10 Bệnh Tâm Lý Thường Dễ Nhầm Lẫn Là Tính Cách
Trên thực tế, có khá nhiều bệnh tâm lý dễ bị nhầm lẫn là tính cách. Sự nhầm lẫn này khiến bệnh nhân không được phát hiện sớm và chậm trễ trong việc điều trị. Kết quả là chất lượng cuộc sống sụt giảm, người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ.
10 Bệnh tâm lý dễ bị nhầm lẫn là tính cách
Tâm lý của con người vô cùng phức tạp. Ngoài những đặc điểm tâm lý chung, một số người có thể phát triển tâm lý khác biệt do tác động của môi trường sống, cách giáo dục và trải nghiệm trong quá khứ.
Với các rối loạn tâm thần, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự bất thường trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh tâm lý không thực sự có triệu chứng rõ ràng và biểu hiện của bệnh dễ bị nhầm lẫn là đặc điểm tính cách.
Các vấn đề tâm lý dù ở mức độ nào cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là điều vô cùng cần thiết. Nếu chủ quan, các bệnh tâm lý có thể phát triển nghiêm trọng theo thời gian gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Dưới đây là 10 bệnh tâm lý dễ bị nhầm lẫn là tính cách đơn thuần:
1. Rối loạn nhân cách hoang tưởng và tính đa nghi
Rối loạn nhân cách hoang tưởng là một dạng trong những rối loạn nhân cách tương đối phổ biến. Dạng này được xếp vào nhóm A của rối loạn nhân cách (tức là các dạng nhân cách có chung đặc điểm là suy nghĩ và hành vi kỳ lạ, lập dị).
Người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng thường trực sự nghi ngờ vô lý, dai dẳng về mọi thứ. Họ luôn cho rằng những người xung quanh có ý đồ xấu và muốn làm hại bản thân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng luôn tỏ ra ngờ vực về lòng chung thủy của bạn đời.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng dễ bị nhầm lẫn với tính cách đa nghi hoặc ghen tuông thái quá. Bởi bệnh nhân luôn có sự nghi ngờ ngay cả khi những người xung quanh cố gắng giải thích và đưa ra những bằng chứng xác thực. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này còn có cảm xúc không ổn định, hay thù hằn và đôi khi có các hành vi bạo lực, gây hấn.
Cách phân biệt rối loạn nhân cách hoang tưởng với tính cách đa nghi, ghen tuông qua các dấu hiệu sau:
- Bệnh nhân có sự nghi ngờ dai dẳng và sự nghi ngờ này không bắt nguồn từ thực tế mà hình thành một cách vô lý, viễn vông. Chẳng hạn như bệnh nhân nghi ngờ người khác có ý định làm hại bản thân nhưng cả hai hoàn toàn không có xích mích hay lời nói ác ý ngoài thực tế.
- Sự nghi ngờ của bệnh nhân không thể thay đổi cho dù được thuyết phục bằng lời lẽ và bằng chứng xác đáng.
- Không có thói quen chia sẻ với bất cứ ai vì lo sợ những người xung quanh sẽ nắm được điểm yếu của mình.
- Thận trọng quá mức, luôn dò xét và cảnh giác với tất cả mọi người.
- Đôi khi phản ứng thái quá với những lời nói bông đùa.
- Tính cách đa nghi cũng đặc trưng bởi sự nghi ngờ. Tuy nhiên, những người có tính cách này vẫn có thể đánh giá khách quan sự việc và hình thành sự nghi ngờ dựa trên thực tế. Khi được giải thích, họ có thể thay đổi hoặc giảm bớt sự nghi ngờ.
2. Rối loạn nhân cách phân liệt với tính vô cảm
Tính vô cảm đặc trưng bởi khả năng bộc lộ cảm xúc hạn hẹp, thiếu sự quan tâm và đồng cảm. Dạng tính cách này có nhiều điểm tương đồng với rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid personality disorder). Người có dạng nhân cách này thường có biểu cảm lạnh lùng, thờ ơ, biểu lộ cảm xúc nghèo nàn và thiếu sự quan tâm với những người xung quanh. Ngoài ra, họ có xu hướng sống cô lập và tách biệt với xã hội.
