Yêu Bản Thân Quá Mức Có Phải Là Bệnh?
Yêu bản thân quá mức đôi khi là dấu hiệu của các vấn đề tâm lý. Theo các chuyên gia, biểu hiện này thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là bệnh ái kỷ.
Yêu bản thân quá mức có phải là bệnh?
Yêu bản thân là động lực để bạn cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày, tăng cường sự tự tin và từ chối những mối quan hệ chỉ mang lại cảm xúc tiêu cực. Khi dành tình yêu cho bản thân, chính bạn sẽ tỏa ra nguồn năng lượng vô cùng đặc biệt và trở nên nổi bật, hấp dẫn hơn trong mắt những người xung quanh.
Tuy nhiên, yêu bản thân quá mức đôi khi là dấu hiệu của bệnh tâm lý. Theo các chuyên gia, yêu bản thân thái quá là triệu chứng của bệnh ái kỷ hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ. Người mắc chứng bệnh có tính cách ích kỷ, chỉ coi trọng lợi ích, giá trị của bản thân và luôn có nhu cầu được nịnh nọt, ngưỡng mộ.
Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ luôn thổi phồng năng lực, vai trò và ngoại hình của bản thân. Họ cho rằng mình đặc biệt hơn so với những người xung quanh nên luôn được ngưỡng mộ và có không ít người ghen tị. Chính vì vậy, người mắc chứng bệnh này tin rằng bản thân phải được đối xử theo cách đặc biệt nhất.
Yêu bản thân là tốt nhưng nếu điều này xảy ra một cách thái quá, bạn nên xem xét các triệu chứng đi kèm. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ái kỷ hay còn gọi là hội chứng yêu bản thân quá mức và rối loạn nhân cách ái kỷ:
- Thổi phồng khả năng và ngoại hình của bản thân. Một số người dành nhiều thời gian để tưởng tượng viễn cảnh bản thân đạt được thành công rực rỡ, được người người tung hô và ngưỡng mộ.
- Phóng đại vai trò và tầm quan trọng của bản thân.
- Luôn có nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bản thân người mắc chứng ái kỷ lại không bao giờ thừa nhận người khác giỏi và ưu tú hơn mình.
- Phản ứng rất gay gắt và thái quá khi nhận được những lời góp ý và nhận xét tiêu cực. Đồng thời luôn nhạy cảm quá mức và đôi khi xấu hổ, đau khổ trước thất bại của bản thân.
- Người mắc hội chứng yêu bản thân quá mức thường chỉ tập trung vào bản thân, tính cách ích kỷ và không có sự đồng cảm với những người xung quanh. Cùn mòn cảm xúc, thiếu sự chia sẻ và có xu hướng phớt lờ cảm xúc của người khác.
- Bệnh nhân thường theo đuổi những mục tiêu ích kỷ và có thể lợi dụng người khác để đạt được điều mình mong muốn.
- Người bị bệnh ái kỷ thường yêu bản thân một cách quá mức. Họ luôn tỏ ra kiêu căng, tự cao tự đại vì có niềm tin mãnh liệt bản thân có ngoại hình và năng lực vượt xa những người khác.
- Thường coi trọng ngoại hình và biết cách chăm sóc bản thân. Do đó, mọi người thường bị thu hút bởi người bị ái kỷ từ những lần đầu gặp mặt. Tuy nhiên, tính cách hời hợt, ích kỷ và phô trương bản thân khiến bệnh nhân khó có thể duy trì mối quan hệ lâu dài.
Yêu bản thân quá mức là triệu chứng rõ rệt của bệnh ái kỷ. Tuy nhiên, biểu hiện này chưa đủ để đưa ra chẩn đoán. Bản thân người bị ái kỷ sẽ không bao giờ nhận ra sự bất thường của chính mình. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sẽ phụ thuộc vào những người xung quanh.
Cần làm gì khi mắc hội chứng yêu bản thân quá mức?
Hội chứng yêu bản thân quá mức gây ra nhiều ảnh hưởng đối với phương diện xã hội (các mối quan hệ, công việc, học tập,…). Ngoài ra, cảm xúc cùn mòn, tâm lý thiếu ổn định và nhạy cảm quá mức với thất bại của bản thân cũng khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý khác.
Khi những người xung quanh phản ánh về việc bạn đang yêu bản thân quá mức, hãy lắng nghe lời khuyên để phát hiện kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn. Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn vượt qua bệnh ái kỷ:
1. Thăm khám và điều trị
Thăm khám sớm sẽ mang lại hiệu quả cao khi điều trị hội chứng yêu bản thân quá mức. Hiện tại, hội chứng này đã được công nhận là bệnh tâm lý chính thức và có đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán và phác đồ điều trị.
Hội chứng yêu bản thân quá mức sẽ thuyên giảm rõ rệt sau khi sử dụng thuốc và can thiệp tâm lý trị liệu. Vì căn nguyên không rõ ràng nên tỷ lệ điều trị dứt điểm bệnh là không cao. Tuy nhiên, nếu tích cực điều trị, bệnh nhân sẽ nhận được những cải thiện rõ rệt như:
- Giảm các hoang tưởng về năng lực, ngoại hình và vai trò của bản thân. Từ đó hình thành cách nhìn nhận đúng đắn về bản thân và những người xung quanh.
- Học cách chấp nhận những lời góp ý và nhận xét với thái độ ôn hòa, học hỏi.
- Bệnh nhân giảm sự nhạy cảm khi đối mặt với thất bại và không quá chú trọng về ngoại hình như trước.
