ta cũng nhanh chóng có thể cập nhật thông tin từ phim ảnh, chính trị, đời tư của người nổi tiếng, vì thế nhiều người dần có thói quen rảnh là vào mạng xã hội ngay lập tức.
Trầm cảm do mạng xã hội được hình thành từ rất nhiều yếu tố tác động, trong đó việc con người lạm dụng mạng xã hội quá mức cùng tinh thần yếu, kém chống chọi các thông tin tiêu cực được đánh giá là có mối tương qua rất lớn.
Tiếp xúc với những thông tin tiêu cực
Song song với những điều thú vị mà mạng xã hội đem lại thì chắc chắn chúng ta cũng phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin tiêu cực khác khiến tinh thần rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, hoang mang. Chẳng hạn như chuyện ngoại tình, chuyện gia đình, chuyện lừa đảo, phim ảnh đồi trụy.. và nếu không thể kiểm soát chúng ra sẽ rất dễ rơi vào “biển đen” thông tin này mà không thể kiểm soát.
Mặt khác một điều đáng nói hiện nay chính là khâu kiểm duyệt của Facebook vẫn chưa gắt gao khiến nhiều hội nhóm mang tính kích động bạo lực, truyền tải những thông tin sai lệch vẫn còn tồn tại rất nhiều. Chẳng hạn như các hội nhóm “ghét cha mẹ”; ” hội muốn tự tử”; “hội thù ghét thầy cô”.. Trầm cảm do mạng xã hội ở những đối tượng như học sinh rất dễ hình thành do các yếu tố này bởi tâm lý các con thường rất yếu.
Rõ ràng việc phải tiếp nhận các thông tin tiêu cực hằng ngày sẽ khiến tinh thần chúng ta đi xuống nhanh chóng, uể oải, tiêu cực những đồng thời cũng rất dễ cuốn theo. Nhiều người thậm chí còn hình thành suy nghĩ đời sống thật quá nguy hiểm nên chỉ muốn đắm chìm trong thế giới ảo mà không hề muốn thoát ra.
Cảm giác cô đơn trên mạng xã hội
Có bao giờ bạn ngồi lướt mạng xã hội và bỗng nhiên cảm thấy “hóa ra mình thật cô độc, hóa ra không ai cần mình?”. Trầm cảm do mạng xã hội xuất phát từ cảm giác cô đơn là một trong những nguyên nhân đã được rất nhiều nghiên cứu kết luận. Mặt khác chính cảm giác cô độc này càng khiến chúng ra trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội nhiều hơn nữa và không thể dứt ra.
Một nghiên cứu được đăng tải trên trang Journal of Social & Clinical Psychology cho thấy với những sinh viên sử dụng mạng xã hội nhiều lần trong ngày thường cảm thấy cô đơn, sợ bị bỏ rơi và phụ thuộc nhiều vào các bài đăng trên trang cá nhân. Chẳng hạn họ thường xuyên đăng tải hình ảnh, bài viết, story và luôn chú ý vào lượt like, lượt comment để chắc chắn rằng không ai quên mất sự có mặt của mình. Thậm chí còn còn đếm lượt tương tác và nếu giảm so với lần khác họ sẽ cảm thấy lo lắng.
Mạng xã hội cho phép chúng ta thể hiện bản thân một cách gián tiếp, thậm chí là tô vẽ bản thân một cách lung linh theo đúng hình ảnh trong mơ – những điều mà ở ngoài đời thực chúng ta thường không dám thực hiện. Dần dần khi bản chất thể hiện trên mạng và ngoài đời không phải là một thể thống nhất sẽ càng làm chúng ta cảm thấy cô độc hơn vì không phải chính mình.