Một số dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách phân liệt:
- Khuôn mặt ít biểu cảm, phạm vi biểu lộ cảm xúc rất hạn chế
- Bệnh nhân gần như không thể hiện bất cứ cảm xúc nào ở cường độ cao như đau khổ tột độ, buồn bã, u uất, vui vẻ, hào hứng và lạc quan.
- Không có hứng thú và không quan tâm đến các hoạt động nhóm, xã hội.
- Ít khi quan tâm đến đời sống tình cảm và hầu như không có nhu cầu tình dục.
- Không có nhu cầu chia sẻ và cũng không có khả năng chia sẻ, thấu hiểu người khác.
Người bị rối loạn nhân cách phân liệt gần như không có bạn bè thân thiết hoặc chỉ có một số người bạn chơi thân từ khi còn nhỏ. Họ thường sống độc thân vì không có nhu cầu về tình cảm và tình dục.
3. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt và tính cách lập dị
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal personality disorder) dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách phân liệt. Người mắc chứng bệnh này cũng thiếu đi sự quan tâm, đồng cảm với mọi người và ít biểu lộ cảm xúc. Tuy nhiên, người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt có cách hành xử kì quái và lập dị hơn.
Tính cách lập dị được hiểu là những hành vi bất thường, không giống với phần đông dân số. Dạng tính cách này được thể hiện qua sở thích và phong cách khác thường. Trong khi đó, rối loạn nhân cách dạng phân liệt còn đi kèm với các triệu chứng tâm thần.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách dạng phân liệt:
- Biểu lộ cảm xúc kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh
- Sự lập dị, khác thường thể hiện qua lối sống, cách ăn mặc và lời nói. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có niềm tin kỳ lạ không phù hợp với văn hóa hay tôn giáo.
- Lãnh đạm, thờ ơ và đôi khi nghi ngờ những người xung quanh.
- Không thoải mái với các tình huống xã hội. Do đó, bệnh nhân thường sống khép kín, không giao du và gần như không có bạn bè.
- Cảm thấy cô đơn nhưng lại không biết cách kết giao với người khác.
- Có các triệu chứng khá giống với tâm thần phân liệt như cảm xúc nghèo nàn, đa nghi quá mức, hoang tưởng.
- Không có động lực và mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống nên thường sống nhàn rỗi, không lao động.
- Tâm trạng bất ổn, rất dễ trở nên hung hăng, cáu kỉnh và tức giận.
4. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội với tính thiếu trách nhiệm
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những rối loạn nhân cách khó điều trị. Người mắc chứng bệnh này thường có tiền sử bị rối loạn hành vi trong giai đoạn trẻ em và thanh thiếu niên.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội đặc trưng bởi hành vi coi thường luật pháp, quy chuẩn đạo đức và xã hội. Bệnh nhân thường có tính cách hung hăng, liều lĩnh, thường xuyên thực hiện hành vi thao túng và lừa dối với mục đích đạt được lợi ích cá nhân. Với dạng tính cách này, đa số bệnh nhân đều trở thành tội phạm và có lối sống không lành mạnh.
Những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường sống vô trách nhiệm. Bệnh nhân không có bất cứ sự đồng cảm hay tình yêu thương với con người hay con vật. Họ làm mọi thứ chỉ để thỏa mãn và đạt được mục đích cá nhân. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và gia đình mà còn đe dọa đến an sinh xã hội.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội:
- Có các hành vi coi thường luật pháp, những chuẩn mực đạo đức và xã hội.
