Trẻ bị khó ngủ về đêm: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Trẻ bị khó ngủ về đêm, quấy khóc nhiều khiến không chỉ bé mệt mà cha mẹ cũng vô cùng mệt mỏi. Hiểu rõ nguyên nhân khiến bé quấy khóc sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả tốt hơn, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đên sự phát triển và trí não của con.
Trẻ bị khó ngủ về đêm do đâu?
Trẻ em là đối tượng cần ngủ nhiều, đặc biệt là trẻ sơ sinh để đảm bảo quá trình phát triển về cả thể chất lẫn trí não tốt nhất. Đồng thời việc ngủ đêm cũng giúp lấp đầy những năng lượng đã bị tiêu hao trong ngày để đảm bảo cho các hoạt động của ngày hôm sau.
Các nghiên cứu trên thực tế cho thấy, có đến 69% trẻ em thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, thường là nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Bé mất ngủ về đêm thường có xu hướng quấy khóc, quậy phá khiến không chỉ bé mất sức mà chính cha mẹ cũng đau đầu và mệt mỏi không kém.
Theo đó những nguyên nhân khiến trẻ bị khó ngủ về đêm bao gồm
1. Trẻ bị thiếu chất
Trẻ bị thiếu chất khiến các cơ quan trong cơ thể không được hoạt động ở mức tốt nhất, vì vậy thường gây ra một số triệu chứng bất thường, điểm hình như việc khó ngủ. Tuy nhiên rất ít phụ huynh có thể phát hiện sớm nguyên nhân này khiến tình trạng sức khỏe của bé giảm sút hơn.
Một số chất bị thiếu hụt khiến bé bị mất ngủ như
- Thiếu vitamin D: thường là do trẻ thiếu tắm nắng, trẻ ở trong nhà nhiều. Do đó khi ngủ trẻ dễ bị giật mình, khóc đêm và khó đi vào giấc ngủ lại. Ngoài ra trẻ bị thiếu vitamin D còn dễ bị chậm đi, mọc răng chậm, rụng tóc vành khăn..
- Thiếu canxi: Khi bị thiếu canxi thường khiến cho trẻ chậm phát triển về xương khớp nên có thể gặp các cơn đau nhức cơ, mỏi chân tay, đặc biệt khi ban ngày vận động quá nhiều. Do đó bé thường bị trằn trọc khó ngủ về đêm và quấy khóc nhiều.
- Thiếu Magie: đây là hoạt chất vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện chức năng cho bộ não, giúp tăng cường sản xuất các melatonin, hormone cần thiết cho giấc ngủ. Magie cũng giúp tăng nồng độ GABA để dẫn truyền thần kinh trong não. Bởi vậy việc thiếu chất này chắc chắn sẽ khiến bé bị mất ngủ về đêm.
- Thiếu protein: ở trẻ sơ sinh có thể chưa được bổ sung nhiều protein từ động vật, điều này có thể làm giảm sản xuất các GABA, endorphin, serotonin. Điều này khiến thần kinh bị kích thích gây khó ngủ và dễ giật mình. Vì vậy nếu trẻ có tự dưng mất ngủ, khó ngủ trằn trọc thì rất có thể là dấu hiệu đang thiếu hụt protein.
- Thiếu sắt: đây cũng là một chất quan trọng trong não bộ, khi bị thiếu chất này bé thường xuyên có dấu hiệu sợ hãi, lo lắng nên thường bị mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ
- Thiếu kẽm: đây là một chất giúp hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, các tế bào tăng trưởng cơ thể không được phát triển một cách tốt nhất. Vì vậy trẻ bị thiếu kẽm cũng thường có dấu hiệu bị mất ngủ
Có thể nói trẻ bị khó ngủ về đêm thường liên quan rất nhiều đến việc thiếu hụt các vi chất. Vì vậy với tình trạng trẻ thao thức thường xuyên, không ngủ được thì phụ huynh nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để phát hiện và có biện pháp bổ sung phù hợp.
2. Trẻ bị bệnh
Những bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị mất ngủ, thường là những bệnh như dị ứng, viêm họng, cảm lạnh hay cũng có thể do trào ngược dạ dày..Thường nếu liên quan đến các bệnh lý bé thường có dấu hiệu mệt mỏi khó chịu, ho nhiều, sút cân.. Nếu liên quan đến các bệnh lý thường có dấu hiệu khá rõ ràng, phụ huynh cần quan tâm và điều trị sớm cho bé.
