Tụt Mood: Nguyên nhân và 6 cách lấy lại mood làm việc, học tập
Tụt mood là trạng thái mà bất cứ ai cũng phải trải qua trong đời, ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là cần sớm tìm ra cách lấy lại mood để học tập và làm việc hiệu quả, năng suất hơn.
Tụt mood là gì?
Trong tiếng Anh, “Mood” là từ ngữ được dùng để diễn tả tâm trạng không quá mãnh liệt của con người như buồn, vui, giận dữ,… Nó thường diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, có thể là vài giờ hoặc vài ngày.
Tụt mood có thể hiểu đơn giản là cảm giác mất đi sự hứng thú ban đầu, rơi vào chán nản hay buồn rầu và không có tâm trạng làm bất kỳ điều gì. Một nghiên cứu chỉ ra rằng tâm trạng phần đông sẽ “xuống” thấp nhất vào 3 giờ chiều. Và phụ nữ có xu hướng bị tụt mood hơn nam giới với tỷ lệ buồn bã, thất vọng gần 75%.
Ngoài ra tụt mood còn có thể dùng như một cách bày tỏ quan điểm nào đó, biểu đạt cảm xúc trong từng trường hợp và giai đoạn nhất định.
Triệu chứng của tụt mood
Những triệu chứng của tụt mood có thể được nhận biết thông qua:
- Mệt mỏi: cảm giác mệt mỏi dai dẳng kể cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ.
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ hoặc thèm ngủ.
- Thay đổi khẩu vị: tăng hoặc giảm khẩu phần ăn đáng kể.
- Đau nhức không rõ lý do: đau đầu, căng cơ, đau dạ dày.
- Dễ khó chịu hoặc thất vọng vì những điều nhỏ nhặt.
- Giảm hứng thú với các hoạt động yêu thích.
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
- Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng.
- Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định.
Sự khác nhau giữa tụt mood và trầm cảm
Mặc dù tụt mood và trầm cảm có những triệu chứng giống nhau nhưng đâu đó vẫn tồn tại sự khác biệt giữa chúng.
Sự khác biệt chính là các triệu chứng kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng như thế nào. Tụt mood có xu hướng tồn tại khá ngắn và ít nghiêm trọng hơn trầm cảm. Trong khi trầm cảm là tình trạng sức khỏe tâm thần dai dẳng và suy nhược hơn.
Tác động của 2 chứng bệnh đối với cuộc sống hằng ngày cũng có sự khác nhau. Tụt mood thường ít ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc, bài học và trách nhiệm hằng ngày. Tuy nhiên trầm cảm lại làm giảm khả năng hoạt động trong nhiều lĩnh vực và duy trì các mối quan hệ trong cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt mood
Những sự kiện và trải nghiệm khó khăn có thể khiến chúng ta xuống tinh thần. Nhưng một vài yếu tố sau đây luôn được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt mood:
1. Không hứng thú với cuộc sống
Đôi khi trong khoảng thời gian nào đó bạn bỗng dưng chán ghét hiện tại, không có động lực bắt tay vào các dự định và không thích cuộc sống lặp đi lặp lại một cách đơn điệu. Có thể nói tại thời điểm đó không tồn tại những điều khiến cho bạn cảm thấy vui hoặc hứng thú nữa.
2. Mất định hướng
Dù là trong công việc, học tập hay đời sống thường ngày, chúng ta cũng có lúc trở nên mất định hướng. Đứng trước những lựa chọn, bạn không biết bản thân cần gì và đâu là điều tốt nhất. Chính bạn không chắc những quyết định và cố gắng của mình có thể đạt được đến điều gì.
Hiện thực cuộc sống khiến bạn không còn theo đuổi lý tưởng, ước mơ và không biết phải làm gì tiếp theo. Tình trạng chán nản và thất vọng về bản thân xuất phát từ việc này có thể khiến tâm trạng tụt xuống.
3. Là người nhạy cảm
Có những người bẩm sinh đã nhạy cảm, nên tâm trạng rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều tiêu cực dù là nhỏ nhất. Người nhạy cảm thường thích an toàn mà bỏ qua việc khó, thích làm những thứ không bị ai sai khiến. Bởi điều này khiến bản thân họ dễ dao động, rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng và bị tụt mood.
4. Tự ti
Việc cảm thấy bản thân không đủ năng lực trong công việc, học tập cũng là nguyên nhân dẫn đến tụt mood. So sánh xuất thân, năng lực khiến chúng ta tự ti về bản thân và làm cho cảm xúc đi xuống.
5. Ảnh hưởng từ các mối quan hệ
Xung đột và cảm giác bị cô lập tại nơi làm việc, học tập ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng của chúng ta. Những biến cố như ly hôn, mất người thân đều có thể dẫn đến biến động về mặt cảm xúc.
Đôi khi sự đố kỵ với đối tác, đồng nghiệp, bạn bè cũng gây nên áp lực tinh thần, khiến cho ý chí phấn đấu bị sụt giảm. Không thể kiềm chế sự xấu tính của bản thân dẫn đến tan vỡ các mối quan hệ và điều này gây ảnh hưởng đến tâm trạng một cách tiêu cực.