- Thường xuyên có những hành vi lệch chuẩn như quấy rối người khác, ăn cắp, ăn trộm, phá hủy tài sản người khác, hành vi lừa đảo, bóc lột,…
- Một số bệnh nhân thực hiện hành vi thao túng để đạt được mục đích (thường là tình dục hoặc tiền bạc)
- Cách cư xử thiếu trách nhiệm, hoàn toàn không lo nghĩ cho sự an toàn của bản thân và những người xung quanh (kể cả con cái, bạn đời hay bố mẹ).
- Trong một mối quan hệ, bệnh nhân thường lạm dụng bạn đời, sau đó thực hiện hành vi ngoại tình, đập phá tài sản, tiêu tán tiền bạc, nghiện rượu, nghiện chất,…
- Hoàn toàn không có sự thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác
- Bệnh nhân bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có tính cách kiêu ngạo, tự tin thái quá, cứng nhắc và bướng bỉnh.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở nam giới với nguy cơ cao gấp 3 lần so với nữ giới. Các biểu hiện của bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với tính vô trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu xem xét những biểu hiện đi kèm, gia đình có thể phát hiện sớm để bệnh nhân được thăm khám và điều trị kịp thời.
5. Rối loạn nhân cách ái kỷ với tính ích kỷ
Rối loạn nhân cách ái kỷ dễ bị nhầm lẫn với tính ích kỷ. Người mắc chứng bệnh này yêu bản thân một cách thái quá, tính cách tự cao, luôn có nhu cầu được nịnh nọt, tâng bốc. Đồng thời thiếu sự đồng cảm và thấu hiểu với cảm xúc của người khác.
Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường có các hoang tưởng vĩ đại. Tức là người bệnh cho rằng bản thân có ngoại hình và năng lực nổi bật hơn những người khác. Họ tỏ ra kiêu căng, tự đại và cho rằng mọi người luôn ghen tị với những giá trị bản thân đang sở hữu.
Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân nên thường bị nhầm lẫn là có tính cách ích kỷ. Tuy nhiên, ngoài ích kỷ, người mắc chứng bệnh này còn có nhiều đặc điểm tính cách khác thường.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ái kỷ:
- Hoang tưởng về việc bản thân có năng lực và ngoại hình hơn người. Dành nhiều thời gian để tưởng tượng về những thành tựu to lớn mà bản thân đạt được. Khi nghĩ đến điều này, người bệnh thường chìm đắm trong sự thỏa mãn và vui sướng.
- Tính cách kiêu căng, ích kỷ, tự cao tự đại và luôn có những yêu cầu vô lý. Người mắc chứng bệnh này cho rằng bản thân là người đặc biệt nên những người xung quanh phải chấp nhận mọi lời đề nghị của mình.
- Luôn có nhu cầu được khen ngợi và ngưỡng mộ. Đồng thời luôn muốn trở thành trung tâm của mọi tình huống và là người nổi bật nhất.
- Phớt lờ cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Đa phần người mắc chứng bệnh này thường không quan tâm đến bất cứ ai mà chỉ để tâm đến lợi ích và giá trị của bản thân.
- Ưa thích nịnh nọt và phản ứng thái quá khi nghe được những lời nhận xét tiêu cực về bản thân.
Rối loạn nhân cách ái kỷ là một trong những dạng rối loạn nhân cách thường gặp nhưng khó phát hiện. Đa phần những người xung quanh bị nhầm lẫn bệnh lý này với tính cách ích kỷ và kiêu căng.
6. Rối loạn nhân cách kịch tính và tính cách thích được chú ý
Rối loạn nhân cách kịch tính đặc trưng bởi nhu cầu muốn được chú ý và biểu đạt cảm xúc một cách thái quá. Người mắc chứng bệnh thường cố ý ăn mặc và đi lại một cách quyến rũ để thu hút sự chú ý của người khác. Hành vi và cảm xúc của họ thường được bộc lộ một cách kịch tính, thái quá và có xu hướng phóng đại cảm xúc.
