Trầm cảm hậu Covid: Dấu hiệu và hướng điều trị hiệu quả
Thống kê tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, có đến khoảng 63% người 18 – 24 tuổi mắc trầm cảm hậu covid hoặc các rối loạn lo âu khác, 25% trong số đó có xu hướng nghĩ đến tự tử. Đại dịch covid không chỉ tàn phá thể chất mà còn làm suy giảm chất lượng đời sống tinh thần của rất nhiều người mắc phải nên tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt trong thời điểm covid đang có dấu hiệu quay trở lại như hiện nay.
Thực trạng trầm cảm hậu Covid
Trầm cảm vốn không còn là một căn bệnh xa lạ trong đời sống hiện đại ngày nay bởi tỉ lệ số người bị trầm cảm, đặc biệt là ở nhóm học sinh – sinh viên hay phụ nữ sau sinh đang ngày càng tăng cao. Mọi người thường cho rằng căn bệnh thường bắt nguồn từ các vấn đề tâm lý, tâm thần như căng thẳng stress kéo dài, sang chấn tâm lý, những cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa.. dẫn đến tinh thần dần bị kéo xuống thành trầm cảm.
Hiện nay, sau đại dịch covid nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2019 đến hiện nay, một khái niệm mới được ra đời chính là “trầm cảm hậu covid”. Trải qua 2 năm chiến đấu với covid, chúng ta đều nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của loại virus này. Rất nhiều người đã ra đi, những người đã mắc bệnh dù vượt qua được nhưng sức khỏe cũng ngày càng xuống dốc một cách rõ rệt. Chưa kể có những người phải mang trong mình rất nhiều bệnh tật hậu covid.
Theo công trình nghiên cứu đa quốc gia, qua nghiên cứu các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa hậu -19 có mối liên quan đến các triệu chứng rối loạn tâm thần ở những người sau khi khỏi . Nghiên cứu này được công bố sau khi thực hiện các thử nghiệm trên 9.900 ở độ tuổi 40 – 50 đã khỏi covid 19.
Sau 16 tháng thực hiện, các nhà khoa học đã kết luận, ở người bị covid phải nằm liệt giường trong 7 ngày có nguy cơ bị trầm cảm hay rối loạn lo âu cao gấp 50 – 60% người bình thường. Ngoài ra khoảng 21% người đã được chẩn đoán có dấu hiệu trầm cảm sau ít nhất 6 tháng và khoảng 44% người phải nhập viện điều trị vì covid 19 cũng có biểu hiện trầm cảm sau 6 – 16 tháng.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đã đưa ra các nghiên cứu về việc đại dịch Covid-19 khiến 63% người từ 18 đến 24 tuổi có dấu hiệu trầm cảm hậu Covid hoặc rối loạn lo âu . Đặc biệt có khoảng 25% có xu hướng lạm dụng chất kích thích và khoảng 25% người từng có suy nghĩ tự tử.
Một khảo sát khác được Bệnh viện hồi sức Covid-19 TPHCM thực hiện từ 2021 cũng cho kết quả rằng có đến hơn 20% bệnh nhân mắc trầm cảm ( tỉ lệ rối loạn lo âu cao hơn, khoảng trên 53% và căng thẳng stress nặng là gần 17%). Riêng với những trường hợp từng mắc covid nặng, phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, phải dùng máy thở oxy dòng cao HFNC (thở oxy dòng cao), thở mask thì tỉ lệ trầm cảm hậu Covid và rối loạn lo âu khác lên tới gân 70%.
Biểu hiện trầm cảm hậu Covid
Các triệu chứng của trầm cảm hậu Covid cũng tương tự như các dấu hiệu trầm cảm thông thường, tuy nhiên nhiều người thường bỏ qua cho rằng đó chỉ là di chứng từ covid để lại. Mặt khác ở một số bệnh nhân, các triệu chứng về thể chất suy giảm được biểu hiện mạnh mẽ hơn các triệu chứng về mặt tinh thần nên hầu hết người bệnh đều không nhận ra rằng mình đang có những vấn đề về mặt tâm lý.