3. Chế độ sinh hoạt kém khoa học
Trẻ ăn quá no, ăn quá khuya, ăn nhiều thực phẩm khô cứng, vận động mạnh ngay sau khi ăn cũng làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và các cơ quan khác. Thức ăn không được tiêu hóa hết khiến bé cảm thấy đầu bụng, chướng bụng, nóng rát bụng kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua làm con trằn trọc qua lại mà không ngủ được.
4. Không gian phòng ngủ thiếu thoải mái
Phòng quá kín, phòng kém sạch sẽ, quá nóng, quá lạnh hay kém yên tĩnh cũng là lý do chính khiến bé khó ngủ về đêm. Nhiều phụ huynh thường cho bé ở trong phòng máy lạnh, điều này có thể khiến cổ họng bé bị khô và kích thích các cơn ho, khô miệng khó chịu và khó ngủ.
Trong khi phòng quá kín gió, bé ở nơi quá nhỏ, có ánh đèn chiếu thẳng mặt cũng làm bé kém thoải mái và trằn trọc không ngủ được.
5. Bé cảm thấy sợ hãi
Nhiều phụ huynh thường cho bé tự lập khá sớm, ngay từ thời điểm 4- 5 tuổi đã để con ở riêng. Khi bé chưa quen nên thường có những nỗi sợ mơ hồ như sợ ma, sợ quái vật và hay bị mơ, gặp ác mộng..
Với những bé ban ngày gặp những chuyện làm bé sợ, giật mình hay xem những bộ phim hoạt hình về đêm cũng có thể gặp ác mộng, kể cả khi ngủ cùng cha mẹ. Điều này làm bé tỉnh giấc giữa chừng và rất khó ngủ lại kèm theo quấy khóc suốt cả đêm.
Trẻ bị khó ngủ về đêm khi nào nên đưa bé đi khám
Trẻ bị khó ngủ về đêm có thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Bé khi không được ngủ đủ thường uể oải, mệt mỏi vào ngày hôm sau, không muốn vui chơi ăn uống gì. Ở nhóm trẻ nhỏ việc không ngủ được còn kèm theo quấy khóc khiến phụ huynh cũng mệt mỏi theo.
Bên cạnh đó, quấy khóc và mất ngủ còn làm cản trợ sự phát triển về não bộ của trẻ. Bé có thể chậm hiểu, kém nhanh nhạy hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Hệ miễn dịch của bé cũng bị suy giảm và dễ mắc nhiều bệnh lý khác hơn. Khó ngủ kéo dài làm thay đổi đồng hồ sinh học của trẻ và có thể gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ là đối tượng cực kỳ nhạy cảm, bất cứ vấn đề bất thường nào của bé phụ huynh cũng không nên chủ quan. Phụ huynh hãy dành thời gian quan sát nếu thấy bé mất ngủ thường xuyên, lặp đi lặp lại liên tục nhiều lần, dễ giật mình khi đi ngủ, có dấu hiệu sút cân, cơ thể suy nhược thì nên sớm đưa con đi khám.
Hướng điều trị cho trẻ bị khó ngủ về đêm
Phụ huynh nên đưa bé đi thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân do đâu, qua đó mới có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Ở trẻ nhỏ, dùng thuốc không phải là phương pháp được khuyến khích do gan, thận của bé chưa hoàn thiện nên dễ bị tích độc cho cơ thể. Đồng thời nếu chỉ khó ngủ thì chưa đến mức nguy hiểm cần phải dùng thuốc.
Thay vào đó bác sĩ thường hướng tới việc điều chỉnh dinh dưỡng, thay đổi sinh hoạt lành mạnh hơn hoặc sử dụng các thảo dược thiên nhiên để bé dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn. Cụ thể, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp sau đây
1. Thiết lập thói quen ngủ khoa học
Phụ huynh nên thiết lập cho bé một thời gian đi ngủ và thức nhất định, dần dần bé sẽ theo thói quen tự động đi ngủ đúng giờ mà không cần nhắc nhở. Tuy nhiên nếu bé đang bị mất ngủ trong thời gian dài thì khi bắt điều việc điều chỉnh lại nhịp sống có thể hơi gặp khó khăn, tuy nhiên khi đã quen dần thì đây sẽ là thói quen rất có ích.
Để giúp bé dễ ngủ hơn, mẹ có thể cho bé nghe nhạc nhẹ nhàng, nằm cùng bé để ru bé ngủ, kể chuyện cho con nghe. Đồng thời sự có mặt của cha, mẹ cũng làm giảm cảm giác sợ hãi mơ mồ để bé ngủ sâu hơn. Hãy tạo cho bé không khí thật thoải mái trước khi ngủ thay vì ép bé ngủ sẽ khiến bé sợ hãi, dễ gặp ác mộng.