Vì luôn có nhu cầu được chú ý nên bệnh nhân rối loạn nhân cách kịch tính có thể bị nhầm lẫn với tính cách thích chú ý thông thường. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này còn đi kèm với một số đặc điểm tính cách bất thường khác.
Theo thống kê, bệnh nhân rối loạn nhân cách kịch tính dễ bị thao túng và trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục do tính ám thị cao. Do đó, gia đình cần phải chú ý để tránh nhầm lẫn bệnh tâm lý này với tính cách thích được chú ý thông thường.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách kịch tính:
- Điệu bộ, cảm xúc được thể hiện một cách kịch tính và phóng đại quá mức.
- Bệnh nhân thường tỏ ra náo nhiệt, có thể ăn mặc nổi bật và cố ý đi đứng một cách khoa trương để thu hút sự quan tâm của những người xung quanh.
- Thường có các hành vi quyến rũ người khác giới ngay từ lần đầu gặp mặt.
- Bận tâm quá mức về việc người khác suy nghĩ gì về mình.
- Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và môi trường xung quanh (tính dễ ám thị)
- Đôi khi quá tin tưởng vào người khác – nhất là những người có thẩm quyền. Vì vậy, người mắc chứng bệnh này dễ bị lợi dụng và thao túng.
- Bệnh nhân bị rối loạn nhân cách kịch tính luôn cho rằng mối quan hệ thân thiết hơn thực tế. Do đó, những người xung quanh có thể không thoải mái với cách hành xử và lời nói của họ.
- Rất dễ buồn chán và khao khát tìm những thứ mới mẻ chẳng hạn như luôn mở rộng các mối quan hệ, thay đổi công việc, nhà ở,…
7. Rối loạn nhân cách ranh giới và tính nhạy cảm
Rối loạn nhân cách ranh giới là dạng rối loạn nhân cách phổ biến nhất với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1.6% dân số. Người mắc chứng bệnh này thường nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ cá nhân, dao động cảm xúc quá lớn và tư duy trắng đen. Rất nhiều người nhầm lẫn rối loạn nhân cách ranh giới với tính cách nhạy cảm do nỗi sợ bị bỏ rơi và cô đơn.
Người mắc chứng bệnh này có biểu hiện không quá rõ rệt nên như các rối loạn nhân cách khác. Do đó, những người xung quanh có thể nhầm lẫn các triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới là đặc điểm tính cách. Nếu không được điều trị, bệnh lý này có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới:
- Có nỗi sợ dai dẳng, tột độ về việc bị bỏ rơi. Khi đối phương từ chối yêu cầu (dù là yêu cầu nhỏ), bệnh nhân sẽ trở nên tức giận hoặc hoảng loạn vì nỗi sợ sẽ bị bỏ rơi.
- Bệnh nhân nỗ lực níu kéo để không bị bỏ rơi trong một mối quan hệ. Nhiều người còn dùng hành vi tự sát để trói chặt đối phương.
- Bệnh nhân có tư duy trắng – đen (tức là tư duy rạch ròi giữa tốt – xấu). Họ có thể lý tưởng hóa một người nào đó khi người đó có những hành động quan tâm và chăm sóc tinh tế. Tuy nhiên, chỉ với một hành động rất nhỏ, họ có thể lên án và coi thường người đã từng được bản thân tâng bốc.
- Không thể kiểm soát sự tức giận của bản thân và thường mỉa mai, cay nghiệt với đối phương khi họ chủ động kết thúc mối quan hệ.
- Bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới có xu hướng hủy hoại bản thân. Họ thường từ bỏ công việc trong khi đang có cơ hội thăng tiến, bỏ học khi sắp tốt nghiệp hoặc có thể đề nghị chia tay khi mối quan hệ đang tốt đẹp.
- Bệnh nhân có các hành vi liều lĩnh, bốc đồng khá giống với hưng cảm như đua xe, đánh bài, quan hệ tình dục không an toàn, ăn uống vô độ, tiêu xài quá mức và sử dụng chất cấm.