Cụ thể, một số triệu chứng điển hình ở những người trầm cảm hậu Covid như
- Khí sắc tụt giảm, luôn có tâm trạng trầm buồn, bi quan, tiêu cực
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải, chán nản, không muốn làm gì, cảm thấy kiệt sức
- Không còn cảm thấy hứng thú với bất cứ vấn đề gì, kể cả những thứ mà trước kia họ từng rất yêu thích
- Thiếu tập trung, tinh thần luôn lơ đãng, mệt mỏi
- Suy giảm trí nhớ, khó có thể ghi nhớ một công việc nào đó toàn
- Mất hy vọng vào tương lai, chán nản với mọi thứ trước mắt
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, suy giảm chất lượng giấc ngủ
- Chán ăn, ăn uống không ngon dẫn đến cơ thể suy nhược, một số khác ăn nhiều quá mức dẫn tới tăng cân không thể kiểm soát
- Có xu hướng tách biệt bản thân, cảm thấy mình là gánh nặng của mọi người, dần không muốn giao tiếp với ai
- Trầm cảm hậu Covid khiến người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ, tính tình thay đổi, dễ kích động và nổi nóng hơn, thậm chí còn dễ khóc hơn bình thường
- Cảm giác bất an với mọi thứ, đa nghi với tất cả, cẩn trọng với mọi thứ vì lo lắng rằng covid tái phát trở lại
- Ở những người từng bị covid nặng phải nằm bệnh trong thời gian dài cũng cảm thấy căng thẳng hơn khi nhắc đến các vấn đề liên quan chẳng hạn như bệnh viện, thở oxy…
- Có các vấn đề về thể chất như đau cơ, đau khớp, rối loạn tiêu hóa nhưng không thể tìm được nguyên nhân chính xác
- Các cảm xúc tiêu cực nếu không được giải tỏa và kéo dài sẽ cho tinh thần người bệnh sa sút nghiêm trọng, một số có xu hướng làm đau bản thân hay tự tử để giải thoát.
Các triệu chứng trên đây nếu đã kéo dài trên 3 tháng kể từ sau khi được xác định mắc covid và đạt đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán từ bác sĩ sẽ được chẩn đoán là trầm cảm hậu Covid. Dựa trên mức độ và tình trạng của từng người, việc điều trị sẽ được đưa ra lộ trình khác nhau để đem đến những kết quả tốt nhất
Nguyên nhân trầm cảm hậu Covid
Dù đại dịch covid đã kéo dài được hơn 2 năm nhưng những hậu quả mà nó gây ra vẫn chưa hoàn toàn lường hết được. Chúng ta chỉ nhìn nhận được các vấn đề nó gây ra về mặt thể chất như nhanh mệt hơn, thở khó khăn hơn, giảm cảm giác ngon miệng khi ăn.. Một số khác nặng hơn thì có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch, gan mật, suy thận, viêm đa cơ quan, mà ít ai nhận ra rằng các tác động trên tinh thần cũng vô cùng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố gây ra trầm cảm hậu Covid, bao gồm cả các tác động về thể chất, môi trường xung quanh cùng những ám ảnh về tính nặng nề từ đại dịch mà chúng ta chưa thể vượt qua. Chẳng hạn
Các phản ứng ở hệ thần kinh
Theo phân tích từ các chuyên gia, phản ứng miễn dịch của cơ thể khi mắc COVID-19 sẽ làm tăng hoạt động sản xuất cytokines, chemokines của hệ miễn dịch, điều này có thể thúc đẩy phản ứng viêm. Các phản ứng này sẽ tác động đến hệ thần kinh giao cảm, gây ra các cảm giác mệt mỏi, chán ăn, giảm ham muốn và dẫn tới trầm cảm.
