Các loại thuốc ngủ liều mạnh thông dụng: Tác hại và thận trọng
Thuốc ngủ liều mạnh có cơ chế phức tạp, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết. Trang bị kiến thức về nhóm thuốc này sẽ giúp nâng cao hiểu biết, góp phần giảm tỷ lệ ngộ độc và lạm dụng thuốc trong cộng đồng.
Thuốc ngủ liều mạnh là gì?
Thuốc ngủ là các loại thuốc có tác dụng an thần gây ngủ. Vì nhiều lý do, một số người gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và gặp ác mộng… Lúc này, thuốc ngủ được sử dụng để làm dịu và giảm kích thích lên hệ thần kinh trung ương. Qua đó giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, ngủ sâu và tròn giấc.
Thuốc ngủ liều mạnh là các loại thuốc ngủ có cơ chế mạnh, tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Cách gọi này được dùng để phân biệt với các loại thuốc không kê toa và thuốc có tác dụng gây ngủ không điển hình như thuốc kháng histamin H1, thuốc đồng vận thụ thể melatonin, viên uống ngủ ngon chiết xuất từ thảo dược…
Mặc dù có hiệu quả trong điều trị rối loạn giấc ngủ nhưng thuốc ngủ liều mạnh tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa các tình huống phát sinh.
Các loại thuốc ngủ liều mạnh thông dụng
Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, thuốc ngủ liều mạnh chỉ bao gồm 3 nhóm sau đây. Cách phân loại này dựa trên cấu trúc hóa học và cơ chế dược lý:
1. Thuốc an thần nhóm benzodiazepin
Thuốc an thần nhóm benzodiazepin là loại thuốc ngủ liều cao được sử dụng phổ biến nhất. Nhóm thuốc này có tác dụng an thần, gây ngủ, được chỉ định trong điều trị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và nhiều rối loạn tâm thần khác.
Thuốc an thần nhóm benzodiazepin được phát minh từ năm 1960. Sự ra đời của nhóm thuốc này mang đến triển vọng cho bệnh nhân bị mất ngủ mãn tính và người bị rối loạn giấc ngủ do các vấn đề tâm lý, tâm thần.
Cơ chế của benzodiazepin là tăng ái lực của gamma-aminobutyric acid (GABA) nhằm làm tăng tác dụng ức chế dẫn truyền thần kinh. Qua đó giảm trạng thái kích thích, bồn chồn, khó ngủ và kích động. Dù vậy nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện cao nên phải thật thận trọng khi sử dụng.
Các loại thuốc ngủ thuộc nhóm thuốc benzodiazepin:
- Alprazolam
- Estazolam
- Oxazepam
- Diazepam
- Flurazepam
2. Nhóm thuốc dẫn xuất Barbiturat
Nhóm thuốc dẫn xuất Barbiturat là một trong những loại thuốc ngủ liều mạnh. Tác dụng chính của thuốc là ức chế thần kinh trung ương, tạo ra trạng thái thư giãn, hỗ trợ giảm đau, lo lắng, co giật và tạo cảm giác buồn ngủ.
Hiện nay, nhóm thuốc này đã dần bị thuốc ngủ benzodiazepin thay thế. Dù cả hai nhóm thuốc đều có khả năng gây nghiện nhưng nguy cơ phụ thuộc thuốc ở benzodiazepin thấp hơn đáng kể.
Đối với tác dụng gây ngủ, nhóm thuốc dẫn xuất Barbiturat được sử dụng ở liều trung bình. Mặc dù có tác dụng cải thiện giấc ngủ nhưng sử dụng thuốc có thể gây ra tình trạng mộng mị.
Nhóm thuốc dẫn xuất Barbiturat bao gồm các loại thuốc thông dụng như:
- Methohexital
- Pentobarbital
- Amobarbital
- Phenobarbital
- Mephobarbital
3. Thuốc an thần không chứa benzodiazepine (Z-drugs)
Thuốc an thần không chứa benzodiazepine (Z-drugs) hay còn gọi là thuốc an thần nhóm non-benzodiazepine. Nhóm thuốc này có cấu trúc hóa học tương tự benzodiazepine nhưng ít có nguy cơ lệ thuộc và tác dụng phụ gặp phải cũng ít nghiêm trọng hơn.