Tụt mood gây ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần
Tụt mood nếu không được quản lý đúng cách sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe tổng thể và tâm lý. Một số tác động của tụt mood đối với sức khỏe tinh thần có thể bao gồm:
- Tụt mood thường đi kèm căng thẳng, lo âu làm tăng cường stress
- Cạn kiệt năng lượng gây ra mất tập trung, ảnh hưởng hiệu suất học tập – làm việc
- Tăng rủi ro về sức khỏe tim mạch, huyết áp cao, làm giảm miễn dịch
- Gây ra vấn đề tâm lý như trầm cảm, stress mãn tính
- Giảm khả năng giao tiếp xã hội
- Ít hứng thú với việc tham gia hoạt động xã hội, dẫn đến cô đơn và sinh ra cảm giác cô lập
6 cách lấy lại mood khi làm việc và học tập
Có rất nhiều cách giúp bạn lấy lại mood trong học tập và công việc. Do đó bạn nên tìm cách phù hợp với bản thân để mang hiệu quả tốt nhất trong các cách sau đây:
1. Nghỉ ngơi đầy đủ
Khi cảm thấy tụt mood hay cạn kiệt năng lượng, cơ thể bạn rất cần được nghỉ ngơi. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Nó giúp bạn suy nghĩ rõ ràng và cung cấp lượng để giải quyết vấn đề. Hầu hết chúng ta cần ngủ khoảng 8 tiếng mỗi đêm để làm mới cơ thể. Lúc này không gì tốt hơn một giấc ngủ ngon để tinh thần được tỉnh táo và cơ thể tràn đầy năng lượng.
2. Tập thể dục và vận động thể chất
Vận động là cách sản sinh ra hormone giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Tùy vào bạn thích chơi môn thể thao nào mà có những lựa chọn khác nhau. Bạn có thể chạy bộ, bơi lội hoặc đơn giản là đi bộ và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần và vận động hơn 20 phút mỗi ngày không chỉ tốt cho sức khỏe, tăng tuổi thọ mà còn là cách tuyệt vời để tránh stress, cải thiện tâm trạng.
3. Trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp
Con người thường thiếu động lực và thu mình lại khi tâm trạng chán nản. Chúng ta có thể trở nên hứng khởi hơn nếu dành thời gian để trò chuyện với mọi người. Ngay cả việc có những người bạn, người đồng nghiệp để chia sẻ sở thích hoặc hoạt động giải trí cũng có thể giúp ích cho tâm trạng. Thực hiện các cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc gọi điện, nhắn tin thường xuyên giúp kết nối với mọi người tốt hơn, xua tan căng thẳng.
4. Điều chỉnh lối sống
Tâm trạng của chúng ta một phần phụ thuộc vào lối sống, thói quen hằng ngày. Hãy cố gắng tạo ra lối sống lành mạnh bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Chúng ta cần thiết lập thời gian biểu trong đó nghiêm túc thực hiện việc đi ngủ sớm và thức dậy sớm.
Những gì nạp vào cơ thể có thể tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe tinh thần. Món ăn nhẹ trông hấp dẫn nhưng lại không đầy đủ dinh dưỡng, vì vậy cần bổ sung dưỡng chất cho cơ thể bằng việc ăn đúng và đủ bữa. Đặc biệt nên tạo thói quen uống đủ nước giúp cơ thể đủ sức vận động, làm việc, học tập mà không thấy mệt mỏi.
Vệ sinh cá nhân hằng ngày và trước khi đi ngủ giúp cơ thể cũng như tinh thần sảng khoái hơn. Đồng thời loại bỏ các thói quen xấu như sử dụng chất kích thích, thức khuya để duy trì lối sống lành mạnh, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và tâm trạng.
5. Làm điều bạn thích
Tụt mood có thể ngăn cản bạn làm những điều mình thích và các ý tưởng sáng tạo trong học tập cũng như công việc. Nếu không cho phép bản thân làm những điều mình coi trọng thì tâm trạng sẽ ngày càng sa sút hơn. Vì vậy hãy lập danh sách những thứ bạn mong muốn và cố gắng thực hiện thường xuyên.
6. Gặp gỡ chuyên gia sức khỏe tâm thần
Đôi khi tâm trạng chán nản báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng được gọi là rối loạn tâm trạng. Nếu rối loạn tâm trạng kéo dài, trầm trọng hoặc thậm chí có ý nghĩ tự hại thì bạn cần liên hệ ngay đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn và điều trị hiệu quả.
Chúng ta nên thường xuyên quan tâm đến tâm trạng của mình. Để quản lý tâm trạng, hạn chế tụt mood thì điều quan trọng nhất là đối mặt với nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu nhận ra bản thân đang bị tụt mood thì cần có động thái để thay đổi nó theo hướng tích cực.
Có thể bạn quan tâm
- Tâm Trạng Buồn Chán, Thất Vọng Vì Điểm Kém Và Cách Giải Tỏa
- Rối loạn cảm xúc: biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
- Sự Tự Tin: Ý nghĩa với cuộc sống & cách rèn luyện hàng ngày
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!