Sự ghen tị làm tăng nguy cơ bị trầm cảm do mạng xã hội
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra chính cảm giác ghen tị trên mạng xã hội đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí và khiến nhiều người trong số đó rơi vào căng thẳng, trầm cảm nặng. Điều này có thể ví giống như áp lực đồng trang lứa, khi mà chúng ra nhìn những người xung quanh có cuộc sống quá tốt đẹp, quá đầy đủ, quá hạnh phúc trong khi cuộc sống của bản thân lại cô độc và tẻ nhạt nên không tránh khỏi những cảm xúc ghen tị, tiêu cực xấu xí.
Với nhiều người, ghen tị có thể trở thành một trong những động lực để họ phát triển, cố gắng hơn. Tuy nhiên với những người có suy nghĩ tiêu cực, học lại dành thời gian để than thân trách phận, để tô vẽ những điều hư ảo trên mạng xã hội và dần chìm đắm trong những điều vô ích này. Đây chính là nguyên nhân gây trầm cảm do mạng xã hội gặp phải ở nhiều người trẻ hiện nay.
Văn hóa so sánh khiến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên dễ rơi vào những tệ nạn xã hội để “đua theo” bạn bè. Chẳng hạn như trẻ nhỏ khi thấy bạn bè khoe được cha mẹ mua cho máy tính mới cũng sẽ nằng nặc đòi mua, nếu không được đáp ứng sẽ sinh ra bực tức, “ghét” cha mẹ, sinh ra những ấm ức, không muốn nói chuyện với cha mẹ, cô lập bản thân nên dần mắc trầm cảm.
Bạo lực mạng gây trầm cảm
Một nguyên nhân chính cũng khiến cho rất nhiều người rơi vào trầm cảm do mạng xã hội chính là do bị bạo lực mạng. Facebook hay tiktok là nơi cho phép chúng ta tạo được các tài khoản mà không nhất định phải dùng tên thật, hình thật, thông tin thật để đăng ký. Do đó rất nhiều người đã lợi dụng những điều này để tạo các tài khoản ảo và đi công kích những người khác bởi họ tự cho rằng mình có quyền tự do ngôn luận.
Không ít nạn nhân của bạo lực mạng đã phải rơi vào trầm cảm, thậm chí là tự sát bởi những lời nói mang tính sát thương, chì chiết từ những tài khoản ảo từ mạng xã hội. Mới đây nhất chính là VĐV bóng chuyền Kim In-hyuk người Hàn Quốc mắc chứng trầm cảm thể thao bởi những lời chì chiết từ cộng đồng mạng cho rằng anh là con gái hay Lgbt vì có làn da quá trắng và đôi mắt to trong khi anh rõ ràng đã có bạn gái.
Hoặc lướt các trang mạng chúng ta cũng sẽ thấy không ít những lời bình luận khiếm nhã chê bai về một người nổi tiếng nào đó, chẳng hạn như cô A quá béo, cô B quá gầy, cô C diễn đơ… Việc phải đối mặt với những lời lẽ tiêu cực hằng ngày khiến những người này cực kỳ áp lực, căng thẳng, lo lắng vì bị quấy rầy, luôn cảm thấy hoang mang không biết làm thế nào lâu ngày sẽ sinh ra trầm cảm.
Lối sinh hoạt kém khoa học
Một điều có thể dễ thấy ở những người nghiện mạng xã hội dẫn tới trầm cảm chính là luôn trong trạng thái đờ đẫn, mệt mỏi, căng thẳng vì mất ngủ, thiếu ngủ luôn lo sợ mình sẽ bỏ lỡ một thông tin “hot” nào. Mặt khác do thường xuyên ở trong nhà, nằm ườn trên giường, trên ghế sofa để lướt web, thiếu sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng làm cho nhiều người ngày càng trở nên uể oải, thiếu sức sống.