Các loại thuốc ngủ liều mạnh non-benzodiazepine có thể sử dụng lâu dài trong điều trị mất ngủ mãn tính. Nhóm thuốc này cũng tác dụng trên GABA-A như benzodiazepin nhưng chủ yếu trên type-1, không tác dụng lên type alpha 2-3-5.
Thuốc an thần không chứa benzodiazepine cũng có tác dụng gây ngủ. Tuy nhiên, hạn chế của nhóm thuốc này là chu kỳ bán hủy ngắn (chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ) nên tăng thời gian ngủ không đáng kể. Bên cạnh đó, thuốc an thần nonbenzodiazepin cũng gây ra không ít tác dụng phụ, đặc biệt là hội chứng cai khi ngừng đột ngột.
Các loại thuốc ngủ liều mạnh nhóm nonbenzodiazepin:
- Eszopiclone
- Zaleplon
- Zolpidem
Thuốc ngủ liều cao được sử dụng khi nào?
Thuốc ngủ liều cao tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nhằm tăng hoạt tính của gamma – aminobutyric (GABA). Thông qua cơ chế này, thuốc có thể tạo cảm giác thư giãn, an dịu và dễ đi vào giấc ngủ.
Với trường hợp mất ngủ nhẹ do stress, mệt mỏi… bác sĩ thường không khuyến khích dùng thuốc ngủ liều mạnh. Các loại thuốc ngủ có nguồn gốc từ thảo dược, thuốc đồng vận với thụ thể melatonin và một số thuốc kháng histamin sẽ được ưu tiên trong trường hợp này.
Thuốc ngủ liều cao có tác dụng mạnh nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Mất ngủ tiên phát
- Mất ngủ mãn tính, không có đáp ứng với các loại thuốc ngủ thông thường
- Rối loạn giấc ngủ trong trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực
- Ngoài ra, thuốc ngủ liều cao còn được sử dụng với mục đích giảm đau, chống co giật, cải thiện tình trạng bồn chồn, kích động…
Hậu quả khó lường khi lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh
Dù có cơ chế khác nhau nhưng nhìn chung các loại thuốc ngủ liều mạnh để tác động đến GABA. Hoạt tính của GABA gia tăng sẽ giúp ức chế dẫn truyền thần kinh, từ đó giảm kích thích hệ thần kinh trung ương và ngăn chặn một số tín hiệu não bộ.
Bằng cơ chế này, thuốc ngủ liều mạnh tạo ra tác dụng an thần gây ngủ. Khi dùng thuốc, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, mộng mị… đều sẽ thuyên giảm đáng kể. Giấc ngủ được cải thiện cũng sẽ giúp tâm trạng trở nên tốt hơn, tình trạng căng thẳng, lo âu, khí sắc không ổn định sẽ có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh có thể dẫn đến những tác hại và hậu quả khôn lường:
1. Tác dụng phụ nghiêm trọng
So với các loại thuốc ngủ tác dụng nhẹ, thuốc ngủ liều cao có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ nghiêm trọng. Liều lượng càng cao thì nguy cơ gặp phải các tác dụng ngoại ý càng lớn. Đây cũng là lý do các bác sĩ rất dè dặt khi chỉ định thuốc ngủ liều mạnh, thay vào đó bệnh nhân sẽ được dùng với liều thấp và tăng dần cho đến khi đạt được hiệu quả như mong đợi.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải khi dùng thuốc ngủ liều mạnh bao gồm:
- Tắc nghẽn hô hấp (với bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn)
- Suy hô hấp
- Suy tim (đối với người có tổn thương ở tim mạch, suy tim ứ máu, giảm thể tích máu)
- Mất phối hợp vận động
- Chậm chạp
- Suy giảm trí nhớ
- Hay quên
Ngoài những tác dụng phụ nghiêm trọng, sử dụng thuốc ngủ liều mạnh còn gây ra những tác dụng ngoại ý khác như tiêu chảy hoặc táo bón, thay đổi cảm giác thèm ăn, lú lẫn, chóng mặt, buồn ngủ quá mức vào ban ngày, suy nhược, khô họng…
2. Phụ thuộc thuốc (nghiện thuốc)
Tác hại lớn nhất khi lạm dụng thuốc ngủ liều cao là nghiện thuốc hay còn gọi là phụ thuộc thuốc. Nguy cơ nghiện xảy ra khi dùng thuốc an thần gây ngủ benzodiazepin và thuốc ngủ dẫn xuất barbiturat.