Trong thời gian đầu mẹ vẫn nên ngủ cùng để nếu bé có tỉnh giấc không cảm thấy sợ. Khi bé đã ngủ quen dần, không còn tỉnh giấc giữa đêm mẹ có thể để bé tự lập ngủ một mình nhưng vẫn cần chú ý quan sát bé thường xuyên.
Ngoài ra phụ huynh cũng cần giữ ấm cho bé trước khi đủ bằng cách đi tất chân, tay, có thể bôi một chút dầu nóng ở lòng bàn chân. Trẻ nhỏ rất dễ đạp chăn ra khỏi người nên có thể bị ốm nếu không được giữ ấm.
2. Sắp xếp lại không gian phòng ngủ
Nếu phụ huynh đang tập cho bé tự lập, ngủ một mình một phòng thì nên trang trí phòng ngủ một chút để tạo cho bé không gian quen thuộc, không cảm thấy cô đơn, sợ hãi. Chẳng hạn trang trí tường ngủ bằng các hình trăng sao phát quang, để đèn ngủ, dán hình các nhân vật hoạt hinh bé yêu thích. Mẹ cũng nên chuẩn bị một vài con thú bông quanh giường bé ngủ để tạo cảm giác ấm áp, an toàn hơn cho bé.
Việc dọn dẹp chăn màn giường chiếu cũng cần thực hiện hàng ngày để bảo vệ hệ hấp cho trẻ, nhất là với những bé dễ bị dị ứng. Hạn chế bật điều hòa quá cao trong phòng hoặc dể gần đầu trẻ sẽ rất dễ khiến con bị cảm. Mẹ cũng có thể chuẩn bị máy xông tinh dầu để phòng bé thơm, làm dịu thần kinh và dễ ngủ hơn.
3. Bổ sung dinh dưỡng đây đủ
Phụ huynh nên dành thời gian đưa con đi khám định kỳ để kiểm tra sự phát triển của con có ổn đinh không. Qua các cuộc kiểm tra việc bé bị dư chất gì, thiếu chất gì cũng được cung cấp đầy đủ để phụ huynh có hướng bổ sung. Cha mẹ cũng nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để đảm bảo việc bổ sung dưỡng chất đúng cách và đầy đủ.
Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình bổ sung dưỡng chất cho trẻ nhỏ như
- Bổ sung đầy dưỡng chất cần thiết theo độ tuổi, không nên lạm dụng quá mức bất cứ chất nào
- Ưu tiên cho con ăn những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa
- Bổ sung đa dạng các món ăn, chế biến theo nhiều cách để kích thích con ăn ngon hơn
- Cho bé ăn uống theo giờ giấc cố định
- Hạn chế cho bé ăn quá no, ăn quá khuya, ăn quá nhiều vào buổi tối
- Không nên bé ăn vặt trước giờ đi ngủ. Tuy nhiên có thể uống sữa để hỗ trợ phát triển chiều cao đồng thời cũng giúp con ngủ ngon hơn
- Không nên để bé uống quá nhiều nước về buổi đêm
- Một số thực phẩm giúp trẻ nhỏ ngủ ngon hơn như sữa đậu nành, trứng, chuối, sữa, một số loại hạt, cà chua..
4. Cho bé tập thể dục
Tập thể dục buổi sáng không chỉ đem cho trẻ nguồn năng lượng tuyệt vời mà còn giúp con hấp thụ được các vitamin D3 cần thiết. Vitamin D3 không chỉ cải thiện tình trạng mất ngủ, giúp tinh thần vui vẻ hơn mà còn hỗ trợ khả năng hấp thụ canxi nhiều hơn để phát triển hệ thống xườn khớp.
Tùy độ tuổi trẻ mà phụ huynh cùng bé tham gia những hoạt động thể dục phù hợp hoặc đơn giản hơn là cho con đi bộ vài vòng để tắm nắng. Chú ý chỉ nên cho bé tập thể dục trong 7-9h hoặc sau 5h chiều để tránh các tia UV có hại khiến da bé sạm đen và dễ bị ốm.
Trẻ bị khó ngủ về đêm tưởng chừng chỉ là vấn đề đơn giản nhưng cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt nên cần sớm được cải thiện. Theo dõi sức khỏe của bé mỗi ngày và sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường sẽ giúp việc điều trị đạt những kết quả tích cực hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Cách chữa mất ngủ bằng mật ong đơn giản giúp ngủ sâu hơn
- Bị mất ngủ nên ăn gì và kiêng gì giúp dễ ngủ?
- Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!