Một lối sinh hoạt thiếu khoa học không chỉ khiến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng đi xuống nhanh chóng kết hợp với các yếu tố tiêu cực khác trên mạng xã hội chính là nguyên do gây trầm cảm. Bởi khi ngủ không đủ, ăn uống thiếu chất sẽ khiến não bộ không đủ năng lượng, hoạt động chậm chạp hơn, dễ tiêu cực và kích động hơn, khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân.,
Các yếu tố khác gây ra trầm cảm do mạng xã hội
Một người vốn đã có tâm lý yếu, tinh thần tiêu cực, gặp các vấn đề về gia đình, tuổi thơ không hạnh phúc, tài chính không ổn định, bị bạo lực học đường hay một số vấn đề tâm lý khác hoàn toàn vốn đã có những căng thẳng trong tâm trí từ trước. Họ tìm đến mạng xã hội như một cách để giải tỏa nhưng lại càng gặp thêm nhiều yếu tố khác trên mạnh xã hội dẫn đến tinh thần bị kích động hơn, bi quan hơn và dễ mắc trầm cảm hơn.
Hay việc trẻ nhỏ không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ đầy đủ cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để chia sẻ cảm xúc, tâm tư của mình. Cũng do không có cha mẹ kiểm soát nên con dễ dàng tiếp cận với các thông tin thiếu lành mạnh, không phù hợp với độ tuổi, mang tính chất kích động và bị trầm cảm do mạng xã hội lúc nào cũng không hay.
Những hệ lụy từ trầm cảm do mạng xã hội
Mạnh xã hội giống như một con dao hai lưỡi mà bất cứ ai cũng hoàn toàn có thể bị thương vì nó. Đặc biệt trong thời điểm mà hầu hết chúng ta đều tận dụng triệt để mọi tài nguyên của xã hội, từ để PR bản thân, bán hàng, quảng bá chiến dịch hay thậm chí là nơi để trao đổi công việc đồng thời trên đây cũng luôn cập nhật rất nhiều các tin tức hằng ngày đã càng khiến chúng ta phải phụ thuộc vào các nền tảng này.
Thực tế trong đời sống xã hội hiện đại có vô vàn các yếu tố có thể gây trầm cảm, những tác động của mạng xã hội giống như giọt nước làm tràn ly khiến những làn sóng tức giận, ấm ức, tiêu cực trong tâm trí mỗi người dân trào dâng. Dần dần khi cơn sóng ấy lên tới đỉnh điểm sẽ cuốn trôi hoàn toàn đi những cảm xúc tích cực và thay thế hoàn toàn bằng sự giận giữ.
Chúng ta mỗi ngày đều tiếp cận không ít các trường hợp tự tử do trầm cảm vì chính mạnh xã hội. Chẳng hạn ca sĩ Sulli Choi ( Nhóm F(x)) là một minh chứng rõ rệt nhất của nạn bạo lực mạng, tự tử vì trầm cảm kéo dài. Tài năng đã đưa cô lên đỉnh cao danh vọng, được cả thế giới biết đến nhưng đồng thời cũng khiến cô bị hứng chịu những lời mắng chửi không thương tiếc mỗi ngày, thậm chí có những người còn nguyền rủa cô chết đi.
Hay việc trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội quá sớm nhưng không được kiểm soát phù hợp có thể có những nhận thức sai lệch, ngày càng yếu kém các kỹ năng xã hội. Chẳng hạn nhiều đứa trẻ khi đã phụ thuộc quá nhiều vào thế giới ảo nếu bị cha mẹ cấm cản sẽ trở nên cực kỳ kích động, thậm chí tấn công cha mẹ chỉ để có thể giành lại điện thoại, máy tính.
Mặt khác trầm cảm còn khiến nhiều người không thể tham gia vào việc học tập hay công việc như những người khác mà chỉ suốt ngày trốn tránh trong nhà, không dám đối mặt với hiện thực cuộc sống. Thiếu ngủ cùng lối sống kém khoa học cũng khiến người bệnh bị suy nhược cơ thể hay gặp một số vấn đề khác như rối loạn tiêu hóa, đau đầu..
Trầm cảm do mạng xã hội khiến một người đã cô đơn lại càng thêm cô đơn, dần tách biệt mình với tất cả, những nhu cầu giải tỏa cảm xúc của họ ngày càng trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội. Khi mức độ căng thẳng bị đẩy lên cao nhưng mạng xã hội không thể đáp ứng được sẽ nhanh chóng dẫn tới các hành vi bốc đồng, tự hại bản thân hay cả những người xung quanh.