Trong đó nồng độ cytokine được tế bào T helper 2 tiết ra càng nhiều với bệnh nhân covid 19 nặng sẽ làm cơ thể không kiểm soát mức độ viêm khiến hệ thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Chính điều này đã khiến hậu covid nhiều người thường cảm thấy đau đầu, chóng mặt, tinh thần uể oải sa sút hơn lúc trước nên dễ dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm hơn.
Phản ứng viêm ở hệ thần kinh cũng được cho là một trong những yếu tố có liên quan đến trầm cảm hậu Covid bởi nó có thể làm phá vỡ hàng rào máu não. Nguyên nhân là do khi các tế bào viêm ở ngoại biên tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương sẽ làm rối loạn quá trình dẫn truyền thần kinh cùng hệ thống trục của tế bào nội tiết dưới đồi, tuyến yên và dẫn đến các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm.
Yếu tố tâm lý
Covid qua đi nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn cực kỳ rõ rệt. Có những người cho đến hiện tại vẫn không thể nguôi nỗi đau mất người thân, vẫn không hết ám ảnh bởi thời gian cách lý về dịch bệnh, vẫn còn rùng mình khi nghĩ tới những ngày sốt nặng phải nằm liệt giường vì virus corona. Tâm lý mỗi người mỗi khác, có người cảm thấy chuyện gì đã qua thì qua luôn nhưng cũng có người mang những ám ảnh mãi không dứt.
Các sự kiện tác động có thể gây trầm cảm hậu Covid ở rất nhiều người như
- Gia đình có người thân mất trong đại dịch covid
- Bị covid tái phát nhiều lần hoặc bị covid nặng, có nhiều biến chứng sau khi đã điều trị khỏi
- Dù đã hiện tại việc kiểm soát đại dịch đã ổn hơn nhưng vẫn rất nhiều người không thoát khỏi những ám ảnh về việc phải cách lý, phải sống một mình, luôn phải sát khuẩn khử trùng mọi lúc mọi nơi, bị cô lập khi mắc covid..
- Các vấn đề về tài chính kéo dài sau covid cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người trầm cảm hậu Covid, đặc biệt với người có kinh tế khó khăn. Covid đã khiến rất nhiều người thất nghiệp và mất rất nhiều thời gian sau đó mới tìm được việc làm dẫn tới nợ nần chồng chất và hình thành những áp lực lớn về tài chính khiến nhiều người luôn sống trong căng thẳng stress.
- Thói quen sinh hoạt hằng ngày buộc phải thay đổi để phòng tránh dịch cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho tâm lý mỗi người.
Thực tế rõ ràng, cho đến thời điểm hiện tại, cho dù đại dịch covid đã xuất hiện được 2 năm và mới chỉ tạm chấm dứt được phần nào nhưng vẫn có rất nhiều người không thể thoát ra khỏi những ám ảnh trong những tháng ngày bị cách ly, những ngày phải nằm viện, những ngày chỉ được ở trong nhà với 4 bức tường mà không thấy ánh mặt trời. Những người tâm lý yếu toàn toàn có thể bị những điều này làm kéo tinh thần xuống, không thể thoát ra khỏi các sự kiện tiêu cực trong quá khứ.
Các vấn đề về sức khỏe sau điều trị
Như đã nói, một trong những di chứng rõ nét nhất mà covid để lại chính là hàng loạt vấn đề về sức khỏe, đặc biệt với những người mắc covid trong thời kỳ đầu, khi chưa có nhiều biện pháp điều trị hoặc với người mắc covid nặng phải điều trị trong bệnh viện dài ngày. Sức khỏe suy yếu khiến nhiều người phải thay đổi cuộc sống, công việc để phù hợp hơn với tình trạng bản thân hiện tại và cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Chẳng hạn một số loại thuốc được dùng trong trầm cảm có thể để loại di chứng mất ngủ, khó ngủ trong thời gian dài, thậm chí khiến những người này phải sử dụng các loại thuốc hỗ trợ để ngủ. Điều này làm tàn phá hệ thống thần kinh, tăng nguy cơ căng thẳng stress và càng làm tăng mức độ trầm cảm hậu Covid cùng các rối loạn tâm thần khác.