- Một số bệnh nhân có thể bị rối loạn phân ly hoặc xuất hiện triệu chứng giống loạn thần.
Rối loạn nhân cách ranh giới là một trong những dạng rối loạn nhân cách đáp ứng tốt với điều trị. Nếu được điều trị đúng cách, tỷ lệ tái phát thường thấp. Tuy nhiên, bệnh lý này có nhiều đặc điểm giống với tính cách thông thường nên rất khó phát hiện.
8. Rối loạn nhân cách né tránh với tính tự ti, nhút nhát
Rối loạn nhân cách né tránh dễ bị nhầm lẫn với tính cách nhút nhát và thiếu tự tin. Dạng rối loạn nhân cách này đặc trưng bởi sự tự ti, mặc cảm và né tránh các tình huống xã hội có khả năng sẽ bị phê bình hoặc từ chối (ví dụ như tình huống nhờ vả người khác hoặc nêu lên ý kiến, quan điểm riêng,…).
Về bản chất, tính cách thiếu tự tin và nhút nhát là một trong những triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh. Tuy nhiên, không phải ai có tính cách nhút nhát cũng mắc phải bệnh lý này. Rối loạn nhân cách né tránh đặc trưng bởi sự né tránh dai dẳng các tình huống xã hội vì bệnh nhân lo sợ sẽ bị từ chối và chỉ trích/ phê bình.
Để có thể phân biệt rối loạn nhân cách né tránh với tính thiếu tự tin, nhút nhát, bạn đọc có thể dựa vào một số biểu hiện như sau:
- Né tránh nêu ra quan điểm hoặc ý kiến cá nhân vì lo sợ mọi người sẽ không đồng ý.
- Từ chối thăng chức vì sợ đồng nghiệp chỉ trích và nói xấu.
- Rất ngại bắt chuyện với người khác trừ khi bệnh nhân chắc chắn người đó sẽ đáp lại với phản ứng vui vẻ.
- Người mắc chứng bệnh này luôn cho rằng những người xung quanh đều rất nghiêm khắc.
- Bệnh nhân có xu hướng cô lập ở mức tương đối, ít giao tiếp và hầu như rất ít bạn bè.
- Tính cách nhút nhát, ít nói và thường rất ngại chia sẻ với người khác.
- Tỏ ra dè dặt trong các mối quan hệ vì lo sợ sẽ bị chỉ trích và chế giễu.
- Luôn cho rằng bản thân có năng lực kém, ngoại hình thiếu hấp dẫn so với những người xung quanh.
9. Rối loạn nhân cách phụ thuộc và tính cách phụ thuộc
Thông thường, những người được gia đình nuông chiều và chăm sóc thái quá sẽ dễ hình thành tính phụ thuộc. Tính cách này sẽ gây ra một số cản trở trong công việc, học tập cũng như cuộc sống. Rối loạn nhân cách phụ thuộc là bệnh tâm lý dễ bị nhầm lẫn là tính cách phụ thuộc đơn thuần.
Người mắc chứng bệnh này luôn có nhu cầu được người khác quan tâm và chăm sóc. Họ thường có hành vi đeo bám thái quá và chấp nhận phục tùng để được người khác chăm sóc. Người mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể bị lạm dụng, thao túng nhưng bản thân họ hoàn toàn không nhận ra.
Người có tính cách phụ thuộc thường dựa dẫm vào những người xung quanh. Tuy nhiên, họ không ngoan ngoãn phục tùng chỉ để được người khác chăm sóc. Trong khi đó, những người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc làm bất cứ mọi thứ để có ai đó ở bên cạnh hỗ trợ và săn sóc cho bản thân. Bởi bệnh nhân tin rằng, bản thân không có đủ năng lực để tự chăm sóc chính mình.