Rát nhiều nạn nhân bị trầm cảm do mạng xã hội có xu hướng livestream khóc lóc tiêu cực để bày tỏ cảm xúc, ngay thời điểm này nếu có bất cứ một yếu tố tác động nào, chẳng hạn như một bình luận nói rằng “hãy chết đi” chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng xấu nhất mà chúng ta nghĩ. Đây thực sự là trường hợp đã từng xảy ra khi nói về những hệ lụy tiêu cực do trầm cảm do mạng xã hội gây ra.
Làm thế nào để vượt qua trầm cảm do mạng xã hội
Mạng xã hội không có một chất gây nghiện nhưng lại thực sự có khả năng đưa chúng ra vào mê cung do nó tạo ra, kể cả khi trong đó chỉ toàn những điều xấu xa tiêu cực. Để vượt qua trầm cảm phải tìm được nguyên nhân gốc rễ từ sâu bên trong song song với cai nghiện mạnh xã hội, chỉ như thế thì mới có thể chiến thắng được “kẻ sát thủ vô hình” này.
Trị liệu tâm lý là biện pháp được hướng đến chính cho những người bị trầm cảm từ mạng xã hội. Các chuyên gia sẽ trò chuyện trực tiếp để tìm gốc rễ căn nguyên của vấn đề và tìm cách loại bỏ nó từ từ. Điều người bệnh cần làm là trung thực trong việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với các chuyên gia, chỉ khi đó những khúc mắc mới dần được gỡ bỏ.
Trị liệu nhận thức hành vi là liệu pháp chính được hướng đến cho người bệnh để giúp họ chấp nhận rằng bản thân có những niềm tin, nỗi sợ không đúng đắn và những điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Thông qua đó nhà trị liệu sẽ điều chỉnh các nhận thức của người bệnh theo hướng đúng đắn, phù hợp nhất.
Các liệu pháp thư giãn hay đối diện với căng thẳng cũng được hướng dẫn cho người bệnh để bản thân họ có thể biết cách vượt qua chính những cảm xúc tiêu cực mà bản thân mình tạo ra. Người bệnh trầm cảm do mạng xã hội đáp ứng tới với các liệu pháp trị liệu dần lấy lại sự tự tin, hiểu được nội tâm của chính mình, gia tăng các kỹ năng xã hội để phát triển bản thân trong chính đời sống thực.
Trong một số trường hợp việc dùng các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần vẫn cần thiết để xoa dịu cảm xúc cho người bệnh trầm cảm, tránh các hành vi tiêu cực tự hại bản thân xuất hiện. Việc dùng thuốc cần theo sát liệu trình được chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, không nên tự ý sử dụng hay lạm dụng quá liều thuốc đều dẫn tới các hệ lụy không mong muốn.
Mặt khác dù áp dụng bất cứ liệu pháp nào thì để vượt qua trầm cảm do mạng xã hội người bệnh cũng cần tạm thời cách ly khỏi mạng xã hội, xây dựng lối sống tích cực khoa học hơn, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc. Chỉ khi người bệnh tìm thấy được những giá trị đích thực bên ngoài cuộc sống, tiến đến thực hiện ước mơ, kiểm soát được việc sử dụng mạng xã hội thì mới thực sự có kết quả.
Học cách sử dụng mạng xã hội an toàn
Trước đây chỉ có người trẻ mới được coi là “nghiện” mạng xã hội nhưng tỷ lệ này đã xuất hiện ở cả những người trưởng thành, người trung niên hiện nay. Tuy nhiên cần hiểu rằng không phải cứ sử dụng mạng xã hội nhiều là sẽ bị trầm cảm bởi rất nhiều người đã thành công xây dựng các thương hiệu cá nhân của mình nhờ Facebook, Tiktoc.. Quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và sử dụng tài nguyên như thế nào.