Trong khi đó, ở những người gặp các di chứng nghiêm trọng về thể chất khác như mắc các bệnh gan, thận, bệnh về tim mạch lại cảm thấy mất tự tin về chính mình, cảm thấy bản thân là gánh nặng tiêu tốn tiền bạc của gia đình, cảm thấy bản thân vô dụng.. Những suy nghĩ tiêu cực này đã tự làm bản thân của họ mệt mỏi, tự kéo tinh thần và cảm xúc của bản thân xuống nên cũng tự khiến chính bản thân mình đau khổ và rơi vào trầm cảm.
Làm thế nào để vượt qua trầm cảm hậu Covid
Trầm cảm chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản bởi hậu quả nó gây ra tác động tiêu cực trực tiếp đến cuộc sống, sức khoẻ và tinh thần của mỗi người. Người bị trầm cảm hậu covid dần cô lập bản thân với thế giới xung quanh, tăng các vấn đề đau nhức cơ thể khác. Đặc biệt một số người còn có các hành vi hoặc thực hiện tự tử để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực dày vò bản thân mỗi ngày.
Thực tế có những trường hợp bệnh nhân dù đã khỏi covid nhưng luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ các mầm mống gây bệnh vẫn còn trong người, mình có thể lây nhiễm bệnh cho người khác, lại sẽ phải sống cuộc sống cách ly khiến họ cực kỳ ám ảnh và đã uống thuốc diệt chuột để tự tử. Do đó cần nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các hành vi tự làm hại bản thân ở những bệnh nhân trầm cảm hậu Covid để phòng ngừa nguy cơ này.
Điều trị không dùng thuốc
Trầm cảm hay trầm cảm hậu covid đều là một trong những vấn đề tâm lý cần áp dụng các liệu pháp để giải tỏa về mặt tinh thần, bởi chỉ khi loại bỏ được những gánh nặng trong tâm trí thì người bệnh mới lấy lại được sự lạc quan, tích cực. Việc dùng thuốc không phải lúc nào cũng mang tác dụng tốt nhất, đặc biệt với người đang gặp các vấn đề về tâm lý, thay vào đó có thể tham khảo các liệu pháp tâm lý trị liệu phù hợp.
Theo đó nhà trị liệu sẽ thông quan việc trò chuyện trực tiếp để hiểu rõ được các vướng mắc trong tâm trí khiến người bệnh tụt giảm khí sắc, mất hứng thú với cuộc sống, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhất. Các biện pháp trị liệu hành vi nhận thức CBT, liệu pháp thư giãn, hướng về chánh niệm cũng mang đến những kết quả tích cực trong việc xoa dịu tâm trí, đưa người bệnh trở về với nhận thức đúng đắn hiện tại.
Người mắc trầm cảm hậu Covid hay các rối loạn tâm thần khác sau SARS-CoV-2 nếu đáp ứng tốt với các liệu pháp tâm lý đều có những thay đổi rõ rệt về sức khỏe tinh thần. Đặc biệt với những người mang những nỗi đau, những ám ảnh lớn do đại dịch để lại rất nên gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia tâm lý để sớm tìm được giải pháp giúp tinh thần thoải mái, hướng đến một tương lai tươi sáng tích cực hơn.
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù không có loại thuốc nào có thể điều trị trầm cảm nhưng trong một số trường hợp, thuốc vẫn là lựa chọn cần thiết để xoa dịu trạng thái của một số bệnh nhân. Thường các nhóm thuốc được chỉ định phổ biến là thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline hay Thuốc SSRIs và SNRIs, thuốc an thần. Mục đích của việc dùng thuốc này là cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và tăng serotonin, noradrenalin làm tinh thần tích cực hơn.