- Giải tỏa những cảm xúc tiêu cực do bệnh ái kỷ gây ra như căng thẳng, đau khổ, cáu kỉnh, bực tức, đôi khi là trầm cảm hoặc hưng cảm.
- Ngăn chặn các hành vi thiếu suy nghĩ như chi tiêu không tính toán, đánh bài bạc, đua xe, quan hệ tình dục phóng túng,…
- Nuôi dưỡng sự đồng cảm và thấu hiểu. Đồng thời trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập và xử lý những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.
2. Học cách đồng cảm
Người yêu bản thân quá mức thường phớt lờ cảm xúc của người khác và không biết đồng cảm. Họ chỉ tập trung vào cảm xúc của bản thân mà không có bất cứ sự quan tâm nào đến mọi người. Với tính cách này, những người mắc bệnh ái kỷ sẽ đánh mất các mối quan hệ thân thiết.
Theo các chuyên gia tâm lý, cuộc sống của người mắc bệnh lý này sẽ xuống dốc rõ rệt trước năm 30 tuổi. Họ sẽ đánh mất bạn bè, người thân, nguy cơ thất nghiệp cao do tính cách kiêu ngạo và thiếu tính tập thể.
Để vượt qua hội chứng yêu bản thân quá mức, bệnh nhân cần phải học cách đồng cảm với những người xung quanh. Trên thực tế, không có phương pháp y tế nào có thể giúp bệnh nhân đồng cảm và thấu hiểu. Để nuôi dưỡng sự đồng cảm, gia đình cần phải xây dựng môi trường lành mạnh, thể hiện sự chia sẻ và đồng cảm một cách thường xuyên. Như vậy, người bệnh mới có thể thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực.
Bản thân người mắc hội chứng yêu bản thân quá mức cũng nên chủ động học cách thấu hiểu và đồng cảm. Thông thường, bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý đồng thời để ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân. Sự thấu hiểu và đồng cảm cần thời gian nuôi dưỡng. Ngoài môi trường gia đình, bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động xã hội để tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
3. Giảm bớt tương tác trên mạng xã hội
Sự bùng nổ của mạng xã hội được xem là yếu tố gia tăng tỷ lệ người mắc chứng yêu bản thân quá mức. Trên mạng xã hội, mọi người đăng những bức ảnh hào nhoáng. Điều này vô tình biến nơi đây trở thành nơi khoe khoang cuộc sống giàu sang và những thành công trong cuộc sống.
Người mắc bệnh ái kỷ rất coi trọng mạng xã hội vì các nền tảng này được xem là “bộ mặt thứ hai” của bản thân. Họ có thể đong đếm số lượt thích, đọc tất cả bình luận để xem mọi người nghĩ gì về mình. Sự phù phiếm của mạng xã hội khiến không ít người hoang tưởng về năng lực và ngoại hình của bản thân.
Hạn chế tối đa các tương tác không cần thiết trên mạng xã hội sẽ giúp bệnh nhân ít quan tâm hơn đến ngoại hình và những thứ phù phiếm. Hơn nữa, giảm thời gian cho mạng xã hội cũng sẽ giúp người bệnh có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội.
Bản thân người mắc chứng ái kỷ khó có thể thay đổi tính cách. Vì vậy, gia đình cần hỗ trợ để bệnh nhân từ bỏ các đặc điểm tính cách tiêu cực, cứng nhắc và không phù hợp.
4. Đối mặt với thất bại
Người mắc bệnh ái kỷ thường nhạy cảm quá mức với thất bại. Khi gặp phải thất bại, không ai tránh khỏi phản ứng buồn bã, thất vọng và bi quan. Tuy nhiên, những người mắc chứng bệnh này thường rất nhạy cảm, họ đau khổ cùng cực và không chấp nhận thực tế.
Để đối mặt với thất bại, người mắc chứng ái kỷ cần tham gia trị liệu. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên khuyên nhủ để bệnh nhân hiểu rằng bất cứ ai cũng đều phải trải qua thất bại dù muốn hay không. Kinh nghiệm từ những thất bại trước sẽ giúp họ thận trọng hơn cho những kế hoạch trong tương lai.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của mạng xã hội có thể gây ra “đại dịch ái kỷ”. Người trẻ hiện nay thường chiều chuộng bản thân quá mức, ảo tưởng về khả năng của chính mình, thích đòi hỏi và không đủ dũng cảm để nhận ra sai lầm. Để thay đổi những điều này, cần sự hỗ trợ tích cực của gia đình và xã hội.
5. Giảm căng thẳng trong cuộc sống
Người bị bệnh ái kỷ thường phải đối mặt với căng thẳng do những phiền toái trong cuộc sống. Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần được hướng dẫn các biện pháp giảm căng thẳng như ngồi thiền, tập thái cực quyền, yoga,…
Bên cạnh đó, môi trường sống lành mạnh, ôn hòa cũng giúp giảm tối đa căng thẳng cho bệnh nhân. Hạn chế stress sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh thay đổi những tính cách và hành vi không phù hợp.
Yêu bản thân quá mức là biểu hiện của chứng bệnh ái kỷ hay rối loạn nhân cách ái kỷ. Bản thân người mắc chứng bệnh này đa phần đều không nhận ra sự bất thường của bản thân và thường phủ nhận bệnh. Do đó, việc phát hiện và điều trị kip thời phụ thuộc phần lớn vào gia đình.
Có thể bạn quan tâm
- 10 Bệnh tâm lý thường dễ nhầm lẫn là tính cách
- Cười Nhiều Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì?
- Hội Chứng Sợ Kết Hôn (Gamophobia): Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!