Thái nhân cách (Psychopathy): Biểu hiện và Cách điều trị
Thái nhân cách là một rối loạn tâm lý có nét tương đồng với rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tuy nhiên, thái nhân cách nguy hiểm và đáng sợ hơn, có thể bắt gặp ở một số tên tội phạm man rợ.
Thái nhân cách (Psychopathy) là gì?
Thái nhân cách, hay Psychopathy, là một rối loạn tâm lý phức tạp. Đây được xem là một dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội cực đoan với nhiều biểu hiện rất đặc trưng.
Thái nhân cách đặc trưng bởi sự thiếu hụt cảm xúc và thiếu khả năng đồng cảm. Người bệnh có thể hình thành suy nghĩ và hành vi lệch lạc, chống đối xã hội. Ngoài ra, họ còn thích thao túng và kiểm soát người khác.
Người thái nhân cách cũng thể hiện sự tàn nhẫn và cực đoan trong suy nghĩ và hành vi. Psychopathy là một rối loạn tâm thần có thể thấy ở những tên tội phạm xảo quyệt và nguy hiểm.
Tuy nhiên, không phải ai có đặc điểm của psychopathy đều là tội phạm. Người thái nhân cách có sự tự tin và khả năng thuyết phục, do đó họ có thể thành công trong kinh doanh, giải trí, hay chính trị.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh psychopathy khá thấp, chỉ khoảng 1% đến 2%. Tuy nhiên, tỷ lệ này cao hơn đáng kể trong một số nhóm người cụ thể, ví dụ như tội phạm.
Thái nhân cách có thể ảnh hưởng đến người bệnh và cả xã hội. Ở cấp độ cá nhân, người bệnh rất khó hóa nhập nên họ thường hành động một mình. Họ cũng khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh.
Ở cấp độ xã hội, một số người thái nhân cách nặng có thể phát triển hành vi và suy nghĩ nguy hiểm. Họ có thể đánh người, giết người, trộm cắp cướp của,…
Nguyên nhân gây ra thái nhân cách
Thái nhân cách được cho là sự kết hợp của nhiều yếu tố tác động. Tình trạng này liên quan đến cả yếu tố sinh học và môi trường, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy, gen di truyền và psychopathy có sự liên quan nhất định. Thái nhân cách, cũng như nhiều rối loạn tâm thần khác, có nguy cơ cao kích phát giữa những người cùng huyết thống.
- Rối loạn hoạt động não: Các nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng, người mắc psychopathy có sự khác biệt trong cấu trúc và chức năng của não. Sự khác biệt này nằm ở các vùng liên quan đến cảm xúc và kiểm soát hành vi.
- Môi trường sinh hoạt: Suy nghĩ lệch lạc của người bệnh có thể chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống. Trẻ sống trong môi trường bạo lực, thiếu tình thương, hoặc bị giáo dục tư tưởng sai lệch có thể phát triển các đặc điểm của psychopathy.
- Sang chấn tâm lý: Trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu, ví dụ như bị bắt cóc, bị bạo hành và lạm dụng đều khiến trẻ sinh ra suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Đây là yếu tố dễ kích phát thái nhân cách.
Thông thường, không có một nguyên nhân đơn lẻ nào có thể giải thích hoàn toàn sự phát triển của psychopathy. Thay vào đó, nó thường là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố.
Những biểu hiện của kẻ thái nhân cách
Những biểu hiện thái nhân cách có thể thay đổi về mức độ và biểu hiện theo từng cá nhân. Nhưng nhìn chung, người bệnh thường có những biểu hiện đặc trưng sau:
- Thiếu sự đồng cảm, gặp khó khăn trong việc cảm nhận và hiểu cảm xúc của người khác
- Thờ ơ với cảm xúc của những người xung quanh, chỉ quan tâm đến bản thân
- Không có lòng trung thành, dễ phản bội
- Có nhiều suy nghĩ phi lý, không phù hợp với thực tế
- Không có cảm giác tội lỗi hoặc hối tiếc sau khi hành động sai trái.
- Thường xuyên biện minh cho hành vi sai trái của mình.
- Không chịu trách nhiệm cho hậu quả mình gây ra
- Sử dụng sự dối trá và lừa lọc để đạt được mục đích, hoặc kiểm soát người khác.
- Có suy nghĩ tự cao tự đại, nghĩ bản thân giỏi và cao quý hơn mọi người
- Thường vi phạm các quy tắc và chuẩn mực xã hội, không tuân theo luật pháp.
- Ích kỷ và thiếu trách nhiệm, chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân
- Có hành vi hung hăng, kích động không rõ nguyên do.
- Không thể duy trì mối quan hệ lâu dài.
- Có xu hướng tham gia vào các hành vi mạo hiểm và tìm kiếm kích thích.
- Có lòng tự tin mạnh mẽ, có khả năng thuyết trình và thuyết phục
Cần lưu ý là không phải tất cả những người có đặc điểm trên đều mắc chứng thái nhân cách. Đây chỉ là những đặc điểm thường thấy ở người bệnh.