Ngưng thuốc đột ngột sẽ làm xuất hiện các triệu chứng cai thuốc như kích động, ảo giác, mất trí, run rẩy, nói sảng, ác mộng, vật vã, bồn chồn, khó ngủ… Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc ngủ liều cao – đặc biệt là benzodiazepin trong một thời gian dài còn làm suy đồi nhân cách.
Bệnh nhân có xu hướng dễ giận dữ, bi quan, mất hy vọng vào cuộc sống, thiếu tự tin và không thể duy trì khả năng tập trung. Trường hợp nặng có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất nhận thức.
Với những loại thuốc không gây nghiện, việc ngưng thuốc đột ngột cũng không được khuyến khích. Để giảm các phản ứng không mong muốn, bác sĩ thường chỉ định giảm liều lượng từ từ trong ít nhất 1 tuần. Nếu có thể, tốt nhất nên giảm liều trong 3 – 4 tuần trước khi dừng hẳn.
3. Nguy cơ đối với phụ nữ mang thai
Sử dụng thuốc ngủ liều mạnh trong thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề đối với thai nhi. Dùng thuốc trong 3 tháng đầu có thể gây hở hàm ếch, dị tật sứt môi. Trong khi đó, sử dụng thuốc vào 3 tháng cuối làm tăng nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
4. Ngộ độc thuốc
Ngộ độc thuốc là tình trạng cấp cứu khá phổ biến, thường xảy ra với những loại thuốc không kê toa như thuốc giảm đau, chống viêm… Tình trạng này cũng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc an thần, gây ngủ.
Ngộ độc thuốc ngủ liều cao thường xảy ra do tự ý tăng liều và số lần sử dụng. Biểu hiện ngộ độc thuốc có sự khác biệt ở từng loại thuốc khác nhau.
Nhận biết ngộ độc các loại thuốc ngủ thường gặp:
- Ngộ độc thuốc ngủ barbituric tác dụng chậm: Giảm phản xạ gân xương, sặc phổi, ngừng thở, hạ huyết áp, trụy tim mạch, hạ thân nhiệt, sốt cao, hôn mê yên tĩnh…
- Zolpidem: Buồn nôn, nôn mửa, sặc, phù phổi cấp, hạ huyết áp, ngủ gà đến hôn mê sâu, hoại tử ống thận, suy thận cấp, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt…
- Diazepam: Ức chế hô hấp, giãn cơ, hạ huyết áp, suy gan thận, giảm trương lực cơ, hôn mê, giảm phản xạ, ngủ gà…
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, cần gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được dùng than hoạt hoặc gây nôn để làm giảm hấp thu thuốc. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp để bảo đảm chức năng hô hấp, tim mạch…
5. Gây hại cho gan thận
Hầu hết các loại thuốc đều được chuyển hóa qua gan và thải trừ qua đường niệu. Sử dụng thuốc liều cao đồng nghĩa với việc tăng áp lực lên hai cơ quan này. Nếu lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh quá mức, có thể dẫn đến suy gan, thận cấp tính.
6. Giảm khả năng tỉnh táo và tập trung
Các loại thuốc ngủ liều mạnh hầu hết đều ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tỉnh táo. Do thuốc làm tăng hoạt tính của GABA – ức chế chất dẫn truyền thần kinh nên rất dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ quá mức vào ban ngày, lờ đờ…
Nếu dùng thuốc ngắn hạn, tình trạng này thường không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên trường hợp phải dùng thuốc lâu dài, trạng thái thiếu tỉnh táo sẽ khiến người bệnh phải tránh những công việc làm trên cao, thường xuyên điều khiển phương tiện giao thông…
7. Tử vong khi dùng quá liều
Hiện nay, các loại thuốc ngủ được sử dụng đều ít gây tử vong và hầu hết các loại thuốc nguy cơ cao đã được thay thế để đảm bảo an toàn. Đa phần các trường hợp tử vong đều có xu hướng tích lũy thuốc, sau đó dùng với lượng lớn nhằm mục đích tự sát.
Thuốc ngủ liều cao có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp. Lúc này, cơ thể không có đủ oxy sẽ nhanh chóng đi vào trạng thái hôn mê và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Hướng dẫn sử dụng thuốc ngủ liều cao đúng cách
Không thể phủ nhận, thuốc ngủ liều cao giúp cải thiện các rối loạn giấc ngủ hữu hiệu. Đặc biệt, sự ra đời của benzodiazepin là dấu mốc quan trọng của y học. Hiện nay, thuốc ngủ được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Dù vậy, dùng thuốc ngủ liều cao có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Thông tin sau sẽ giúp bạn đọc sử dụng thuốc đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc và các tác dụng không mong muốn.
1. Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Thuốc ngủ liều mạnh tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và có thể gây ức chế hô hấp nếu sử dụng liều quá cao. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Trên thực tế, các bác sĩ rất dè dặt khi chỉ định thuốc ngủ liều cao cho bệnh nhân. Các loại thuốc chiết xuất từ thảo dược như củ bình vôi, lạc tiên, nữ lang… và chất đồng vận thụ thể melatonin sẽ được ưu tiên sử dụng vì độ an toàn cao, ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc ngủ liều cao chỉ được dùng trong trường hợp mất ngủ nặng, mất ngủ trong các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm… Ở liều cao, thuốc ngủ không chỉ có tác dụng gây ngủ mà còn giúp an dịu thần kinh, giảm trạng thái kích động, hung hăng.
Trong tất cả các trường hợp, bác sĩ đều sẽ đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định thuốc ngủ liều cao. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng chỉ sử dụng thuốc khi có yêu cầu.
2. Tuân thủ liều lượng
Một số loại thuốc ngủ có thể không mang lại cải thiện ngay từ lần đầu sử dụng. Vì vậy, một số bệnh nhân tự ý tăng liều với mục đích cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ sâu và tròn giấc. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc ngủ hiện nay đều làm tăng hoạt tính của GABA dẫn đến ức chế hô hấp và hệ thần kinh trung ương.
Nguy cơ ngộ độc thuốc cũng gia tăng khi sử dụng quá liều chỉ định. Đây cũng là lý do tuân thủ liều lượng là nguyên tắc phải ghi nhớ khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
3. Phát hiện sớm tác dụng phụ
Tất cả các loại thuốc ngủ đều có thể gây ra tác dụng ngoại ý. Các tác dụng phụ không quá nghiêm trọng thường sẽ không phải điều chỉnh liều lượng hay ngưng thuốc. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách thích nghi với tác dụng ngoại ý do thuốc.
Khi chỉ định thuốc ngủ liều mạnh, bác sĩ sẽ tư vấn một số tác dụng phụ thường gặp và cách cải thiện, khắc phục tại nhà. Trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, nên thông báo để được hỗ trợ và xử trí kịp thời.
4. Chủ động phòng tránh tương tác thuốc
Đa phần các tương tác thuốc với thuốc ngủ liều cao đều có giá trị về mặt lâm sàng. Trước khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về vấn đề này để chủ động phòng tránh, hạn chế tối đa các tình huống phát sinh.
Để phòng tránh tương tác thuốc, trước tiên không tự ý dùng bất cứ loại dược phẩm nào khi đang điều trị bằng thuốc ngủ liều cao. Ngoài ra, nên tránh sử dụng rượu bia, chất gây nghiện và các loại thảo dược có tác dụng dược lý trong thời gian này.
5. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ
Tác dụng chính của thuốc ngủ là an dịu thần kinh, tạo cảm giác buồn ngủ. Để tránh nguy cơ lạm dụng thuốc và hạn chế phải dùng thuốc liều cao trong thời gian dài, cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ như:
- Vệ sinh giấc ngủ, tạo không gian ngủ thoáng đãng, thoải mái.
- Có thể thực hiện một số biện pháp thư giãn, tạo cảm giác ngủ ngon như ngâm chân với nước ấm, uống sữa ấm trước khi ngủ, tập yoga, đi bộ, nghe nhạc không lời…
- Kết hợp với các phương pháp điều trị mất ngủ khác như massage đầu, châm cứu bấm huyệt, ngồi thiền…
Thuốc ngủ liều mạnh tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác hại nhưng có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể hạn chế tác dụng ngoại ý, ngộ độc thuốc… bằng cách tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Người nhà cũng nên hỗ trợ trong thời gian này, bởi không ít bệnh nhân có xu hướng tích lũy thuốc với mục đích tự sát.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc điều trị khó ngủ – mất ngủ và những thông tin cần biết
- Rối loạn lo âu gây mất ngủ và biện pháp xử lý
- 8 Cách chữa rối loạn giấc ngủ tại nhà không cần dùng thuốc
- Thuốc giảm lo âu căng thẳng hồi hộp mất ngủ hiệu quả nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!