Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD)
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM bao gồm các hành vi, hành động bất thường trong giai đoạn ngủ. Người bệnh có thể la hét, nói chuyện, nghiến răng, có hành vi đấm, đá,…
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD) là gì?
Giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement) là một giai đoạn của chu kỳ ngủ. Nó thường xảy ra trong thời gian từ 1,5 đến 2 tiếng trong một giấc ngủ của đêm. Lúc này, hầu hết các cơ đều sẽ rơi vào trạng thái tê liệt tạm thời.
Tuy nhiên, chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD – REM Sleep Behavior Disorder) khiến hiện tượng liệt cơ không xuất hiện, hoặc không xảy ra hoàn toàn.
Người bệnh rơi vào tình trạng kích động về thể chất. Họ sẽ chủ động cử động tay chân, rời khỏi chỗ ngủ, và bắt đầu thực hiện các hành vi kỳ lạ.
Đôi lúc, người bệnh cũng có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc những người xung quanh. Đây là một trong những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.
Tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh có thể xuất hiện 1 hoặc nhiều giai đoạn REM (tối đa 4 lần trong đêm). Chúng có thể xuất hiện 1 lần trong tuần, hoặc có thể 1 lần trong tháng. Đôi lúc sẽ hiếm gặp hơn.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Hiện nay, vẫn chưa có bất kì nhận định hay thông tin chính xác nào về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng căn bệnh này có thể liên quan đến vấn đề thoái hóa thần kinh như bệnh teo đa hệ thống, bệnh Parkinson, hội chứng Shy-Drager, bệnh sa sút trí tuệ thể Lewwy.
Trên thực tế, rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường xuất hiện trước những căn bệnh về thoái hóa thần kinh khoảng vài năm. Theo một nghiên cứu, có khoảng 69% người mắc Parkinson và teo đa hệ thống có dấu hiệu bệnh.
Ngoài ra, có khoảng 45% các trường hợp bệnh có hành vi lạm dụng rượu bia, chất kích thích, hay các loại thuốc như:
- thuốc an thần
- thuốc chống trầm cảm ba vòng
- các loại thuốc chống trầm cảm khác như mirtazapine
- thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (fluoxetine, sertraline hoặc paroxet)
Một số trường hợp khác được chẩn đoán là vô căn, không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Biểu hiện của rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Các triệu chứng thường gặp ở những người bị RBD bao gồm:
- La hét
- Nói chuyện
- Chửi bới
- Hành động chân tay như đấm đá, cào cấu
- Mộng du, bước ra khỏi giường trong trạng thái đang ngủ
Các hành vi bạo lực, đe dọa sẽ tăng cao nếu giấc mơ mang tính bạo lực, đáng sợ. Sau khi tỉnh dậy, người bệnh có thể nhớ về giấc mơ của họ, nhưng không thể biết rõ được việc đã làm.
Nếu tình trạng này kéo dài, các vấn đề về cảm xúc, nhận thức của người bệnh cũng chịu ảnh hưởng. Người bệnh có thể trở nên lo lắng, thờ ơ, khó tập trung, giảm chức năng hoạt động,
Chẩn đoán rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh lý và các triệu chứng để tiến hành chẩn đoán. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ tiến hành một số đánh giá cận lâm sàng như sau:
- So sánh về tình trạng RBD đối với những dạng rối loạn giấc ngủ khác.
- Khai thác thông tin qua người ngủ cùng. Việc này giúp xác định những hành vi người bệnh thực hiện trong khi ngủ.
- Thực hiện một nghiên cứu qua đêm tại phòng ngủ thí nghiệm. Trong quá trình này, bạn được theo dõi phổi, tim, não, những cử động tay chân, mẫu thở, mức oxi trong máu khi ngủ say. Thông thường, các chuyên gia sẽ gắng camera để quay lại hành vi trong chu kỳ giấc ngủ REM.
Một số tiêu chí chẩn đoán rối loạn hành vi giấc ngủ REM:
- Hành động, hành vi kích động lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ.
- Nhớ được những giấc mơ liên quan đến những âm thanh, chuyển động đã thực hiện.
- Tỉnh táo, không mất phương hướng và không bối rối khi vô tình tỉnh dậy giữa giấc mơ
- Cơ bắp tăng cường hoạt động trong khi giấc ngủ REM
- Tình trạng này không xuất phát từ các yếu tố kích thích bên ngoài (rượu bia, chất kích thích, rối loạn tâm thần)
Điều trị rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM hoàn toàn có thể điều trị thành công. Thông thường, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp sử dụng thuốc, và hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh thói quen ngủ.
1. Điều chỉnh thói quen ngủ
Một trong những cách cải thiện tốt tình trạng bệnh là điều chỉnh thói quen ngủ. Người bệnh cần ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày để tránh tình trạng thiếu ngủ.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên thay đổi môi trường ngủ để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh.
- Nên đặt đệm sàn gần với giường ngủ
- Cân nhắc về việc đặt các tấm lót đệm.
- Đặt hàng rào hoặc các vật cản lớn bên cạnh giường để hạn chế tình trạng đi lại.
- Sắp xếp đồ đạc trong phòng một cách gọn gàng và ngăn nắp.
- Loại bỏ những đồ dùng sắc nhọn, nguy hiểm ra khỏi phòng ngủ.
- Đảm bảo cửa sổ phòng luôn khóa an toàn trước khi ngủ.
- Nếu có thể bạn nên lựa chỗ ngủ ở tầng trệt.
- Nên ngủ cách ly với mọi người đến khi triệu chứng thuyên giảm.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Việc sử dụng clonazepam với liều lượng thấp giúp khoảng 90% người bệnh cải thiện triệu chứng. Thuốc giúp hạn chế hoạt động của các cơ, và giúp cho cơ thể được thư giãn, thả lỏng trong lúc ngủ.
Nếu clonazepam không mang đến hiệu quả khả quan, các bác sĩ có thể cân nhắc để áp dụng những loại thuốc chống trầm cảm. Thuốc giúp xoa dịu các hành động bạo lực, kích động của bệnh nhân trong lúc ngủ.
Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn dáng đi, sa sút trí tuệ, ngưng thở khi ngủ do sự tắc nghẽn nên hết sức cẩn thận khi áp dụng phương pháp sử dụng thuốc clonazepam.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tuyệt đối không được tự ý tăng giảm liều dụng để hạn chế các hậu quả nghiêm trọng.
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương người bệnh và những người xung quanh. Do đó bạn nên nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia khi có dấu hiệu bệnh
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc điều trị khó ngủ – mất ngủ và những thông tin cần biết
- Tổng quan về hội chứng giấc ngủ kinh hoàng (hoảng sợ khi ngủ)
- Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ và cách chữa trị an toàn
- Hội Chứng Sợ Hãi Khi Đi Ngủ: Nguyên Nhân Và Cách Vượt Qua
Khám rối loạn hành vi giac ngủ rem ở đâu điều trị tốt nhất ạ