Ảnh hưởng của thái nhân cách đến người bệnh và xã hội
Thái nhân cách có ảnh hưởng nhất định đến người bệnh. Nhưng cần đính chính rằng, Psychopathy không phải lúc nào cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực.
1. Khía cạnh tích cực
Trên thực tế, nhiều người thái nhân cách đạt được thành tựu trong nhiều lĩnh vực. Họ có thể là những nhà khoa học lỗi lạc, hoặc doanh nhân thành đạt.
- Sự tự tin và quyết đoán: Một số người mắc Psychopathy thể hiện sự tự tin và quyết đoán tuyệt vời. Điều này giúp họ thành công trong lãnh vực như kinh doanh hoặc chính trị.
- Khả năng thích ứng và đối mặt: Họ thường không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hoặc áp lực. Họ cũng có thể thích ứng tốt với các tình huống khó khăn.
- Khả năng thuyết phục và lãnh đạo: Nhờ khả năng thao túng và thuyết phục, một số người có thể trở thành những nhà lãnh đạo hoặc nhân vật quyền lực
Số lượng người thái nhân cách trở thành tội phạm không nhiều. Đa phần đều là những trường hợp bệnh nghiêm trọng, phát hiện trễ và không được điều trị.
2. Khía cạnh tiêu cực
Người thái nhân cách thường đặt lợi ích của bản thân lên đầu. Họ ích kỷ, thiếu đồng cảm, và chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân. Do đó, người bệnh gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài.
Sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm, và không có khả năng hợp tác khiến họ gặp khó khăn trong công việc. Họ có thể có hành vi thao túng, lừa gạt người khác. Hậu quả là họ bị bắt giữ hoặc kết án.
Ngoài ra, người thái nhân cách có nguy cơ cao phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ví dụ như trầm cảm, rối loạn lo âu, ái kỷ, tâm thần phân liệt,…
Khía cạnh tiêu cực của thái nhân cách còn ở việc một số đối tượng có thể phát triển hành vi phạm tội. Hành vi lừa dối và gian lận có thể gây tổn thất kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc.
Ảnh hưởng của thái nhân cách rất đa dạng và phức tạp. Việc nhận diện và can thiệp sớm có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực. Chúng ta cũng có thể tận dụng khía cạnh tích cực của tính cách này.
Cách cải thiện chứng thái nhân cách
Chứng thái nhân cách có biểu hiện đa dạng và nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Do đó việc điều trị cần thời gian và phương phap phù hợp. Hiện nay, liệu pháp tâm lý, kết hợp với điều trị bằng thuốc và tự cải thiện cho thấy hiệu quả cao.
1. Điều trị tâm lý
Trọng tâm của việc điều trị thái nhân cách là các phương pháp liệu pháp tâm lý. Các chuyên gia tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản sẽ có những phương pháp phù hợp giúp người bệnh cải thiện tình trạng.
Chuyên gia thường sẽ kết hợp nhiều liệu pháp để nâng cao hiệu quả điều trị. Trong đó, liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) là thường được áp dụng nhờ mang đến hiệu quả tốt.
CBT giúp người bệnh nhận thức, sai đó thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Người bệnh được hướng dẫn cách phân tích hành vi và suy nghĩ của mình, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột.
Liệu pháp hành vi – nhận thức cũng tập trung vào phát triển khả năng đồng cảm. Hiểu và cảm thông với người khác là điều rất quan trọng trong cải thiện thái nhân cách.
Liệu pháp nhóm cũng là một liệu pháp có ích. Liệu pháp nhóm cung cấp một môi trường an toàn để người bệnh học cách tương tác xã hội lành mạnh hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc là biện pháp hỗ trợ nhằm giải quyết các triệu chứng liên quan như rối loạn tâm thần, hoặc hành vi cực đoan.
- Thuốc chống trầm cảm: Sử dụng trong trường hợp người bệnh có triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Thuốc có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý
- Thuốc chống loạn thần: Dùng cho những trường hợp có biểu hiện hành vi cực đoan, bất ổn về tâm lý.
- Một số thuốc giúp ổn định tâm trạng: Dùng trong trường hợp có biểu hiện bốc đồng hoặc kiểm soát cảm xúc kém.
Các loại thuốc này cần được bác sĩ kê đơn và theo dõi chặt chẽ. Người bệnh không tự ý mua thuốc về uống, thay đổi liều lượng thuốc, hoặc dừng thuốc đột ngột mà chưa được phép.
Thuốc có thể gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm. Do đó trong quá trình uống thuốc, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Thái nhân cách không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm có thể hạ thấp ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra với người bệnh và những người xung quanh.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Rối Loạn Giải Thể Nhân Cách / Tri Giác Sai Thực Tại Là Gì?
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là gì? Nhận biết và hướng điều trị
- Rối Loạn Nhân Cách Dạng Đa Nghi Và Những Điều Cần Biết
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (hội chứng ái kỷ) là gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!