Cách nhận biết rối loạn nhân cách phụ thuộc:
- Cho rằng bản thân không thể tự chăm sóc nên luôn có nhu cầu được người khác chăm sóc và bảo vệ.
- Thường tham khảo lời khuyên của người khác trước khi đưa ra quyết định (kể cả những lựa chọn đơn giản). Bệnh nhân thường yêu cầu người khác bảo đảm trước khi đưa ra lựa chọn theo lời khuyên của họ.
- Thường bắt người khác phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của bản thân.
- Không bao giờ bày tỏ sự bất đồng với người khác vì lo sợ sẽ không nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ như trước.
- Sẵn sàng phục tùng một cách ngoan ngoãn để nhận được sự chăm sóc từ người khác.
- Khi một mối quan hệ kết thúc, họ sẽ tìm kiếm mối quan hệ mới vì bệnh nhân cho rằng bản thân không thể tự chăm sóc.
- Rất sợ phải tự chăm sóc cho bản thân và thường thiếu tự tin, tự đánh giá thấp năng lực của chính mình.
10. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế với tính cầu toàn
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế là bệnh tâm lý dễ bị nhầm lẫn với tính cách cầu toàn. Người có tính cầu toàn luôn tìm kiếm sự hoàn hảo và nỗ lực hoàn thiện bản thân. Họ thường đặt ra những yêu cầu cao với bản thân và hướng đến cuộc sống hoàn hảo.
Trong khi đó, người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường có tính cách cứng nhắc, bướng bỉnh và thường quá quan tâm đến về trật tự (hoặc thứ tự). Người mắc chứng bệnh này cũng có tính cách cầu toàn và hướng đến chủ nghĩa hoàn hảo. Tuy nhiên, sự cầu toàn của bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có tính chất cực đoan hơn so với tính cách cầu toàn thông thường.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế:
- Bận tâm quá mức và dai dẳng về các chi tiết, quy tắc, danh sách,… Người bệnh thường kiểm tra rất nhiều lần để chắc chắn mọi thứ không có sai sót.
- Khi được giao nhiệm vụ, bệnh nhân thường lên kế hoạch chi tiết quá mức cần thiết. Điều này khiến người bệnh thường xuyên chậm trễ hoàn thành công việc.
- Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế dành nhiều thời gian cho công việc (không phải do gánh nặng tài chính) dẫn đến việc ít gặp gỡ bạn bè và hầu như không có thời gian cho các hoạt động giải trí.
- Tuân thủ các quy chuẩn đạo đức và xã hội một cách cứng nhắc. Bệnh nhân có xu hướng phê phán, khắt khe những đối tượng vi phạm pháp luật và các quy tắc xã hội.
- Tính cách cứng nhắc, bướng bỉnh và gần như không bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác.
- Luôn tiết kiệm tiền và chi tiêu rất hạn chế bởi bệnh nhân tin rằng tiền được sử dụng cho những tình huống bất trắc và thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
Nhìn chung, các rối loạn nhân cách dễ bị nhầm lẫn với đặc điểm tính cách. Bởi chứng bệnh này không có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là các rối loạn tâm lý và tâm thần. Do đó, triệu chứng của rối loạn nhân cách đa phần đều khá mờ nhạt. Nếu không chú ý, mọi người có thể nhầm lẫn các bệnh lý này với những tính cách thông thường.
Các bệnh tâm lý gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống – đặc biệt là hiệu suất lao động, học tập và các mối quan hệ. Do đó, bạn đọc nên trang bị kiến thức để có phát hiện bất thường trong tính cách của những người xung quanh. Điều này sẽ giúp cho bệnh nhân được thăm khám, điều trị sớm, qua đó thay đổi những tính cách không phù hợp và dễ dàng hơn trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Cười Nhiều Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì?
- Bài Test Kiểm Tra Bạn Có Mắc Chứng Sợ Giao Tiếp Xã Hội
- Nỗi Sợ Bị Chỉ Trích: Nguyên Nhân Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!