Tuy nhiên do các nhóm thuốc này thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt một số nhóm thuốc an thần có thể gây phụ thuộc nếu lạm dụng quá mức. Do đó người mắc trầm cảm hậu Covid chỉ nên sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, dùng đúng liều lượng, đúng thời điểm để đảm bảo mang đến những tác dụng tốt nhất.
Thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày
Hậu covid, vấn đề thể chất của người bệnh cũng suy giảm nghiêm trọng, do đó song song với việc phục hồi về tinh thần, người bệnh cũng cần nâng cao cả về thể chất. Thay đổi một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh hơn mỗi ngày sẽ giúp người bệnh dần cảm thấy tinh thần tích cực, lạc quan, thêm yêu cuộc sống. Bản thân người bệnh cần phải quyết tâm điều trị, vượt qua những ám ảnh của bản thân thì mới có thể sớm chiến thắng trầm cảm hậu Covid.
Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng để sớm thoát khỏi trạng thái này như
- Xây dựng chế độ sống khoa học, lành mạnh, thiết lập thói quen sống tích cực hơn mỗi ngày
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể mỗi ngày, tăng cường vitamin C, vitamin E, vitamin A, kẽm, sắt…. Trong đó nên ưu tiên các nhóm rau xanh, trái cây, các loại đạm lành mạnh..
- Tạo những thói quen mới để khiến bạn thân bận rộn, tránh những trạng thái ủ rũ mỗi ngày đồng thời kiên trì thực hiện nó. Chẳng hạn thay vì ngủ nướng đến trưa hãy dậy sớm tập thể dục, nấu ăn hoặc dành thời gian để đọc một cuốn sách mới
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để tăng cường sức đề kháng, cải thiện thể chất đồng thời cũng rất tốt cho tinh thần
- Luyện tập thiền và yoga cũng cực kỳ tốt cho những người mắc trầm cảm hậu Covid hay những người mắc trầm cảm và covid 19 nói riêng.
- Hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực có liên quan đến covid 19, chẳng hạn như thông tin về số người chết mỗi ngày, điều này sẽ làm tăng mức độ lo âu ám ảnh của người bệnh.
- Duy trì giấc ngủ ổn định, đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc an thần mà thay thế bằng các loại thảo dược hoặc các biện pháp hỗ trợ khác như mùi hương, ngâm nước ấm..
- Tạo mối quan hệ với mọi người, chia sẻ những cảm xúc khó khăn của bản thân với bạn bè và người thân để thư giãn tinh thần
- Thực hành chánh niệm, đi chùa cũng là biện pháp giúp tâm trí được thoải mái và thư giãn, hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc sống con người sau đại dịch covid đã dần đi vào ổn định hơn, chúng ta cũng dần thích nghi được với việc corona có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên đều này không có nghĩa là chúng ta được chủ quan mà càng cần có nhiều biện pháp bảo vệ chính mình hơn, điều này chưa bao giờ là dư thừa. Bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh chúng ta cần được hình thành từ tiềm thức, là trách nhiệm của mỗi người chứ không chỉ khi bắt đầu có đại dịch xuất hiện mới bắt đầu thực hiện.
Trầm cảm hậu Covid có thể để lại nhiều di chứng đáng sợ cho người bệnh, tuy nhiên lại không hề dễ dàng phát hiện. Mỗi người sau khi mắc SARS-CoV-2 nếu cảm thấy sức khỏe đi xuống, tinh thần sụt giảm khí sắc, luôn mệt mỏi, chán chường, không còn cảm xúc với hiện tại nên sớm tìm đến các chuyên gia để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất, tránh các hệ lụy tiêu cực sau này.
Có thể bạn quan tâm
- 10 Dấu hiệu Tâm lý bất ổn và Cách giúp bạn thoát khỏi hiệu quả
- Hay có cảm giác vô dụng, vô giá trị nên làm gì để vượt qua?
- Sang chấn tâm lý sau chiến tranh: Biểu hiện và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!