Cười nhiều có bị gì không? Có phải dấu hiệu tâm thần?
Cười nhiều và cười không kiểm soát có thể là triệu chứng của một số rối loạn tâm thần. Tham khảo bài viết để được giải đáp thắc mắc cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Nự cười bắt nguồn từ những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, bất ngờ và mãn nguyện. Tuy nhiên, cười một mình, cười nhiều, cười không thể kiểm soát là những biểu hiện bất thường cần lưu ý.
Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì chắc chắn là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Theo các chuyên gia tâm lý, cười nhiều là triệu chứng thường gặp ở một số bệnh tâm lý, thần kinh sau:
1. Hội chứng Angelman
Hội chứng Angelman hay hội chứng thiên thần là một rối loạn di truyền liên quan đến bất thường cấu trúc của nhiễm sắc thể số 15.
Trẻ mắc hội chứng này có khiếm khuyết về hệ thần kinh nên gặp phải rất nhiều vấn đề như chậm phát triển, động kinh, tính cách vui vẻ, dễ kích động và cười không tự chủ.
Nếu nhận thấy trẻ cười nhiều không thể kiểm soát, bố mẹ nên xem xét về khả năng này. Đặc biệt là khi gia đình có tiền sử mắc hội chứng Angelman.
Trẻ mắc hội chứng thiên thần thường có ngoại hình khác với những trẻ khỏe mạnh. Chẳng như như phần đầu sau phẳng, kích thước đầu nhỏ, mắt, da và tóc có màu nhạt hơn bình thường.
Khuôn miệng thường rộng, trẻ có tật đẩy lưỡi và hay lè lưỡi ra ngoài. Một số trẻ có thể bị béo phì, vẹo cột sống và dáng đi không tự nhiên.
Hội chứng Angelman là bệnh di truyền rất hiếm với tỷ lệ chỉ khoảng 1/12.000 – 20.000 nên ít được quan tâm. Do đó, nhiều trường hợp không được đưa đi can thiệp sớm.
Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện cười nhiều, cười không tự chủ trong thời gian dài, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
2. Biểu hiện của bệnh động kinh thể cười
Động kinh đặc trưng bởi tình trạng co giật không kiểm soát. Ngoài ra, chứng bệnh này còn được chia thành nhiều thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, trong đó động kinh thể cười là thể bệnh ít gặp.
Động kinh thể cười phổ biến ở bé trai. Bệnh khởi phát sớm, đa phần đều xuất hiện trước năm 4 tuổi. Trẻ mắc chứng bệnh này thường cười nhiều, cười liên tục ngay cả khi không có lý do để cười.
Trẻ cười lớn liên tục trong khoảng một phút, sau đó dừng lại đột ngột. Sau đó, những cơn động kinh xuất hiện cùng với các biểu hiện bất thường như bồn chồn, chép môi, lầm bầm, chép môi,…
Về lâu dài, trẻ có thể bị co giật toàn thể với tần suất khoảng 5 cơn/ ngày. Bệnh động kinh thể cười có thể nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không được chữa trị sớm.
Chứng bệnh này thường có liên quan đến u não chèn ép lên vùng dưới đồi. Nếu được phát hiện sớm, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u, từ đó có thể cải thiện tình trạng động kinh cười.
3. Nhiễu loạn cảm xúc
Nhiễu loạn cảm xúc là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi tình trạng khóc, cười một cách đột ngột, cười không thể kiểm soát và không phù hợp với hoàn cảnh. Chứng bệnh này thường bị chẩn đoán nhầm với rối loạn cảm xúc.
Nguyên nhân gây nhiễu loạn cảm xúc là tổn thương thực thể ở hệ thần kinh trung ương. Tổn thương thần kinh ở người mắc chứng bệnh này thường có liên quan đến bệnh Parkinson, Alzheimer, đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương sọ não,…
Tình trạng khóc, cười một cách bất thường khiến người mắc chứng này trở nên mệt mỏi, bối rối, căng thẳng và đôi khi có thể phát triển thành trầm cảm.
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm chứng bệnh này. Tuy nhiên, các phương pháp như sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng.
4. Hội chứng trầm cảm cười
Hội chứng trầm cảm cười chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm thần chính thức. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc hội chứng này đang có xu hướng gia tăng.
Trầm cảm cười cũng đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, bi quan, tuyệt vọng, nhưng tất cả đều được che đậy bằng nụ cười và biểu cảm vui vẻ.
Người mắc hội chứng này luôn thể hiện sự vui vẻ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, không thuận lợi. Tuy nhiên ẩn sâu bên trong là sự đau khổ sâu sắc, dai dẳng, cảm giác bi quan và buồn bã.
Người bị hội chứng trầm cảm cười ý thức được sự bất thường của bản thân nhưng giấu giếm. Nếu chú ý, những người xung quanh có thể nhận thấy bệnh nhân cười nhiều một cách vô cớ, nụ cười kỳ lạ và khiên cưỡng.
Xem thêm: Nỗi đau của người trầm cảm và những điều đáng sợ ngoài tưởng tượng
Cần làm gì khi cười liên tục không thể kiểm soát?
Lợi ích của nụ cười có mối liên hệ mật thiết với động lực đằng sau nó. Tức là nụ cười chỉ giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng và phiền muộn khi xuất phát từ cảm giác hạnh phúc.
Trong khi đó, nụ cười khiên cưỡng hoặc xuất hiện một cách không kiểm soát đều không mang lại bất cứ lợi ích gì. Ngược lại, tình trạng này đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề tâm lý, thần kinh.
Ngay khi nhận thấy bản thân có biểu hiện cười nhiều, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, nên khuyến khích người thân, bạn bè thăm khám nếu họ có biểu hiện lạ.
Bác sĩ sẽ thực hiện đầy đủ các kỹ thuật chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân và can thiệp phương pháp điều trị phù hợp. Đa số các rối loạn tâm lý, thần kinh gây ra tình trạng cười nhiều bất thường đều được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.
Trên thực tế, một số rối loạn thần kinh gần như không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, can thiệp điều trị có thể kiểm soát đáng kể các triệu chứng, từ đó giúp bệnh nhân ổn định cuộc sống
Can thiệp sớm cũng giúp phòng tránh các biến chứng nặng nề. Với các bệnh mãn tính, quá trình điều trị cần sự nỗ lực, kiên trì của bệnh nhân và sự hỗ trợ từ gia đình.
Cười nhiều, cười không ngừng và không thể kiểm soát đều là vấn đề bất thường cần chú ý. Nếu tình trạng kéo dài, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp điều trị.
Mặc dù điều trị không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhưng phần nào có thể kiểm soát bệnh và giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là gì? Ảnh hưởng như thế nào?
- 8 Cách Giúp Bạn Vượt Qua Cảm Giác Bị Quê Trước Lớp
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Hay Khóc Một Mình Là Dấu Hiệu Bị Bệnh Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!