Bất cứ ai cũng hoàn toàn có thể tránh khỏi nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội nếu biết cách sử dụng các nền tảng này đúng cách. Cụ thể
- Hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày, các chuyên gia cho biết, thời gian phù hợp để 1 người lên mạng xã hội trong 1 ngày là khoảng tiếng đồng hồ
- Kiểm soát các thông tin quan tâm trên mạng xã hội. Cơ chế của các nền tảng mạng xã hội chủ yếu là khi bạn có nhu cầu tìm kiếm hay tiếp cận với thông tin có tính chất như thế nào thì tự động các thông tin tương tự như thế sẽ xuất hiện sau đó. Vì vậy hãy ưu tiên tương tác với các thông tin, hình ảnh, bài đăng mang tính chất tích cực.
- Đặc biệt khi trẻ em lên mạng phụ huynh càng cần kiểm soát tốt những thông tin để phù hợp với độ tuổi, nhận thức của con, tránh việc trẻ có những suy nghĩ sai lệch bất thường
- Vẫn có người có tính chất công việc phải sử dụng mạng xã hội nhiều tuy nhiên bạn có thể hạn chế việc phụ thuộc vào các nền tảng này bằng cách trao đổi công việc qua email, điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp
- Để tránh nguy trầm cảm do mạng xã hội mỗi người cần phải ý thức được rằng mình cần tiếp nhận điều gì, bài trừ điều gì. Những lời góp ý trên mạng xã hội nên tiếp thu nếu mang tính chất đóng góp, tích cực và nên bỏ qua nếu nó mang tính chất tiêu cực, hạ nhục danh dự, công kích
- Không nên tham gia vào các cuộc công kích trên mạnh xã hội vì bất cứ nguyên nhân này. Tranh cãi trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng có thể giải quyết vấn đề mà đôi khi còn gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn
- Hoàn thiện bản thân hơn, biến sự ghen tị thành động lực để cố gắng từng ngày
- Tránh việc chia sẻ quá nhiều những hình ảnh hay thông tin riêng tư trên mạnh xã hội. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ những nỗi buồn của bản thân với những người thân yêu xung quanh thay vì chờ đợi những lời động viên trên mạng xã hội. Tất nhiên đôi lúc những lời khuyên này vẫn có thể giúp ích cho bạn rất nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng là những lời lẽ tích cực
- Ra ngoài và khám phá nhiều hơn. Thay vì dành cả ngày để lên mạng hóng drama, sao bạn không dùng ngày nghỉ để đi cà phê cùng bạn bè, đến thư viện đọc sách, đi học vẽ, tham gia cuộc thi chạy bộ hoặc để giúp đỡ những người khuyết tật. Chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ tích cực và ý nghĩa hơn rất nhiều và bạn cũng có thể tự hào vì chính mình
- Duy trì thói quen sống khoa học, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, ăn uống lành mạnh, đi ngủ sớm sẽ nâng cao sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cho bạn.
- Hãy nhớ rằng mạng xã hội chỉ là một công cụ ảo, không phải là thật, cuộc sống của bạn cần phải do chính bạn quyết định, không nên phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì khác.
Trầm cảm do mạng xã hội vẫn có xu hướng gia tăng song song với sự phát triển và nguồn tài nguyên rộng lớn mà những nền tảng này đem lại. Điều này đòi hỏi không chỉ mỗi cá nhân mà các đơn vị đơn vị ban ngành liên quan cần vào cuộc để có thể kiểm soát các thông tin phù hợp được phép đăng tải, hạn chế tối đa các những cảm xúc tiêu cực mà mạng xã hội đem lại cho mỗi người.
Có thể bạn quan tâm
- Buồng trứng đa nang và trầm cảm – Sự cộng hưởng đáng sợ
- Hậu quả (di chứng) của bệnh trầm cảm không nên xem thường
- Cách Nói Chuyện An Ủi Người Trầm Cảm Giúp Họ Vực Dậy Tinh Thần
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!